Người bình dân Việt
Tóm lại, người đang sống thì phải được sống trong một mái nhà. Và nếu phải chết, đã chết, tối thiểu phải có nấm mồ, ba tấc gởi thân. “Sanh vô gia cư, tử vô địa táng” là câu nói vừa ngụ ý mỉa mai, cay đắng vừa hàm nghĩa xót thương vô hạn cho những thân phận lây lất giữa dòng đời: sống không nơi nương tựa, chết không có tấc đất gởi thân. Suy ngẫm khái niệm sống nhà thác mồ trong mạch nguồn tư tưởng Việt Nam, văn hóa Việt Nam thì rõ thấy giá trị của một mái nhà đối với con người nó quan trọng đến ngần nào.
Thấy được giá trị của mái nhà, của gia đình, của mẹ cha, của nơi chôn nhau cắt rốn, của bà con ruột thịt… là cốt tủy, là máu xương gan ruột của mình, thế mà đã có, luôn có những người dám bỏ nhà mà đi, dám ra khỏi căn nhà mình đang ở, dám “xuất gia” thì quả thực đó là một thái độ sống dấn thân, một thái độ can đảm, một thái độ cương quyết…
Kinh nói: “Cát ái từ sở thân, xuất gia hoằng Phật đạo” chính là câu kinh ca ngợi tán thán thái độ sống ấy.
Dưới mái nhà êm ấm, có cha mẹ yêu thương, có ông bà che chở… đầy đủ cơm ăn, áo mặc, đủ đầy mọi phương tiện học tập, trau dồi tri thức, đủ cơ sở để làm giàu làm có… Bỗng một sớm mai kia chợt bừng tỉnh, thế gian mỏng manh vô thường… người dứt khoát từ bỏ tất cả mà đi, người phát tâm hướng tới chân trời cao rộng, tìm hạnh phúc an lạc giải thoát cho mình, cho đời… Quả thực, rõ ràng đó là thái độ của bậc đại trượng phu.
Chiêm nghiệm quá khứ, chúng ta thử làm người bình thường, lấy con mắt đời thường, rất thường để ngó Phật, nhìn Phật, nhìn Thái tử Tất-đạt-đa xưa của mình…
Cung vàng điện ngọc, bốn mùa tám tiết lạnh nóng không ảnh hưởng châu thân. Vợ đẹp con ngoan, phụ hoàng, kế mẫu rất mực âu lo nuông chiều đầy đủ… ngôi Đông cung Thái tử chờ đăng quang ngôi vị tối thượng của một quốc gia hùng cường thịnh trị…
Ngôi nhà Thái tử Tất-đạtđa đang ở yên lành ấy vậy mà Người dứt khoát bỏ ra đi. Bỏ ngôi nhà sơn son thiếp vàng ấy mà đi, bỏ ngôi nhà vợ đẹp con ngoan ấy mà đi. Bỏ ngôi nhà quyền lực uy nghi lẫm liệt ấy mà đi. Lịch sử cổ kim nhân loại từ huyền sử khẩu truyền đến thanh sử lụa tre ghi chép dường như duy nhất chỉ mới có một người, một con người của hai ngàn năm trước, đó là Thái tử Tất-đạt-đa. Đó là “tiền thân” đức Từ phụ Bổn sư Thích-ca Mâu-ni của chúng ta. Người đã quyết ra khỏi căn nhà thế tục; người đã quyết ra khỏi căn nhà phiền não dây mơ rễ má; người đã quyết ra khỏi căn nhà lửa đang thiêu đốt bốn loài ba cõi…
Nửa khuya hoàng cung trầm lắng, nửa khuya chăn êm nệm ấm… Người nhờ ngựa Kiền trắc với người hầu cận Xa-nặc thân tình, vượt thành mà đi, bỏ nhà mà đi. Đến bờ sông Ni-liên thì trút bỏ tất cả bụi trần, cắt tóc gửi về tạ ân Vương phụ, “chiếc thân vui với bạn yên hà”. Chiêm nghiệm bước chân Thái tử Tất-đạt đa năm xưa, đấng hiện trụ Bổn sư Thíchca Mâu-ni bây giờ; mặc nhiên chúng ta thấy tính kham nhẫn, quyết liệt trong từng bước chân của Người trên con đường dấn thân tìm đạo cả cứu độ muôn loài.
Quán niệm Đại lễ xuất gia đức Từ Phụ chính là quán niệm bước chân quyết liệt, bước chân dứt khoát, vượt ra căn nhà lửa phủ trùm mịt mùng ba cõi, quyết tìm ra ánh đạo vàng giải thoát niết-bàn cứu độ khắp cả bốn loài. Và ánh đạo vàng ấy đã ngàn năm tỏa rạng và vĩnh viễn muôn ngàn năm rạng tỏa giữa thế giới loài người, và muôn loài chúng sinh.