Trang chủ Diễn đàn Phật sự hôm nay Quy y tập thể

Quy y tập thể

115

“Bạch sư phụ, sao quy y như vậy, con cảm thấy khác hồi con quy y.”

Sư phụ từ bi dạy: “Do tang quyến thỉnh quý thầy quy y gieo duyên cho người quá cố con ơi! Để hy vọng người ra đi có duyên lành với Phật pháp mà đời sau khi vãng sanh vào bất cứ cõi nào, thì cũng được cuộc sống trí tuệ.”

Với cái tuổi vừa vào đời như tôi, nghe Sư phụ giảng dạy như thế thì cũng không có gì thắc mắc nữa và tôi lại nghĩ đó là một việc làm hay.

Nhưng trong khoảng thời gian gần đây, trên www.phattuvietnam.net tôi có thấy đưa tin tức về việc quy y thuyết giới cho cõi vô hình, tôi mới nghĩ lại chuyện mà Sư phụ đã dạy trước đây. Từ đó tôi có một vài suy nghĩ:

Tại sao chúng ta không quy y từ khi còn sáng suốt, minh mẫn để thọ nhận giới đức và tinh tấn tu tập, mà phải đợi đến khi hơi thở đã tắt mới tìm đến ánh quang minh của đức Phật. Lúc đó gần như quá ư là muộn màng.

Quy y là để thay đổi nội tâm ý nghĩ ở trong mỗi con người, từ tâm ý tốt đó sẽ dẫn đến hành vi ngôn ngữ tốt đẹp, thì không thể tạo nghiệp xấu mà xa vào đường dữ, và để đời này an lành, đời sau an lành, chứ không phải quy y tức thời chỉ để “chữa cháy”.

Giáo lý tam nghiệp trong Phật giáo rất chú trọng ở ý nghiệp, quy y giống như chất đề kháng để đề phòng các thói hư tật xấu, chứ không nên đợi tới khi lỡ tay rồi thì vào nhà tù, lúc này nhà tù chỉ là chỗ chứa những việc làm đã gây hậu quả. Thế thì lợi ích quy y đó, đứng trên góc độ này có tác dụng loại trừ hạt giống xấu, khi chưa gieo trồng.

Cũng như xưa kia, trên đường đi khất thực hay lúc thuyết pháp, những ai có nhân duyên quy y Tam bảo, thì đức Phật hoặc chư Tăng Ni quy y cho họ, đó là phương pháp gieo duyên rất gần gũi mà chúng ta thường thấy.

Và hiện nay, mỗi năm Phật giáo có rất nhiều ngày lễ hội lớn, những ngày này lượng người về chùa rất đông, thế thì tại sao chúng ta không tổ chức lễ quy y tập thể. Hoặc mùa hội Yên Tử, hội Chùa Hương, hội chùa Non Nước v.v… kéo dài nhiều thời gian, hiện tại chúng ta chưa có các phương pháp hay cách hướng dẫn cụ thể để mọi người quy y học Phật, nghe giáo lý, mà chỉ dừng lại ở các hoạt động để phục vụ hoạt động mà thôi.

Nếu như so với các tôn giáo khác, thì những lễ hội lớn như thế này là cơ hội tốt đẹp nhất để họ cải đạo. Mặc dù mỗi năm họ chỉ có vài ngày, nhưng họ trông ngóng chờ đợi, vạch ra kế hoạch, đường lối tuyên truyền, để lôi kéo tín đồ. Còn chúng ta thì hình như bỏ ngỏ.

Trong các ngày lễ như Phật đản, Phật thành đạo, thì các quận huyện, tỉnh thành, trung ương đều tổ chức Đại lễ, lúc này số lượng Phật tử và chưa phải là Phật tử tham gia rất nhiều, nếu giả sử chúng ta nhân cơ hội ấy để tổ chức thêm 30 phút nữa để quy y tập thể, để mọi người có duyên lành quy y Tam bảo, và ai đã quy y rồi thì một lần nữa kiểm thảo, củng cố niềm tin và truyền trao sức mạnh, sách tấn lẫn nhau để vượt qua phiền não. Trong niềm hân hoan thanh tịnh đó, thì thế giới lý tưởng an lạc hòa bình thịnh vượng đâu phải là xa.

Lúc này về phía Ban tổ chức sẽ mời thỉnh giới sư thì đã có sẵn, chư Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng ni đã hiện diện trong sự trang nghiêm thanh tịnh. Trong nhân duyên thù thắng đó, từ bi ban trải pháp nhũ, giống như truyền thống quán đảnh của Tây Tạng.

Về công tác chuẩn bị: chúng ta đăng tin tức hoạt động lên các trang web, kênh truyền hình Phật giáo, thông tin truyền tải nhanh và phổ biến, kèm theo mẫu phát nguyện quy y, để cho Phật tử tiện in ra và điền tên tuổi vào, hoặc khi tổ chức có thể in mẫu sẵn và hướng dẫn người đăng ký trực tiếp. Còn nơi tổ chức thì treo băng rôn, khẩu hiệu, có các cận sự nam nữ hướng dẫn cụ thể phù hợp cho buổi thọ giới.

Khi tổ chức buổi lễ, thì ban thư ký nhập vào văn bản vi tính để in ra, hoặc viết tay vào phái quy y (giấy chứng nhận Phật tử), xong buổi lễ thì phát trực tiếp, hoặc gửi theo địa chỉ về nhà cho Phật tử.

Về vấn đề đặt pháp danh sẽ như thế nào? Trong Kinh Pháp Hoa, Kinh Hoa Nghiêm v.v.. có vô lượng danh hiệu Phật và Bồ tát giống nhau, thế thì chúng ta có thể đặt chung một pháp danh, ví dụ cận sự nam thì pháp danh Trí Tuệ, cận sự nữ thì Từ Bi, hoặc tùy theo nét đặc thù riêng của lễ hội, giới đàn mà đặt pháp danh cho phù hợp, ví dụ như giới đàn Phước Huệ, thì nam đặt Phước Đức, nữ thì Huệ Hạnh v.v…

Sau khi tổ chức các buổi lễ như vậy, thì Phật tử sẽ có một hiệu ứng rất lớn, vì họ đã tuyên thệ trước cộng đồng, trước Tăng đoàn, và hai chúng hòa hợp, từ nay về sau nguyện không còn sát sanh, trộm cắp, tà dâm, v.v… Lúc này họ nhìn nhau bằng sự tự tin của chính mình và người khác. Những nụ cười an lạc đó, thật là khó có, rồi họ củng cố sự tu học qua lại và tuyên truyền ý nghĩa này, trở thành một phong trào trong xã hội.

(Về các đề mục chi tiết cụ thể, thì khi trực tiếp tổ chức với sự trí tuệ và từ bi của quý thầy cô và thiện hữu tri thức, sẽ uyển chuyển cho phù hợp với từng vùng miền và tập quán địa phương để đi đến viên mãn).