Chúng ta nhận thấy điều đó trong toàn thể sự sống, từ những sinh thể sơ đẳng nhất cho đến những sinh vật cao cấp nhất. Vì đề mục thảo luận này thường dẫn tới việc xác định nên hay không nên ăn thịt, chúng ta hãy đặt sự bàn bạc ấy trong phạm vi của vấn đề ăn thịt điều có thể làm cho vấn đề trở nên dễ hiểu hơn.
Chẳng hạn, người ta sẽ bảo. Tôi hiểu rằng một số Phật tử không ăn, không dọn thịt cá, là vì những lý do tâm linh, bởi lẽ việc ăn hay dọn [các thức ăn có] thịt [có] cá sẽ làm cho họ trở thành kẻ đồng lõa với việc giết hại. Thế còn việc ăn rau quả thì sao? Thực vật cũng có đời sống mà. Và nhất là trong những năm gần đây, chúng ta đã được nghe nói quá nhiều về việc cây cỏ cũng có cảm thức”.
Câu trả lời ở đây là sự tồn tại có nhiều cấp bậc. Cùng lúc chúng ta hiện hữu trên hai cấp độ. Một cấp độ, có thể được gọi theo thuật ngữ triết học, là “vô đều kiện” hay “tuyệt đối”. Ở cấp độ tuyệt đối này của sự sống, chúng ta không thể thực hiện bất kỳ một sự phân biệt nào giữa thấp và cao, giữa tốt hơn và xấu hơn. Ở đó, chúng ta không thể nói rằng việc lấy đi sinh mạng của một con bò là tệ hại hơn việc lấy đi sinh mạng của một cái cây hoặc việc cho đi một cái cây còn đỡ xấu xa hơn việc giết một con bò.
Đó là cấp độ của sự bình đẳng chân thật. Ở đó, cá lội tung tăng giữa những cảnh cây trong lúc chim bay dập dờn dưới đáy biển. Ở đó không có sự phán biệt. Ngược lại, ở cấp độ được gọi là “tương đối”, chúng ta mới thực hiện sự phân biệt; tại đây, có cả một giai tầng của những biến cố và giá trị. Một điều chắc chắn là ở cấp độ này, mạng sống của Einstein quý giá hơn mạng sống của một con chuột không biết đến bao nhiêu lần… Tương tự, việc giết một con bò phải được coi là đáng ghê tởm hơn việc ngắt một bông hoa.
Cách đây không lâu tôi có dịp nói chuyện với một người làm việc trong ngành kinh doanh thịt với tư cách một nhà phân phối, và câu chuyện của chúng tôi liên quan đến nội dung quyển sách của Upton Sinclair có tựa đề là Bãi chăn thả súc vật. Quyển sách xuất hiện trong thập niên 1920 và có kể về những sự kiện khủng khiếp liên quan đến súc vật bị giết hại trong những bãi chăn thả ấy. Vì người nói chuyện với tôi cũng đã đọc quyển sách này nên tôi hỏi ông ta. “Sự việc có được cải thiện chút nào không?”. Với gương mặt thể hiện một chút xấu hổ, ông ta trả lời, “Nói thật với ngài, tôi nghĩ rằng sự việc còn tệ hại hơn”.
Vậy là, trong lúc về nhiều phương diện có vẻ như ngày nay chúng ta mẫn cảm hơn trong vấn đề đối xử với súc vật, thực tế, nhận thức đó không hề thâm nhập vào cốt tủy của cuộc sống của chúng ta. Trên phương diện động lực nội tại của hoạt động con người mà nói, việc giết một con bò tệ hại hơn việc ngắt một cành hoa vì việc giết con bò đòi hỏi nhiều năng lượng và cố gắng hơn. Hệ thống thần kinh của con bò hiển nhiên phát triển hơn. Trên cái thang của sự phát triển ấy, chắc chắn việc lấy đi mạng sống của một con người lại còn tệ hại hơn việc giết một con bò rất nhiều.
Vậy thì, ở cấp độ tương đối chúng ta thực hiện sự phân biệt và chúng ta có một thang giá trị. Thế nhưng thực ra cùng lúc chúng ta sống ở cả hai cấp độ, tương đối và tuyệt đối. Chỉ có điều là phần lớn con người không hề có nhận thức về cấp độ tuyệt đối, và vì thế họ tin tưởng một cách đơn giản rằng mọi vật đều phải được nuôi sống bằng sinh mệnh của một thứ gì đó. Vậy là việc giết hại dường như không thể tránh khỏi vì sự tôn trọng đối với sự sống vẫn chưa được biết đến.
Vẫn còn một khía cạnh thứ yếu, đó là mọi sự còn tùy vào cách mà chúng ta lấy đi sinh mạng của sinh vật khác. Chính trạng thái tâm thức của chúng ta vào lúc chúng ta lấy đi sinh mạng của sinh vật khác quyết định rằng hành động đó có phải là một sự sai lầm về đạo đức hay tâm linh không. Việc giết súc vật, săn bắn thú rừng v.v… có thể được thực hiện trong trạng thái có chú tâm mà không hề có tư tưởng phân biệt giữa ta và ngoài ta, không hề có ý định, giết hại chỉ để giết hại mà thôi. Trong trường họ đó, hành động lấy đi sinh mạng của một sinh thể khác không phải là một vấn đề. Nếu một người buộc phải thực hiện việc giết hại vì để có thực phẩm hay vì vấn đề sức khỏe, chẳng hạn việc giết một thứ côn trùng gây bệnh, việc đó có thể được thực hiện với sự thương cảm và sự xin lỗi.
Trong những xã hội săn bắn-hái lượm truyền thống, có một cảm giác chân thực về việc xin lỗi, “Tao xin lỗi phải lấy mạng sống của mày vì tao cần thực phẩm . Hãy tha thứ cho tao!”. Đó cũng là một cách để chỉ ra sự đồng nhất của con người với cuộc sống. Hơn nữa, còn có một ý thức đặc trưng về trách nhiệm khủng khiếp gắn liền với bất kỳ hành động giết hại nào. Các nền văn hóa truyền thống biết rất rõ rằng toàn thể sự sống liên kết với nhau và thực sự có tính cách thiêng liêng. Và vì thế họ không săn bắt một cách khinh suất. Họ biết rằng việc giết hại là một hiểm họa tâm linh. Thế nhưng, những kẻ hoài nghi sẽ nói, “Có quá nhiều điều tốt được mang lại cho con vật, nó được xin lỗi cơ đấy!”. Câu nói đó thể hiện sự thiếu hiểu biết về cấp độ vô điều kiện, cấp độ tuyệt đối. Ở đó mọi sự đều liên kết với nhau; thiếu đi việc nhận ra rằng toàn thể sự sống, toàn thể những sự liên kết, đều ảo diệu, huyền bí và linh thiêng.
Các bạn sẽ thấy rằng, trong việc huấn luyện về Thiền, toàn thể vấn đề giết hại thường được đưa vào cuối cuộc huấn luyện vì đó là một vấn đề sâu xa cần được hiểu biết rốt ráo. Có một cấp độ của sự sống mà ở đó việc lấy đi bất kỳ một mạng sống nào trong bất kỳ một hoàn cảnh nào cũng mang lại cho bạn một cảm giác tội lỗi về mặt tinh thán. Thế rồi bạn tiến đến một cấp độ có tính toàn diện hơn, ở đó bạn có thể biện minh cho việc giết hại bằng một đều tốt hơn.
Chẳng hạn, nếu có một con chó điên chạy rông trong thành phố và có khả năng cắn một ai đó, hẳn là bạn sẽ bắn hạ con chó ấy. Nhưng đứng về mặt tâm linh mà nói, rất nhiều điều còn phụ thuộc vào việc bạn bắn hạ con chó điên ấy như thế nào. Nếu bạn giết con chó ấy với sự giận giữ, Đồ chó điên! Cho mày chết đi!”, hoặc với sự điên cuồng, sự sợ hãi hay sự bốc đồng… có thể bạn đã gây ra một vấn đề rồi đấy. Nhưng nếu việc giết con chó điên được thực hiện không phải vì sự ghét bỏ mà chỉ là một điều cần phải làm, có sự nhận biết trọn vẹn và có cả lòng thương xót đối với con vật, khi đó, hành động ấy trở nên một điều hoàn toàn khác. Đã có một sự chuyển hóa thật sự về điều phân biệt tương đối giữa người xạ thủ và con vật hoặc bất kỳ sinh thể nào bị tước đi mạng sống. Ngay cả khi ngắt một cành hoa, nếu bạn buộc phải nhổ một cành hoa, việc xin lỗi bằng cách nói với cành hoa ấy một cách chân thành, “Tôi chẳng hề có ý làm hại bạn” sẽ mang lại một hiệu quả tích cực, tinh tế. Một cõi của sự bình đẳng và của sự trị liệu đã mở ra.
Vậy là đối với người Phật tử, điều xấu ác chính là sự phân biệt và sự ghét bỏ đối với chính mình và đối với người khác. Người theo đạo Phật có mười giới điều phải giữ, tất cả đều dẫn xuất từ ý niệm về sự phân biệt và sự ghét bỏ ấy, đó là: không giết hại, không nói dối, không trộm cắp, không có những quan hệ tình dục bừa bãi, không sử dụng rượu và các loại thuốc làm cho đầu óc u mê đồng thời không khuyến dụ người khác sử dụng những thứ ấy, không tự đề cao mình mà lại nói xấu người khác, không vạch lỗi của người khác, không bủn xỉn trong việc giúp đỡ người khác về vật chất hay tinh thần, không trút sự giận dữ của mình, và không coi thường Tam bảo (nghĩa là Phật, giáo pháp của Phật và cộng đồng những người tự nguyện sống chung với nhau theo đúng giáo pháp của Phật; thường gọi là Phật, Pháp, và Tăng). Ngoài ra, người Phật tử còn có ba điều quyết tâm chung, đó là tránh làm những việc xấu ác, chuyên tâm làm những điều lành, và giải thoát mọi sinh thể có tình thức.
Không làm những điều xấu ác thực sự có ý nghĩa là đừng tự tách rời mình khỏi cuộc sống thường nhật của chính mình, khỏi cái thế giới đúng như nó đang phơi mở ra chung quanh ta. Sự tách rời có nghĩa là phủ nhận hay phủ định bản chất thật của chính chúng ta, mà chính là trong cái bản chất thật ấy mới tồn tại mọi sự thanh tịnh, mọi sự lương thiện, mọi đức tính. Chúng ta có lòng từ ái tự trong bản chất với tính cách là đặc điểm tâm linh của chúng ta ngay từ lúc chào đời. Chúng ta không cần phải góp nhặt những đức tính đó từ bên ngoài. Đạo Phật rao truyền rằng chúng ta vốn dĩ lương thiện, theo ý nghĩa là một sinh thể toàn bộ và trọn vẹn, không hề bị tách rời. Tránh những điều xấu ác có nghĩa là tránh thực hiện những việc làm cho chúng ta bị tách rời khỏi, bị xa lánh bởi, bị ghẻ lạnh bởi sự sống. Và thực hiện những điều lành có nghĩa là khẳng định bằng một đường lối xác quyết về sự thống nhất thiết yếu của mọi thực thể.
Mười giới đều của đạo Phật (như là không giết hại, không trộm cắp v.v…) được nêu ra từ cái nhìn của một Bậc Giác ngộ đã được nhận thức một cách trọn vẹn. Những giới điều đó là một sự biểu thị về đường lối mà một vị Phật sẽ hành động. Điều đó có nghĩa là một chúng sinh đã phát triển tâm thức đến mức độ cao tột như vậy sẽ không giết hại vì sẽ chẳng có gì để giết hại, chẳng hề có nhận thức nào về cái không phải là mình. Vả chăng, sự giận dữ, sự bạo hành, và các trạng thái tâm lý hành động xấu ác khác, đều nổi lên từ một cảm giác bất an, một cảm tưởng của sự bị tách rời, bị cô lập. Ngay cả những giới đều đỏ vốn là nguyên lý được phát biểu từ quan điểm của một vị Phật, chúng ta cũng hãy cố gắng hết sức để có thể theo được những giới điều ấy.
Bây giờ, câu hỏi phải được đặt ra là: “Có ai đó tấn công bạn, bạn phải làm gì? Phải chăng bạn có quyền tự bảo vệ? bạn có đánh trả hay không?”. Hoặc hãy đặt ra một vấn đe cho nó có tính cách nghiêm trọng hơn, “Giả sử có kẻ có ý định – hoặc đã – đánh đập con bạn một cách tàn nhẫn hoàn toàn không có lý do – bạn sẽ làm gì? Một người Phật tử muốn thành trong trường hợp đó sẽ làm gì? Điều rắc rối là người ta chỉ muốn một câu trả lời có hoặc không, một câu trả lời trắng ra trắng, đen ra đen. Chẳng hề có điều đó đâu. Thực ra, người ta chẳng bao giờ biết được mình có ý định làm điều gì. Tuy nhiên, là Phật tử, chúng ta còn có những giới điều nói trên như một thứ kim chỉ nam hành động.
Bạn có thể nghĩ rằng, nếu bạn đã bị đánh, bạn sẽ đánh trả. Bạn có cái quyền đó mà! Nhưng bạn có quyền thật không? Sự thừa nhận này là một loại ước định. Có một ghi nhận thú vị là ngay cả luật pháp cũng quy định rằng bạn không thể sử dụng một sức mạnh nhiều hơn mức cần thiết để đẩy lùi một cuộc tấn công. Nếu một người tát vào mặt bạn một cái tát mà bạn chụp lấy khẩu súng để bắn người đó thì rõ ràng hành động của bạn không thể được biện hộ bởi bất kỳ một bộ luật hợp pháp nào.
Một đứa trẻ có thể giẫm lên một con bọ hung một cách vô tâm. Nhận thức của đứa trẻ là sự sống của con bọ hung không quan trọng. Con bọ chỉ cản đường đứa trẻ, vậy mà đứa trẻ đã lấy đi mạng sống của con bọ. Chắc chắn đứa trẻ đó đã chứng kiến những người trưởng thành phản ứng với sự căm phẫn, bực bội hay sợ hãi đối với côn trùng… Điều đó thiết lập một loại ước định về sự phản ứng trong trường hợp căm phẫn, bực bội hay sợ hãi. Và như thế mà thói quen bạo hành được truyền từ thế hệ này qua thế hệ kia. Toàn thể cái ý niệm về vấn đề bạo hành, dù là thuộc phần kẻ tấn công hay phần người tự bảo vệ, đều phụ thuộc vào trạng thái tâm thần riêng của bạn. Ở một trình độ nào đó, bạn có thể phản ứng theo cách thức này; ở một trình độ phát triển hơn, bạn sẽ phản ứng theo lối khác.
Trong tập tự truyện của mình, Thánh Gandhi có kể lại sự thể khi ngài kiên trì ngồi vào chỗ dành cho người da trắng trên những chuyến xe buýt ở Nam Phi. Hậu quả là ngài bị đánh đập nhưng không bao giờ ngài đánh trả. Ngài chỉ tự bảo vệ mình, hệt như phản ứng của những người biểu tình bất bạo động ở Hoa Kỳ, luôn luôn nhẫn nại tiến bước. Việc chống trả thường chỉ kích thích sự bạo hành mãnh liệt hơn mà thôi.
Một sự quý trọng đối với sự sống mở rộng trong tâm trí chúng ta đến những sinh thể mà chúng ta xem là có hại như côn trùng hoặc hơn nữa, đến những kẻ bị coi là kẻ thù của chúng ta như những kẻ áp bức là điều được nâng đỡ và trau dồi thông qua việc thực hành ngồi thiền. Nuôi dưỡng công phu ngồi thiền và những thái độ phát triển từ công phu ấy, cộng đồng những người hành trì theo phương pháp của Phật giáo cung cấp một chốn nương thân cho những hành giả trước một nền văn hóa rộng lớn hơn chi khuyến khích sự gây gổ trong việc giải quyết những tranh cãi và mâu thuẫn. Bất kỳ người nào cũng đều có thể thực hành để trở nên chú tâm hơn và biết quý trọng hơn về sự thống nhất của sự sống. Ngay cả kiến thức để một phương pháp giải quyết như thế có thể xảy ra cũng là điều đáng quý. Cuối cùng thì nhu cầu đánh trả, mặc dù có vẻ hết sức tự nhiên, cũng chỉ xuất phát từ sự phân biệt và nỗi sợ hãi.
Khi toàn bộ sự sống thực sự được thấy là có chung một gốc rễ, có liên hệ chặt chẽ với nhau, có tỉnh chất thiêng liêng, khi ấy, ngay cả trong một nền văn hóa bạo lực những biện pháp đáp trả mới sẽ xuất hiện, và cuối cùng, cái chu kỳ bạo lực cổ lỗ sẽ phải chấm dứt.
Đại sư Philip Kapleau- Nguyễn Văn Nhật (dịch)
Năm 1965, Đại sư Philip Kapleau từ Nhật Bản trở về Hoa Kỳ và ngay năm sau, 1966, ông thiết lập Trung tâm Thực hành Thiền định Rochester ở New York. Ngay từ khi mới thành lập, Trung tâm này đã thu hút thiền sinh trên toàn thế giới đến thực hành thiền. Ngày nay, giáo lý và ảnh hưởng của Đại sư Philip Kapleau mở rộng khắp vùng Bắc Mỹ và một số nước ở Tây Âu. Thời thanh niên, Kapleau học luật rồi trở thành một phóng viên lấy tin ở các toà án tiểu bang và liên bang thuộc Connecticut, Hoa Kỳ. Năm 1945, ông được chỉ định lấy tin tại Toà án Quốc tế Quân sự ở Nuremberg, sau đó ông được gởi đến Tokyo để đưa tin về Toà án Tội nhân chiến tranh đang diễn ra tại đây. Đến Nhật, ông tiếp xúc với ngài D.T. Suzuki và điều đó đã thay đổi hẳn hướng đi của đời ông. Vào năm 1950, khi ngài Suzuki sang Mỹ giảng dạy về Phật giáo Nhật Bản ở Đại học Columbia, ông Kapleau, lúc ấy đã trở về Mỹ, có ghi tên học về triết học Phật giáo. Tuy nhiên, việc tiếp cận Phật giáo theo khảo hướng thuần tuý tri thức đã không làm ông thoả mãn. Năm 1953, ở tuổi 42, ông giải tán doanh nghiệp truyền thông của mình để trở lại Nhật với khao khát tìm được sự chứng ngộ. Ông đã trải qua mười ba năm thực hành miên mật về thiền định với nhiều vị thiền tăng danh tiếng Nhật Bản trước khi thụ giới với bổn sư là ngài Hakuin Yasutani và được ngài cho phép hoằng pháp vào năm 1965. Đại sư Philip Kapleau là tác giả của nhiều tác phải thiền học quan trọng. Quyển The Three Pillars of Zen (Bản dịch Việt ngữ của Như Hạnh: Tam Trụ Thiền) vẫn được giới học thuật Âu Mỹ coi là tài liệu nhập môn tiêu chuẩn về thực hành Thiền định. Đại sư Philip Kapleau thị tịch ngày 6 tháng 5 năm 2004 tại Thiền viện Rochester vì biến chứng của bệnh Parkinson hưởng thọ 92 tuổi. |