Quốc lễ Phật đản hiện diện như một sự kiện tô đậm cho tinh thần lịch sử, bao quát và nhìn nhận nó trong một diễn tiến không gian và thời gian đế thấy rằng đằng sau các nghi thức tôn giáo là tâm linh dân tộc, là khát vọng hòa bình, hướng thiện. Có những giá trị tinh thần cụ thể đã bị thời đại vượt qua hay lãng quên, nhưng tâm linh dân tộc và khát vọng hòa bình, hướng thiện luôn ẩn chứa tiềm tàng trong tâm hồn người Việt.
Thời Lý – Trần, Phật giáo là quốc giáo, nên những lễ hội Phật giáo đều có quy mô quốc gia và có tầm ảnh hưởng khu vực. Thông tin còn lại để chúng ta khẳng định lễ Phật đản là quốc lễ được đề cập trong Đại Việt sử ký toàn thư. Vào mùa thu tháng 9 năm Ất Dậu, Long Phù năm thứ 5 (1105), vua Lý Nhân Tông sai người “chữa lại chùa Diên Hựu đẹp hơn cũ, đào hồ Liên Hoa Đài, gọi là hồ Linh Chiểu. Ngoài hồ có hành lang chạm vẽ chạy chung quanh, ngoài hành lang lại đào hồ gọi là Bích Trì, đều bắc cầu vồng để đi qua. Trước sân chùa xây bảo tháp. Hàng tháng cứ ngày rằm, mồng một và mùa hạ, ngày mồng 8 tháng 4, vua xa giá ngự đến, đặt lễ cầu phúc, bày nghi thức tắm Phật, hàng năm lấy làm lệ thường”.
Tuy nhiên, trước đó, vào năm Nhâm Tý, Thần Vũ năm thứ 4 (1072), Đại Việt sử ký toàn thư cũng đề cập đến sự kiện “mùa hạ, tháng 4, ngày mồng 8, vua (Lý Thánh Tông) tham dự lễ tắm Phật”.
Văn bia tháp Sùng Thiện Diên Linh đã miêu tả rất chi tiết không khí lễ hội: “Nhà vua thân ngồi xe ngọc, đến mở tiệc chay. Hương hoa bày hình thức kỳ an, bồn chậu đặt lễ nghi tắm Phật. Trang sức tướng tinh thành cho năm chúng, hoặc hở vai tiến thoái nhịp nhàng; tạo đội ngũ thiên vương ở bốn phương, nâng khí cụ bồi hồi nhảy múa”, hay “Sai phụng thường chỉnh đốn kiệu xe, khiến phong bá quét sạch bụi bặm. Khói trầm đàn như mây toả khắp sơn khê, bóng cờ phướn như ráng phô đầy các ngả. Chuông trống vang ầm, khánh tiu rộn rã. Phía trước xe mây Tam bảo, đằng sau kiệu báu thánh hoàng. Dốc nghiêng xanh tía sáu cung, về hết trẻ già muôn nước. Điện hoa vắt ngang phía trước, chùa Phật mở rộng bên trong. Hội tăng ni trai khiết, diễn Giác Đế chân kinh.
Hoàng đế nghiêm trang, đọc kệ đoạn cúi đầu tạ lễ. Cung nga khép nép, nghe kinh xong dâng sữa múa ca. Thổi cơm chay trắng muốt, thết khách đói qua đường, phát tiền quý ùn ùn, cấp dân nghèo khắp chốn. U hiển đều về, thiên long cùng đến; đem lực công tối thượng, phúc đức vô lường, ca ngợi hoàng cương vững bền như trời đất. Cầu mong bảo vận vằng vặc như trăng sao; sớm sinh thái tử, nối mãi mệnh trời. Mong gốc ngành muôn thuở, cầu xã tắc muôn năm. Cỏ lướt nhiều phương, quỳ nghiêng muôn nước”.
Ở ngôi vị cao nhất, đích thân các vị vua chủ trì các cuộc lễ trọng cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Đó là “Lễ”, nguyên tắc căn bản trong đức tính của những người đứng đầu, bởi vận mệnh và cách hành xử của họ là vận mệnh và cách hành xử của cả dân tộc. Điều đó không phải là phấn sáp, hoa hòe điểm trang cho những bước đi của tham vọng quyền hành mà là tâm linh dân tộc, là “linh tại ngã” như một nhắc nhở thường trực với chính mình với muôn dân về những giá trị cao đẹp, chân chính, thiêng liêng. Thực hành trọng lễ là một hành vi dấn thân cao thượng (có thưởng phạt phân minh), nên thân tâm của người chủ lễ phải tương thông với trời đất và phải hợp với ước nguyện của nhân dân.
Khát vọng giang sơn muôn thuở trong các lễ hội Phật giáo dù có trải qua những vận mệnh thịnh suy, nhưng cũng đã tiếp nối những giá trị tinh thần dân tộc. Bởi những khả năng đổi thay, biến cải đã đánh thức những nhà lãnh đạo có trí tuệ chuẩn bị những hành trang văn hóa cần thiết để di chúc cho hậu thế trên những chặng đường của dân tộc mà phía trước còn đầy rẫy những thách thức, hiểm nguy.
Khi họ nắm những giá trị trong tay, cũng là lúc họ hiểu có nhiều những giá trị cụ thể của thời đại trước đó đã từng bị vượt qua, và hiện tại được suy nghiệm bởi những biến cố ngày mai, những giả định về chiến tranh ngoại xâm, nội loạn, thiên tai, dịch bệnh mà định luật vô thường luôn chỉ ra. Và rằng, những biến cố ấy có khả năng sẽ quét sạch sự phong phú, đa đạng, nhiệm màu trong bản sắc văn hóa tâm linh của dân tộc.
Từ nhận thức thực tế đó, lịch sử chúng ta vinh dự đón nhận nhiều những vị minh quân hiền triết, có khả năng khám phá đời sống nội tâm trong những hoàn cảnh vô cùng nghịch lý. Nghịch lý không phải là kết thúc mà là một mở ra và hướng đến trong những năng lực giác ngộ cao nhất. Chúng ta vinh hạnh vì có những vị vua Phật tử có thể bỏ ngai vàng như bỏ đôi giày rách, những vị vua có thể hiểu biết về sinh tử như lẽ thường để không khiếp nhược trước các thế lực ngoại bang, và hơn hết không đẩy những tham vọng quyền hành cá nhân vào vòng binh đao, hỗn loạn.
Vua Trần Nhân Tông sau khi rời bỏ ngai vàng đã chống gậy trúc đi khắp trong thôn ngoài làng khuyên dân thực hành 5 điều lành, 10 điều thiện. Đó là mạch chảy tâm linh mà trước đó vua Trần Thái Tông đã gắng sức khuyên mọi người cùng phát bồ đề tâm, để “đạo” và “tục” không còn cách biệt, để các giá trị không bị phân mảnh trước công cuộc chung của dân tộc.
Và sức sáng tạo đã được thể hiện qua những nhân cách cụ thể. Nhân cách đó chỉ ra tính thống nhất của ý chí và hành động, bởi đằng sau sự nhập nhằng đáng sợ của ý thức hệ tư tưởng đầy thiên kiến đòi hỏi họ phải vượt qua chính mình, không giẫm lên, hạ thấp những giá trị nhân cách khác trong nhận thức con người cùng có Phật tính và tâm hướng thiện.
Đó là mỹ cảm tâm linh dân tộc mà khi nói đến nhân cách con người không có từ dùng nào có thể bao quát được chữ “Tâm”. Có nghĩa rằng trong các khuynh hướng tư tưởng khác nhau, khó có thể tôn thờ các giá trị cụ thể nhưng những chuẩn giá trị chung mang tính người thì vượt qua cả phạm trù tư tưởng, tiến tới phổ cập một nền đạo đức được thực hành và trải nghiệm từ những hành động của người đứng đầu, của những trí thức thực sự tâm huyết với dân tộc.
Phật tính không bị gói gọn trong một cá nhân đặc thù, trong những tình thế bị đóng khung và giới hạn, bởi việc nhận thức và thấy được tính thiện trong con người đã là điều kiện làm cho những tình thế sinh tử trui rèn thành sức mạnh tâm linh dân tộc.
Khuyến phát bồ đề tâm là khuyến phát niềm tin và sự tùy hỷ với điều lành, để mỗi người có thể vượt qua những giới hạn của bản thân (tham – sân – si) và cùng hướng đến những điều lợi ích chung.
Nhiều những sự kiện xảy ra trong cuộc sống thông qua suy nghĩ, lời nói, hành động được củng cố qua đời sống tâm linh luôn mang đến cho chúng ta một nhận thức không đơn nhất, chí ít cuộc sống không hoàn toàn là những tình thế đầy cạm bẫy mà mọi người đang rơi vào, nhất là khi chúng ta có niềm tin về một xã hội Phật tính.
Trong thế giới hữu hạn, đời sống cá nhân hữu hạn, việc đặt câu hỏi hay truy tìm những bí ẩn tâm linh, hay khám phá những hỗn độn của cuộc sống thiện ác, càng làm cho con người gần nhau hơn, rằng cả cái ác và cái thiện đều có quả báo, rằng chúng ta không thể xa rời, tước bỏ, lãng quên một con người khi chúng ta còn nhìn thấy họ còn giống chúng ta ở những điểm con – người gần gũi.
Khi những sự kiện tâm linh, những nhận thức nhân văn đã trở nên hùng vĩ trong tâm khảm cá nhân thì việc xây dựng xã hội hài hòa sẽ có điều kiện thuận lợi để tiến hành.
Sử gia Ngô Sĩ Liên bằng cái nhìn của một nhà nho đã viết: “Nhân Tông thường nhân việc mở hội Phật mà tha cho người hết tội, là không phải lẽ, nhưng mà còn mượn tiếng hội Phật. Còn như vua Thần Tông không có việc gì mà cũng tha bổng”. Đa số những vị vua thời Lý – Trần đều nổi tiếng về nhân cách cao thượng, anh minh, thuần từ. Đó là kết tinh của tư tưởng Phật giáo.
Khi nói về vua Lý Thần Tông, Ngô Sĩ Liên viết: “Vua khi mới lên ngôi hãy còn trẻ dại, đến khi lớn lên, tư chất thông minh, độ lượng nên việc sửa sang chính sự, dùng người hiền tài, thuỷ chung đều chính, nhiệm nhặt khúc nôi, không gì sai lệch…song quá thích điềm lành, tôn sùng đạo Phật, chẳng đáng quý gì”.
Hay khi viết về vua Lý Nhân Tông: “Vua trán dô mặt rồng, tay dài quá gối, sáng suốt thần võ, trí tuệ hiếu nhân, nước lớn sợ, nước nhỏ mến, thần giúp người theo, thông âm luật, chế ca nhạc, dân được giàu đông, nước được thái bình, là vua giỏi của triều Lý. Tiếc rằng mộ đạo Phật, thích điềm lành, đó là điều lụy cho đức tốt” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Tha cho người hết tội là hóa giải những trạng thái tâm lý tù ngục, là gỡ mối nguy thống trị tự do, thống trị tư tưởng, là nhân thứ và khoan dung. Nhưng có lẽ ở một xã hội chưa đề cao Phật tính và sự hài hòa thì “tha người” có thể được suy nghĩ là “hại mình”.
Đó là những đề phòng chính trị, nhưng không hoàn toàn là nghịch lý cuối cùng “ta sống nó chết” trong con mắt của người giác ngộ, bởi thù – bạn không phải là vĩnh viễn, bởi việc sống chết của cá nhân chỉ ngắn như một giấc mộng. Những vị vua hiền triết, tự mình trong thời điểm nào đó của cuộc đời đã có thể “vong thân”, “vong thế”, “vong nhị kiến” để thực hành đời sống tâm linh, và tương quan với tấm thức ấy, cả xã hội đã tự nguyện bước vào nếp sống khoan thứ, thuần từ.
Trong gia tài văn hóa, trong mạch sống tâm linh của dân tộc, chúng ta đều là những người nối nghiệp, (nghiệp cũ, nghiệp mới, nghiệp chiến tranh, nghiệp hòa bình…) và chúng ta chịu trách nhiệm trước những khả năng tạo nghiệp của mình dù đó là điều mà chúng ta ngợi ca hay lên án, bằng lòng hay phản kháng.
Những biểu hiện thực tiễn của văn hóa tâm linh Phật giáo luôn cung cấp cho vương triều những khả năng đối ứng (trong ngoài) tích cực, đặc biệt khi các tư tưởng khác nhau có nhiều sự vận động để tiến tới những phạm vi quyền hành bao quát hơn.
Chính vì thế, ở những thời điểm đầu tiên khi dân tộc đối kháng Trung Hoa, khẳng định chủ quyền độc lập và lãnh thổ, việc chọn lựa Phật giáo đã củng cố niềm tin, sức mạnh tinh thần cho giới cầm quyền, điều đó xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, bởi chính tư tưởng ấy đã bắt rễ trong đời sống nhận thức văn hóa, tâm linh phổ biến.
Nguy cơ chia rẽ là tiềm ẩn, song những giá trị tư tưởng được tạo nên từ bản chất thực (từ bi, trí tuệ) của một Phật giáo luôn là một gợi mở lý thú mà những điểm nút an toàn không chỉ giới hạn cho một thể chế cầm quyền mà còn là vận mệnh lâu dài của dân tộc.
Nỗ lực bản địa hóa mọi tư tưởng là nỗ lực không ngừng của mọi tri thức văn hóa, lịch sử. Cho nên sự thâm nhập vào nhau đến mức trở thành một trong thể thống nhất, trước hết không đơn thuần chỉ để thâu tóm mọi giá trị hay quyền hành mà là một lẽ sống, lẽ sống ấy chỉ ra mặt mũi chung của anh và tôi là như nhau trong mọi nhu cầu cuộc sống, trong cả sống chết dù anh là vua quan hay dân. Đó là yếu tố “mặt mũi xưa nay”, “bản lai đồng”, “Phật tính”, “tâm” mà các thiền sư thường nhắc đến.
Khi Phật giáo đã được bản địa hóa và trở thành máu thịt của văn hóa dân tộc, nó không chỉ làm mờ khái niệm “ngoại nhập” mà còn từ chối sự thống trị tâm linh như một đặc quyền đặc lợi. Những thập niên gần đây sự du nhập ồ ạt của văn hóa thường làm thay đổi nhận thức của con người trong những thang bậc giá trị mang tính thống trị, chinh phục hay đồng hóa.
Sự đối chọi văn hóa diễn ra trên nhiều bình diện của cuộc sống xã hội đã đẩy nhiều vấn đề mang tính toàn cầu vào ngõ cùng, bế tắc. Và mới đây, sự lựa chọn Phật giáo dựa trên 5 nguyên tắc sống căn bản (không giết người, trộm cắp, tà dâm, nói dối, uống rượu và sử dụng các chất gây nghiện) của Liên Hiệp Quốc chính là nỗ lực tiến tới xây dựng một thế giới văn hóa tiến bộ và hài hòa.
Phật giáo Việt Nam từ trong quá khứ đã là một minh chứng cụ thể và là điểm tiếp nối cho những nỗ lực hàn gắn, đoàn kết dân tộc. Ở những thời đại cụ thể, điều đó khẳng định tính nhất quán về tư tưởng Chính – Giáo hợp nhất, nhưng dù Phật giáo được thúc đẩy phát triển đến đâu thì cũng không bao giờ xuất hiện tư tưởng giáo quyền, tư tưởng thống trị tâm linh. Lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo Việt Nam luôn chỉ ra điều đó.
Những giá trị mới cũ vừa thâm nhập vừa loại trừ nhau, nên chúng ta không thể bám vào nguyên xi những giá trị cũ, nhưng cũng không thể quay lưng lại với những giá trị có thể bảo đảm cho tính thiện được nhân rộng. Xã hội hiện đại đang đổi thay từng ngày từng giờ không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong việc đi tìm những thang bậc giá trị mới và sàng lọc những giá trị cũ để phục vụ cho nhu cầu phát triển toàn diện hơn của con người.
Trong hoàn cảnh xã hội hiện tại, sự sàng lọc giá trị dựa trên những tiêu chí chưa thống nhất và còn khập khiễng trong nhận thức văn hóa đã phần nào đẩy các giá trị văn hóa vào khung cảnh thương mại chật hẹp, biến các lễ hội thành công cụ kiếm lợi, tạo nên cảnh hỗn loạn trong văn hóa ứng xử với di sản, môi trường và tình người.
Nhưng khi nhấn mạnh đến những giá trị tâm linh tinh thần, đặc biệt qua quốc lễ Phật đản trong lịch sử, chúng ta không thụ động ngồi mơ tưởng về những cái đã qua, bởi giá trị còn là những năng lực sáng tạo và khả năng làm mới một cách phong phú, đa dạng tinh thần của lễ hội.
Với một lễ hội từng mang tầm quốc lễ và có không gian tâm linh mở rộng trong cả vùng văn hóa, việc phục dựng, bảo tồn và phát triển các hình thức và nội dung lễ hội Phật đản không chỉ là trách nhiệm của người Phật tử mà còn là sự điều chỉnh trong nhận thức văn hóa từ quản lý nhà nước ở tầm vĩ mô.
Phật đản là một lễ hội văn hóa tâm linh lâu đời. Bản thân lễ hội không đứng riêng ra như một chỉnh thể văn hóa biệt lập (thuộc về tôn giáo) mà là mạch sống tâm linh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, được người Việt nhiều đời gọi một cách gần gũi thân thương với khát vọng thuần thiện, hòa bình, no đủ: ngày Bụt sinh, Bụt đẻ. Đó cũng là ngày (là mùa) tâm thức hướng lành của dân tộc.