Trong nhạc phẩm Hải đảo tự thân, câu đầu tiên là: “Quay về nương tựa, hải đảo tự thân, chánh niệm là Bụt, soi sáng xa gần”. Trong Kinh Hải đảo tự thân [1] (Nguồn: Kinh Trường A-hàm 02, Kinh Du hành [2]), Phật cũng nhắn nhủ: “Quý vị phải thực tập làm hải đảo tự thân, biết nương tựa nơi chính mình mà đừng nương tựa vào một kẻ nào khác, phải thực tập nương tựa vào hải đảo chánh pháp, biết nương tựa nơi chánh pháp chứ đừng nương tựa vào một hải đảo nào khác hay một ai khác.”
Ý nghĩa chính của cả 2 câu mà tác giả bài viết này muốn đề cập đến, đó là nhận ra Tam Bảo đã có sẵn trong mình. Nếu viết như vậy thì tấm thân tứ đại này, chứa bao nhiêu bất tịnh lại có Ba ngôi báu (Tam Bảo) chăng! “Nương tựa” được hiểu là kề vai chăng! Thực ra, Tam Bảo không phải là hình thức, mà là bản tính giác ngộ sẵn có, chỉ vì bị che lấp bởi tham, sân và si.
Nếu nói rằng Tam Bảo đã có sẵn trong tâm mỗi người như vừa nêu, vậy cần gì nương tựa Tam Bảo qua hình thức bên ngoài? (Tôn tượng, tôn ảnh Phật; kinh, sách, pháp môn hành trì; học tập và ứng dụng lời Phật dạy qua sự hướng dẫn của quý Thầy, quý Sư cô).
Những hình thức bên ngoài của Phật, Pháp và Tăng là cách thức để chúng ta nhận ra Tam Bảo đã và đang có trong tự tâm của mình, mà nuôi lớn (trưởng dưỡng) tuệ giác – thiền định – đạo hạnh của người con Phật (dù xuất sĩ hay thế nhân) để đạt được mục đích giác ngộ và giải thoát – mục đích chính của bao công phu hành trì, tu tập (cultivate). Giác ngộ và giải thoát không phải là một “khung trời mơ ước”, một “giấc mơ tự tại” nào đó, bởi vì đó chỉ là tưởng tượng của con người.
“Nương tựa vào hải đảo chánh pháp” tức tìm hiểu, nghiền ngẫm và ứng dụng lời Phật dạy (văn – tư – tu) trong Kinh điển (S= Sūtra, P = Sutta, C = 經藏), nói vắn tắt là nương tựa Pháp. Sau này, khi Tam tạng giáo điển (Tipitaka) được truyền qua Trung Hoa thì nương tựa chánh pháp ngoài việc nương tựa kinh, còn có thêm nương tựa Luật (S = P = Vinaya, C = 律藏), tức giới luật [3].
Thích Ngộ Trí Viên
———————-
[1] Kinh Hải đảo tự thân dịch từ Kinh 639, thuộc bộ Tạp A-hàm (99, Đại chính tân tu Đại Tạng Kinh) và Trường A-hàm 02, Kinh Du hành. Nguyên tác trong Trường A-hàm rất dài, khi Thiền sư Thích Nhất Hạnh dịch lại trong Nhật tụng thiền môn, Ngài đã trích một phần trong nguyên tác để biên tập thành Kinh Hải đảo tự thân.
[2] Nguyên văn: “Vì vậy, A-nan, hãy tự mình thắp sáng; thắp sáng nơi pháp, chớ thắp sáng nơi khác. Hãy tự nương tựa mình, nương tựa nơi pháp, chớ nương tựa nơi khác.”.
[3] Tam tạng giáo điển ban đầu có Kinh tạng, sau này có Luật tạng. Kể từ sau khi Đức Phật nhập Niết-bàn xuất hiện thêm Luận tạng.