Trang chủ Tu học Quảng Trị: TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng Online tại chùa...

Quảng Trị: TT TS Thích Chân Quang thuyết giảng Online tại chùa Phước Bảo

217

Nhân lễ Vía Bồ Tát Quán Thế Âm, nhận lời mời của ĐĐ Thích Từ Luận – Phó trưởng BTS GHPGVN tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN huyện Hướng Hóa, Trụ trì chùa Phước Bảo (Thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), vào lúc 19h00 ngày 24/03/2024 ((nhằm ngày 15/01/năm Giáp Thìn), Thượng tọa Thích Chân Quang – Giảng sư Phật học, Tiến sĩ Luật học, Viện chủ Thiền Tôn Phật Quang đã có buổi chia sẻ đạo lý qua online về chủ đề CHÂN LÝ CỦA HẠNH PHÚC, với sự tham dự trực tiếp của gần 1.000 Phật tử và hàng ngàn Phật tử thính Pháp qua kênh Youtube Pháp Quang – Sen Hồng trên khắp cả nước.

Bài Pháp thoại đã gợi mở cho các Phật tử hiểu rõ hơn về khái niệm, đặc điểm và phương thức xây dựng hạnh phúc. Nhờ đó, mọi người biết ứng xử một cách chủ động, linh hoạt, đúng đắn; biết vì lợi ích của người khác mà bỏ qua mọi lợi ích cá nhân, sớm có được hạnh phúc tột cùng là giải thoát giác ngộ.

Trước khi đi vào nội dung chính của bài Pháp, Thượng tọa đã nhắc lại ý nghĩa của Niết Bàn để mọi người hiểu rõ hơn về sự vĩ đại của Đức Phật. Theo đó, Niết Bàn là sự nhập diệt của Phật, nói theo ngôn ngữ trần gian đó là chết, qua đời. Việc nhập Niết Bàn của Đức Phật là điều chưa từng có trên thế giới. Đó là một sự ra đi bình an, tự tại, sáng suốt mà chưa một vị giáo chủ nào có thể thực hiện được. Điều này cho thấy, Thánh quả trong đạo Phật là một sự phi thường, vượt khỏi sinh tử. Chứng đạo rồi, ta có thể làm chủ được sinh tử của mình.

Thực sự, người đời chúng ta muốn chết phải dùng nhiều phương thức rất đau đớn, vất vả để tự hủy hoại mình. Ngược lại, những vị đắc đạo lại chủ động về cái chết của mình trong bình yên, tự tại. Sự tự tại trong sinh tử của đạo Phật nhiều khi trở thành mơ ước, mục tiêu của chúng sinh. Một đời chúng sinh tranh đấu, bon chen, vất vả tìm đủ thứ giá trị, cuối cùng vẫn phải đối diện với cái chết mà lại không biết mình chết như thế nào.

Người nhấn mạnh, nhiều người đến với đạo Phật chỉ mong tu sao để khi chết bớt đau khổ. Mục đích tu chỉ có vậy thì nó hẹp hòi, tầm thường quá. Nếu đã là đạo Phật chân chính, thì mục tiêu tu hành nó phải mênh mông, vĩ đại, xa xôi cho nhiều kiếp. Còn chết bớt đau khổ chỉ là một dấu hiệu của sự tu hành đúng đắn, tốt đẹp mà thôi. Dịp này, Thượng toạ cũng đặc biệt nhấn mạnh: việc tu hành đạo đức bởi một cuộc đời, một nội tâm đạo đức sẽ tạo ra 2 kết quả tốt đẹp:

– Một là ta có thể làm nhiều việc thiện nguyện.

– Hai là ta đi vào thiền định một cách vững vàng.

Qua những phân tích, ví dụ cụ thể của mình, Thượng tọa kết luận rằng từ thiện và thiền định vừa là hệ quả, vừa là yếu tố củng cố lại cho đạo đức. Người có đạo đức, bắt đầu đi sâu vào thiền định, cuộc đời họ rất thanh cao. Họ rất tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện giúp người, giúp đời; thích cuộc sống vị tha, vì cộng đồng, vì tập thể, không thích sống cho cá nhân. Cũng vì thế mà từ đây, họ thấy được cuộc đời mình tự nhiên trở nên vui vẻ, hạnh phúc. Vậy hạnh phúc là gì?

Bằng hàng loạt dẫn chứng, dẫn dụ thực tế, Người đi vào nội dung bài Pháp thoại một cách rất tự nhiên. Sau khi nghe rất nhiều câu trả lời của Phật tử, Thượng tọa khẳng định: “hạnh phúc là gì” thực sự rất khó đưa ra đáp án. Bản thân Người đi tìm câu trả lời này từ năm 17 tuổi, cũng đã gặp gỡ, trao đổi với rất nhiều người cũng vẫn chưa tìm ra được đáp án nào cụ thể, rõ ràng. Mỗi người có một quan điểm, tiêu chí riêng về hạnh phúc. Do đó, hạnh phúc là gì thì phải tùy thuộc theo nhận thức của mỗi người.

Ví dụ, người ở trình độ thấp, đạo đức kém, trí tuệ mỏng sẽ chọn những cảm giác tầm thường, thấp kém, đôi khi là bẩn thỉu, tội lỗi để làm niềm vui, hạnh phúc sống. Họ chỉ cần được thỏa mãn ý thích của cá nhân, vậy là thấy hạnh phúc. Nhưng sau những cuộc vui ấy, họ lại thấy đau khổ ngược lại rất nhiều lần mà không thể lý giải được. Để thoát khỏi cảm giác đau khổ ấy, họ lại miệt mài đi tìm niềm vui, sự hạnh phúc mới như một vòng luẩn quẩn mà không thoát ra được.

Lí giải điều này, Thượng tọa cho biết, con người thường chạy theo cảm giác, cái mà Đức Phật gọi là cảm thọ. Khi tu, ta phải kiểm soát được cái cảm thọ này ở mức độ tâm thanh tịnh. Người chưa chứng thiền, chưa kiểm soát được chính mình thì dễ bị cảm xúc dẫn đi trong luân hồi, lục đạo. Rồi tự lúc nào, chúng ta biến thành nô lệ cho cảm xúc, cảm giác. Chỉ ai hiểu đạo mới biết việc chạy theo cảm thọ cực kì vất vả. Hơn nữa, cảm thọ không lâu bền, nếu kéo dài lâu quá dễ gây nhàm chán.

Ai tu lâu, hiểu đạo sâu sẽ thấy những điều mình tưởng là hạnh phúc thực chất lại không phải hạnh phúc. Vậy mà ta cứ vất vả đi tìm, cuối cùng cái có được chỉ là cái cảm giác, cảm thọ. Hôm nay ta mới biết, hạnh phúc thực sự không nằm ở nơi ta. Nếu để yên, hạnh phúc giống như đang tồn tại nhưng khi chạm tay vào, nó lại biến mất. Rõ ràng hạnh phúc có tồn tại nhưng ta không thể chiếm hữu nó. Chỉ có tu đúng, sống đúng, ta mới cảm nhận được nó.

Quả thực, hạnh phúc là một khái niệm cao cấp, vượt khỏi khoa học. Chỉ những người có tầng số rung cảm cao, trí tuệ sâu dày, tâm hồn đạo đức, thanh tịnh mới hiểu rõ được hạnh phúc. Nó là cái ta quên mình đi, biết hạnh phúc không nằm ở nơi mình mà nằm ở chỗ lợi ích của người khác. Vậy nên, ai nói sống trên đời là để đi tìm hạnh phúc cho mình thì đã bị sai ngay từ bước đầu tiên.

Người phân tích, rõ ràng chúng ta chưa biết hạnh phúc là gì thì sao có thể đi tìm được. Lại thêm tính chất của hạnh phúc không nằm ở nơi ta. Hạnh phúc của ta là ở nơi tất cả mọi người, nếu ta động vào thì nó sẽ biến mất. Người cứ miệt mài đi tìm hạnh phúc là người loạn động, bởi sự vọng tưởng, chấp ngã, loạn động chính là cái thôi thúc ta đi tìm hạnh phúc. Chỉ khi tâm thanh tịnh, vượt khỏi ảo tưởng, hiểu rõ chân lý, đặc điểm của hạnh phúc rồi thì ta mới không đi tìm nó nữa.

Chúng ta phải luôn nhớ, hạnh phúc của mình chính nằm ở nơi người khác. Như vậy, nếu hạnh phúc chỉ nằm ở nơi 1,2 người thì đó là hạnh phúc bé. Còn nếu hạnh phúc nằm ở nơi rất nhiều người thì đó là hạnh phúc lớn. Hiểu điều này, giờ ta đừng động tâm đi tìm hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc có thật nhưng không phải nơi ta. Nếu ta cố chạm vào nó, nó sẽ ngay lập tức biến mất. Thay vào đó là cố gắng dùng cả cuộc đời mình để đem lại lợi ích, đạo lý cho mọi người. Sau cùng, đó mới là hạnh phúc của ta chứ còn chính ta không có gì cả.

Ta không tìm hạnh phúc cho chính mình nữa bởi niềm vui, hạnh phúc của ta chính ở nơi mọi người, đây là tâm vị tha. Tột cùng của tâm vị tha chính là giải thoát giác ngộ. Đây là mục tiêu, giá trị cao tột mà Đức Phật để lại cho chúng sinh, cũng là cái ta phải đi tìm mãi mãi, chứ không phải cái hạnh phúc tạm bợ, gượng gạo. Hiểu được điều này, ta đời đời biết ơn Đức Phật bởi Ngài đã mang đến cho thế giới một chân lý tột cùng chưa bao giờ có. Với trí tuệ ta hiện tại, chắc chắn chưa thể hiểu một cách sâu sắc những gì Ngài nói nhưng ta hãy cứ ngoan ngoãn vâng lời, từ từ sẽ nhận ra được những chân lý cao đẹp ấy.

Vượt khỏi hạnh phúc của mình chính là bước giác ngộ đầu tiên. Ta không cần cái lợi ích, niềm vui hay hạnh phúc cho mình bởi ta biết hạnh phúc coi chừng chỉ là một ảo tưởng. Chỉ có sống vị tha, đạo đức mới là hạnh phúc. Vậy nhưng ta cần giác ngộ giải thoát bởi có nó rồi, ta mới chia sẻ lại, giúp mọi người cùng giác ngộ. Đạt được mức độ giác ngộ này, bỗng nhiên ta nhìn rõ được chính mình, thấy mình còn 5 tính chất: vô minh, tội lỗi, loan động, đau khổ, bấp bênh.

Từ chỗ nhìn được 5 tính chất còn trong người mình, tự nhiên Chánh niệm tỉnh giác xuất hiện làm tâm ta vững vàng đi vào thiền định. Đây giống như một phần thưởng trở lại khi ta can đảm đối diện, an trú được nơi cái vô minh, tội lỗi, loạn động, đau khổ, bấp bênh. Nên ta nói chính mình là nhìn thấy mặt trái của mình chứ không phải để ta chiều chuộng, yêu thương chính mình. Rõ ràng cùng là 2 chữ “chính mình” nhưng nếu ta đi đúng sẽ về con đường giác ngộ tươi sáng. Ngược lại, nếu ta đi sai sẽ lao xuống vực thẳm liền.

Người sống đạo đức, hướng về thiền định, hướng về những việc làm lợi ích cho chúng sinh thì sẽ được 5 cái lợi ích trở lại. Một là bản thân trở nên sáng suốt, đối diện được với chính mình. Hai là trở nên mạnh mẽ. Ba là hoàn cảnh tự nhiện trở nên thuận lợi hơn. Bốn là có trí tuệ, biết phân biệt đúng sai nên ít do dự hơn. Năm là thiền định vững vàng.

Vậy nên, Thượng tọa hy vọng mỗi Phật tử khi đã có duyên biết đến Phật pháp, hãy cố gắng tu hành cho tốt, sớm đạt được giác ngộ. Đồng thời, tích cực truyền bá Phật pháp, làm lợi cho chúng sinh để thế giới sớm trở thành tinh cầu giác ngộ.

Trước khi kết thúc bài Pháp thoại, Thượng toạ cũng dành thời gian giải đáp những thắc mắc của các Phật tử liên quan đến việc tu thiền, nhân quả. Từ đó, giúp mọi người có những cái nhìn khoa học, đúng đắn hơn trước những hiện tượng xảy ra trong cuộc sống cũng như việc tu hành, tránh khỏi những mê tín dị đoan hay lầm lỗi không đáng có. Đồng thời, Người cũng gửi những lời chúc sức khỏe đến ĐĐ Thích Từ Luận cùng Chư tôn đức Tăng Ni, Phật tử đang tham dự Pháp hội tại chùa Phước Bảo. Thượng toạ hy vọng mọi người sẽ gây tạo được nhiều phúc lành, thăng tiến trong đời sống tu tập, làm nhiều công đức để xây dựng Phật Pháp trên vùng đất Quảng Trị trở nên hưng thịnh.

Quả thực, bấy lâu nay chúng ta cứ mong cầu hạnh phúc nhưng lại không biết hạnh phúc nó thực sự là cái gì, bản chất ra sao, hình dáng như thế nào. Cuối cùng, chúng ta cứ luẩn quẩn, mày mò trong vô thức, vô định mà mãi không có kết quả.

Qua bài Pháp thoại này, chúng ta đã hiểu rõ khái niệm cũng như bản chất, chân lý của cái gọi là hạnh phúc vô hạn của giải thoát, ta thấy con đường phía trước bỗng sáng lạn, rõ ràng hơn. Để có được hạnh phúc cao tột là giác ngộ giải thoát mà Đức Phật đã dạy, ta sẽ phải vất vả, mất công, mất sức, mất thời gian. Nhưng yên tâm tu đúng hướng theo lời dạy của Ngài thì sớm hay muộn, chắc chắn ta sẽ chạm đến đích cuối cùng là được giác ngộ và giải thoát.

Thật sự giáo lý Đức Phật dạy không phải để bàn luận suông mà phải nỗ lực thực hành, tức tự thân mỗi người phải tự mình tu tập, tự mình chứng ngộ .

Sau đây là hình ảnh ghi nhận:

Tâm Trụ