Ngày 18 tháng 08 năm 2012, nhằm ngày 02 tháng 07 năm Nhâm Thìn, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm đã có buổi thuyết giảng nhân đại lễ Vu Lan báo hiếu tại chùa Xuân Lan – thành phố Móng Cái – tỉnh Quảng Ninh.
Mặc dù nơi đây đang chịu ảnh hưởng của cơn bão số 5 vừa đi qua, nhưng các Phật tử vẫn tinh tiến thành kính trở về chùa tụng kinh Vu Lan và nghe giảng pháp.
Trong bài giảng, Hòa thượng đã tán thán công đức của chúng trưởng Hoa Đạo Hương, vì sự Hoằng dương Phật pháp tại miền địa đầu Tổ Quốc này, trong những năm qua đã toàn tâm toàn trí về tâm lực, sức lực cũng như tịnh tài để trùng tu lại ngôi chùa Xuân Lan, tổ chức những khóa tu, những buổi sinh hoạt hàng tháng cho Phật tử.
Hòa thượng đã nêu bật tứ trọng ân nhằm khơi dậy tinh thần tri ân, báo ân của người Phật tử. Nhưng trong đó, Hòa thượng nhấn mạnh tới nét đặc biệt nhất, đó là tình thương của người mẹ qua “yếu tố nữ”. Dù là con người hay loài vật, thì tình mẫu tử vẫn luôn là tình cảm thiêng liêng nhất. Từ xưa cho đến nay, hình ảnh người mẹ vẫn luôn được nhắc đến trong những câu chuyện dân gian, những lời thơ câu hát.
Trong đạo Phật, tinh thần báo hiếu vẫn luôn được Đức Phật đề cao: “Cha mẹ trong nhà như Phật tại thế”. Đức Phật sau khi thành đạo đã trở về hoàng cung thăm vua cha, Ngài đã lên Cung trời Đao Lợi mà thuyết pháp cho thân mẫu, độ cho Di mẫu Ma Ha Ba Sà Ba Đề xuất gia.
Trong dân gian, hình ảnh người mẹ vẫn được nói đến như một hình tượng cao cả, mênh mông tình thương:
Ngôn ngữ trần gian như túi rách
Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ yêu
Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ yêu
Đến loài vật cũng có câu ca ngợi tình mẫu tử:
Cá Chuối đắm đuối vì con
Đồng thời, Hòa thượng đã nhắc lại câu chuyện Hòn Đất – một tiểu thuyết của nhà văn Anh Đức. Trong tác phẩm Hòn Đất, nhân vật thằng Xăm đi theo giặc (Ngụy quân Ngụy quyền cho đế quốc Mỹ) gây nhiều tội ác với đồng bào và đất nước. Bà Cà Xợi lại là một người mẹ yêu nước thương dân. Hai con người, hai chí hướng khác nhau… Những lần thằng Xăm trốn về nhà thăm và ở lại với mẹ mẹ vì tình yêu dành cho mẹ, bà Cà Xợi dù lòng yêu nước đến mấy, nhưng 3 lần kề dao vào cổ thằng Xăm mà không nỡ giết đứa con dại. Tất cả chỉ vì tình mẫu tử thiêng liêng, ngay như đến con vật cũng không bao giờ ăn thịt con – nên dân gian đã có câu “Hổ dữ không ăn thịt con”, huống chi người mẹ Việt Nam bao đời nay đều “Cánh cò cõng nắng cõng mưa – Mẹ tôi cõng cả một mùa gió sương”.
Hòa thượng cũng đã nhắc tới gương sáng của hình tượng người mẹ trong bao đời. Như thời quân chủ phong người mẹ là “Tiết hạnh khả phong”. Ngày nay, đất nước phong tặng những người mẹ trong thời chiến là “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, đồng thời lấy ngày 20 – 10 là ngày Phụ nữ Việt Nam. Thế giới tôn vinh người phụ nữ nên lập ra ngày Quốc tế phụ nữ 8 – 3.
Tất cả đều tôn vinh sự hi sinh, tình thương yêu của người mẹ vì con.
Nhân dịp lễ Vu Lan về, Hòa thượng đã khuyến tấn hàng Phật tử phải học theo “Tâm Hiếu là tâm Phật, hạnh Hiếu là hạnh Phật”, mỗi người hãy làm những việc tốt, tinh tiến tu tập để hồi hướng công đức về 2 đấng sinh thành, ông bà tổ tiên, đồng thời xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, không đúng chính pháp như: đàn tràng rườm rà, tốn kém; sát hại sinh linh, mâm cao cỗ đầy, đốt vàng mã gây ô nhiễm môi trường…