Chùa Phước Quang do sư cô T.nữ Diệu Thiện trụ trì, đã đứng ra tổ chức đón mừng đón Trung Thu cho các em vùng sâu vùng xa, được sự hỗ trợ bởi trang nhà “Phật Học Đời Sống” từ TP HCM.
Khi đoàn vượt qua đoạn đường trên 50km từ TP Đà Nẵng về Quảng Nam, ra khỏi Thành phố, hai bên đường bộc lộ nét hoang sơ với ruộng lúa còn phơi gốc rạ. Những vuôn đất khô cằn không đủ cho thân bắp xanh hơn chen lẫn với cỏ hoang cây dại; nhà cửa thưa thớt dưới cơn mưa mùa Thu. Tiếng rú giữa cánh đồng trống gió làm sống lại mùa cô hồn tháng Bảy mưa ngâu; lữ khách phương xa không khỏi chạnh lòng cho những oan hồn vất vưỡng. Gần hai giờ xe chạy, rẽ vào con đường làng hướng về miền núi được bao phủ bởi tre làng che dấu khóm nhà lè tè thấp với mái ngói âm dương và vách tường loang lở. Trên mỗi cổng nhà đều gắn tấm biển: “không gì quý hơn độc lập tự do” như biểu hiện một nét đẹp quê hương của nông dân xa phố chợ.
Càng đi sâu, con đường càng nhỏ hẹp được trán bằng cement, vừa đủ cho hai xe tránh nhau. Phải nói, xe miền ngoài chạy bạt mạng, vì thế tài xế địa phương cũng khá linh hoạt và cứng tay lái. Con đường làng quanh co, thế mà xe bốn chổ chạy thoăn thoắt như chốn không người. Hơn hai giờ chiều, thôn xóm hiu quạnh, cứ nghĩ rằng vùng quê như thế chắc là quà Trung Thu chỉ đủ làm cho các bé mua vui trong khoảnh khắc. Khi xe rẽ vào cổng chùa đơn điệu, bốn người đồng hành có cảm giác hơi thất vọng cho đêm hội. Vào đến chùa, một sự thật không ngờ, giữa cuộc sống quá ư nghèo khổ của đồng bào miền núi, ngôi chùa Phước Quang sừng sửng trên lưng đồi với bề thế nguy nga, phòng ốc quá ư tiện nghi cộng thêm kiến trúc nghệ thuật, nội thất không thua gì một ngôi chùa có tầm cở ở Sài gòn, trong khi đó đạo chúng chỉ vài người mà trình độ của dân quê không đủ năng lực phụ giúp sư cô trụ trì. Hơn 5 năm trước, sư cô đã tu học tại Đồng Nai, duyên lành trôi dạt về miền núi làm đạo. Đây là lần đầu tiên chùa cũng như địa phương tổ chức lễ hội Trung Thu cho các bé.
Sau thời khóa công phu chiều, cầu siêu chẩn thí cho chư vong, Phật tử địa phương năng nổ bắt tay vào trang trí. Sân khấu là tiền đình nền chùa, hội trường là dãy ghế đẩu bằng nhựa sắp trên dãi đất trống và thấp ngoài trời. Đặc biệt mùa mưa miền Trung như trút nước và mưa thối đất, thế mà do tâm nguyện của sư cô trụ trì và ước nguyện đêm lễ hội của quần chúng mà đêm văn nghệ trời quang mây tạnh.
Văn nghệ do các bé mẫu giáo và các học sinh lớp 8, lớp 9 trình diễn. Có điều nghịch lý là cuộc sống miền núi cách biệt với Thành thị, nhưng trình độ diễn xuất của các cháu, không thua cách diễn của Phật tử cây nhà lá vườn ở TP. Các cháu mẫu giáo dạn dĩ, hồn nhiên và điêu luyện. Các em học sinh trung học cũng không kém phần chuyên nghiệp. Và nhất là giàn âm thanh không có tình trạng ọ ẹ như một vài nơi ở TP.
Vì là lần đầu tiên trên vùng núi xa xôi, một số cảnh múa không có nhạc và lời hỗ trợ nên bị chập choạng, nhưng ai nghĩ rằng chính lúc đó, cô giáo Kim Xuyến đã kịp thời chữa cháy qua nhạc bản “Đến với con người Việt Nam tôi” làm sôi động hẳn, và vũ đoàn của các em đã biến thành vũ đoàn bất đắc dĩ rất nhịp nhàng ăn khớp phong cách diễn xuất của cô giáo “chửa cháy”. Những khiếm khuyết không tránh khỏi cho một chương trình không chuẩn bị sẵn, cũng như gần ngàn người và hơn 900 học sinh tham dự, qua sự điều động và dẫn chương trình do sư cô Minh Hoa từ SG ra, đã góp phần thành công cho buổi lễ, và thành công nhất là dẫn dụ các cháu như một cô giáo, một mẹ hiền nhiều kinh nghiệm giữa một hội trường lộ thiên khó kiểm soát!
Địa phương rất đắc ý đêm hội Trung Thu do chùa tổ chức, nhưng các văn nghệ viên chưa thỏa lòng với những nhạc bản chưa được diễn xuất. Trong chương trình có tặng quà khuyến học cho 15 sinh xuất sắc. Để kết thúc chương trình, quà Trung Thu đến tận tay các em trong niềm hân hoan giữa món ăn tinh thần và món ăn vật chất mà chùa Phước Quang đã đem đến.
SAU khi đêm hội Trung Thu kết thúc trong niềm luyến tiếc chưa thỏa mãn của khán thính giả miền núi, trận mưa rào dai dẳng bắt đầu trở lại như sự mầu nhiệm đáp ứng lòng thành của sư cô trụ trì và mọi người tại địa phương dành cho các cháu một đêm Trung Thu đầy ý nghĩa. Hy vọng lần đầu tiên nầy cũng là tiền lệ cho địa phương sẽ đứng ra tổ chức cho các em những Tết Trung Thu sau nầy vừa nhiều kinh nghiệm, vừa dồi dào quà tặng để xây dựng mầm non cho đất nước trong tương lai.
1.500 phần quà từ Sài Gòn đem đến thật xứng đáng cho các cháu miền núi qua 2 đêm văn nghệ tại địa phương trong mùa Trung Thu nầy.