Vậy là bao nhiêu mơ ước giờ đây đã trở thành hiện thực. Từ một ao hồ nuôi tôm được chính quyền sở tại cấp cho Giáo hội Phật Giáo tỉnh Quảng Bình diện tích 8000m2, với nghị lực và nguyện ước của sứ giả Như Lai “hoằng pháp vi gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài”, một mình Hòa Thượng Thích Tánh Nhiếp phải đối chọi với bao khó khăn vất vả của cái nắng và mưa để xây dựng chùa Đại giác.
Với nhân sự ban đầu chỉ có một mình Ngài và một số Phật tử nhiệt thành vì đạo, Ngài đã thành lập Phật giáo Quảng Bình vào năm 2009. Nhớ lại lúc chùa đang còn là bãi đất trống, mặc dù tuổi cao sức khỏe xuống dần theo thời gian, nhưng Hòa thượng vẫn ngồi một mình trơ trọi trong túp lều bạt, để đếm từng chiếc xe chở cát, đất đá lấp hồ trong những buổi trưa oi ả hay những buổi trời mưa tả tơi bất chợt.
Cái lạnh réo rắt cùng những cơn gào thét của gió lộng bốn bề dồn dập, không vì đó mà cản ngăn được sức mạnh phục vụ Đạo Pháp của Ngài. Với lời phát nguyện phải phục dựng cho được Phật giáo cắm rễ nơi đây, ngài đã thuần phục được những trận khắc nghiệt của thiên nhiên nơi này. Đại Giác Tự chính là ngôi chùa được chính Đại lão Hòa Thượng Thích Trí Quang đặt tên và cũng là ngôi Chùa nằm trên quê hương của Ngài- người con ưu tú của Quảng Bình.
Bao nhiêu nguyện ước của Phật tử nơi đây hằng mong ước “sẽ có một ngôi chùa tại Quảng Bình” giờ đây đã trở thành hiện thực, khi ngày hôm nay Chùa Đại Giác đổ bê-tông thiết trí nơi tôn dung của Đấng Điều Ngự, và làm chỗ quy hướng cho toàn thể Tăng tín đồ, Phật tử địa phương về tu học. Những cụ già nói riêng và tín đồ Phật tử nói chung dâng trào niềm hạnh phúc khó tả. Trong niềm vui thiêng liêng, tổ Phật tử làng Diêm Điền đã thành tâm thiết lễ cúng dường Tam Bảo và trai Tăng, thí thực, phóng sanh, cảm niệm hồng ân Tam bảo, Phật Pháp nhiệm mầu với tâm nguyện cầu Quốc thái dân an, Phật đạo trường tồn.
Một số hình ảnh ngày “đổ bê-tông tầng hai” xây chánh điện chùa Đại Giác: