Trang chủ Thời đại Quản trị nhân bản

Quản trị nhân bản

77

Nhưng cái làm cho Bill Gates trở thành thần tượng của sinh viên, giới trí thức trẻ chính là tấm gương giàu nghị lực, tràn trề sáng tạo, và một nếp sống đạo đức trong kinh doanh: không ăn cắp ý tưởng hay thành quả của người khác, ý hướng làm điều phúc lợi cho cộng đồng (thể hiện qua con số 27 tỷ USD của Quỹ Bill and Melinda Gates). Theo ông bà Gates: “… Bất cứ lúc nào nói đến tài sản, chúng tôi thường bảo nhau rằng phải trao tặng nó cho thế giới theo những cách có ý nghĩa nhất. Đó là trách nhiệm”. Khi được hỏi về những điều quan trọng nhất trong cuộc sống, Bill đã nhấn mạnh đến ba điều: gia đình, công việc và đóng góp cho công tác từ thiện. Riêng về công việc, những ai gần Bill đều hiểu rằng, ông cũng như một số nhà tư bản thời đai mới đang nhân mạnh đến khái niệm “Quản trị nhân bản” (Humanagement), vốn làm một từ mới tạo ra bằng cáhc ghép hai từ “human” và “management”. Chúng ta thử tìm hiểu phong cách quản lý ấy, hay nói đúng hơn nền văn hóa doanh nghiệp được xây dựng theo phong cách ấy.


Quản trị nhân bản là gì?


Quản trị nhân bản được định nghĩa đơn thuần là khả năng sử dụng công việc để phát triển con người và tìm thấy nguồn vui trong quá trình ấy. Trọng tâm công việc của bạn đã thay đổi khi bạn ngưng quản lý con người như những bầy đàn gia súc và bắt đầu hướng dẫn họ như những con người. Bạn luôn nuôi dưỡng y tưởng giúp mỗi cá nhân phát huy hết tài năng của họ, cũng như thực hiện năm mục tiêu:


– Đạt ra nhiều mục tiêu có ý nghĩa hơn nữa (cá nhân và nghề nghiệp)


– Hiểu và hoạch định thời gian tốt hơn


– Sử dụng óc sáng tạo nhiều hơn


– Đối phó hiệu quả hơn với sự căng thẳng


– Cảm thấy yên tâm khi phải phô mình ra ngoài vỏ bọc.


Nếu bạn có một văn phòng tràn đầy những con người vui vẻ, và đang tiến bộ, không cần phải nói, các bạn ắt thành công. Chắc chắn là như thế, nếu nhân viên và cả những người lãnh đạo trở về nhà vào ban đêm với đầu óc đổi mới và phong phú, thay vì trong trạng thái uể oải, ê ẩm, nặng nề. Toàn thể thế giới của chúng ta sẽ phát triển vượt xa bất cứ cái gì mà chúng ta đã có thể từng hình dung ra trước kia.


Đừng quên câu “thấn chú” cho mọi công việc là: “Giữ mãi niềm vui trong suốt quá trình làm việc”. Ý tôi không phải là mỗi sáng ra, bạn khởi sự làm việc với một câu chuyện cười. Kinh nghiệm của tôi chứng mình nhiều lần là ai phát triển, trưởng thành và dần dà đủ khả năng đương đầu với rắc rối thì người đó sẽ hạnh phúc hơn. Họ hạnh phúc hơn là vị họ phát huy hết khả năng và có thể hiện thực hóa ý định của mình. Hãy nhớ đến “Triết lý Chợ cá” mà người viết đã có dịp đề cập trên Văn hóa Phật Giáo tháng 8-2005. Đó cũng chính là tinh thần “Hiện pháp lạc trú”, khi chúng ta không lỗi hẹn cùng giây phút hiện tại, sống tràn trề viên mãn. Hãy lấy ví dụ từ Lee lacocca, người đã làm thay đổi đặc trưng văn hóa của Chrysler trong giai đoạn hồi sinh. Một nhân viên của ông đã nói: “Ông đã lôi mọi người xuống đường và làm cho họ như sống lại với bầu nhiệt huyết trào sôi. Thật là đặc biệt, chúng tôi đều cảm nhận thấy điều đó, và đến mức chúng tôi chỉ muốn quay ngay lại nơi làm việc để thực hiện những điều đang sôi sục dù phải thức thâu đêm nếu cần”.


Khi mà nhân viên phát huy hết sức và hiện thực hóa được ý định thì tinh thần lên rất cao. Tinh thần càng cao, năng suất càng tăng. Tôi chưa thấy điều này sai bao giờ.


Số lượng nhân viên bỏ việc cũng giảm. Mức độ bỏ việc thấp sẽ phát sinh tinh thần đồng đội, mối quan hệ giữa người và người sẽ gắn kết hơn. Số nhân viên bỏ việc nhiều sẽ đem lại sự hoài nghi và thiếu những đầu tư cá nhân cho công việc. Thật khó mà cảm thấy mình là một phần của tổ chức nếu như xác suất mất việc là khá cao.


Johnson & Johnson là một trong những công ty được thừa nhận là có “nền văn hóa” mang tính chất hiệp lực. Con người trong công ty được coi trọng, và văn hóa doanh nghiệp đã tạo nên bầu không khí chân tình, hợp tác giữa các thành viên. Không thể không đề cập đến văn hóa “Tandem”, xuất phát từ Công ty Tadem Computers, khi Jim Treybig luôn tạo cơ hội giao tiếp không chính thức giữa nhân viên các bộ phận, đơn vị khác nhau, qua kiểu quản lý linh hoạt mang phong cách “hảo hán”, vào 4 giờ chiều thứ Sáu hàng tuần, các khách hàng và nhà cung ứng đều tự do tham dự, trao đổi trong vòng một giờ. Song song là những lễ hội hàng năm tạo nếp sinh hoạt văn hóa cho công ty. Giải pháp ấy đã giúp công ty vượt qua giai đoạn suy thoái, dù  phải siết chặt ngân sách, các nhân viên vẫn tự giác tăng giờ làm việc mà không đòi tăng lương, phát huy sáng kiến đưa ra các sản phẩm mới chiếm đến 75% doanh số.


Với Bill Gates thì phong cách quản lý là suy xét đến tận cùng vấn đề, tập trung cao độ, và tốc độ tư duy cao luôn đặt ông ở vị trí cao hơn, nhanh hơn đối thủ, đồng thời không ngừng trao đổi và học hỏi qua sách vở, công việc, và trực quan đặc biệt giúp  ông luôn lắng nghe bạn bè và đồng sự, dù là cấp dưới.


Có những nhà quản lý ca tụng rằng, cái không khí làm việc của tổ chức mình là rất tuyệt vời, nhưng tại sao người ta cứ ra đi vì đồng tiền ở đấy thiếu tính cạnh tranh. Có người rời tổ chức, công ty vì người ta không vui, chứ không hẳn vì chỗ khác trả lương cao hơn. Giá trị của niềm vui trong công việc đứng trên tiền bạc. một công việc hứng thú trong một môi trường hứng thú có sức giữ người mãnh liệt hơn là lương cao với công việc và không khí chẳng vui vẻ gì.


Ngài Tenzin Gyatso (Dalai Lama thứ XIV) nói rằng: “Một đời sống tốt đẹp không chỉ tạo bằng thức ăn ngon, áo mặc đẹp và mái nhà xinh xắn, mà trở nên sinh động bởi những ý định trong sạch, một lòng yêu thương không giáo điều cũng không triết lý bác học. Đó là hiểu rằng những người khác, đàn ông hay đàn bà, là những người anh, người chị của chúng ta, nên cần kính trọng quyền lợi và phẩm giá của họ”.


Ở một chỗ khác, ngài nhấn mạnh: “Động cơ chủ yếu là lòng yêu thương. Ngay cả trong lĩnh vực chính trị, nếu bạn có những ý định trong sạch và cùng với chúng bạn cải thiện xã hội, lúc ấy bạn là một chính trị gia tốt và lương thiện. Chính trị – bản thân nó không có gì xấu. Suy ra trong kinhh doanh cũng vậy, nếu chúng ta quản lý hay điều hành với những ý định trong sáng, với sự quan tâm đến lợi ích của cá nhân và cộng đồng, chúng ta sẽ tồn tại vững mạnh”.


Dưới đây là ba cách giúp định vị và chuẩn bị tâm thế cho thực tập Quản trị nhân bản:


– Quyết định phương thức thực hiện Quản trị nhân bản: Bạn sẽ nêu gương điển hình cho tổ chức, hay ít nhất cho nhóm mà bạn phụ trách theo năm mục tiêu đề câp ở trên như thế nào?


– Đánh giá chính mình theo lăng kính của đồng đội: Nếu bạn hỏi họ có vui khi làm việc với bạn không, họ sẽ đánh giá bạn ở mức độ nào?


– Hình dung mình là chủ điểm của câu chuyện: Giả như bạn là kẻ nghe trộm trong căn nhà của những người đang làm cho bạn, họ sẽ nói gì về bạn vào buổi tối?


Nói theo các nhà quản lý phương Tây là: “Giúp cho một thành viên phát triển, thì bạn sẽ nhận lại sự kính trọng”


Còn theo ngài Tenzin Gyatso: “Cái chính yếu là thiết lập giữa chúng ta một sự cảm thông đích thực, với những ý định trong sáng. Như thế chúng ta cùng thành công trong công việc giải quyết tốt những vấn đề. Đó là một niềm vui sướng khi tương thông bằng trí tuệ và trái tim từ người này sang người khác. Điều ấy cần biết bao!” (Kindness, Clarity and Insight, 1990).


Trong tinh thần ấy, chúng ta thấy phong cách lãnh đạo nhân bản thật gần với tâm đức vị tha của Phật giáo.