Trang chủ Thời đại Truyền thông Quản trị khủng hoảng trong truyền thông và truyền thông Phật giáo

Quản trị khủng hoảng trong truyền thông và truyền thông Phật giáo

472

Với hai nghìn năm đồng hành cùng dân tộc, trải qua bao cuộc thịnh suy, Phật giáo từ lâu đã là hồn dân tộc, trở thành bản sắc của dân tộc Việt Nam. Đạo Phật ảnh hưởng đến tư tưởng, đạo đức, phong tục tập quán,… của người Việt. Được thành lập từ năm 1981 đến nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã trải qua 7 nhiệm kỳ Đại hội. Mỗi một nhiệm kỳ Đại hội đều khẳng định từng bước sự ổn định và trưởng thành của hệ thống tổ chức Giáo hội, khẳng định sự phát triển bền vững trên tất cả các lĩnh vực chuyên môn hoạt động của Giáo hội trong sự nghiệp xương minh Phật pháp và đồng hành cùng dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa.

Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII Nhiệm kỳ (2017-2022) diễn ra trong bối cảnh đất nước đang trong quá trình đổi mới, xu hướng hội nhập và hợp tác quốc tế sâu rộng với thời cơ vận hội lớn, đồng thời cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức khi tình hình trên thế giới, khu vực có những thay đổi sâu sắc, nhanh chóng, diễn biến phức tạp trong đó có vấn đề sắc tộc và tôn giáo.

Để tiếp tục phát huy những thành quả phật sự đã đạt được sau hơn 35 năm của 7 nhiệm kỳ Đại hội, với tinh thần trách nhiệm của các thành viên đối với tổ chức Giáo hội và nêu cao trí tuệ tập thể nhằm mục đích xây dựng được cương lĩnh sát thực tiễn thời đại cho hoạt động của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong nhiệm kỳ VIII và các nhiệm kỳ tiếp theo định hướng tầm nhìn năm 2030, hòa vào dòng chảy ấy, chúng con xin trình bày tham luận với chủ đề: “Quản trị khủng hoảng trong truyền thông và truyền thông Phật giáo”.

1. Quản trị khủng hoảng trong truyền thông

1.1. Các khái niệm

– Khủng hoảng: Khủng hoảng là tình trạng rối loạn, mất sự cân bằng và sự bình ổn, do nhiều mâu thuẫn chưa giải quyết được, tất cả những tình huống có thể đe dọa danh tiếng hay sự ổn định, đặc biệt là sự sống còn của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp(1).

Nguyên nhân gây ra khủng hoảng: Ba yếu tố chính dẫn đến khủng hoảng: kỹ thuật, con người, tổ chức. Ví dụ như vụ tranh chấp liên quan đến luật pháp: Chẳng hạn như vụ kiện chống bán phá giá một số loại sản phẩm thủy sản Việt Nam tại Mỹ…; việc kiện tụng của nhân viên, các tổ chức khác, khách hàng…

– Truyền thông: Truyền thông là hiện tượng xã hội phổ biến, ra đời, phát triển cùng với sự phát triển của xã hội loài người, tác động và liên quan đến mọi cá thể xã hội. Do đó, hiện tượng này có rất nhiều quan niệm và định nghĩa khác nhau, tùy theo góc nhìn đối với truyền thông(2). Có nhiều định nghĩa về truyền thông, chúng con xin nêu một định nghĩa tương đối phổ biến: Truyền thông là quá trình liên tục trao đổi thông tin, tư tưởng, tình cảm…, chia sẻ kỹ năng và kinh nghiệm giữa hai hoặc nhiều người nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau, thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân/nhóm/xã hội.

– Truyền thông khủng hoảng: Truyền thông khủng hoảng là những hoạt động xử lý tổng hợp của chủ thể quản lý truyền thông nhằm ngăn chặn những tin đồn hoặc sự hiểu lầm không cần thiết khi xảy ra thay đổi hay khi xuất hiện các mối đe dọa ảnh hưởng đến tính mạng, tài sản hay sự an toàn của các nhóm người khác nhau, từ đó xây dựng niềm tin và sự ủng hộ tích cực từ các nhóm công chúng khác nhau.

– Quản trị khủng hoảng: Quản trị khủng hoảng là cách tiếp cận có hệ thống và tổng hợp để kiểm soát, ngăn chặn và giảm thiểu những ảnh hưởng của tình trạng khủng hoảng, tình trạng có khả năng gây tác động bất lợi về mặt tài chính hoặc hủy hoại uy tín của tổ chức. Mục đích của quản trị khủng hoảng: Kiểm soát được khủng hoảng, giảm thiểu hoặc ngăn chặn được những tác động tiêu cực do khủng hoảng gây ra, bảo vệ uy tín và hình ảnh của tổ chức.

1.2. Tác dụng của quản trị khủng hoảng

– Quản trị khủng hoảng tốt giúp kiểm soát được tình hình.

– Ngăn chặn được những tác động tiêu cực do khủng hoảng gây ra.

– Chủ động hành động, hành động kịp thời và hiệu quả để giảm thiểu các thiệt hại do khủng hoảng gây ra.

– Ngăn chặn các tác động tiêu cực tiềm ẩn của khủng hoảng.

– Bảo vệ uy tín và hình ảnh của tổ chức.

– Cải thiện mối quan hệ với công chúng thông qua chiến lược quản trị khủng hoảng được thực hiện một cách hiệu quả.

– Khai thác những tác động tích cực đi kèm theo khủng hoảng.

Muốn quản trị khủng hoảng hiệu quả chúng ta cần: phân tích một cách có hệ thống, khoa học, để có được một cái nhìn toàn diện về khủng hoảng. Để làm được việc đó, phải trả lời được bốn câu hỏi sau:

– Loại khủng hoảng gì đang xảy ra vậy? (WHAT) (3)

– Khủng hoảng bắt đầu từ đâu? (WHEN) (4)

– Nguyên nhân của khủng hoảng? (WHY) (5)

– Khủng hoảng ảnh hưởng đến những đối tượng nào? Và những đối tượng nào ảnh hưởng đến khủng hoảng? (WHO) (6)

Tác dụng của bốn câu hỏi:

– Câu hỏi 1 (WHAT) giúp ta nhận diện được loại khủng hoảng đang xảy ra, từ đó tìm cách chống đỡ thích hợp và có hiệu quả.

– Câu hỏi 2 (WHEN) giúp xác định thời điểm xảy ra khủng hoảng và quản trị khủng hoảng đang ở giai đoạn nào?

– Câu hỏi 3 (WHY) giúp tìm nguyên nhân của khủng hoảng. Nguyên nhân của khủng hoảng có thể nằm trong các yếu tố kỹ thuật – con người – tổ chức hoặc tổng hợp các yếu tố này.

– Câu hỏi 4 (WHO) giúp xác định được ai là người gây ra khủng hoảng? Ai là người có ảnh hưởng đến khủng hoảng và ngược lại khủng hoảng ảnh hưởng đến ai?

ĐĐ.Châu Hoài Thái – UV HĐTS, Phó Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN

Để quản trị khủng hoảng hiệu quả:

– Xác định loại khủng hoảng và mối quan hệ nhân quả với các khủng hoảng xảy ra trước và sau nó.

– Xác định thời điểm xảy ra khủng hoảng và các giai đoạn quản trị khủng hoảng.

– Nguyên nhân khủng hoảng.

– Những đối tượng tác động đến khủng hoảng hay bị khủng hoảng tác động.

1.3. Quá trình quản trị khủng hoảng

Phân loại khủng hoảng với cơ quan, tổ chức:

– Loại khủng hoảng nào cần chuẩn bị đối phó trước.

– Loại khủng hoảng nào cần chuẩn bị đối phó sau.

– Loại khủng hoảng nào chưa cần quan tâm.

Các giai đoạn quản trị khủng hoảng: Tuy có rất nhiều loại khủng hoảng nhưng dù là loại khủng hoảng nào thì công tác quản trị khủng hoảng cũng cần trải qua 5 giai đoạn:

– Giai đoạn nhận biết.

– Giai đoạn chuẩn bị.

– Giai đoạn ngăn chặn tổn thất.

– Giai đoạn phục hồi.

– Giai đoạn rút kinh nghiệm.

2. Quản trị khủng hoảng trong truyền thông Phật giáo

2.1. Vai trò của quản trị khủng hoảng trong truyền thông Phật giáo

16 giờ 26 phút, ngày 15/09/2017 báo mạng điện tử Thanh Niên và các báo mạng khác đăng tải thông tin: “Hai sư thầy với những clip ‘triệu view’ thể hiện các ca khúc nhạc Trịnh, nhạc bolero gây xôn xao cộng đồng mạng thời gian qua bất ngờ xuất hiện trên một chương trình trò chơi truyền hình “Tuyệt đỉnh song ca 2017” với tư cách thí sinh dự thi”; và nêu rõ: Hai cá nhân này là “Lê Thanh Hoàn Nguyên (sinh năm 1990) và Lê Thanh Nhất Nguyên (sinh năm 1991), đang tu tại chùa Bồng Lai (Đức Hòa, Long An) và cùng sống trong chùa từ nhỏ. 

Đi cùng hai sư thầy trẻ là sư thầy trụ trì của chùa – “Hòa thượng” Thích Tâm Đức. Nhiều thư điện tử gửi về Ban Thông tin – Truyền thông Trung ương, tòa soạn các báo và các trang mạng điện tử Phật giáo có ý bày tỏ bức xúc: “Giáo hội Phật giáo Việt Nam nên quan tâm, xem kỹ vấn đề này”.

Trước đó, phần trình diễn của hai thí sinh này dự kiến xuất hiện trong tập 2 của Tuyệt đỉnh song ca 2017 với ca khúc “Một cõi đi về”. Ban Tổ chức đã gửi thông cáo cho báo chí, với nội dung giới thiệu về hai thí sinh đặc biệt, với những lời mô tả đây là 2 “nhà sư triệu view” – có nhiều clip hát bolero gây sốt trên mạng xã hội.

Khi nhận được thông tin qua báo chí, Ban Thường trực BTS GHPGVN tỉnh Long An xác minh, tổng hợp thông tin và đã chỉ đạo Ban Thông tin truyền thông Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An đã phản hồi về sự việc, cho rằng 2 thí sinh mà chương trình Tuyệt đỉnh song ca gọi là “nhà sư” đã mạo danh tu sĩ Phật giáo, mạo danh chùa. Trước phản hồi này, đơn vị sản xuất Tuyệt đỉnh song ca (Công ty Sen Vàng) đã có buổi làm việc với 2 thí sinh. 

Sau đó đơn vị sản xuất đính chính rằng hai thí sinh này không phải nhà sư, mà chỉ là những người tu hành tại gia. Đây là minh chứng có tính thời sự về xử lý khủng hoảng truyền thông có liên quan đến Phật giáo. Trong bối cảnh đất nước và Phật giáo đã hội nhập toàn diện với thế giới đa cực, thế giới phẳng đồng nghĩa với việc tiếp biến văn hóa. 

Thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), mạng xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam làm sâu sắc nội hàm vai trò đồng hành cùng dân tộc trong việc ứng phó với văn hóa ngoại lai, văn hóa độc hại. Thông qua ngành thông tin – truyền thông hay báo chí Phật giáo Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong công tác văn hóa – tư tưởng của Đảng, Nhà nước nên báo chí đã thể hiện đầy đủ chức năng của báo chí – truyền thông nói chung, nổi bật là chức năng văn hóa, giáo dục; chức năng định hướng, giáo dục chính trị, tư tưởng; chức năng giám sát, phản biện xã hội.

Tuy nhiên, khi tin giả, tin độc hại đã trở thành vấn nạn toàn cầu thì bản thân Phật giáo cũng là nạn nhân của vấn nạn này. Vì vậy, vai trò của quản trị khủng hoảng truyền thông Phật giáo là sợi chỉ xuyên suốt trên hành trình phụng sự Đạo pháp – Dân tộc và đồng hành cùng đất nước trong kỷ nguyên hội nhập – phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

2.2. Các bước quản trị khủng hoảng trong truyền thông Phật giáo

Trong phạm vi của tham luận, chúng con xin đề xuất một số bước quản trị khủng hoảng trong truyền thông Phật giáo như sau:

– Giai đoạn chuẩn bị:

+ Lập ban quản trị khủng hoảng (BQTKH).

+ Lên kế hoạch quản trị khủng hoảng.

+ Lập các phương án ngăn chặn đối phó với khủng hoảng.

+ Chuẩn bị trang thiết bị.

+ Tổ chức đào tạo, huấn luyện cho các thành viên BQTKH và những người có liên quan,…

– Giai đoạn nhận biết:

+ Giai đoạn đầu, bất cứ cuộc khủng hoảng tiềm ẩn nào cũng phát ra những tín hiệu, dấu hiệu mà con người có thể cảm nhận được là khủng hoảng hoặc có khả năng xuất hiện hoặc sẽ xuất hiện.

+ Giai đoạn nhận biết nếu được quan tâm thích đáng sẽ ngăn chặn được khủng hoảng hoặc giảm thiểu những thiệt hại do khủng hoảng mang lại.

– Giai đoạn ngăn chặn:

+ Cô lập khủng hoảng.

+ Cắt bỏ khủng hoảng.

+ Phân tán khủng hoảng.

+ Giảm thiểu khủng hoảng.

+ Vô hiệu hóa khủng hoảng.

2.3. Các nguyên tắc truyền thông khủng hoảng:

Ứng phó nhanh chóng dựa trên thông tin chính xác.

+ Thống nhất kênh thông tin – truyền thông qua người phát ngôn chính thức.

+ Quản lý hiện trường một cách có trật tự.

+ Ứng phó với các cơ quan truyền thông đại chúng trên cơ sở có sự chuẩn bị tốt nhất.

+ Luôn xem xét lập trường của công chúng (người dân, phật tử) để phát ngôn và hành động.

+ Tích cực cung cấp thông tin mới cho báo chí và các phương tiện truyền thông đại chúng.

+ Công bố chính thức tất cả các thông tin.

+ Ứng phó ngay lập tức với các thông tin sai sự thật và tiêu cực.

+ Giải thích sự việc cho các chuyên gia và người dẫn dắt dư luận một cách đầy đủ.

+ Lâp kế hoạch hỗ trợ các nhà báo phụ trách thông tin về lĩnh vực khủng hoảng.

2.4. Đề xuất giải pháp xử lý khủng hoảng trong truyền thông Phật giáo

– Thành lập Ban quản trị khủng hoảng truyền thông của Giáo hội, được phát triển từ trung ương đến các địa phương. Có biên chế chính thức với các nhân sự được giao chuyên trách công tác này, tiếp nhận và xử lý thông tin theo chỉ đạo của Ban quản trị.

– Duy trì và phát triển các kênh truyền thông của Giáo hội, vừa thực hiện chức năng tuyên truyền, quảng bá hoạt động định kỳ của Giáo hội vừa là kênh thông tin chính thức để xử lý khủng hoảng. Đó là các cơ quan báo chí chính thống của Giáo hội nhưng cũng phát triển kênh truyền thông trên các mạng xã hội.

– Phối hợp tốt với các cơ quan báo chí ngoài Giáo hội để cùng tạo nên một mặt trận truyền thông nhằm lấy thông tin tốt, thông tin chính thống để “đè bẹp” các luận điệu sai trái, các thông tin tiêu cực đối với Giáo hội.

– Xây dựng kế hoạch tuyên truyền một cách bài bản để xử lý khủng hoảng tương ứng với từng giai đoạn xử lý khủng hoảng như trên đã nêu.

– Bản chất của xử lý êm thấm các khủng hoảng truyền thông là cần cung cấp thông tin chính thống, đúng thời điểm đến công chúng nhằm tạo nên dư luận xã hội có lợi cho Giáo hội. Vì vậy, Ban quản trị cần có các chuyên gia có kỹ năng truyền thông để tham mưu và thực hiện hiệu quả các nguyên tắc xử lý khủng hoảng truyền thông.

– Thường xuyên theo dõi thông tin trên các kênh (chính thống và không chính thống) để kịp thời nắm bắt thông tin khủng hoảng, không được để xảy ra tình trạng chậm thông tin so với dư luận để có giải pháp xử lý thỏa đáng. Điều quan trọng là luôn làm chủ được tình hình đã và đang diễn ra, chủ động kế hoạch truyền thông để xử lý khủng hoảng.

– Đầu tư các trang thiết bị kỹ thuật, công nghệ để sản xuất các sản phẩm truyền thông, truyền tải các sản phẩm này phù hợp với nhu cầu, thẩm mỹ của các đối tượng.

– Thành lập trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí truyền thông (trực thuộc Ban Thông tin Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam), để làm đầu mối định kỳ tổ chức các khóa bồi dưỡng nâng cao trình độ về nhận thức và kỹ năng của đội ngũ làm truyền thông Phật giáo về truyền thông và xử lý khủng hoảng truyền thông.

3. Kết luận

Quản trị khủng hoảng trong truyền thông là một công việc phức tạp nhưng nhận thức đúng đắn về quản trị khủng hoảng trong truyền thông Phật giáo có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh thông tin đa chiều hiện nay. Bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng là thách thức nếu chúng ta không chuyển mình sẽ tụt hậu trong kỹ năng và công nghệ truyền thông nhưng cũng là thời cơ để truyền thông Phật giáo có bước tiến vững chắc “đồng hành cùng dân tộc”.

ĐĐ.Châu Hoài Thái – UV HĐTS, Phó Ban Thông tin Truyền thông T.Ư GHPGVN

Tham luận tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ VIII 

————-

Chú thích

(1) PGS,TS. Đỗ Thị Thu Hằng (2017), Tài liệu bài giảng Quản trị khủng hoảng trong truyền thông.

(2) PGS.TS.Nguyễn Văn Dũng (chủ biên) Ts. Đỗ Thị Thu Hằng (2006), truyền thông lý thuyết và kỹ năng cơ bản, NXB lý luận chính trị, tr13.