Trang chủ Bài nổi bật Quán thiền trong Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất...

Quán thiền trong Đường xưa mây trắng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh

619

Đường xưa mây trắng là tác phẩm của Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Cuốn sách kể về cuộc đời Đức Phật, mà ai đọc vào cũng cảm nhận được điều hay lẽ phải. Giáo lý nhà Phật được tác giả phân tích dễ hiểu, dễ nắm bắt.


Thầy Thích Nhất Hạnh (tên khai sinh Nguyễn Xuân Bảo, sinh năm 1926, tại Huế), là Thiền sư nổi tiếng người Việt Nam. Ông hiện là nhà sư có ảnh hưởng lớn đến Phật giáo trên toàn thế giới. Không những là nhà tu hành, Thích Nhất Hạnh còn hiện diện là một nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu. Đến nay, ông đã viết được hơn 100 cuốn sách.

Hầu như tác phẩm nào của ông cũng gây được sự chú ý không chỉ ở những người theo Phật giáo, mà ở nhiều độc giả, ở mọi lứa tuổi, ngành nghề, tôn giáo khác. Tác phẩm Đường xưa mây trắng của Thầy Thích Nhất Hạnh có thể được coi như là một cuốn tiểu thuyết về cuộc đời Đức Phật, mà trong sách, tác giả gọi là Bụt. Bụt là phiên âm từ âm Buddha trong tiếng Phạn.

Cuộc đời Đức Phật được kể qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Svasti từng cúng dường cỏ bồ đề cho cho Đức Phật suốt 49 ngày trước khi thành đạo. Đây có thể là góc nhìn khác lạ của tác giả so với nhiều người kể về Đức Phật.

Qua đôi mắt đứa trẻ, mọi sự vật, sự việc sẽ được kể chân thật, hồn nhiên, không có gì phải giấu diếm. Đức Phật hiện diện lên trước hết, không phải là một thần linh, mà là một con người giản dị, có cuộc sống và mơ ước như bao người. Mơ ước của Đức Phật là làm lợi cho muôn loài.

Tác phẩm được chia làm 81 chương, trong mỗi chương là những cảnh xưa, người xưa được hiện diện lên sống động. Giáo lý nhà Phật được nói dễ hiểu, gọn gàng. Những tập tục của người xuất gia xưa, hay cách quán thiền cũng được tác giả lồng ghép vào khéo léo.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ảnh internet

Câu chuyện diễn ra tự nhiên, không có một gượng ép nào. Tác giả cho thấy sức tưởng tượng thiên tài của mình, người đọc có thể tưởng rằng, tác giả phải là người sống bên cạnh Đức Phật mới có thể viết tỉ mỉ, lý thú như vậy, nếu như không đọc tên người viết.

Tâm sự về cuốn sách này, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “Tôi còn nhớ là tôi đã viết Đường Xưa Mây Trắng ở trong cái quán của Xóm Thượng. Hồi đó chưa có lò sưởi trung ương, trong phòng chỉ có một cái lò sưởi đốt củi thôi và trời rất lạnh. Tay phải tôi viết còn tay trái thì đưa ra hơ trên lò sưởi. Tôi đã viết những chương của Đường Xưa Mây Trắng với rất nhiều hạnh phúc.

Thỉnh thoảng tôi đứng dậy pha trà để uống. Mỗi ngày viết mấy giờ cũng như được ngồi uống trà với đức Thế Tôn. Và tôi biết trước người đọc sẽ rất có hạnh phúc vì khi viết mình cũng đang có rất nhiều hạnh phúc. Viết Đường Xưa Mây Trắng không phải là một lao động mệt nhọc mà là cả một niềm vui lớn. Đó là một quá trình khám phá. Có những đoạn tôi cho là khó viết, như đoạn Bụt độ cho ba anh em ông Ca Diếp.

Tài liệu thường nói là Bụt độ ba anh em đó nhờ thần thông của Ngài, nhưng khi viết thì tôi đã không để cho Bụt dùng thần thông mà cứ để Bụt sử dụng từ bi và trí tuệ của Ngài để độ ba ông ấy. Bụt có rất nhiều trí tuệ, rất nhiều từ bi, tại sao Bụt không dùng mà lại phải dùng thần thông? Và tôi có một niềm tin rất vững chắc là mình sẽ viết được chương đó. Chương này là một trong những chương khó nhất của Đường Xưa Mây Trắng nhưng cuối cùng tôi đã thành công. Chương khó thứ hai là chương nói về cuộc trở về của Bụt để thăm gia đình. Ngài đã thành Phật rồi, Ngài đã thành bậc toàn giác rồi, nhưng về thăm gia đình thì Ngài vẫn còn là một đứa con của cha, của mẹ, vẫn là một người anh của các em.

Viết như thế nào để Bụt vẫn còn giữ lại được tính người của Ngài. Cũng nhờ niềm tin đó mà tôi thành công. Quý vị đọc lại, sẽ thấy Bụt về thăm nhà rất tự nhiên. Cách Ngài nắm tay vua cha đi từ ngoài vào, cách Ngài đối xử với em gái, cách Ngài đối xử với Yasodhara và Rahula, rất tự nhiên. Tôi có cảm tưởng là có chư Tổ gia hộ nên tôi mới viết như vậy được. Trong Đường Xưa Mây Trắng chúng ta khám phá ra Bụt là một con người chứ không phải là một vị thần linh”.

Đường xưa mây trắng được biết đến là cuốn sách đã bán được nhiều triệu bản, được dịch ra hơn 20 tiếng trên thế giới. Sau khi đọc được cuốn sách này, nhà tỉ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi đã quyết định tài trợ 120 triệu USD để các nhà làm sản xuất dựa theo Đường Xưa Mây Trắng dựng thành phim.

Qua cuốn sách, thầy Thích Nhất Hạnh đã vẽ lại phần nào khung cảnh xưa: “Trong bóng me im mát vị khất sĩ Svastika đang thực tập phép quán niệm hơi thở. Chú ngồi trong tư thế hoa sen. Từ hơn một tiếng đồng hồ, chú đã ngồi thực tập như thế một cách chăm chú. Đó đây trong tu viện Trúc Lâm, hàng trăm vị khất sĩ cũng đang ngồi thực tập thiền quán, hoặc trong bóng tre, hoặc tron những chiếc am lá nhỏ đựng rải rác khắp nơi trong tu viện, xen lẫn giữa những bụi tre xanh tươi và khỏe mạnh”.

Đọc cuốn sách này, chúng ta học được nhiều điều hay của Đức Phật, đó là cách nói chuyện, cách hành động, cách lý giải cuộc sống. Và đặc biệt, là cách quán thiền, cách tĩnh tâm trước những biến động của đời người.