Trang chủ Diễn đàn Quản lý tiền công đức theo Nhân và quả

Quản lý tiền công đức theo Nhân và quả

94

 

Sau khi có thông báo về việc chuẩn bị Bộ văn hóa ra thông tư về việc quản lý tiền công đức ở tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, rất nhiều người đang nghi ngờ và đặt ra rất nhiều câu hỏi.
 
Trước hết là những câu hỏi trong sáng nghiêm túc bởi vì một khi đã ra thông tư thì đó là mang tính pháp lý, mà đã là pháp lý thì phải có quyết định, có đóng dấu tròn của cơ quan công quyền.
 
Vậy ai sẽ là người quản lý? Các quan chức địa phương? Các đoàn thể? Các ban ngành? Hội ?…
 
Tiền thu được sẽ mang gửi tiền tiết kiệm? Hay đầu tư vào chứng khoán, cho vay hay mua két để giữ…?
 
Tiền này thu được từ nhà thờ, nhà chùa nào…thì chỉ được chi lại cho nơi đó hay được phép chi cho các nơi khác?
 
Một khi đã có ban thì phải có Ông hay Bà trưởng phó ban, có ủy viên? Một ban này qui định là bao nhiêu người là đủ? Ban này có những trách nhiệm và quyền hạn gì?
 
Ban này có được hưởng lương không? Tiền lương đó được chi từ tiền công đức? Tiền lương của ông, bà trưởng ban là bao nhiêu thì vừa và đủ? Các ủy viên là bao nhiêu?
 
Thứ nữa là các câu hỏi về sự nghi ngờ liệu có thất thoát tiền công đức ngay trong tay cái gọi là “ Ban quản lý” này hay không?
 
Người ta có quyền nghi ngờ lắm chứ bởi vì đã có không biết bao nhiêu vụ việc đã được phanh phui khi mà ngay cả tiền cứu đói cho người nghèo, cho các vùng đang bị thiên tai… Các quan chức còn nhẫn tâm ăn chặn được, thậm chí là tiền chi phí sửa, xây dựng cho nghĩa trang liệt sĩ, tiền tử tuất… nữa là tiền của thập phương mang đến cúng.
 
Thứ nữa là các câu hỏi về việc xin chi.
 
Mỗi lần xin chi thì người chủ trì nhà chùa, nhà thờ, tự đường… phải làm đơn trình ai? Trình UBND? Hay trình ngay ban quản lý tiền công đức? Ông hay bà trưởng ban có đủ thẩm quyền phê duyệt? Khi xin chi thì người chủ trì các nơi nói trên phải khai báo chi tiết xin để làm gì? Và đương nhiên là phải có quyết toán chi.
 
Ban quản lý này cũng phải có kế toán (vì có những nơi thu chi đến bạc tỉ) à mà còn phải biết sử dụng đến cả máy vi tính chứ, tiền tỉ ai lại cộng trừ, nhân chia bằng cách dơ ngón tay ra mà đếm bao giờ.           
 
Đối với những Phật tử, những Con chiên nếu biết rằng tiền mình làm công đức đóng góp là để trước hết tu sửa, xây dựng mở mang nhà thờ, nhà chùa, trang trải chi phí, để in ấn kinh sách, băng đĩa, đào tạo các Tăng, Ni, Tu sĩ, ăn ở, tu tập cho các Phật tử, các Con chiên… sau đó để làm từ thiện giúp đỡ người già cô đơn, trẻ em tàn tật, giúp đỡ người nghèo, cúu trợ các vùng bị thiên tai… mà lại bị trích một phần để trả lương cho ban quản lý thì chắc chắn rằng không một ai muốn bỏ tiền vào các giỏ quyên góp, các hòm công đức nữa.
 
Khi đó người ta không thiếu gì cách đóng góp tiền công đức, mà không phải bỏ tiền vào thùng công đức để rồi phải trả lương cho ban quản lý, để rồi mỗi khi cần đến tiền chi cho nhà thờ hay nhà chùa lại phải giải trình ngửa tay xin tiền.
 
Đó là chưa kể tiền công đức này lại bị thất thoát hay biến mất dưới bàn tay của ban quản lý này.
 
Thông thường thì trong nhà chùa việc các khách thập phương nhất là các Phật tử khi đã được nghe các bài giảng phật pháp thì người ta lại ít khi nào cúng dường bằng tiền lại đưa trực tiếp cho Thầy trụ trì hay các Tăng Ni, mà các Tăng Ni cũng không được phép nhận giữ tiền, vì vậy mà thường là cho tiền vào thùng. Nếu thông tư này được thông qua thì việc các thùng công đức trong các nơi thờ tự cũng sẽ không còn.
 
Như vậy vô tình đẩy các nơi linh thiêng, vốn cấm kỵ các việc dối trá trở thành nơi phải đối phó với cái “ban quản lý” này chỉ để sao cho cần có tiền chi vào những việc vốn dĩ phải chi mà không phải đi giải trình kính thưa ông hay bà quản lý cho nhà thờ, nhà chùa chúng tôi xin tiền chi đóng tiền điện, tiền nước, tiền học phí cho các Tăng, Ni, Tu sĩ, tiền ăn cho khoảng ba đến bốn ngàn xuất ăn, sáng ,ăn trưa cho các phật tử đến tu tập…
 
Một điều vô lý là tiền công đức của thập phương đền các cơ sở tôn giáo đóng góp lại bị người ngoài đến đòi quản lý. Kinh nghiệm vốn cho thấy nơi nào có các ban đòi quản lý “tiền công” thì nơi đó trước hết là mất đoàn kết, nơi nào có “xin, cho” thì nơi ấy có cửa quyền nhũng nhiễu. ..
 
Tốt nhất là hãy để cho các nhà chùa, các nhà thờ, các tự đường, các thiền viện… khách thập phương đến cúng dường công , thì ở đó người có thẩm quyền cao nhất quyết định ai là người làm thủ quĩ. Họ chi tiếu ra sao đó là quyền của họ và chỉ có họ mới là người sử dụng hiệu quả nhất những đồng tiền công đức này.
 
“… Ta cũng không sợ gì. Đồng thời chính phật tử và nhân dân địa phương sẽ là “người giám sát” tốt nhất không chỉ về đạo đức tu hành của vị sư mà còn cả những vấn đề thu chi từ tiền công đức nữa. Vậy thì đặt vấn đề “ai quản lý” tiền công đức trong phạm vi nhà chùa là thừa, vì như thế chẳng khác gì dùng “quản lý” để chồng lên “quản lý”, nói một cách cụ thể là “thế tay thợ đẽo”.”
 
Hơn nữa các vị tu sĩ, các vị xuất gia chân chính họ thừa hiểu khi sử dụng tiền công dức không đúng mục đích thì họ sẽ phạm phải nghiệp báo gì và họ sẽ gặt quả ra sao trên con đường tu hành và giải thoát.
 
Vì vậy cấn phải xác định rõ phạm vi quản lý tiền công đức tại các di tích văn hóa, các lễ hội mang tính công đồng, thương mại thì cần thiết phải có ban quản lý vì nơi này mỗi năm chỉ mở lễ hội một lần, không có chủ thể thực sự mà mang tính quản lý  cộng đồng, do một ban lễ hội phụ trách, thì mọi việc thu, chi phải có thanh quyết toán như một doanh nghiệp.
 
Còn tại các nơi như Chùa, nhà Thờ là không nên vì nhà chùa, nhà thờ đều có người trụ trì( có chủ thực sự).
 
Hạnh nguyện tu hành của các vị xuất gia cũng được kiểm chứng trước việc quản lý và sử dụng tiền công đức đúng với lời Phật dậy, chúng ta đừng sợ.
 
Sài Gòn – tháng 4 năm 2012