Trang chủ Quốc tế Quan điểm của người Nga về Phật giáo

Quan điểm của người Nga về Phật giáo

143

Phapluanonline, bản cập nhật ngày 23/7/2009, có đưa một tin như sau về quan hệ giữa chính phủ Liên Bang Nga với Phật giáo “…Tổng Thống Nga Medvedev thông qua chương trình giáo dục tôn giáo trong nhà trường:

Thời báo New York đưa tin, ngày 21 tháng 7, Tổng thống Nga, ông Dimitry A. Medvedev, thông qua quyết định đưa giáo lý Phật giáo, Chính Thống giáo, Hồi giáo, và Do Thái giáo vào chương trình giảng dạy tại các trường công lập bắt đầu vào tháng 3 năm 2010.

Trong cuộc gặp giữa các quan chức chính phủ và các nhà lãnh đạo tôn giáo lớn tại nhà riêng của tổng thổng Nga, ông Medvedev nói rằng chương trình thí điểm đưa giáo lý các tôn giáo lớn này vào chương trình giảng dạy cho 250,000 học sinh tại 18 khu vực.

Sau đó, nếu chương trình này thành công, nó được được áp dụng trên toàn quốc. Học sinh có thể chọn lựa một trong bốn tôn giáo đã quy định cho chương trình học của mình.

Thời báo Moscow trích lời ông Medvedev “Tôi thông qua quyết định này để hỗ trợ hai kế hoạch: giảng dạy văn hóa và đức đạo tôn giáo cho học sinh, và tôi cũng quan tâm đến việc thành lập Nha tuyên úy tôn giáo trong quân đội Nga.”

Cũng theo thời báo Moscow, Bộ trưởng quốc phòng Nga, ông Anatoly Serdyukov nói Bộ quốc phòng, ban đầu, sẽ cần 250 tu sĩ làm việc trong quân đội.
Quyết định này đang gây nhiều tranh cãi. Phần lớn giáo sĩ Chính Thống giáo ủng hộ quyết này và họ cho rằng quyết định này sẽ giúp phát triển đạo đức và tâm linh trong tầng lớp thanh thiếu nhiên.

Tuy nhiên, những người phản đối chỉ trích rằng quyết định này sẽ có lợi cho Chính Thống giáo Nga và sẽ bất công cho những người không theo tôn giáo. Và theo họ, quyết định này là trái với hiến pháp của Nga, vì hiến pháp nước này quy định tách biệt giữa nhà nước và tôn giáo.

Ông Alexander Brod, một nhà hoạt động nhân quyền, người từng phản đối Giáo hội Chính Thống giáo đề nghị Tổng thống Nga thông qua quyết định này, nói với Reuters: “Tôi ủng hộ quyết định này, nhưng tôi đợi xem kế hoạch chi tiết. Quyết định này phải là quyết định không phải để truyền bá Chính Thống giáo”.

Bản tin này ắt làm nhiều người chúng ta ngạc nhiên, vì theo đó Tổng thống Nga xem Phật giáo là một tôn giáo lớn ở Nga, ngang hàng với Chính thống giáo, một tôn giáo mà thế giới vẫn coi là quốc giáo của Nga (dù Hiến pháp Nga quy định rõ sự độc lập của nhà nước với nhà thờ, nhưng Tổng thống Nga lại tuyên thệ nhậm chức trước Thượng phụ Chính Thống giáo, người đứng đầu giáo hội này).

Bài viết này tìm hiểu thực trạng Phật giáo Nga, giải thích tại sao chính phủ Nga lại có quan điểm như trên đối với Phật giáo.

Giáo sư Trần Quang Thuận gần đây, trong một loạt công trình về Phật giáo các nước trên thế giới, đã xuất bản một tập sách riêng về Phật giáo Nga (nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội, 2008).

Quyển sách ghi nhận sự mâu thuẫn trong triều đình Sa hoàng trong quan điểm đối với Phật giáo, những chính sách thay đổi của nhà nước Liên Xô đối với Phật giáo, nhưng không đi sâu lý giải nguyên nhân những sự kiện trên.

Cũng tiếc là quyển Phật giáo Nga chỉ đi sâu xoay quanh vào sự nghiệp của Lạt ma Agvan Dorzhiev, người có những cống hiến quan trọng cho Phật giáo Nga – Liên Xô nửa cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, nên bức tranh toàn cục về Phật giáo Nga có phần hạn chế.

Tuy nhiên, quyển sách cũng phần nào giúp chúng ta lý giải vấn đề nêu ở trên. Bài viết này sẽ cố gắng đề cập đến những khía cạnh mà quyển sách chưa nói đến hay chỉ nói qua, nhằm tiếp tục tìm kiếm câu trả lời vì sao, Chính phủ Nga hiện nay, lại đánh giá cao Phật giáo như thế.

Đối với Nga, quan điểm về Phật giáo liên quan đến quan điểm hàng đầu và có ý nghĩa lịch sử quan trọng đối với nước Nga, là quan điểm nhìn nhận nước Nga như thế nào. Nga là một quốc gia châu Âu, hay là khác đi. Đây là một vấn đề gây tranh luận lớn trong chính giới Nga, giới trí thức Nga trong nhiều thế kỷ và kéo dài cho đến hôm nay vẫn chưa ngã ngũ.

Quan điểm thứ nhất xem nước Nga là một quốc gia châu Âu, được sự hậu thuẫn của Giáo hội Chính thống giáo Nga. Ở đây, có thể thấy công thức kết nối nước Nga – sắc dân Slave – Chính thống giáo – châu Âu.

Nhiều học giả, tăng lữ Nga, cả trước khi vua Nga xưng danh hiệu Sa hoàng, đã ra sức xây dựng củng cố phát triển quan điểm này. Trong thế kỷ XX, học giả tiêu biểu cho quan điểm này là viện sĩ Dmitry Sergeyevich Likhachov (1906 – 1999). Nhà tư tưởng Nga này, qua nhiều công trình nghiên cứu, đã ra sức khẳng định nước Nga là một phần không thể tách rời của châu Âu, gắn kết với châu Âu và nền tảng văn hóa Nga là Chính thống giáo Nga.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đối lập với quan điểm trên là một quan điểm khác đã luôn luôn tồn tại. Nó được gọi là Euroasiatic, xem nước Nga là một quốc gia Âu Á với yếu tố châu Á là yếu tố đẳng lặp với châu Âu.

Hai vị Sa hoàng được coi là minh quân của nước Nga là Peter I đại đế (1682 – 1725) và nữ hoàng Catherine II (1762 -1796), những vị vua Nga ủng hộ sự phát triển của Phật giáo, có thể được xem là có quan điểm nước Nga Á Âu, dù trong thời gian họ trị vì, họ ra sức du nhập những giá trị Tây Âu (đặc biệt là Đức) và ra sức đưa nước Nga tiến về phương Tây.

Trong thế kỷ XX, đại diện cho quan điểm Euroasiatic là các học giả Lev Gumilev và Boris Rybakov.

Các nhà sư Phật giáo Nga đương nhiên là những người theo quan điểm này. Phật giáo Nga, Phật giáo Đại thừa bắc tông mang dấu ấn Tây Tạng, truyền vào nước Nga từ phía Đông, được coi là một sự thể hiện của nước Nga châu Á.

Về phía nhà nước và xã hội, nhìn nhận nước Nga là một quốc gia Âu Á cũng tức là nhìn nhận Phật giáo, tôn giáo của phần châu Á nước Nga là một tôn giáo lớn và bình đẳng ở Nga (dù rằng trên thực tế, số tín đồ Phật giáo Nga ít hơn nhiều so với tín đồ Chính thống giáo). Phật giáo là một phần không thể thiếu được của nước Nga Âu Á.

Mặc dù quan điểm Viện sĩ Likhachov được coi là có ảnh hưởng rất lớn đối với giới cầm quyền Xô Viết và Nga, góp phần đưa đến sự phục hội vị trí của giáo hội Chính thống giáo Nga, nhưng từ thời Xô Viết, học thuyết Neo – Euroasianism vẫn phát triển.

Nhà nước Xô Viết, từ những năm 70, 80 thế kỷ trước, vẫn giới thiệu với thế giới Liên Xô là một quốc gia mà Phật giáo là một tôn giáo.

Tổng thống Nga Boris Yeltsin, mặc dù luôn tỏ ra là một tín đồ Chính thống giáo ngoan đạo, nhưng cũng đồng thời chứng tỏ là một kiểu “quốc vương hộ pháp” đối với Phật giáo. Hiến pháp Liên Bang Nga 1993 dưới thời Yeltsin chính thức xác nhận Phật giáo là một trong bốn tôn giáo ở nước Nga, bên cạnh Chính thống giáo, Hồi giáo và Do thái giáo. Các tôn giáo khác như Tin Lành, Thiên Chúa La Mã không nằm trong danh sách trên, về nguyên tắc muốn hoạt động thì phải xin phép và có thể bị từ chối.

Tổng thống Nga Boris Yeltsin cũng nhiều lần bày tỏ sự quan tâm đến những ngày Phật giáo ở nước Cộng hòa Tuva, một nước Cộng hòa nhỏ bé của Liên bang Nga nằm ở cực Nam Siberi, với dân số chỉ hơn 300.000 dân, đa số theo đạo Phật. Các ngày lễ Phật giáo được Tổng thống chúc mừng và ông Yeltsin cũng đi lễ chùa.

Màu vàng trên quốc kỳ mới của Tuva được xem là liên hệ đến Phật giáo, được thông qua tháng 9/1992 trong những năm đầu nhiệm kỳ của ông Yeltsin, ba ngày trước khi Đạt lai Lạt ma XIV viếng thăm nước cộng hòa. Những di dân Nga đến Tuva cũng được khuyến khích hòa hợp với Phật giáo bản địa.

Như trên đã nói, Hiến pháp Liên bang Nga, thông qua dưới thời Yeltsin, công nhận Phật giáo là một trong bốn tôn giáo chính thức, dù rằng tín đồ Phật giáo chỉ chiếm khoảng 0,5% dân số Nga (khoảng 700.000), vốn rất ít so với Chính thống giáo.

Do vậy, ngày nay, Tổng thống Nga đương nhiệm Mevedev đi đến một quyết định như tin đã đăng cũng là điều dễ hiểu. Đó là việc căn cứ trên Hiến pháp, thừa tiếp quan điểm của các nhà lãnh đạo tiền nhiệm là nhìn nhận Nga là một quốc gia Âu Á.

Trong thực tế, diện mạo Phật giáo Nga cũng hoàn toàn khác với Phật giáo Tây Âu. Phật giáo Nga mang đậm truyền thống Phật giáo châu Á Đại thừa trong khi Phật giáo ở nhiều nước Tây Âu lại mang đậm dấu ấn Nam tông với kinh điển Pali.

Tìm hiểu quan điểm công nhận Phật giáo là một trong những tôn giáo chính thức của nước Nga, thiết tưởng cũng cần tìm hiểu qua quan điểm và những hành động ngược lại.

Xuất xứ chủ yếu của những quan điểm như vậy là từ giáo hội Chính thống giáo Nga và một số chính khách học giả theo xu hướng Đại Nga, coi Chính thống giáo là linh hồn của nước Nga.

Từ thế kỷ XVII trở về trước Phật giáo được xem như là một tín ngưỡng ngoại lai (phiên âm tiếng Nga là inovertsi). Các Sa hoàng trước Peter Đại đế đặt Phật giáo dưới sự giám sát của cảnh sát.

Nhưng các Sa hoàng lại trở thành nạn nhân của các Giáo hội Chính thống giáo. Theo cách làm của giáo hội phương Tây (La Mã) trước đó, giáo hội phương Đông (Chính thống giáo) ngày càng can thiệp sâu vào chính sự, mà đỉnh cao là các hành động phế lập.

Thái độ khá cởi mở của các hoàng đế Nga từ Peter Đại đế trở đi đối với các tôn giáo ngoài Chính thống giáo có thể được coi là một phản ứng chống lại sự bành trướng thế lực của nhà thờ Chính thống chèn ép thế quyền.

Tuy nhiên, sự chống đối từ Giáo hội Chính thống Nga đối với Phật giáo vẫn kéo dài dai dẳng, mãi đến Cách mạng Tháng Mười.

Các học giả theo quan điểm nước Nga Châu Âu thì cố gắng thúc đẩy việc Chính thống giáo hóa và cũng là Nga hóa những dân tộc ở Viễn Đông. Tuy nhiên điều này lại phản tác dụng, vì các dân tộc Viễn Đông lại coi tôn giáo chính là sự bảo vệ nền văn hóa của họ.

Ngay chính giới cầm quyền cũng không ủng hộ việc “Chính thống giáo hóa” này. Một cuộc giằng co qua lại kéo dài khoảng 4 thế kỷ.

Vấn đề được giải quyết dứt khoát bằng Hiến pháp Nga 1993 và quyết định của Tổng thống Nga dẫn trên mà chúng ta đang tìm hiểu cũng không phải là điều gì mới vì căn cứ trên nội dung bản Hiến pháp hiện hành, thể hiện một quan điểm phản ánh trung thực hiện trạng nước Nga và Phật giáo.

MT