Trong Nhị Khóa Hiệp Giải, Tổ sư chỉ dạy: “Tụng kinh giả, thân tắc đoan chính, khẩu tắc minh sảng, ý tùy văn tác quán”. Nghĩa là: Người tụng kinh, thân phải ngay thẳng đoan nghiêm, miệng đọc rõ ràng sáng sủa, tâm ý theo sát lời kinh mà quán tưởng, chiêm nghiệm.
Đây không đơn thuần là nguyên tắc hành trì, mà là pháp môn nhiếp tâm, điều thân và chuyển hóa nội tâm, đồng thời cảm ứng sâu rộng đến cõi pháp giới, nơi vô hình lẫn hữu hình đều được lợi ích nếu hành trì đúng chánh pháp.
Phương pháp tụng kinh: Hành trình nuôi dưỡng tâm linh và chuyển hóa pháp giới
1. Thân đoan nghiêm
Thân chính là pháp khí tiếp nhận chánh pháp Người tụng kinh cần ngồi ngay ngắn, thân thể trang nghiêm, không nghiêng lệch, không lười mỏi. Thân tướng này biểu hiện sự thành kính đối với Tam Bảo, là hình ảnh của giới thể thanh tịnh và sự sẵn sàng đón nhận năng lượng vi diệu từ kinh điển.
Tư thế đoan nghiêm giúp khí huyết lưu thông, tâm ý dễ an định, tạo nền tảng cho sự định tĩnh và tỉnh giác.
Khi thân ngay, thì hơi thở điều hòa, dòng tâm không tán loạn – từ đó dẫn sinh định lực và giúp tâm hành giả mở ra chiều sâu thiền quán.
2. Khẩu minh sảng
Tiếng tụng là tiếng vọng của tâm linh hòa cùng pháp giới. Âm thanh tụng kinh không phải để phô trương, mà là để chuyển tải nội lực tu tập. Lời tụng cần được phát ra rõ ràng, mạch lạc, đều đặn và từ bi. Mỗi chữ, mỗi câu không chỉ được phát ra từ miệng, mà phải từ trái tim – như tiếng vọng của chánh niệm và trí tuệ.
Khi lời tụng thanh tịnh, không vội vã, không rơi rớt, không gượng ép, thì âm thanh ấy trở thành năng lượng cảm hóa. Không chỉ bản thân người tụng được lợi lạc, mà các chúng sinh vô hình – những loài hữu tình đang lạc lối trong pháp giới – cũng được nghe pháp, được gieo duyên giải thoát.
3. Ý tùy văn tác quán
Tâm hòa nhập vào kinh, mở ra cửa thiền quán và tuệ giác. Điểm cốt lõi của tụng kinh không nằm ở âm thanh, mà ở sự tham nhập của tâm ý vào nội dung kinh văn. Phải để tâm bám sát từng câu chữ, chiêm nghiệm lời Phật dạy ngay khi đang đọc tụng.
Tụng kinh là cơ hội để hành giả nhìn lại chính mình – thấy được vọng niệm, phiền não, đồng thời cũng nhận ra con đường tỉnh thức mà Phật đã chỉ. Từng lời kinh là ánh sáng, là giới – định – tuệ kết tinh, giúp người tu chuyển hóa tâm hành, phát khởi chí nguyện và định hướng con đường hành trì.
Nếu tụng nhanh, tâm dễ tán loạn. Nếu tụng máy móc, trí tuệ không khai mở. Chỉ khi tâm an trú, đọc từng câu như rót nước vào chén – đầy đủ, vững vàng, thì mới có thể thẩm thấu và chuyển hóa từ gốc rễ.
Tụng kinh là cơ hội để hành giả nhìn lại chính mình – thấy được vọng niệm, phiền não, đồng thời cũng nhận ra con đường tỉnh thức mà Phật đã chỉ.
4. Tâm an trú
Trụ tâm giữa đời động, cảm hóa cả vô hình lẫn hữu hình Trong lúc tụng kinh, tâm phải vững như núi, lặng như nước, không để ngoại cảnh dao động. Dù xung quanh có ồn ào, mưa gió, thân tâm vẫn trú trong chánh niệm. Không vọng tưởng, không tạp niệm chen vào – đó là sức mạnh của thiền định trong từng hơi thở, từng lời kinh.
Khi tâm an trú, thì năng lượng thanh tịnh từ kinh điển tỏa ra mạnh mẽ. Những chúng sinh vô hình – cô hồn, uổng tử, chúng sinh trong các cõi ngạ quỷ, lạc đạo – đều có thể cảm nhận và được lợi ích.
Tụng kinh không chỉ là tu cho mình, mà còn là một cách hồi hướng công đức đến muôn loài. Lời kinh trở thành ánh đuốc chiếu soi giữa cõi u minh, giúp các loài hữu tình khởi tín tâm, nương nhờ chánh pháp mà dần siêu thoát.
Kết luận
Tụng kinh là một pháp môn thâm diệu – không phải chỉ để tụng cho thuộc, mà để sống cùng lời kinh, để chuyển hóa từ thân – khẩu – ý, và mở ra con đường tu tập sâu sắc giữa đời thường. Khi hành giả thực sự thẩm thấu và hành trì với tâm kính tin, tỉnh thức, thì kinh không còn là giấy mực, mà trở thành mạch nguồn sống – nuôi dưỡng tâm linh và cảm hóa thế giới.
_______
* Thượng tọa Thích Tục Khang hiện là Phó trưởng Ban trị sự GHPGVN thành phố Hải Phòng