Trang chủ Tu học Bước đầu học Phật Phương pháp tu hành căn bản của người Phật tử là gi?

Phương pháp tu hành căn bản của người Phật tử là gi?

999

Điều này quí vị thường nghe mà ít nhớ. Có phải nền tảng tu theo đạo Phật là tu ba nghiệp, hay nói cách khác là chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện không ? Tại sao chúng ta phải chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện ? Trên thế gian này có biết bao nhiêu người làm những điều tàn bạo độc ác, người đạo đức lương thiện nhìn thấy buồn than. Vì những điều tàn bạo độc ác ấy đem lại khổ đau dồn dập cho con người. Cái tàn bạo độc ác nó phát xuất từ thân miệng ý của con người. Bởi người đời không biết chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện, nên thân mới làm điều ác, miệng mới nói lời ác, ý mới nghĩ việc ác, gây đau khổ cho nhau. Bây giờ chúng ta biết tu chuyển những nghiệp ác thành nghiệp thiện. Đây là pháp căn bản của người học Phật phải biết để thực hiện.

Chúng ta phải tu làm sao để đem lại cho xã hội này cái an bình hạnh phúc, đó mới là mục tiêu mà người Phật tử hướng đến. Chúng ta chuyển nghiệp ác thành nghiệp thiện, chẳng những tự bản thân đã hiền thiện thanh cao, mà người trong gia đình ngoài xã hội cũng được an vui thanh thản. Tu không phải chuyện xa vời mà chính là việc thực tế trong cuộc sống hằng giờ hằng phút hằng giây mà chúng ta phải thực hiện. Sở dĩ chúng tôi dùng chữ chuyển là vì đa số Phật tử lâu nay quen hiểu chữ tu là sửa. Nhưng chữ sửa nghĩa quá rộng như đại tu tiểu tu; chiếc xe cũ hư nhiều, sửa toàn bộ gọi là đại tu, xe hư ít sửa ít gọi là tiểu tu. Chữ tu có tính chất sửa đổi hình thức nhiều hơn là chuyển đổi nội tâm. Nội tâm trước đây hướng theo lối đen tối độc ác, bây giờ xoay lại theo hướng sáng suốt lương thiện gọi là tu. Tu là đổi ý niệm, lời nói, hành động mê tối ác độc trở thành sáng suốt lương thiện, còn gọi là chuyển nghiệp.

Nói chuyển nghiệp có nhiều người hoang mang thắc mắc: Nghiệp là cái gì mà chuyển ? – Nghiệp chỉ cho hành động lặp đi lặp lại nhiều lần thành thói quen gọi là nghiệp. Thầy giáo cô giáo dạy học gọi là bạn đồng nghiệp, thợ mộc làm chung với thợ mộc gọi là bạn đồng nghiệp, công việc làm tới làm lui thành thói quen gọi là nghiệp. Ngày xưa chưa biết tu, thân hành động, miệng nói năng, ý suy nghĩ xấu thành thói quen xấu gọi là nghiệp xấu. Bây giờ chuyển hành động lời nói và ý nghĩ xấu thành tốt gọi là nghiệp tốt đó là tu. Tu là thực hiện ngay bản thân của mỗi người một cách thực tế rõ ràng.

Nghiệp ác và nghiệp thiện của con người có ảnh hưởng gì ở đời này và đời sau ? Điều này tôi muốn giải thích cho quí vị thấy. Hành động lời nói ý nghĩ của chúng ta tốt thì, ngay bản thân mình trong đời này được an vui, người trong gia đình và xã hội cũng được ảnh hưởng tốt. Ngược lại nếu hành động, lời nói, ý nghĩ của chúng ta hèn hạ độc ác thì tự thân mình khổ đau, lại còn ảnh hưởng xấu xa đến người trong gia đình và xã hội. Thế nên tu là xây dựng lại cá nhân, gia đình và đóng góp xây dựng xã hội tốt đẹp. Và nếu Phật tử biết tu thân miệng ý trong sạch thì:

Tam nghiệp hằng thanh tịnh,
Đồng Phật vãng Tây phương

Như vậy, muốn thành Phật, về cõi Phật phải chuyển ba nghiệp bất tịnh thành thanh tịnh là gốc của sự tu hành.

Nhiều Phật tử thắc mắc khi thân này chết nghiệp còn hay mất ? Nếu còn thì mới hứng thú tu, nếu mất thì tu làm chi vô ích. Ví dụ trên đường phố có nhà của bác sĩ, nhà của thương gia, nhà của thầy giáo… một hôm bị hỏa hoạn, nhà cửa, tiền bạc tài sản của họ cháy sạch, không ai lấy được món gì. Nhưng nghề chữa bệnh của bác sĩ, nghề dạy học của thầy giáo, nghề buôn bán của thương gia thì không cháy. Bác sĩ vẫn còn chữa bệnh được, thầy giáo vẫn còn dạy học được, thương gia vẫn còn buôn bán được. Như vậy qua những biến cố của cuộc đời, nhà cửa, tiền của, ruộng đất… có hình tướng bên ngoài thì bị hư hoại mất đi, nhưng nghề tức là nghiệp thì không mất. Ví dụ này cho chúng ta thấy ngày mai khi thân chúng ta chết thì nghiệp không hoại, nó sẽ theo chúng ta như bóng với hình. Thế nên Phật nói ba nghiệp hằng trong sạch mới đồng với Phật về cõi Phật. Sau khi chết nghiệp không mất do đó trong hiện đời chúng ta phải tạo nghiệp thiện. Đó là tu.


HT.THÍCH THANH TỪ (Thường Chiếu)