PTVN xin dẫn đăng bài phân tích, quan điểm của tác giả Hải Tuệ với những ý kiến phản biện cụ thể, khách quan, hy vọng độc giả có thể nhận chân rõ sự việc và nếu có những ý kiến quý giá, hãy dựa trên tinh thần xây dựng, tôn trọng.
I. “Tài không đợi tuổi”
Sự việc trộm cắp và lừa dối của Phước Nguyên (PN) đã được chư tôn đức thông báo với thầy Nhật Từ từ rất sớm. Mặc dù thầy Nhật Từ có đến làm việc ở Thư quán Hương Tích để xác minh sự thật, tuy nhiên, khi Hương Tích không xác nhận sự việc (vì thấy chưa cần thiết hoặc không cần thiết) thì thầy Nhật Từ liền nhân đó khăng khăng cho điều mình nghĩ là đúng đắn, nghiễm nhiên bỏ qua những thông tin đã có, và quan trọng hơn, bỏ qua những cân nhắc cần thiết khi chấp nhận và nâng đỡ “nhân tài” PN.
Nếu ai đã từng làm nghiên cứu chắc chắn không tin một người 20 tuổi có thể xuất bản được một cuốn sách đậm tính xử lý văn bản như cuốn Giới Thiệu Nguồn Gốc A di đà, nxb Hồng Đức, 2016 (GTNG A DI ĐÀ).[1] Trong cuốn sách này, tác giả đã tham khảo và trích dẫn rất nhiều văn bản từ nhiều ngôn ngữ khác nhau như Anh, Pháp, Hán, Nhật, Tạng, Phạn, Pāli, Do Thái, Hy Lạp…, những văn bản mà hầu như một người Việt ở tuổi 20 chưa từng bước ra khỏi đất nước thì chắc chắn chưa bao giờ nghe tới! Huống là, để làm được công trình như vậy, đòi hỏi một người có đủ khả năng phải bỏ ra không dưới 2 năm chuyên tâm làm việc! Thế thì, PN, một huynh trưởng tập sự nơi tỉnh lẻ, ở tuổi 17, 18 có thể làm được điều đó không? Ai có thể tin được PN làm được điều đó?
Có người nói rằng Hòa thượng Tuệ Sĩ viết Triết Học Tánh Không khi mới 20 tuổi thì sao! Xin thưa, Hòa thượng viết bản văn đó trong vòng 01 tháng và chuyên về tư tưởng chứ không phải nghiên cứu theo tính tra cứu tham khảo đối chiếu như cuốn GTNG A DI ĐÀ. Hơn nữa, sự thật thì trước đó, Hòa thượng cũng đã thể hiện nhiều điều kỳ dị trước chư tôn đức bấy giờ rồi chứ không phải một ngày bỗng hóa ra thiên tài!
Việc ăn cắp hai cuốn GTNG A DI ĐÀ và A-Tì-Đạt-Ma Pháp Uẩn Túc Luận thì đã được một số bài viết trước đây đối chiếu nêu ra rồi.[2] Ở đây, người viết bài này chỉ nói về bộ Thánh Pháp Nhập Lăng Già Phạn Bản Tân Dịch, 2 tập, nxb Hồng Đức, 2019.
II. Thánh Pháp Nhập Lăng Già Phạn Bản Tân Dịch
Bộ Thánh Pháp Nhập Lăng Già Phạn Bản Tân Dịch (từ đây gọi là LĂNG GIÀ TÂN DỊCH hoặc bản Việt) gồm hai phần được in thành hai tập sách riêng biệt. Tập thứ nhất là bản dịch Chính văn kinh Lăng Già, dày 490 trang, được PN tuyên bố là “dịch từ nguyên bản Sanskrit”. Tập thứ hai là Tổng Mục Lục, dày 298 trang.[3]
Đối với bộ LĂNG GIÀ TÂN DỊCH này chắc chắn mọi người đang băn khoăn không biết gốc ngọn từ đâu ra, bởi không ai biết trình độ tiếng Phạn của PN như thế nào!
1. Về tập Chính văn của kinh
Dù chưa thể xác định được tác giả của bản dịch này nhưng người viết bài này chắc chắn một điều, đó là LĂNG GIÀ TÂN DỊCH không phải là bản dịch trực tiếp từ Phạn bản như PN tuyên bố mà được dịch lại qua trung gian tiếng Trung từ bản dịch Nhập Lăng Già Kinh Phạn Bản Tân Dịch (Đài Bắc: Toàn Phật Văn Hóa Sự Nghiệp, 2005) của Đàm Tích Vĩnh (入楞伽經梵本新譯-談錫永), một nhà Phật học đương đại của tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc (sau đây gọi là bản Trung).[4]
Chỉ cần đối chiếu sơ bộ hai bản dịch Việt và Trung này cũng thấy được ngọn nguồn của nhau. Chẳng hạn, những chú thích mang tính cá nhân hóa của tác giả ở bản Trung đều được dịch lại đầy đủ ở bản Việt, một sự trùng hợp không thể diễn ra nếu hai dịch giả làm việc độc lập. Đó là chưa kể tới những trường hợp dịch sai khiến nội dụng trở nên thiếu logic! Người viết xin trưng ra đây 2 ví dụ điển hình để xác minh nhận định đó, chú ý những cụm từ in đậm gạch chân (ở đây, PTVN xin phép tác giả là sẽ in đậm nghiêng để phù hợp với định dạng văn bản của trang web, BTV) (vì thời gian không nhiều nên chỉ chọn 2 trang ngẫu nhiên làm ví dụ).
Ví dụ 1: chú thích ở trang 12 của bản Trung và trang 20 bản Việt.
Bản Trung: pratyātma-ārya-jñāna,唐譯為 “自所得聖智證法”, 魏譯為“內自身聖智證法”. 然此處佛所說法, 實只為聖智境界 (pratyātma-ārya-jñāna,Đường dịch vi “tự sở đắc thánh trí chứng pháp”, Ngụy dịch vi “nội tự thân thánh trí chứng pháp”. Nhiên thử xứ Phật sở thuyết pháp, thật chỉ vi thánh trí cảnh giới).[5]
Bản Việt: pratyātmaāryajñāna, Đường: 自所得聖智證法 tự sở đắc thánh trí chứng pháp, Ngụy: 內自身聖智證法 Nội tự thân thánh trí chứng pháp. Pháp này được Phật thuyết, chính là cảnh giới Thánh Trí.[6]
Ở chú thích này, bản Việt của PN dịch lại chú trích ở bản Trung, hơn nữa còn dịch sai. 然此處佛所說法,實只為聖智境界 (nhiên thử xứ Phật sở thuyết pháp, thật chỉ vi Thánh trí cảnh giới) được PN dịch là “Pháp này được Phật thuyết, chính là cảnh giới Thánh Trí”. Cụm từ “nhiên thử” đã bị lược bỏ, điều đó khiến cho ý tứ của chú thích trở nên thiếu mạch lạc. Người viết tạm dịch lại câu ấy cho hợp lý như sau: “pratyātmaāryajñāna, Đường dịch là ‘tự sở đắc thánh trí chứng pháp’, Ngụy dịch là ‘nội tự thân thánh trí chứng pháp’. Tuy nhiên, ở đây, pháp mà Phật nói thật sự chỉ là cảnh giới Thánh trí.”
Ví dụ 2: trang 125 bản Trung và trang 203 bản Việt.
Bản Trung:
於通達二無我, 究竟了知二種障之識智, 已圓滿二種死, 斷二種煩惱, 大慧, 此即佛與世尊之佛性 (Ư thông đạt nhị vô ngã, cứu cánh liễu tri nhị chủng chướng chi thức trí, dĩ viên mãn nhị chủng tử, đoạn nhị chủng phiền não. Đại Huệ, Thử tức Phật dữ Thế Tôn chi Phật Tánh).[7]
Bản Việt:
Khi thông đạt hai vô ngã, liễu tri rốt ráo hai loại chướng của thức trí, do viên mãn hai loại chết, đoạn hai loại phiền não. Đại Huệ! Đây là Phật tính của chư Phật Thế Tôn.[8]
Ở ví dụ này có vài điểm mà từ đó mọi người dễ dàng nhìn thấy được sự tương đồng giữa hai phiên bản:
– Cụm từ “hai vô ngã” ở bản Việt rõ ràng được dịch từ cụm từ “nhị vô ngã” của bản Trung, bởi bản Phạn nói cách khác. Bản Phạn nói “dharma-pudgala-nairātmya” (sự vô ngã của pháp và nhân /pháp vô ngã và nhân vô ngã). Dù ý nghĩa không khác giữa các cụm từ nhưng rõ ràng có sự thay đổi mà nếu khi dịch từ bản Phạn chắc chắn dịch giả Việt sẽ không dùng cụm từ “hai vô ngã” thay cho cụm từ “sự vô ngã của pháp và nhân”.
– Cụm từ “parijñāna” (trí) trong tiếng Phạn được bản Trung dịch là “thức trí” và bản Việt chỉ lặp lại phiên âm từ tiếng Trung mà không hiểu rằng trong tiếng Việt không ai dùng từ “thức trí”. Hơn nữa, bản Việt còn dịch sai ý của câu kinh, đó là “hiểu rõ / thông đạt / trừ hai chướng” chứ không phải “liễu tri rốt ráo hai loại chướng của thức trí”. Hai chướng là phiền não chướng và sở tri chướng chứ không phải hai loại chướng của thức trí.
– Tác giả bản Trung chua 2 chú thích cho câu kinh trên thì bản Việt dịch lại hai chú thích đó, mặc dù những chú thích này không nhất thiết phải có. Để làm khác diện mạo, bản Việt chua thêm đoạn kinh văn bằng tiếng Phạn và Hán vào trước đó.
– Để giúp mọi người dễ đối chiếu, người viết xin trích và dịch đoạn kinh văn trên từ bản Phạn như sau:
dharma-pudgala-nairātmyāvabodhān mahāmate āvaraṇadvaya-parijñānāvabodhāc ca cyuti-dvayādhigamāt-kleśa-dvaya-prahāṇāc ca mahāmate buddhānāṃ bhagavatāṃ buddhatā bhavati |[9]
Tạm dịch: Này Đại Huệ, nếu ngộ được sự vô ngã của pháp và nhân; thông đạt tri kiến về hai chướng; vượt qua hai thứ chết; và đoạn tận hai loại phiền não; Đại Huệ, khi đó giác tánh của chư Phật Thế Tôn hiện tiền.
Trên đây chỉ chọn đối chiếu ngẫu nhiên hai trang từ hai bản Trung và Việt để mọi người thấy được sự tương đồng giữa hai bản dịch. Nhìn toàn thể, ngoài thêm thắt một số chú thích để cố tình làm diện mạo đổi khác, bản Việt của PN chỉ là một bản dịch từ bản tiếng Trung của Đàm Tích Vĩnh chứ không phải được dịch từ bản Phạn như PN đấu tố. Ngoài ra, những người biết PN cũng không tin rằng bản Việt dịch này thực sự là của PN, dù chỉ là dịch từ bản tiếng Trung như trên đã phân tích.
2. Về tập Tổng Mục Lục
Ở tập sách này, thói cóp nhặt, thậm chí bê nguyên xi, của PN càng hiện rõ. Tập Tổng Mục Lục dày 298 trang thì có đến 254 trang, từ trang 30 đến 284, chiếm tỉ lệ 85,23%, là scan nguyên gốc từ các bản nghiên cứu về kinh Lăng Già của các học giả nước ngoài, cụ thể là của Nanjio và Suzuki.
Mặc dù tập sách này cũng chia chương lập mục hẳn hoi, nhưng nội dung do tác giả làm chỉ là một vài đoạn giới thiệu ngắn phân bố trong 3 chương đầu qua 22 trang sách! Một sự phân bố kỳ khôi! Phần còn lại, gồm một phần của chương 3 và 3 chương còn lại là nội dung được scan lại các phần hoàn chỉnh của các tác giả khác và chắp nối theo kiểu “lấy râu ông nọ cắm cằm bà kia.”
Trong số 284 trang trên tổng số 298 trang sách của tập Tổng Mục Lục này, PN đã scan lại những nội dung hoàn chỉnh của các tác phẩm đang lưu hành và xem đó như một công trạng của mình, rồi xuất bản và bán.
Chẳng hạn, từ trang 33 đến trang 37 là nội dung scan lại toàn bộ phần đối chiếu mang tính tượng trưng trong phần Giới Thiệu của Nghiên Cứu Kinh Lăng Già của Suzuki.[10] Phần này có tính minh họa (nghĩa là không đầy đủ) cho bố cục giới thiệu của Suzuki nay trở nên lạc lõng khi PN scan vào và đặt nó đứng chơ vơ trong phần Đối Chiếu Nội Dung mà không có thêm lời đề dẫn gì cho người đọc hiểu.
Từ trang 69-74, PN thậm chí còn scan cả một bảng chữa lỗi của Kōsai Yasui cho Phạn bản (không phải cho bản Việt của PN) vào để làm thêm độ dày của tập sách.
Từ trang 75-284 là scan lại toàn bộ phần The Sanskrit-Chinese-Tibetan Section trong công trình nghiên cứu Chỉ Mục Kinh Lăng Già của Suzuki.[11]
Một tập sách được xuất bản và phát hành thương mại mà nội dung gồm hơn 85% được scan lại nguyên xi từ các tác phẩm khác. Thế thì, xin hỏi bản quyền sở hữu trí tuệ có hay không? Nhà xuất bản cũng nhắm mắt in đại vậy thôi sao!
III. LỜI KẾT
Qua khảo sát sơ bộ hai tập sách LĂNG GIÀ TÂN DỊCH của PN như trên, rõ ràng PN không có đạo đức trong nghiên cứu (nếu PN thực sự là người nghiên cứu!). Không có đạo đức nghiên cứu là một điều tối kỵ trong lãnh vực nghiên cứu học thuật, nhất là Phật Học. Trong 2 tập sách này, PN đã góp nhặt của người khác rồi tung hô là dịch, chú và biên soạn từ nguyên bản tiếng Phạn như thể dưới gầm trời này chỉ có một mình PN tồn tại. Đến đây thì mọi người chắc đã có nhận định đối với nghi vấn PN có đạo văn hay không rồi. Người nào còn lăn tăn muốn bào chữa cho PN thì cứ tham khảo những tài liệu được trích dẫn trong bài viết này rồi sẽ rõ.
Thiết nghĩ, nghiên cứu học thuật, đặc biệt trong lãnh vực kinh điển Phật Giáo, trước tiên đòi hỏi người nghiên cứu phải có cái tâm trong sáng để hiểu được ý nghĩa của câu kinh. Ngoài cái tâm trong sáng ra, người nghiên cứu cũng rất cần có thời gian tu học để có kiến thức cũng như sự thể nghiệm cá nhân, có sự tiêu hóa những rối rắm của con chữ để lại. Nếu không có hai tiêu chuẩn đó, thế gian nhìn chung còn không tán thưởng huống chi là muốn cao giọng dự vào hàng Thánh chúng.
Than ôi, tài không đợi tuổi là sự chín muồi của chư vị đại bồ tát đã vào hàng độ sinh. Còn loại bại hoại phàm phu chỉ là phường vọng cầu bã hư danh tiểu lợi. Tuy có bắt chước tao phách nhưng tâm trí vẩn đục thì sao tránh khỏi sự lẫm lẫn giữa phụng với phong. Dù có cao giọng đàm kinh thuyết kệ nhưng tâm chí hạ liệt thì sao không mập mờ giữa ngư với nhật![12] Than ôi!
– HẢI TUỆ –
[1] Xem Thích Phước Nguyên, Giới Thiệu Nguồn Gốc a Di Đà (nxb Hồng Đức, 2016).
[2] Xem các bài viết: Tác giả Phước Nguyên có đạo văn hay không? (https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/13/32C2D2/), Phước Nguyên đã “chun qua lỗ khóa”, đạo văn ra sao? (https://giacngo.vn/sukien/diendanxaydung/2020/03/14/36C2D3/).
[3] Xem Thích Phước Nguyên, Thánh Pháp Nhập Lăng Già Phạn Bản Tân Dịch (nxb Hồng Đức, 2019).
[4] Xem Đàm Tích Vĩnh, Nhập Lăng Già Kinh Phạn Bản Tân Dịch [入楞伽經梵本新譯] (Đài Bắc: Toàn Phật Văn Hóa Sự Nghiệp, 2005).
[5] Xem Nhập Lăng Già Kinh, 12.
[6] Phước Nguyên, Lăng Già Tân Dịch, 20.
[7] Tích Vĩnh, Nhập Lăng Già Kinh, 125.
[8] Phước Nguyên, Lăng Già Tân Dịch, 203.
[9] Bunyiu Nanjio, The Laṅkāvatāra Sūtra (Kyoto: The Otani University Press, 1923), 140.
[10] Xem Daisetz Teitaro Suzuki, Studies in the Laṅkāvatāra Sutra (New Delhi: Munshiram Manoharlal Publishers Pvt. Ltd., 1998), 26-37; Phước Nguyên, Lăng Già Tân Dịch, 33-44.
[11] Xem Suzuki Daisetz Teitaro, An Index to the Laṅkāvatāra Sūtra (Nanjio Edition) (Kyoto: The Sanskrit Buddhist texts Publishing Society, 1934), 3-212; Phước Nguyên, Lăng Già Tân Dịch, 75-284.
[12] Thành Duy Thức Luận Thuật Ký nói: 線華奧旨舛鳳訛風貝葉靈篇乖魚謬日(Tuyến hoa áo chỉ, suyễn phụng ngoa phong; bối diệp linh thiên, quai ngư mậu nhật) / Ý chỉ xuyên suốt lầm lẫn giữa phụng với phong, kinh điển linh diệu mập mờ giữa ngư và nhật.