Trang chủ Diễn đàn Phước Nguyên đạo văn có còn là nghi án?

Phước Nguyên đạo văn có còn là nghi án?

2268

Có ý kiến cho rằng nói “Thầy Phước Nguyên” đạo văn là không có chứng cứ, đó chỉ là sự chụp mũ, vu khống làm mai một “nhân tài” trẻ tuổi, để rộng đường dư luận, PTVN trích đăng lại bài viết của Hải Hạnh liên quan đến vấn đề này.

Theo đó, để giúp những vị do bận rộn nhiều việc không có thời gian đọc sách, hoặc ít lên mạng internet để tìm hiểu về Phật học, vì sách mà chúng tôi lấy làm cơ sở đối chiếu không phải là hiếm và mới, có sẵn trong các thư viện ở nhiều chùa, khá phổ biến trên các website Phật giáo trong và ngoài nước. Chúng tôi xin tiếp tục cái việc chẳng – đặng – đừng này.

Chúng tôi thử chọn nêu một trong những cuốn sách của Phước Nguyên được đánh giá cao nhất về phương diện học thuật qua nhận định của TT.TS Thích Nhật Từ: “chưa có cuốn sách nào cho đến bây giờ được viết bằng tiếng Việt và đã dịch ra tiếng Việt có thể ngang bằng tác phẩm này”, đó là cuốn Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà, công bố lần đầu năm 2016. Cũng theo vị này, nó có giá trị học thuật chưa từng có trước khi nó ra đời là bởi Phước Nguyên đã phân tích văn bản Sankrit, chỉ ra những điểm sai của bản chữ Hán; nói về nguồn gốc tín ngưỡng A Di Đà từ đạo thờ Thần lửa ở Ba Tư ảnh hưởng đến đạo Bà-la-môn như thế nào, để rồi sau đó ảnh hưởng đến Phật giáo Đại thừa tại Ấn Độ. Vị này bày tỏ sự thán phục về năng lực Sanskrit cổ và chữ Hán của “Đại đức Thích Phước Nguyên”, “đối chiếu rất là chuẩn xác”.

Sự thật là có phải như thế?

Để giải quyết nghi vấn về nội dung rất quen thuộc của Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà, chúng tôi đã xem lại một số sách tiếng Việt mà mà mình đã đọc qua nhiều năm trước. Quả nhiên, thấy những nội dung nói trên rút từ bộ Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam, đậm nhất ở Tập II, Từ A Di Đà (Tịnh Độ giáo) đến A Di Đà Tự, do Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Thủ, nguyên Viện trưởng Viện Hóa đạo GHPGVNTN, Đệ nhất Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN chủ trương và Giáo sư Lê Mạnh Thát chủ biên kiêm Thư ký Ban biên tập.

Bộ “Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam”, công trình của ý chí, trí tuệ tập thể do Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ chủ trương, Vạn Hạnh Tùng Thư thực hiện, TP.HCM, 1981.

Trong lời nói đầu của ấn bản do Vạn Hạnh Tùng Thư thực hiện năm 1981, Thầy Lê Mạnh Thát đã cho biết đây là công trình kết tinh nguyện lực, ý chí và trí tuệ của tập thể, từ Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ đến chư Tăng Ni và các thành viên Ban Biên soạn gồm nhiều vị tôn túc như HT.Thích Minh Tuệ, HT.Thích Đức Chơn, GS.Nguyên Hồng (TS.Lý Kim Hoa), HT.Thích Nguyên Giác; chư tôn đức tại Viện Cao đẳng Phật học Nha Trang đã làm việc không mệt mỏi nhiều năm liền.

Bản in đầu tiên của Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam được thực hiện bằng phương pháp quay ronéo năm 1981. Đến năm 2005, được đánh máy theo nguyên bản và ấn hành lại ở hải ngoại với sự đồng ý cho phép của người chủ biên. Theo chư tôn đức tại Quảng Hương Già Lam, Hòa thượng Tuệ Sỹ đã tiếp tục hoàn thiện trên cơ sở dữ liệu tái nhập theo bản in năm 2005 ở hải ngoại, bổ chính sau khi Hòa thượng trở lại Già Lam năm 1998, cập nhật thêm các nguyên bản chữ Devanāgarī, Tạng, Hán mà lúc bấy giờ bị thiếu văn bản nguồn đồng thời không thể thực hiện dễ dàng với bản quay ronéo. Chính vì lý do trên, dưới đây, chúng tôi đã căn cứ bản in Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam năm 2005, để thực hiện việc đối chiếu và tiện cho bạn đọc theo dõi.

Từ điển “Bách khoa Phật giáo Việt Nam” tập II, bản tái nhập liệu và in năm 2005; bên cạnh là cuốn “Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà”, Nxb.Hồng Đức, 2018

Khi tiến hành đối chiếu, so sánh hai cuốn Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam bản in tại Hoa Kỳ, Phật lịch 2548 (TL 2005), Tập II, mục từ A Di Đà (Tịnh Độ giáo) đến A Di Đà Tự (gọi tắt là Từ điển Bách khoa, TĐ) do Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ chủ trương, Thầy Lê Mạnh Thát chủ biên; và cuốn Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà, để tên Phước Nguyên, Nxb Hồng Đức in lần đầu năm 2016, tái bản năm 2018 (gọi tắt là Nguồn gốc, NG), chúng tôi thấy rằng chỉ với khả năng đọc hiểu bình thường, rất dễ dàng để nhận ra sự “trùng hợp” đến kinh ngạc về ý tưởng, nội dung, cách hành văn, câu chữ, dấu câu; giống đến cả lỗi chính tả, lỗi bỏ dấu trên chữ viết…

Xin nêu điểm “khác biệt” ngô nghê của Phước Nguyên trong sách… mang tên mình: tại trang 89, dòng 5 và 6↓, ngoài việc giống hệt nhau về nội dung với Từ điển Bách khoa, tập II, trang 69, dòng 1 và 2↓, đã cố gắng làm cho khác đi bằng cách chuyển ngữ từ Ấn độ thành… India. (Từ điển Bách khoa viết: Nguồn gốc tín ngưỡng A Di Đà xuất phát hiển nhiên là từ Ấn độ., thì Phước Nguyên sửa lại thành Nguồn gốc tín ngưỡng A-di-đà xuất phát hiển nhiên là từ India., trong cuốn Nguồn gốc. Đại loại như thế.

Để cụ thể hơn, chúng tôi làm một công việc bất đắc dĩ là chụp lại vài trang nội dung của 2 cuốn sách ra đời cách nhau tới mấy mươi năm mà không cần phải bình luận, nhận xét gì thêm.

***

Có thể đưa ra nhận xét chủ quan, việc làm của tác giả Nguồn gốc là san định lại những khái niệm, giải nghĩa mục từ trong Từ điển Bách khoa, sắp xếp, bổ sung thêm đề dẫn, nội dung tương thích nhằm làm rõ các vấn đề liên quan đến chủ thể nghiên cứu của Nguồn gốc. Nhưng để làm được điều này, chắc chắn, tác giả của Nguồn gốc phải là người am hiểu tường tận và có đủ, nếu không nói là nhiều hơn những gì người chủ biên Từ điển Bách khoa có được tại thời điểm biên soạn mấy mươi năm trước.

Một số chương, tiết trong cuốn Nguồn gốc trùng khớp hoàn toàn với mục từ, phần trong cuốn Từ điển Bách khoa, như Chương 7, trang 146 (NG) tương đương Phần 5, trang 199 (TĐ); Chương 8, trang 158 (NG) tương đương Mục từ A Di Đà Chú, trang 263 (TĐ)…

Điều hiển nhiên nhất, ngoài các nội dung nêu trên, tác giả Nguồn gốc còn làm cái việc mà không ai có thể làm được, nếu không phải là kẻ cắp, đó là bê nguyên xi những lỗi kỹ thuật, chính tả, lỗi bỏ dấu trong Từ điển với xác suất 1/10.000.

Ví dụ:

– Chữ Lokesvararàjan trang 76 (NG) lặp lỗi dư ký tự n giống hệt trang 158 (TĐ); thay vì viết đúng từ Lokesvararàja.

– Chữ của ở trang 77 (NG), lỗi bỏ dấu bê nguyên xi lỗi của (TĐ) tại trang 160.

– Lỗi viết hoa không thống nhất ở từ “Trì minh” (trong khi tất cả đều viết hoa cả 2 chữ cái đầu) ở trang 80 (NG) đúng ngay vị trí của bối cảnh ngữ ở các trang 162, 163 của Từ điển Bách khoa.

Đó là chưa kể những lỗi kỹ thuật khác cho thấy đầu có xuôi chút nhưng đuôi vẫn thò lò.

Tất cả đều nằm trong bối cảnh câu chữ, nội dung tương đồng, giữa Nguồn gốc in tái bản lần 1 năm 2018, mặc dù Phước Nguyên nói đã cho tới mấy người sửa, rà soát lỗi, so với Từ điển bản in năm 2005 mà chúng tôi căn cứ để đối chiếu.

Nếu căn cứ vào Nguồn gốc để đánh giá, tác giả phải là người thông thạo các cổ ngữ Phạn, Hán, Tạng và Pāli; cùng Anh, Nhật, Pháp…; và đọc thông các các tạng Hán, Phạn, Tạng… cùng nhiều nguồn tham khảo phong phú khác được xuất bản cách đây hơn trăm năm.

Nói như có ý kiến đề nghị, để biết cậu ta có đọc thông viết thạo nhiều loại ngôn ngữ để có thể viết, dịch và chú giải, đối chiếu các nguồn Hán, Tạng, Phạn, Anh, Pháp, Nhật… như đã thể hiện trong “tác phẩm” đã xuất bản từ năm 2016, kiểm chứng năng lực tại chỗ sẽ rõ ngay.

Đạo văn hay trộm cắp chất xám của người khác luôn bị xem là hành vi đáng khinh bỉ trong các hành vi bất thiện. Việc này đâu đó vẫn xảy ra và thường bị dư luận lên án gay gắt.

Trong Phật giáo, không trộm cắp là giới trọng đứng thứ hai, chỉ sau tội không sát sinh, trước cả tội không dâm dục đối với người xuất gia hay không tà hạnh đối với cư sĩ. Hệ trọng là thế, nên chắc chắn kẻ thủ tội khó thoát khỏi nhân quả, hoặc hiện tiền hay trong vô thỉ kiếp sau đó. Với người phạm phải tội trộm cắp, nếu là Phật tử cư sĩ thì tự mình đánh mất phẩm tính; với người đã thọ giới Tỳ-kheo sẽ bị tẩn xuất, loại khỏi Tăng đoàn.

Đó là chưa nói về phương diện luật pháp hiện hành.

***

Hành động đạo văn hay đúng hơn là ăn cắp nội dung của Phước Nguyên, mọi người chỉ bằng mắt thường nhìn vào ắt cũng rõ.

Một cách khách quan, cứ theo khái niệm “đạo văn” của hotcourse.vn, Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà của Phước Nguyên đã phạm vào hai trong số hình thức đạo văn. Đó là The photocopy: Người viết sao chép cách phân bố, bố cục của các đoạn văn từ một nguồn duy nhất, không hề sửa đổi lại; và The poor disguise: Mặc dù người viết đã giữ lại các nội dung quan trọng của nguồn, nhưng người đó vẫn sửa lại một chút về “diện mạo” của bài viết đó bằng cách thay đổi từ khóa hay câu cú.

Trước những thảm họa ngụy trá lộng hành, chúng tôi xin trích lại lời dạy của Đức Thế Tôn cho tôn giả Lahula, trong kinh Giáo giới La-hầu-la ở rừng Am-bà-la thuộc Trung bộ II, bản dịch của Trưởng lão HT.Thích Minh Châu, tr.174:“Này Rahula, đối với ai biết mà nói láo, không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy, này Rahula, Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”

Mong rằng những ai liên đới đã vô tình hoặc cố ý làm nên “hiện tượng nhân tài” Phước Nguyên hãy lên tiếng. Nếu không có thể xem như một sự tiếp tục biểu hiện hay ngấm ngầm dung dưỡng cho kẻ mà với những gì có được, cộng thêm sự lanh lẹ biến hóa theo hoạt cảnh, tiếp tục làm những điều bất thiện, di hại về sau.

***

Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam, trong sự bảo trợ duyệt của các bậc Tôn trưởng như chư Hòa thượng Thích Trí Thủ, Thích Trí Đức, Thích Minh Châu… Dẫu chưa hoàn thành nhưng công trình này là dấu ấn lớn của Phật giáo Việt Nam. Ấn bản Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam thực hiện bằng ronéo ra đời đầu thập niên 80 của thế kỷ XX, khi “Phước Nguyên”, đúng hơn là Nguyễn Thành Long đang còn ở… kiếp trước!. Mãi đến năm 2005, hai tập từ điển mới được in lại, vẫn giữ nguyên cấu trúc, nội dung của bản ronéo năm xưa. Tính cho đến khi bản in lần hai ra đời, Long cũng chỉ mới là đứa trẻ lên mười. Mười năm sau, Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà của “tác giả” Phước Nguyên được “trình làng”, và được nhận định là chưa từng có trước nó.

Câu chuyện thật như trò hề!

Trong một video truyền hình trực tiếp lễ tri ân đăng tải trên facebook, trong vai phụ giảng, Phước Nguyên đã cao giọng giáo huấn Tăng Ni trẻ khi nói về “kinh nghiệm” bản thân rằng: “đầu xuôi thì đuôi lọt”. Kinh nghiệm đó có lẽ rút ra từ các “phi vụ” mà y tưởng đâu đã êm xuôi, một bước làm… Đại đức; thoắt cái làm nhà đại học giả thông thạo tứ thánh ngữ, nhà Phật học xuất chúng với các công trình “đẳng cấp thế giới” “chưa hề được viết hay dịch ra tiếng Việt”, từ một chàng thiếu niên ủy mị trở thành “giáo thọ sư” dạy Tăng Ni, “giảng sư” cho Phật tử.

Nguyễn Thành Long (2013) biến thành “Đại đức Thích Phước Nguyên” – tác giả của “Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà” (2016), được xem là “giá trị đẳng cấp” chưa từng có ở Việt Nam

Nguyễn Thành Long đã làm được điều mà hiếm ai dám làm, lại còn làm không hề run tay, nghênh ngang xuất bản, phát hành, rồi còn kêu gọi trong nước và hải ngoại “hùn phước” để tái bản. Có thể nói, Nguyễn Thành Long đã vô liêm sỉ ngoài sức tưởng tượng, y làm ra những việc sai trái, lại còn mang “thành quả” của mình… “dâng lên Sư phụ”, “dâng lên cha lên mẹ”… trong lời “kính nguyện” cũng như cảm niệm ở đầu và cuối cuốn sách Giới thiệu nguồn gốc A-di-đà, cuốn sách mà y đã đạo văn trắng trợn từ bộ Từ điển Bách khoa Phật giáo Việt Nam, di sản Phật học để đời do chính Đức Trưởng lão HT.Thích Trí Thủ chủ trương.

Với vai trò chủ biên, Thầy Lê Mạnh Thát ở lời nói đầu của ấn bản Vạn Hạnh Tùng Thư 1981, được giữ nguyên nội dung trong bản in 2005, bày tỏ “may mắn được Thượng tọa Viện trưởng Viện Cao đẳng Phật học Nha Trang đọc qua bản thảo và góp ý sửa đổi những sai lầm sơ hở và thiếu sót”, đồng thời khẳng định công trình này là “kết quả một nỗ lực tập thể” mà Thầy chỉ là người chịu trách nhiệm cuối cùng.

Vậy mà có kẻ đã ngang nhiên đạo văn, rồi hùng hổ tuyên bố bản quyền khi mới chỉ xong lớp 12!

Không phải nói, ai cũng biết kẻ này đã “đạo” dữ liệu từ đâu.

Trong khi đề cập đến những cuốn sách gắn với tên Phước Nguyên được xuất bản, Thầy Nguyên Vương – một trong những vị thân cận với Hòa thượng Tuệ Sỹ, đã thuật lại lời Hòa thượng: “Nó lấy sách của tôi để bán, chưa bán tôi là may rồi!”

Hải Hạnh (GNO)