Trang chủ Tu học Lời Phật dạy Phước báu hiếu dưỡng

Phước báu hiếu dưỡng

85

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi. Rồi Bà la môn Màtaposaka đi đến đỉnh lễ và bạch Thế Tôn: Thưa Tôn giả Gotama, tôi tìm món ăn thiết thực theo thường pháp, sau đó tôi nuôi dưỡng mẹ cha. Thưa Tôn giả Gotama, tôi làm như vậy có đúng trách nhiệm không?


Này Bà la môn, ông làm như vậy là đúng trách nhiệm. Này Bà la môn, ai tìm đồ ăn thiết thực theo thường pháp, sau đó nuôi dưỡng mẹ cha thì người ấy được nhiều công đức.


Thế Tôn nói kệ:


Người nào theo thường pháp/Nuôi dưỡng mẹ và cha/Chính do công hạnh này/Đối với cha với mẹ/Nhờ vậy bậc Hiền Thánh/Trong đời này tán thán/Sau khi chết được sanh/Hưởng an lạc chư Thiên.


Khi được nghe như vậy, Bà la môn Màtaposaka bạch Thế Tôn:


Thật vi diệu thay Tôn giả Gotama! Mong Tôn giả nhận con làm đệ tử, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.


(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm Cư sĩ, phần Màtaposaka, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.398)


LỜI BÀN:


Phụng dưỡng cha mẹ là một trong những bổn phận quan trọng của con cái. Không chỉ phụng dưỡng, người con hiếu còn phải thuận thảo, thương yêu và kính trọng cha mẹ với tất cả chân thành. Phúc báo phụng dưỡng cha mẹ, theo tuệ giác Thế Tôn, hiện tại được người đời tôn vinh ca ngợi và tương lai được sinh về Thiên giới hạnh phúc an vui.


Tuy nhiên, điều quan trọng mà Thế Tôn muốn nhấn mạnh ở đây là những phẩm vật phụng dưỡng, kính thờ cha mẹ phải trong sạch, là thành quả của sự lao động chân chính (theo thường pháp).


Ngay đây, tinh thần hiếu đạo được nhìn nhận qua một lăng kính khác sâu sắc hơn là truy tìm nguyên nhân của tất cả những thành quả mà người con đạt được đem phụng dưỡng cha mẹ có thật sự trong sáng, đúng pháp hay không.


Nếu những thành tựu vật chất trong hiện tại là kết quả của việc làm ăn phi pháp như tranh đoạt, trộm cướp, lừa gạt, trốn thuế, hối lộ, tham nhũng v.v… rồi đem phụng dưỡng cha mẹ thì chẳng những không được phúc mà cha mẹ có thể bị liên lụy theo.


Quán chiếu sâu vào vấn đề này để chúng ta tự định hình, điều chỉnh đạo đức cho chính mình. Thương kính, hiếu thảo với cha mẹ đích thực chính là sự hoàn thiện nhân cách, làm ăn chân chính và sống hướng thiện.


Trong bối cảnh mưu sinh đầy cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, thiết nghĩ cần suy ngẫm thật sâu sắc về lời dạy của Thế Tôn để sống thiện lành và hiếu thảo trọn vẹn với những bậc sinh thành. Bởi những bậc cha mẹ chẳng bao giờ mong con làm ác và lại càng không mong muốn con cái làm ác vì mình.