Trong bối cảnh Phật giáo đã là một tôn giáo không thật mạnh, thiếu đoàn kết, thì ở đàng này, có những vị lãnh đạo Phật giáo chứng tỏ quyền lực bằng cách tự triệt tiêu, xóa bỏ, loại trừ, cắt hủy những hoạt động nghi lễ và truyền thông đã có truyền thống nửa thế kỷ, vốn có sức ảnh hưởng mạnh mẽ đến số đông, còn đàng kia, có vị giáo phẩm lại truyền bá quan điểm “Muốn xây dựng một giáo hội có thật quyền: chống trái lại giáo lý Phật pháp” thì còn gì là sinh lực Phật giáo?
Phật giáo sẽ trở thành tập thể không ai kể đến, quặt quẹo, bạt nhược, thoái hóa, suy kiệt, chẳng còn một tác động gì nữa. Hay Phật giáo trở thành một tập thể giải quyền lực, đạo của bà già ngu ngơ, vây quanh những thầy cúng thụ động không nghĩ gì tới phát triển, mà chỉ thiện nghệ ê a lễ bái, ham mê áo khoác gấm vóc sặc sỡ màu mè, cố gắng học đòi bắt chước người hơn là tự khẳng định giá trị của chính mình để có thể tạo ảnh hưởng đến xã hội. Hình ảnh đó không còn gì xa lạ, mà đã trở nên quen thuộc, phổ biến, thậm chí trở thành sự tự hào, hãnh diện của một số người!
Ở bài trước, chúng tôi đã có đặt vấn đề hiểu đúng về “thật quyền”. Đến đây, xin phép được đi sâu hơn về chuyện “thật quyền”.
Quyền, không nên hiểu đơn giản là hiệu lực của những mệnh lệnh từ các văn bản đóng dấu đỏ. Hiểu thật quyền như thế thì quá ấu trĩ, ngây thơ, thấp thỏi.
Ngày nay việc hiểu về quyền, về thật quyền đã có những bước tiến rất xa.
Trước đây, người ta tìm thật quyền ở chính những gì mà đối tượng cần thẩm định quyền đã sở hữu, tức là thật quyền là cái thật có. Đối với tôn giáo, người ta tìm hiểu xem tôn giáo đó có bao nhiêu tu sĩ, tu sĩ có bao nhiêu người đạt trình độ cử nhân, tiến sĩ; có bao nhiêu tín đồ, có bao nhiêu cơ sở thờ tự, cơ sở thờ tự có diện tích khuôn viên bao nhiêu, diện tích xây dựng bao nhiêu, có được bao nhiêu chỗ ngồi hành lễ, kinh bổn có số phát hành bao nhiêu, số người tham dự trung bình mỗi cuộc lễ là bao nhiêu…
Thậm chí người ta còn tìm hiểu ngân sách, chi tiêu, tài sản tôn giáo để xác định thật quyền.
Xét những cái có được, có thể cân đong đo đếm, Phật giáo không phải đã là một tôn giáo mạnh mẽ thật quyền.
Từ xác định thật quyền bằng những cái cụ thể, ngày nay người ta đã tiến đến xác định bằng những giá trị trừu tượng hơn. Thật quyền không chỉ là những cái cụ thể mà đối tượng cần tìm hiểu có trong tay, mà là ảnh hưởng của đối tượng đó ra xung quanh. Tìm hiểu thật quyền, sẽ không chỉ nhằm vào chính đối tượng, mà nhằm vào sự hiện hữu của đối tượng ở các thực thể xung quanh, tức là xét tới mối quan hệ.
Liên hệ đến tôn giáo, thì để xác định mức độ thật quyền của tôn giáo, không thể chỉ căn cứ vào những gì cụ thể mà tôn giáo đó sở hữu (tu sĩ, tín đồ, diện tích thờ tự, chỗ ngồi thờ tự, trị giá tài sản, số dư trong khoản ngân hàng…) mà còn phải xem hoạt động của cá nhân, tập thể, tổ chức khác mang ảnh hưởng gì của tôn giáo đó, chứ không phải chỉ nhằm vào giới hạn tự thân của riêng tôn giáo đó.
Một thí dụ có thể liên hệ, là trong vụ khủng hoảng trên biển Đông đang xảy ra, có tuyên bố của tôn giáo được quan tâm, được nhiều cơ quan truyền thông khác chuyển tải, trích dẫn, theo dõi tác động, cũng có tuyên bố không được nhắc đến, coi như không có. Thật quyền chính là ở chỗ này. Không phải là tự đối tượng nói gì, mà là những ai đã quan tâm ra sao, phản ứng thế nào về lời nói đó.
Cách hiểu thật quyền như vậy là rất rộng. Xét thật quyền theo cách hiểu như vậy, Phật giáo đương đại hiện đang xuống dốc về thật quyền.
Thời Đức Phật tại thế, lời dạy của Đức Phật, giáo pháp của Đức Phật là khuôn vàng thước ngọc thật sự cho quốc vương, đại thần, tể quan, trưởng giả và số đông người trong xã hội. Có thể thấy dấu ấn Phật pháp trong tư tưởng, chính sách các tiểu quốc.
Khi mà Phật giáo trở thành đạo cúng bái, tu sĩ trở thành thầy cúng, mà người ta chỉ cần khi có đám tang và một thời gian sau đó, rồi thôi, thì Phật giáo hầu như không còn thật quyền và giáo hội đương nhiên cũng thế. Với một chút thật quyền ít ỏi còn lại theo kiểu đạo của người chết, mà nay lại có đủ kiểu tự triệt tiêu, loại trừ, cắt hủy ảnh hưởng của mình, với nhiều phương thức, từ nhiều cách tiếp cận, thì thật là không thể hiểu nổi!
Xu thế đang diễn ra là xu thế Phật giáo, gồm cả những cơ cấu tổ chức, đang ngày càng mất thật quyền. Tức là ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội ngày càng thấp, Phật giáo ngày càng mất đi dấu ấn trong các mối quan hệ xã hội, ngày càng ít thấy bóng dáng Phật giáo trong đời sống, mà nếu còn kêu gọi bài thật quyền, triệt thật quyền của Phật giáo, hay các cơ cấu của Phật giáo, là lấy đi sinh lực sót lại của một cơ thể đang kiệt quệ.
Lấy một ví dụ để hình dung, con người thường là biểu tượng của một tổ chức, một tập thể có liên kết. Ngày nay, mức độ coi trọng người tu sĩ Phật giáo xuống rất thấp. Đối với nhiều người, đó chỉ là thầy cúng, chỉ tìm đến khi hữu sự, trả chi phí sòng phẳng, theo đúng thỏa thuận, vậy thôi. Đã là người tu sĩ thì tất nhiên phải là một thành phần trong một tập thể liên kết. Thật quyền của người tu sĩ như vậy, bài trừ thật quyền luôn tập thể liên kết họ, thì sẽ đưa vị trí người tu sĩ Phật giáo xuống tới mức nào?
Vì vậy, thay vì quan niệm “Muốn xây dựng một giáo hội có thật quyền: chống trái lại giáo lý Phật pháp”, chúng tôi đề xuất quan điểm hoan hỷ xây đắp thật quyền cho mọi cơ cấu Phật giáo chân chính là góp phần cho thật quyền chung của Phật giáo.
Trong Phật giáo, có nhiều hình thức liên kết. Nên hoan hỷ với tất cả những hình thức liên kết có đóng góp cho sự phát triển Phật giáo.
Cần phải ra sức ngăn chận sự tuột dốc thật quyền của Phật giáo, tức là việc mất ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội, thay vì làm trầm trọng thêm mức độ mất thật quyền, đẩy nhanh hơn nữa sự tuột dốc ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội.
Giải đi thật quyền của các hình thức liên kết yếu ớt, chùa Phật giáo sẽ rơi xuống vị trí những ngôi miếu thờ riêng lẻ, tu sĩ Phật giáo trở thành những ông từ, bà vãi giữ miếu cô lập với nhau, vất vưởng bên lề xã hội và ngày càng đi nhanh đến ngày tàn.
Các phương thức liên kết trong Phật giáo, sự đoàn kết nhất trí trong Phật giáo, vốn là những yếu tố mong manh nhất của Phật giáo, nay tự triệt hạ, loại trừ, tiêu hủy những giá trị vốn đã không bằng ai đó của Phật giáo, thì Phật giáo Việt Nam đi về đâu?
Tư duy tự triệt hạ, tự tiêu hủy thật quyền những hình thức liên kết mong manh lỏng lẻo của Phật giáo Việt Nam đã là một vấn đề lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam nhất là kể từ năm 1966 cho đến tận ngày nay. Tư duy Phật giáo hay những thiết chế liên hệ không cần thật quyền thực tế đã làm tổn thương nghiêm trọng vai trò, vị trí ảnh hưởng của Phật giáo, đem lại chính những vấn đề cho Phật giáo Việt Nam trong lịch sử.
Tư duy không cần thật quyền, xem nhẹ thật quyền, giải thật quyền, tự triệt hạ thật quyền, một số nhà lãnh đạo Phật giáo đã tự làm mất thật quyền tổ chức Phật giáo ngay vừa khi mới hình thành từ giữa những năm 1960, ảnh hưởng của Phật giáo đối với xã hội, tất nhiên lẽ ra có ở mức độ cao hơn đã tự suy giảm.
(còn tiếp)
Phúc đáp 1 vị Thượng tọa ở Úc – Bài 1: Bàn về giáo hội thực quyền
MT