Trừ một vài bộ lạc theo mẫu hệ, ngoài ra từ thời xa xưa người ta thường xem phụ nữ là bậc thấp kém và là thành phần phụ thuộc nam giới, từ xã hội Ấn Độ trước và trong thời kì đức Phật, đến quan điểm về phụ nữ trong bán tự Đông phương trình bày 婦女(trong chữ 婦: 女+帚), nghĩa là người phụ nữ chỉ là người quét tước giặt giũ và làm những công việc vặt vãnh trong nhà. Một số tôn giáo xem phụ nữ là một phần của đàn ông, tạo ra từ xương sườn của đàn ông và là sản phẩm của và cho người đàn ông…
Nói chung, phần đa quan điểm dành cho phụ nữ luôn nằm trong phạm vi hạn chế. Xét chung, xã hội nguyên thủy con người sống bằng nghề săn bắn hái lượm và trồng trọt, những nghề nghiệp đòi hỏi sức lao động mạnh mẽ và dĩ nhiên nam giới đảm nhiệm tốt vai trò này hơn nữ giới, bằngquy luật “ai trả tiền người đó cai trị”, đàn ông đã chính thức nghiễm nhiên là thành phần cai trị nữ giới.
Ra đời cách nay hơn hai mươi lăm thế kỷ, Phật giáo, với trí tuệ uyên thâm thấu đáo và mẫn tiệp của đức Đạo sư Gotama, đã chính thức công nhận quyền bình đẳng của con người khi máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn. Vấn đề giai cấp và giới tính là vấn đề hoàn toàn xa lạ trong Phật giáo bởi địa hạt hướng đến của tôn giáo này là địa hạt tâm linh, nơi đó vắng bóng sự lao xao của quyền lực và thế vị, vắng bóng sự phân biệt nam–nữ, anh–tôi, đó là điểm đến của sự vắng lặng trạm nhiên, tịch diệt và vô ngã cho nên giới tính cũng không còn.
Trong phạm vi bài viết này người viết chỉ trình bày về hình ảnh người phụ nữ trong kinh điển đạo Phật và vai trò của người phụ nữ trong sứ mạng tự giác và giác tha của đạo Phật.
1. Vị trí của người phụ nữ trong kinh tạng nguyên thủy Pāli
Do hoàn cảnh lịch sử xã hội như đã nêu trên, công bằng mà nói, hình ảnh phụ nữ trong kinh điển Pali rất ít được tìm thấy, tuy vậy không phải là không có. Đối với tất cả những người con Phật, được gần gũi cúng dường, được đức Thế Tôn doãn nạp và tán dương là một vinh hạnh vô cùng hi hữu trong cuộc đời. Khi khen ngợi về hai pháp cúng dường tối thượng, đức Phật đã xác định: “Có hai vật thực cúng dường đức Như Lai mà phước báo bằng nhau, có quả bằng nhau và phước báu lớn hơn tất cả. Đó là vật thực cúng dường đến Bồ-tát ngay trước khi Người chứng đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác và vật thực cúng dường đến bậc Giác Ngộ trước khi Người nhập Niết-bàn. Hai vật thực ấy đem lại phước báu bằng nhau, quả bằng nhau và vô cùng quý báu hơn tất cả các sự cúng dường khác”.
Thực hiện hai pháp cúng dường đó không ai khác hơn là nàng Tu-xà-đề (Sujata) và ông Thuần-đà (Cunda), đó là hình ảnh hai Phật tử hữu duyên hữu phước nhất mà đức Thế Tôn đã công bằng dành cho hai giới đồng thọ ân triêm.
Và bên cạnh hình ảnh chói sáng đầy lí tưởng của thiện nam Ưu-bà-tắc là ông Anathapindika, một bóng dáng lung linh đầy mẫu mực của tín nữ Ưu-bà-di, một vị tín nữ đặc biệt và tiêu biểu nhất, một người phụ nữ đoan trang và đức hạnh, xinh đẹp và nết na, tín đạo và nhiệt thành nhất đó là bà Visakha, “một nữ Phật tử đứng đầu trong các nữ Phật tử” được đức Thế Tôn khen ngợi, và có lẽ bà là một nữ Phật tử đầu tiên được kinh tạng Pāli nhắc đến như là người đắc quả dự lưu khi còn là một bé gái 7 tuổi. Chuyện kể rằng, do thiện duyên đã gieo trồng từ nhiều kiếp, bà được sinh ra trong một gia đình triệu phú và có tín tâm Tam bảo. Mới 7 tuổi được bố mẹ cho đến chùa nghe pháp, với thiện duyên đã gieo trồng từ nhiều kiếp nên bé đã lãnh hội được một cách sâu sắc giáo lí của Phật và lập tức chứng được quả vị dự lưu và sau này là một nữ Phật tử hộ đạo tích cực, một tín chủ nhiệt thành mặc dù vẫn làm tròn bổn phận một người dâu thảo, vợ hiền, và người mẹ đảm đang dẫn dắt cả gia đình quay về nương tựa Tam bảo. Đây là một hình ảnh tiêu biểu của một nữ Phật tử theo tạng Pali.
Bởi vì bị đè nặng bởi định kiến xã hội, nên phụ nữ vào thời đức Phật ít có cơ may để đến gần hơn với giáo lí bình đẳng của Ngài, tiếp xúc nhiều hơn với nhân cách chói sáng của Ngài. Tuy vậy, đức Thế tôn với con mắt đầy tuệ giác, bình đẳng và từ bi, ngài đã vượt lên trên, vượt xa hơn thời đại để khẳng định đúng vai trò và khả tính của người phụ nữ trong gia đình, xã hội và trong giáo pháp tâm linh của Ngài. Một nền giáo lí với nền tảng đầy nhân bản và mục đích hướng đến là sự tịnh diệt tất cả các khổ đau.
Ai cũng biết, văn học Nguyên thủy Phật giáo phần lớn trình bày về lí tưởng khước từ tuyệt đối, đoạn tận khát ái và tham dục. Bên cạnh mẫu người lí tưởng như trường hợp tiêu biểu bà Visakha, trong rất nhiều, rất nhiều bản kinh trình bày về vấn đề tham dục và phương pháp đoạn trừ tham dục, đức Thế Tôn đã dẫn dụ hình ảnh phụ nữ để nhắc nhở các Tỳ-kheo nhận rõ nguyên nhân tham dục và khát ái trong bản thân mà đoạn trừ, bởi điều này mà dẫn đến sự đánh đồng ngộ nhận rằng phụ nữ cũng chính là ái dục, là ô nhiễm và tội lỗi, gần với hạng người này là đồng nghĩa với sự nhiễm ô, và như vậy, đức Thế Tôn, bậc thầy tâm linh, đấng Thiện thệ Thế gian giải đã mâu thuẫn chính ngay trong giáo pháp của mình? Đến đây người viết xin nhắc lại một câu Phật ngôn mà người viết được biết khi còn là một Oanh vũ: “Theo ta, không hiểu ta là hủy báng ta”, chắc chắn trong tất cả những người con Phật, học, tu và thẩm thấu trong giáo lí nhà Phật không ai cho phép mình đứng ở vị trí vế thứ hai trong câu này, bởi vậy mà người ta vẫn cứ học Phật và học mãi. Để nhận chân rõ ý chỉ của Phật trong dẫn dụ trên cần phải trở lại chính ngay trong hệ kinh điển Pāli mà xác định lại. Chính kim khẩu đức Thế Tôn đã nói: (1) “Này các Tỳ-kheo, ta không thấy có một sắc nào khác do nó mà tâm người đàn ông trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi sắc của người đàn bà. Này các Tỳ-kheo, sắc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông. Này các Tỳ kheo, ta không thấy có một thinh, hương, vị, xúc nào khác do nó mà tâm người đàn ông bị nô lệ như là bị nô lệ bởi thinh, hương, vị, xúc của người đàn bà. Này các Tỳ-kheo, xúc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông”.
Và ngay sau đó Ngài tiếp: “Này các Tỳ-kheo, ta không thấy có một sắc (thinh, hương, vị, xúc) nào do nó mà tâm người đàn bà trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi sắc (thinh, hương, vị, xúc) của người đàn ông. Này các Tỳ-kheo, tâm người đàn bà bị ám ảnh bởi các thứ đó”.
Đến đây, ý hướng đã được đặt ra cho chúng ta, phần lớn các bài kinh mà chúng ta được biết, đức Thế Tôn nói ra nhằm đến đối tượng trực tiếp là các Tỳ-kheo, hình ảnh phụ nữ được đức Thế Tôn dẫn dụ trong vấn đề đoạn dục khử ái là minh họa trực tiếp cụ thể cho đối tượng là các thầy Tỳ kheo trong pháp hội. Ta có thể đặt lại điều kiện nếu những pháp thoại này được thuyết trực tiếp cho chúng hội phần lớn là Tỳ-kheo ni thì tất nhiên đối tượng của dục nhiễm là nam giới bởi đoạn trích trên đây đã xác định rõ ràng. Điều được khẳng định ở đây là tham ái và ô nhiễm là tập khí sâu dày nơi tất cả những ai còn hệ lụy ở dục giới, những đối tượng nữ sắc hay nam sắc là những pháp cần phải quán chiếu để xả ly tâm ái nhiễm của con người.
Định kiến sai lầm có thể biến cái không thật thành cái có thật khi và chỉ khi không có mặt của chánh kiến, sự hiện diện của chánh kiến có thể đem trả tất cả các sự vật hiện tượng về ở trạng thái chúng đang là. Ánh sáng Phật giáo có khả năng như vậy, cho nên, phụ nữ, những con người có tất cả những bản chất của một chúng sanh thuộc người, được Phật giáo trả về cho chính họ với tất cả phần ưu và khuyết của một con người, với những vai trò, trách nhiệm và khả tính tâm linh của họ trong con đường giải thoát khổ đau.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải không có một số các nữ Phật tử đến chùa với một động cơ lầm lạc, đó là cô Mầu lẳng lơ, là “Ba cô đội gạo lên chùa/ Một cô yếm thắm bỏ bùa nhà sư…” hay như cô gái nhà họ Đăng (Nàng Bát-cátđế, Prakrti hay Pakati, con gái của bà Ma-đăng-già, Matanga, một người thuộc giai cấp dưới nhưng có tà thuật ) mê hoặc đức Anan đại đệ tử Phật. Những hình ảnh phản diện đó là những vết bẩn đáng tiếc làm đau lòng hàng nữ Phật tửchơn chánh của chúng ta, tuy rằng dĩ nhiên những cô nàng ấy không phải là tất cả.
2. Vị trí nữ tính trong hệ thống kinh điển và tư tưởng Đại thừa
Bất cứ ai tiếp xúc với nền văn học Đại thừa cũng đều nhận thấy triết lí hành động của hệ tư tưởng này là trí tuệ và từ bi, định giá nhân cách tiêu biểu cho trí tuệ là Bồ-tát Đại trí Văn Thù Sư Lợi, và Đại bi Quán Thế Âm là nhân cách tuyệt đối biểu trưng cho yếu tố từ bi còn lại của hệ tư tưởng này.
Chúng ta đều biết, vị Bồ-tát biểu trưng cho trí tuệ với hình dáng uy phong thông tuệ lúc nào cũng ngự trên con voi trắng, và Bồ-tát hiện thân của từ bi luôn cầm tịnh bình với nhành dương liễu rưới pháp cam lồ và đặc biệt là Ngài hiện thân phụ nữ. Chẳng phải đó là điều ngẫu nhiên, trong xã hội văn minh khoa học hiện đại của chúng ta ngày nay chứng minh và mọi người cũng rành rành thấy được, chỉ số EQ (chỉ số cảm xúc) luôn là thế mạnh đặc biệt của phái nữ.
Bậc thầy vĩ đại trên mọi bậc thầy của chúng ta từ rất xa xưa đã từng thấy được điều này có lẽ bằng một tên gọi tương tự nào đó khác EQ. Cho nên, tinh thần Phật giáo phân chia bình đẳng trách nhiệm cho tất cả bốn chúng nam nữ, mỗi chúng thực hành phận sự riêng của mình để quảng diễn Phật âm và để tiến vào Phật đạo theo thiên hướng sẵn có của mình. Bồ-tát Văn Thù có trách nhiệm của Văn thù, Bồ-tát Quán Thế Âm có hạnh nguyện của Quán Thế Âm, ông Duy Ma còn thuyết pháp ở thành Tỳ-da-ly và phu nhân Thắng Man vẫn còn mồn một lời phát nguyện trước đức Thế Tôn như là một lời sư tử hống.
Từ bi hay một tên gọi nào khác như tình yêu, tình thương, tình quý mến… dù lớn dù nhỏ, dù cao thượng hay phàm phu tục tử cũng bắt đầu bằng sự rung động của những xúc cảm rất người. Chứng ngộ một chân lí nào đó tất nhiên trí tuệ là chính nhân quan trọng nhất nhưng để thể hội vào chân lí ấy ắt cần phải có mặt của yếu tố còn lại, đó là trạng thái “trần truồng run rẩy trước một cảm xúc mới” theo cách nói của Suzuki, thiếu yếu tố này thì ta không thể gọi là thực chứng, không thể nhập được vào sự thật mà chỉ thuần phần lí luận của trí tuệ suông. Và những cảm xúc ấy là phần nữ tính của con người tham gia vào quá trình chứng ngộ.
Nhà tâm lí học Capl Jung nói rằng: “Người nào thuần nam tính thì người đó bất toàn, cần bổ khuyết bằng những đức tính thuộc nữ”, nữ và nam là hai phần cho một con người, là hai phần cho một xã hội và là hai phần cho một thế giới. “Mỗi người đều có đủ cả hai phần nam tính và nữ tính, nhưng cái nọ có phần trội hơn cái kia tùy theo trường hợp riêng của mỗi người. Tính chất nam là uy lực kiên cường, tranh đấu và táo bạo, còn tính chất nữ là sự hiền từ, xúc cảm, dịu dàng, mềm mỏng và thụ động.”(2)
Đạo Phật đã sâu sắc nhận thấy đúng điểm này và do vậy không có gì lạ khi văn học Đại thừa xuất hiện một Bồ-tát Quán Thế Âm, một bà phu nhân Thắng Man lập nguyện gánh vác trách nhiệm đại thừa, bởi Bồ-tát đạo không dành riêng đặc biệt cho một hạng người nào dù đó là một bậc Thánh giả xuất thế, một bậc đại trượng phu,một bà phu nhân như trên hay một Long Nữ không thuộc cõi người, chỉ tại, “Phật tánh vốn bình đẳng nơi tất cả chúng sanh”.
Khả tính sẵn có của người phụ nữ với sự nhu hòa và giàu cảm xúc, cộng với một thiên chức làm mẹ vô giá, hiện thân Bồ-tát trong nữ nhân là một lợi thế vô cùng quan trọng trong trách nhiệm thực hành đại thừa bồ-tát đạo đối với chúng sanh. Sự rung cảm trước thống khổ của cuộc đời và đem tình yêu thương tỏa mát để xoa dịu nỗi đau là một việc làm đầy khả tính của người phụ nữ. Mặc dù sự rung cảm ấy thuộc phạm vi thế tục nhưng nếu phát tâm và lập nguyện hướng tất cả vào Phật đạo thì tình yêu ấy sẽ cao thượng bao la và sẽ là tuyệt đối. Một đoạn trong “Thắng Man Giảng Luận”, thầy Tuệ Sỹ đã viết như sau: “Tình yêu là cơn bão dữ nhận chìm con người xuống biển sâu của nước mắt, nhưng đồng thời tình yêu cũng là hương vị ngọt ngào nuôi lớn thánh thai của Bồ-tát. Trong ý nghĩa đó, tình yêu được đồng nhất với Như Lai tạng, cái bào thai cưu mang để sinh trưởng những phẩm tính siêu việt của Như Lai”(3). Tình yêu trong ý nghĩa tích cực nhất, nó là nơi để phẩm tính siêu việt được tựu thành và do thế con đường tiến đến Phật vị của người sở hữu nhiều cảm xúc sẽ là con đường này.
Với quan điểm lập trường về khả tính phụ nữ như vậy cho nên đạo Phật không có sự phân biệt bất bình đẳng đối với bất cứ chúng sanh nào, mãi mãi là hợp thời và hợp cơ, là một tôn giáo hầu như độc nhất trong những tôn giáo cùng thời công nhận chân lí này. Bốn chúng đệ tử Phật là bốn trụ cột đắc lực gồng gánh sự việc trong ngôi nhà Phật pháp chung. Một nữ Phật tử với tất cả lợi thế của mình có thể là một thành viên nhiệt thành trong vấn đề tu tập chuyển hóa khổ đau, là một nhà truyền giáo tích cực đem giáo lí giải thoát phân bủa cho mọi người và là một vị Bồ-tát giàu lòng bi mẫn để ôm trọn tất cả vào lòng với cái nhìn thương mến vô biên, tất cả điều đó là mẫu hình nhân cách lí tưởng nhất mà một nữ Phật tử có thể làm được.
3. Vai trò của nữ Phật tử trong vấn đề ủng hộ và truyền trì Phật Pháp
Trình bày về vị trí của người phụ nữ trong kinh tạng Nguyên thủy và hệ tư tưởng Đại thừa, chúng ta đã thấy khá rõ về vai trò và sứ mạng của một nữ Phật tử, thế nhưng ở đây người viết muốn bàn thêm về điều này. Xét về mặt ngoại hộ, có thể nói, nữ Phật tử là thành phần đảm nhận trọng trách này một cách đắc lực nhất. Nghĩ nhiều về mình, lo nhiều cho bản thân là thói thường với tất cả, thế nhưng đối với các tín nữ nhiệt thành, hạn chế nhu yếu của mình để góp phần duy trì và trang nghiêm ngôi Tam bảo là một sự hi sinh rất đáng kể. Đời sống Tăng đoàn chuyên tâm tu tập và theo đuổi mục đích phạm hạnh tâm linh, nhu cầu sinh hoạt chỉ gói gọn trong phương châm thiểu dục tri túc, song song với việc thân cận để học hỏi và tu tập theo Tăng già, các nữ Phật tử đã chu đáo quan tâm đến nhu cầu của Tăng qua pháp cúng dường tứ sự, thức ăn, đồ mặc, chỗ ở và thuốc men nói chung là những nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hằng ngày giúp ổn định đời sống của Tăng.
Cũng xuất phát từ vai trò hộ pháp, luật Tứ phần Tỳ-kheo có ghi rõ duyên khởi đức Thế Tôn chế ra hai pháp bất định cho tỳ-kheo với nội dung trụ tín Ưu-bà- di có thể góp ý xây dựng cho sự thanh tịnh của tăng-già trong trường hợp thành viên nào đó trong Tăng phạm lỗi mà vị Ưu-bà-di này trực tiếp thấy. Đó là một trường hợp rất đặc biệt trong pháp và luật của đức Như Lai dành cho hàng nữ Phật tử thuần thành, tiếng nói đúng thời đúng phép của họ là một việc cần làm và Tăng già cần phải tiếp thu. Đến đây có lẽ chúng ta cần mở ngoặc ra để bàn thêm một chút về thiên chức làm mẹ của người phụ nữ. Trong tất cả những tình yêu thông tục nhất thuộc phạm vi thế gian, tình yêu của người mẹ dành cho con là một thứ tình yêu cao đẹp nhất, đó là thứ tình yêu có cho mà không có trả, một thứ tình yêu cao thượng và không hề có ý hướng tự lợi nào, với thiên chức này phụ nữ sẽ dễ hướng tâm mình đến tâm Bồ tát nếu vượt qua được kiến chấp ngã pháp. Bên cạnh đó có thể nói, đối với con cái, ảnh hưởng của người mẹ là ảnh hưởng to lớn và quan trọng nhất, và thử hỏi trong chúng ta ai đã không từng có mẹ? và như vậy người phụ nữ có thể nói là người có khả năng gây ảnh hưởng nhiều nhất đến thế hệ tương lai. “Ai không thấy yêu kính mẹ mình thì người ấy không có lí do gì để họ thấy yêu mến cái gì khác trên đời này nữa”, nếu người viết nhớ không lầm thì chính Will Durant trong “Câu Chuyện Triết Học” đã nói như vậy cho trường hợp của Arthur Schopenhauer.
Từ những việc bình thường làm nên những điều phi thường, muốn có được điều phi thường thì trước tiên bắt đầu bằng những việc làm thực tiễn, hoàn thành tốt những chức trách của một phụ nữ bình thường thì đó là một mẫu người lí tưởng. Dựa vào các khả tính của người phụ nữ, cả hai hệ tư tưởng của đạo Phật xây dựng một nhân cách lí tưởng cho một nữ Phật tử muốn hoàn thiện bản thân mình.
“Phật tánh vốn bình đẳng trong tất cả chúng sanh”, hiểu được điều này bằng lí luận của lí trí không phải là khó nhưng hiểu bằng tất cả ý chí và tâm nguyện và thực hiện nó thì không dễ chút nào. Từ triết thuyết đến thực tế bao giờ cũng có vô vàn cách biệt, cho nên một nữ Phật tử muốn hoàn thiện bản thân, trước tiên và trên tất cả là phải nỗ lực lập nguyện, phát khởi Bồ-đề tâm. Bởi vì, “nhân cách vĩ đại không do nơi địa vị cao trọng của một thiên tử hay vương phi, hay những gì tương tự mà chính do nơi chí nguyện và thực tiễn hành động”. Bàn về vấn đề phụ nữ có thể nói đó là bản trường ca bất tận “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, cho nên người viết chỉ đưa ra đây lập trường của Phật giáo đối với vấn đề này sơ bộ qua hai hệ tư tưởng chính, dĩ nhiên vài dòng trên không phải là tất cả nhưng ít nhiều cũng đã thể hiện được quan điểm của mình trong vai trò một tôn giáo cho và vì tất cả chúng sanh.
(1) Kinh Tăng Chi I, tr. 9, Thích Minh Châu dịch, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, 1996.
(2) Những Bí Ẩn Trong Cuộc Đời, Gina Cerminara, Nguyễn Hữu Hiệu dịch, tr. 220.
(3) Thắng Man giảng luận, Thích Tuệ Sỹ, tr 29.