Phật tử Việt Nam: Xin Cụ cho biết ý kiến về tiền đồ của Phật giáo Việt Nam?
HT. Phổ Tuệ: Tôi tin rằng tiền đồ của Phật giáo Việt Nam, về phương diện chính tín, tất yếu sẽ phát triển phù hợp với Giáo Pháp của Phật tổ, cho dù có thể có những khúc quanh. Và sự tất yếu phát triển ấy nằm ngoài ý muốn chủ quan của các cá nhân hay tổ chức riêng lẻ nào đó.
PTVN: Xin Cụ cho biết ý kiến về vai trò của Phật tử tại gia trong giai đoạn hiện nay?
HT. Phổ Tuệ: Tôi khởi niệm mừng vì hiện nay ngày càng có nhiều thiện nam, tín nữ ý thức đúng về địa vị của mình và tìm hiểu, tu tập theo đúng chính Pháp. Chính tín được khởi phát và kiên cố thì mê tín phải rút lui và bại hoại.
Phật tử tại gia đang và sẽ ngày càng xác định rõ rằng họ có vai trò rất quan trọng, không thể thiếu trong tứ chúng Phật tử, nhất là ở phương diện giao thiệp kinh tế – xã hội.
Cùng với tư cách là Phật tử thì họ cần làm tròn tư cách của người công dân, cần đem niềm tin giáo pháp của Như lai để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân và quảng đại chúng sinh. Ngày càng thực hiện tốt hơn phương châm “phụng sự chúng sinh là cúng dàng chư Phật”.
PTVN: Xin Cụ cho biết công tác giáo dục Tăng Ni hiện nay đang đứng trước những vấn đề gì?
HT. Phổ Tuệ: Công tác giáo dục Tăng Ni, về nguyên tắc, trước hết cần được chú ý đầu tư, quan tâm ở 2 mặt, và là hai mặt trọng yếu nhất, đó là Giảng sư và Tăng Ni sinh. Các mặt khác như cơ sở vật chất, nơi ăn ở, giảng đường, thậm chí cả chùa chiền, kinh điển chỉ là yếu tố phụ, thêm vào. Có các yếu tố phụ đó cũng có thể tốt mà không khéo thì thành chướng duyên. Chùa to cảnh lớn, giảng đường đẹp, phòng ốc sang dù sao cũng chỉ là phương tiện. Linh hồn của nó là Thầy và Trò trong quan hệ tu tập, hành trì. Xác và hồn phải tương xứng, “y phục xứng kỳ đức”.
Giảng sư cần hiểu sâu, bằng sự chiêm nghiệm của chính bản thân, về Phật Pháp; phải tích cực, nhiệt thành, tu tập gương mẫu để có thể “dĩ thân vi giáo”; coi việc giúp đỡ hậu lai chính là nuôi dưỡng hậu thân của mình; cần tâm niệm “học không biết chán, dạy không biết mỏi”. Các nhà giáo dục cũng phải không ngừng được giáo dục. Ngày nay các yếu tố, thành tựu ban đầu đã xuất hiện nhưng về cơ bản lâu dài, theo tôi được biết, thì chưa đáp ứng được yêu cầu khách quan.
Tăng ni sinh thì cần nhiệt tình tu học, nhưng phải có sự hướng dẫn tu tập của các bậc tiền bối, họ cần được giáo dục, rèn luyện. “Khiêm hạ cầu thị” là phẩm chất thứ nhất của người tu học. “Tre già thì măng mọc”, nói như vậy cũng chỉ là vu khoát, cần nói thêm rằng: tre già phải được dùng vào việc có ích và măng mọc cũng cần có hàng có lối, được chăm sóc và bảo vệ thì mới thẳng mới đẹp mới có ích cho Đạo cho đời.
Theo tôi, nên đa dạng hơn nữa các hình thức giáo dục, đào tạo Tăng ni, nhất là mô hình các Tổ đình truyền thống. Đặc biệt nên kiên trì giữ gìn nền nếp các trường An cư kết hạ. Đó là nơi không chỉ học tập mà quan trọng là tu tập và thực hành nếp sống cộng đồng, dân chủ, có kỷ cương, “lục hoà” của Tăng, Ni chúng. Đó là lúc máu chảy về tim, để thanh lọc thân tâm. “Tăng ly chúng thì Tăng tàn”. Tăng là tập thể lục hoà chứ tuyệt đối không bao giờ là các cá nhân tu sĩ riêng lẻ. Tư tưởng về “Chúng” cần luôn luôn thường trực trong tâm của người xuất gia. Tuyệt đối chống lại tư tưởng coi đi Hạ chỉ là hình thức đánh trống ghi tên để đóng dấu thêm tuổi hạ. Đó là hành động tự huyễn hoặc bản thân mình và lừa lọc Tăng chúng, có tội với chư Phật, chư Tổ, sớm muộn cũng phá hoại Chính Pháp.
Hiện nay, công tác giáo dục Tăng Ni đã và đang được mở rộng, có nhiều điều khả quan, đã đạt được những kết quả ban đầu đáng ghi nhận. Song nhiệm vụ trước mắt và lâu dài còn rất to lớn và nặng nề. Cầu chư Phật, chư Tổ gia hộ, Nhà nước và quảng đại nhân dân, nhất là Đại chúng Phật tử, nhiệt thành ủng hộ cho sự nghiệp đào tạo Tăng Ni, và hơn nữa là cả sự nghiệp đào tạo giáo pháp cho hai chúng tại gia, được khai mở và thành tựu.
Cụ Phổ Tuệ – 29/10/2006. Ảnh: Xuân Loan
PTVN: Cụ có kinh nghiệm, kỷ niệm gì trong việc tu học có thể nhắn nhủ các thế hệ hậu lai?
HT. Phổ Tuệ: Trong đời tôi, cả đời tôi, tôi rất thán phục và kính ngưỡng Sư tổ chùa Ráng – Pháp sư Thích Nguyên Uẩn, hồi mấy thập niên đầu thế kỷ XX. Ngài cả đời nhiệt tình vì đạo, cả đời thông minh, trai giới, cả đời gắng công truyền bá Phật pháp: giảng kinh, thuyết pháp, viết sách, khắc ván in kinh, lập “Viên Minh Pháp hội”, âm thầm, vô tư, không cầu danh lợi. Tiếc rằng chư Phật đón về quá sớm. Quyến luyến với cơ nghiệp của Tổ tông mà tôi không nỡ rời xa chùa Ráng, cho dù vẫn biết rằng không có gì trên thế gian này xứng ở ngôi bất thoái cả.
Tôi được như ngày nay cũng là nhờ nhẫn nại noi tấm gương người thật, việc thật, trực tiếp mắt thấy tai nghe. Từ khi được học giáo pháp của chư Tổ, tôi luôn ghi lòng tạc dạ “giấy rách phải giữ lấy lề”, kiên trì giữ nền nếp của Tổ đình, của “Viên Minh Pháp hội”.
Gần như cả cuộc đời tu hành của tôi là kinh qua các cuộc chiến tranh, pháp nạn. Tôi xác định, nếu không bám trụ, kiên trì ở lại, không duy trì thì tan nát hết. Cho dù biết rằng ở lại có thể chết, mà ra đi, như một vài huynh đệ của tôi, thì cũng không thể quay về, hoặc có về thì cũng rất muộn.
Trong chiến tranh, có chạy loạn đi đâu thì tôi cũng luôn mang theo bên mình những tài sản tinh thần, lịch sử của chư Tổ; thà chết thì tôi cũng giữ, vì vẫn tin rằng rồi sẽ có cơ phục hồi.
Để khỏi lo mất mát, hư hỏng thư từ, tài liệu, kinh sách của chư Tổ, nhất là những thư tịch độc bản, tôi chạy đua với thời gian, ăn cướp thời gian bằng cách học nhập tâm tất cả, giữ gìn cơ nghiệp của tiền nhân trong tâm mình. Nhờ chư Phật, chư Tổ gia hộ, nhờ Thầy tin tưởng uỷ thác, sách tiến, nhờ ký tính huân tập từ nhiều đời mà tôi tạm hoàn thành công nghiệp đó. Ân đức của chư Phật, chư Tổ làm sao báo đền cho xiết được!
Cụ Phổ Tuệ – 1/2007. Ảnh: Huệ Minh
PTVN: Trước thềm năm mới 2007, năm tổ chức Đại hội VI của GHPGVN, Cụ có điều gì gửi tới Tăng Ni Phật tử Việt Nam nói chung và với tầng lớp Thanh niên Phật tử nói riêng?
HT. Phổ Tuệ: Kính mong các bậc tu hành luôn gắng tâm, dụng sức giữ gìn lấy cơ nghiệp của chư Tổ, giữ gìn lấy hạnh nguyện của chư Bồ tát, giữ gìn lấy Chính Pháp của chư Phật. Khi đã phát tâm Bồ đề thì đừng để cho ngoại cảnh phá hoại đời sống tâm linh của mình. Chính tín cần giữ gìn và tăng trưởng kiên cố, đừng để các trào lưu nghịch cảnh lôi cuốn. Sống thế nào, tu hành thế nào, rồi từ trần như thế nào cho khỏi hổ danh là người con của Như Lai.
Với Thanh niên Phật tử, đã tin Phật pháp thì nên gắng thực hành trong mọi mặt đời sống của mình, từng bước một, được phần nào cho tốt phần ấy. Thực hành theo đúng lòng tin chính tín, tránh sa vào mê tín dị đoan. Kết hợp cho tốt giữa Đạo và đời. Phật tử phải là người gương mẫu trong gia đình, ở nơi làm việc, ngoài xã hội.
Cụ Phổ Tuệ với thanh niên Phật tử.
Với Trang thông tin Phật tử Việt Nam, cần trung thực: trung thực về tình hình Phật sự, về tình hình đất nước, trung thực với chính mình, không được vọng ngữ. Với các ý kiến khác nhau, nên tĩnh tâm suy xét, theo phương châm “hiển chính tồi tà” – Việc ngay thẳng được thể hiện thì việc tà vạy tự khắc phải rút lui. Tránh xô xát, cãi cọ, tranh biện hơn thua mà tổn công đức. Cần tiến tới chuyên nghiệp. Làm báo là một nghề khó, cần chuyên môn kỹ thuật, làm báo Phật lại càng khó, nhất là lại tình nguyện, không có lương bổng, tiêu tốn thời gian, tâm trí, tiền bạc, “vác tù và hàng tổng”. Các “nhà báo” cần không ngừng nâng cao phẩm chất, chuyên môn và lòng nhiệt thành không thoái chuyển. Đây thực sự là một môi trường, một phương tiện để các Phật tử tu tập và trưởng dưỡng Đạo hạnh.
Tôi đánh giá cao ý tưởng, việc đã và đang làm, nhiệt tình và thành tựu của đội ngũ thành viên trang tin Phật tử Việt Nam.
PTVN: Theo thông tin chính thức của Đạo tràng Mai Thôn từ nước Pháp, được sự đồng ý của Nhà nước và GHPGVN, Thiền sư Nhất Hạnh sẽ dẫn đầu đoàn Tăng thân Làng Mai về thăm và tổ chức “Trai đàn chẩn tế bình đẳng giải oan” ở nước ta vào dịp đầu xuân 2007. Cụ có bình luận gì về sự kiện tổ chức trai đàn đó?
HT. Phổ Tuệ: Việc này hiện mới là kế hoạch mà chưa diễn ra cho nên tôi chỉ có thể nói về kế hoạch đó mà thôi. Trong các cuộc họp của Trung ương Giáo hội vừa qua tại Nam bộ, tôi có được nghe nhiều ý kiến, báo cáo về việc ấy.
Những việc như thế này, từ trước tới nay ở nước ta, với các quy mô khác nhau, là việc thường được tiến hành, gọi là chạy đàn “Mông sơn thí thực”, chứ không có gì là khác thường, kỳ lạ cả.
Là một công dân sinh sống trên đất nước Việt Nam, tôi tin vào quyết định mà Chính phủ cho phép, và hy vọng rằng quyết định đó sẽ mang lại nhiều lợi lạc cho quảng đại nhân dân và thể diện Quốc gia.
Là một tu sĩ Phật giáo sinh hoạt trong GHPGVN, tôi tin vào quyết định của Đại chúng lãnh đạo Giáo hội, và hy vọng rằng quyết định này sẽ mang lại nhiều lợi lạc cho Đạo Pháp và Dân tộc.
PTVN: Cụ có bí quyết gì để giữ gìn sức khoẻ thân tâm trường thọ có thể chia sẻ với độc giả Phật tử Việt Nam?
HT. Phổ Tuệ: Bí quyết của tôi là không có bí quyết gì cả. Tôi tuyệt đối tin tưởng rằng “nhân mệnh vô thường” và sinh thành dị diệt là theo lý nhân duyên.
Sống trên cõi đời này được bao nhiêu năm, theo tôi, không phải là thước đo giá trị của đời người. Con rùa nó sống hàng nghìn năm thì đã sao? Vấn đề là sống để thực hiện sứ mệnh gì, mang lại lợi ích gì cho Đời, cho Đạo. Ngài Trần Nhân Tông chỉ ở đời có 51 năm, Ngài Pháp Loa có 47 năm mà công nghiệp thì bất khả tư nghì. Tôi trụ thế đến nay đã 91 năm, ở chùa 85 năm, thụ Đại giới được 71 năm, nghiệp là tu hành, nuôi thân thể chủ yếu bằng nghề làm ruộng, chưa từng dám lạm dụng một bát gạo, một đồng tiền của tín thí thập phương, khi nào chư Phật, chư Tổ cho gọi thì về thôi.
Song, tôi cũng biết rằng: Dưỡng sinh, tập thể dục, luôn vận động thân thể, sinh hoạt điều độ thì có thể hỗ trợ để tăng cường sức khoẻ cơ thể. Khi có sức khoẻ thì có thể tăng tuổi thọ, nhưng dù sao cũng không thể loại trừ được vô thường của sinh lão bệnh tử. Đó là quy luật thường hằng của kiếp người.
Còn đời sống tinh thần – tu Tâm dưỡng Tính thì lại là chuyện khác. (Nói đến đây Cụ cười to sảng khoái.)
Cụ Phổ Tuệ – 27/1/2007. Ảnh: Huệ Minh
PTVN: Xin trân trọng cảm ơn Cụ. Kính chúc Cụ thân tâm thường an lạc.
HT. Phổ Tuệ: Kính chúc Ban biên tập, các cộng tác viên, quý bạn đọc một năm mới tinh tiến, trí tuệ và thành tựu.
(Buổi phỏng vấn kết thúc vào lúc 5giờ 30 phút buổi sáng cùng ngày)