– PV: Xin thầy cho biết, nhân duyên nào Tăng Ni du học tại Ấn Độ tổ chức an cư kiết hạ tập trung?
– ĐĐ. Thích Hạnh Chánh: Dầu là những người đang theo nghiệp bút nghiên, Tăng Ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ vẫn không quên trách nhiệm tu tập của chính mình. Vì thế, song song với các hoạt động đời thường của một sinh viên, chúng tôi vẫn có những sinh hoạt thiền môn như bố tát, lễ Phật đầu năm, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan v.v… Vấn đề tổ chức an cư đã chủ trương từ năm 1997 (theo hình thức quá đường, không tập trung), nhưng rồi chưa thuận duyên nên không thực hiện được. Ngày nay, theo thời gian, số lượng Tăng Ni sinh mỗi ngày tăng nhanh, nên việc cùng nhau sách tấn tu tập là quan trọng nhất.
Ý thức như vậy và được sự đồng thuận, hoan hỷ, tha thiết của Tăng, Ni qua hai buổi họp, chúng tôi quyết định tổ chức an cư với hình thức tự nguyện và cùng đồng tâm, hiệp lực chung lo. Chúng tôi cũng ý thức được rằng an cư là yếu tố có thể đưa đến sự sáng rỡ của bản thể Tăng già: thanh tịnh và hòa hợp. Chấp nhận khó khăn, chúng tôi quyết định năm nay tổ chức an cư và làm tiền đề cho sinh hoạt những năm tới.
– PV: Trong điều kiện hạn chế của những Tăng, Ni hiện đang du học, Ban Tổ chức An cư dự kiến sắp xếp như thế nào để nếp sống an cư được tiến hành thuận lợi?
– Cuộc sống của Tăng Ni Việt Nam tại Ấn Độ nhìn chung là khá vất vả. Tuy vậy, sự vượt khó, khả năng chịu đựng của quý Tăng Ni thật đáng tán dương. Với nội lực kham nhẫn đó, Ban Tổ chức tin tưởng rằng nếu như tất cả đều đồng lòng thì khó khăn nào cũng sẽ vượt qua.
Về kinh phí tổ chức, chúng tôi đang vận động sự hỗ trợ của chư tôn túc và quần chúng Phật tử thông qua những liên hệ cá nhân. Trong trường hợp không đủ tài chánh thì Tăng Ni sẽ phải đóng góp thêm. Ban Tổ chức cũng có nhiều kế hoạch linh động tùy theo điều kiện tài chánh cho phép để thực hiện.
Thực tế mà nói, tại thủ đô Delhi, không có chùa Việt Nam, chúng tôi phải “thuê” chùa Nhật Bản. Tuy là ngôi chùa lớn, nhưng cũng không thể nào có đủ phòng ốc cho hơn 60 Tăng Ni (theo như số lượng đã đăng ký tới nay). Vì vậy, chúng tôi sẽ dành tất cả phòng cho Ni sinh, còn Tăng sinh thì cư trú tập thể tại tầng hầm của nhà chùa, đúng nghĩa “ăn chay nằm đất”. Dầu điều kiện cư trú như vậy, chúng tôi cũng phải trả 300.000 rupees ( khoảng 7.500 USD) cho hai tuần lễ tập trung, những kỳ bố tát, quá đường kế tiếp thì tiến hành tại chùa Ladakh, gần Trường Đại học Delhi. Nếu có điều kiện thuận tiện hơn, Ban Tổ chức thuê hẳn một nhà trọ (guest house) sát bên chánh điện chùa để chư Tăng trú ngụ. Tuy vậy, hiện nay chư Tăng tham gia khóa an cư năm nay đã sẵn sàng tư tưởng để chịu đựng vì sự hỗ trợ còn khiêm tốn.
Sự hoan hỷ của Tăng sinh về vấn đề này khiến chúng tôi tin tưởng sẽ có một mùa An cư viên mãn, dầu cho thời tiết vào tháng 6 là đỉnh nóng nhất của Delhi – có khi trên 52oC.
– Là những người mô phạm trong lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp ở tương lai, theo thầy, những du học Tăng Ni, ngoài kiến thức cần phải kiện toàn còn phải hội đủ những tiêu chuẩn nào nữa?
Để trở thành một nhà giáo dục, một sứ giả hoằng pháp đích thực trong tương lai, ngoài quảng học đa văn, còn phải biết nắm vững các phương thức giảng dạy và áp dụng sao cho hiệu quả, thiết thực và sống động. Quan trọng hơn là phải tinh tấn hành trì miên mật một pháp môn nào đó thích hợp với mình. Nếu không, sự ngã mạn, sự kiêu mạn về bằng cấp sẽ đưa chúng ta đến những lời nói, những việc làm, những suy nghĩ làm khổ mình và làm khổ người dẫn đến những hiểm nguy cho Phật pháp. Nhận thức như vậy, dầu trên thực tế, chúng tôi đang theo đuổi một nền học thuật dựa trên bằng cấp, nhưng không bao giờ xem đó là thước đo về con đường đạo mình đang đi.
Đất nước Ấn Độ là mảnh đất cội nguồn và phát triển tâm linh. Chúng tôi đã có thắng duyên đặt bàn chân của mình trên mảnh đất mà những bậc thánh nhân đã đi qua. Bỏ lại sau lưng những mệt nhọc của học hành, thi cử, tranh thủ những kỳ nghỉ hè, nghỉ thu, nghỉ đông, rất đông Tăng Ni sinh tham dự các khóa Thiền, một số khác đi chiêm bái, vân du, thảo luận, đàm đạo cùng các vị du sĩ Ấn Độ; hơn 8 Tăng Ni khác thì chuyên tu Mật tông Phật giáo Tây Tạng. Theo như tôi được biết, dù phải ở nhà ngoài, nhưng quý thầy, cô vẫn thường xuyên hành trì mỗi ngày một thời kinh tại nhà. Như vậy, không khí tu tập vẫn lan tỏa một cách ý thức và tự nguyện theo mỗi cá nhân.
Tôi rất hy vọng về một thế hệ tương lai với sự năng động trong sinh hoạt, học tập, đa dạng trong phương pháp tu tập với một ý thức trách nhiệm cá nhân cao. Nếu có đủ nhân duyên phụng đạo, tôi tin tưởng vào những đóng góp thiết thực của Tăng Ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ cho sự phát triển Phật giáo quê nhà.
– Thu hút nhân tài người Việt xa quê trở về phục vụ đất nước là một chủ trương đúng đắn của xã hội; được biết, hiện tại đã có một bộ phận Tăng Ni sau khi tốt nghiệp tại đất Ấn đã đến định cư tại một nước thứ ba. Đây là một hiện tượng “chảy máu chất xám” của Phật giáo Việt Nam. Theo thầy, tại sao có hiện tượng này và cần phải làm gì để khắc phục?
Đây là một thực tế cần phải thấy rõ. Theo tôi, “chảy máu chất xám” không phải là chỉ đi đến định cư ở nước thứ ba mà đã có hiện tượng “chảy máu chất xám” ngay tại quê hương của mình. Là những người đã xa phương học đạo, việc đi “một bước nữa” là vạn bất đắc dĩ. Việc không đủ “thiện duyên” phục vụ quê hương là một nỗi đau, một nỗi thất vọng rất lớn; nó như một tỷ lệ nghịch với những gian khổ, hy sinh, thiệt thòi mà Tăng Ni sinh phải chịu đựng trong thời gian du học tại xứ người.
Khi trở về, trừ một số ít có “thắng duyên” phục vụ, đa phần Tăng, Ni sinh chưa được Giáo hội bên nhà sắp xếp đúng theo khả năng trình độ nguyện vọng. Đó là những nguyên nhân làm xói mòn ý chí phục vụ quê hương. Vì vậy, họ phải lên đường, có thể là đến nước thứ ba hoặc quay sang tiếp tục học hoặc tự tìm một việc gì đó để làm và trả “nợ áo cơm”.
Để khắc phục hiện tượng này, Giáo hội cần phải có cơ sở để làm trú xứ tập trung các Tăng, Ni sinh từ nước ngoài về; Giáo hội nên chia sẻ những khó khăn của Giáo hội để Tăng Ni ý thức được vai trò của mình hơn, đồng thời thông báo cho Tăng Ni biết được những kế hoạch, những dự kiến Giáo hội cần sự đóng góp của Tăng Ni; lắng nghe nguyện vọng của Tăng Ni để giao việc phù hợp một cách bình đẳng, không phân biệt vùng, miền, môn phái v.v…
Về phần Tăng Ni sinh nên tiếp tục thể hiện sự kham nhẫn vốn có, biết rõ khả năng của mình, chỉ nhận công việc phù hợp với năng lực của mình để có niềm vui khi làm Phật sự. Tăng Ni sinh Việt Nam tại Ấn là một lực lượng trí thức Phật giáo đông đảo, đã trải qua những thử thách thực tế với những phát nguyện đầy hùng lực. Sự tham gia trọn vẹn của Tăng Ni sinh sẽ tạo thêm động lực để Phật giáo Việt Nam thành tựu những Phật sự hy hữu. Theo tôi nghĩ, Phật sự của Giáo hội phải là biển lớn thì mới có thể dung chứa các dòng nước từ ao, rạch, suối, sông v.v… Nội lực của Giáo hội phải mạnh đủ để hóa giải các nguồn nước kia rồi trả về phục vụ cho cuộc sống.
– Trong xu thế chấn hưng và phát triển giáo dục Phật giáo tại Việt Nam, theo thầy, Tăng Ni sinh du học tại Ấn Độ cần phải làm gì để góp phần vào xu thế đó?
Giáo dục luôn là tiêu chí hàng đầu cho mọi sự phát triển. Phát triển Phật giáo cũng không ngoại lệ. Giáo dục phải phục vụ các nhu cầu thời đại và hướng dẫn phát triển thời đại. Giáo dục Phật giáo phải nói lên tiếng nói của thời đại – đó là tiếng nói toàn cầu. Để đáp ứng mục tiêu này, nội dung giáo dục Phật giáo Việt Nam không chỉ đáp ứng các nhu cầu Phật sự tại Việt Nam mà càng phải vươn xa hơn nữa để góp phần xây dựng thế giới ngày càng tốt đẹp hơn.
Trong xu thế đó, Tăng Ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ có nhiều khả năng phục vụ và cống hiến. Được đào tạo bài bản bằng tiếng nước ngoài; cụ thể là ngoại ngữ, cũng là một lợi thế của Tăng Ni sinh tại Ấn Độ trong việc giới thiệu Phật giáo Việt Nam ra cộng đồng quốc tế. Thực tế, đã có nhiều Tăng Ni được mời trình bày tham luận tại một số trường đại học và cũng có một số ít được mời thỉnh giảng tại các giảng đường đại học tại Delhi và các vùng lân cận.
Trong mùa An cư năm nay, Tăng Ni sẽ có những buổi thảo luận về các đề tài Phật pháp liên quan đến xã hội, cụ thể như: Tăng già và các chính thể (Sangha and State); Bất bạo động – giải pháp hữu hiệu cho thế giới hiện đại (Non-Violence – the best option for modern world); Phật giáo và vấn đề chống tham nhũng (Buddhism and anti-corruption); Phật giáo và vấn đề niềm tin tôn giáo (Buddhism and belief of religion); Nguyên nhân khủng bố (The root of terrorism) v.v…
Trong những kỳ bố tát sau an cư tiếp theo, dự kiến sẽ có những buổi thuyết trình nhiều đề tài khác nhau của Tăng Ni sinh về quan điểm và thái độ của Phật giáo về vấn đề toàn cầu. Như vậy, Tăng Ni sinh đã có và sẽ có những bước chuẩn bị cụ thể cho vai trò của mình trong việc góp phần xây dựng ngôi nhà Phật giáo Việt Nam.
Cũng nên đề cập đến một thực trạng hiện nay có liên quan đến nhân sự giáo dục trong tương lai; đó là hiện tượng chênh lệch trong các môn học của Tăng Ni sinh Việt Nam tại Ấn Độ. Hơn 90% Tăng Ni theo học môn Phật học, rất ít người theo học hoặc không học những môn học khác như: triết học, giáo dục, ngôn ngữ học, xã hội học, sử học, quản trị học. Tình trạng thiếu cân bằng trong các môn học như vậy nên mừng hay lo? Giáo hội đã có kế hoạch gì để chuẩn bị và sử dụng nguồn nhân lực này? Thiết tưởng trong xu hướng chấn hưng và phát triển giáo dục, nhân lực là quan trọng nhất. Giáo hội nên có vai trò cố vấn, điều phối trong lĩnh vực này.
– Là một người đại diện cho Tăng Ni du học tại Ấn Độ về nhiều mặt, thầy đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
Trong 10 năm làm đại diện cho Tăng Ni Việt Nam, về nội bộ, chúng tôi luôn tâm niệm và ứng dụng lời dạy của Hòa thượng Thích Minh Châu, Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh: Nếu không đoàn kết được thì tránh chia rẽ. Vì vậy, trong khi phải quyết định một vấn đề gì hoặc chủ trương một Phật sự nào, chúng tôi cũng luôn lấy tâm nguyện đại chúng và vì sự lợi ích của đại chúng. Càng tham gia lãnh đạo càng lâu, tôi càng thấm thía một điều: chỉ có quy y Phật, quy y Pháp và quy y Tăng là an ổn và hạnh phúc nhất. Đó là thuận lợi nhất của tôi trong thời gian qua.
Về sinh hoạt như một công dân thì chúng tôi không gặp khó khăn nào từ Đại sứ quán VN. Các cán bộ Sứ quán cũng thường xuyên tham gia tụng kinh, lễ Phật; các đoàn trong nước sang thăm Ấn Độ hầu hết đều đi chiêm bái và đảnh lễ Thánh địa. Vô hình trung, niềm tin Phật pháp trở thành chất liệu thuận lợi cho sinh hoạt và học tập của Tăng Ni với cộng đồng người Việt tại Ấn.
Khó khăn nhất mà tôi gặp phải là không nhận được một sự hỗ trợ và chỉ đạo cụ thể nào từ Giáo hội bên nhà. Tôi còn nhớ vào năm 1997, khi được bầu làm Chủ tịch Hội Lưu học sinh Việt Nam tại Ấn Độ; trong kỳ tổ chức Phật đản và Vu lan đầu tiên, (và 3 năm liên tục sau đó) tôi gởi fax về để xin Thông điệp Phật đản, Vu lan, Thư chúc Tết từ Giáo hội để đọc trong các buổi lễ, kết quả nhận được là những “nốt lặng”. Từ đó, những Phật sự liên quan, sau khi bàn cùng Ban Đại diện, chúng tôi tự quyết định để thi hành. Khó khăn khách quan nữa là Tăng Ni Việt Nam sống như một công dân Việt Nam tại Ấn Độ. Những sinh hoạt đặc thù tôn giáo chỉ là sáng kiến và nỗ lực của Ban Đại diện. Tăng Ni tham gia là hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc.
Sắp tới sẽ có những kế hoạch bàn thảo cụ thể giữa Ban Đại diện, Đại sứ quán, Giáo hội để có một sự phối hợp chặt chẽ hỗ trợ cho sinh hoạt Tăng Ni tại Ấn Độ. Giáo hội nên tham khảo và tôn trọng sự nhận xét của Ban Đại diện Tăng Ni, cộng với sự xác nhận về nhân thân đối với pháp luật nước sở tại của Đại sứ quán trong việc bố trí nhân sự tham gia trực tiếp Giáo hội sau này, để tránh một vài trường hợp mạo nhận và ngộ nhận trong học tập và sinh hoạt của Tăng Ni sinh khi về nước. Giáo hội nên xem bản nhận xét này như là một trong những cơ sở để bố trí công việc. Điều này giúp tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.
– Thầy vui lòng cho biết, nguyện vọng của riêng cá nhân cũng như của tất cả du học Tăng Ni sau khi tốt nghiệp tại Ấn Độ?
Năm 1994, trước khi sang Ấn du học, tôi có về lễ Tổ và đảnh lễ Hòa thượng bổn sư Thích Trí Nhãn, trụ trì Tổ đình Chúc Thánh, Hội An với một lời phát nguyện là sau khi sở học viên thành sẽ về phục vụ quê hương. Ý nguyện này tôi sẽ không bao giờ thay đổi. Cá nhân tôi không đòi hỏi gì ở Giáo hội cả vì mình đã làm được gì cho Giáo hội đâu. Tôi nghĩ Tăng Ni sinh khác cũng vậy. Riêng về Đại hội Phật giáo toàn quốc sắp đến, nhân đây, tôi xin có một vài ý kiến:
Về lãnh đạo: Nên đa dạng hóa, không nên trẻ hóa lãnh đạo. Giáo hội, dầu có vai trò của một tổ chức xã hội thì hoạt động và nhu cầu của Giáo hội thiên về chức năng tôn giáo và mang tính tâm linh. Ở đó, năng lực tu tập, đạo đức cá nhân, sự thấu hiểu và kinh nghiệm lãnh đạo là quan trọng. Tu sĩ trẻ nếu có khả năng và nhiệt tâm với Giáo hội thì nên bắt đầu từ vai trò phụ tá là hợp lý, để nương nhờ oai đức của chư tôn trưởng thượng và dần quen với công việc.
Phật giáo từ bản chất giáo lý và sinh hoạt khác hẳn các tôn giáo khác, nên việc so sánh và tìm kiếm sự thay đổi từ các tổ chức tôn giáo khác là điều không nên làm, chẳng hạn như đòi hỏi phải có giáo quyền. Giáo hội nên chú trọng phần gốc nhiều hơn; chú trọng hơn nữa về phẩm chất, năng lực và vai trò của vị trụ trì; tạo điều kiện và hỗ trợ sự liên kết giữa các chùa trong cùng đơn vị hành chánh.
Về nhân sự: Nên quy định tiêu chuẩn để bổ nhiệm các vị trí Giáo hội từ Trung ương đến địa phương. Có minh bạch như vậy thì sự đồng thuận mới cao và việc làm có kết quả. 7 năm về trước, chúng tôi có đề nghị là các ban ngành viện của Giáo hội nên tham gia đỡ đầu cho các đề tài luận văn tiến sĩ của các Tăng Ni sinh tại Ấn Độ. Được vậy, về mặt chiều ngang thì sẽ có một sợi dây nối kết giữa Giáo hội và Tăng, Ni; về chiều sâu thì các Tăng, Ni sau khi tốt nghiệp sẽ là cán bộ chuyên môn của các ban ngành tham gia đỡ đầu. Như vậy, các hoạt động của các ban ngành sẽ ngày càng chuyên sâu hơn và chính quy hơn. Đề nghị này vẫn còn mang tính thiết thực cho đến ngày nay.
Về cơ chế: Giáo hội nên thành lập thêm Ban Nghiên cứu chiến lược phát triển Phật giáo để có những kế hoạch cụ thể, thực thi, khoa học và mang tính liên tục.
Tăng, Ni sinh Việt Nam luôn hướng về quê hương, Giáo hội, thầy tổ – nơi đã tích tụ nhân duyên nhiều đời – những niềm vui, hỷ lạc trong chốn thiền môn – với những hoài bão và những thành tựu trong nghiên cứu và tu tập ở xứ người.
Xin trân trọng cám ơn thầy. Kính chúc thầy và du học Tăng Ni Ấn Độ nói chung gặp nhiều thắng duyên trên con đường tu học và có một mùa An cư như sở nguyện.