Trang chủ Tết Việt Phong tục Phong tục Tết cổ truyền Việt Nam

Phong tục Tết cổ truyền Việt Nam

88

Xin chuyển tới bạn đọc một số thông tin về các lễ, Tết vào dịp đầu năm và trong mùa Xuân:

Tết xưa thường diễn ra trong 3 ngày. Tục ngữ, ca dao đã có những câu:

– No ba ngày Tết, ấm ba tháng hè.

– Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.

Trong 3 ngày Tết Nguyên đán, các gia đình thường tiến hành các cuộc cúng lễ chính:

– Cúng các vị thần cai quản của gia đình như: Thổ Công (thần giữ đất nơi mình ở), Táo quân (coi sóc việc bếp núc của gia đình) và Nghệ Sư (ông Tổ truyền dạy nghề mà gia đình đang làm để sinh nhai).

– Cúng Gia Tiên gồm Tổ tiên, các cụ và những người thân trong gia đình đã khuất.

Tết Nguyên đán là dịp sum họp người thân trong gia đình. Bởi vậy, dù đi làm ăn xa tận đâu, người ta cũng cố thu xếp công việc và thời gian về quê ăn Tết, thắp nén nhanh thơm vái lạy Tổ tiên và chúc tết, mừng tuổi cho từng người trong gia đình.

Tết là dịp người ta gặp gỡ, giao lưu, chúc tụng nhau những điều tốt lành may mắn trong năm mới; mời nhau thưởng thức những món ăn hương vị quê hương, trong đó không thể thiếu món bánh chưng xanh, bánh tét (phong tục Bắc – Nam), thịt mỡ nấu đông, dưa hành, giò hoa, chả lụa… chậu quất hoặc gốc mại… và mâm ngũ quả bày trên bàn thờ Tổ tiên cùng với chai rượu, quả cau, lá trầu…

Các trò chơi ngày Tết tùy từng địa phương tổ chức theo tập quán, nhưng phổ biến nhất là: Đánh đu, đánh cờ người, đấu vật, chọi gà, thi bơi chải… Đêm thì xem diễn chèo tại sân đình làng hoặc nghe ca trù (còn gọi là hát ả đào).

Tết Khai Hạ: Đến ngày mồng Bảy tháng giêng, người ta hạ cây nêu, kết thúc Tết Nguyên đán, mở đầu công việc làm ăn của năm mới với niềm vui mới, hy vọng mới. Ngày này được gọi là Tết Khai Hạ.

Tết Thượng Nguyên (còn gọi là Tết Nguyên Tiêu) vào đúng ngày rằm tháng Giêng được coi là ngày vía của Phật tổ nên Tết này chủ yếu tổ chức tại các chùa. Sau khi đi lễ chùa, mọi người về nhà cúng gia Tiên và ăn cỗ.

Trong dăm năm gần đây, Tết Nguyên Tiêu được lấy làm Ngày Hội Thơ hàng năm của các nhà thơ và những người yêu thơ trong cả nước, trở thành một nét Văn hóa mới trong giới văn học Việt Nam.