Trang chủ Tin tức Phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đúng...

Phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản đúng cách

89

Hội nghị Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025 đã diễn ra chiều 29/3.


Chiều 29/3, Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức hội nghị Triển khai thực hiện Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản giai đoạn 2021-2025.

Bản ghi nhớ hợp tác nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm và huy động nguồn lực của tăng ni, phật tử và người dân trong hoạt động phóng sinh tái tạo, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, góp phần bảo vệ môi trường sống của loài thủy sản và bảo vệ đa dạng sinh học.

Đồng thời, ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ra môi trường. Từ đó, hướng dẫn tăng ni, phật tử, người dân phóng sinh những loài thủy sản bản địa nguy cấp, quý, hiếm, hữu ích cho môi trường sinh thái và đời sống xã hội.

Ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đánh giá, hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản từ lâu đã được nhiều người dân, các địa phương quan tâm. Các hoạt động phóng sinh đã góp phần quan trọng trong việc khôi phục nguồn lợi thủy sản, gia tăng quần thể các loài thủy sản đã bị cạn kiệt, phục hồi các loài quý hiếm, loài có nguy cơ bị tiệt chủng.

Những năm gần đây, hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản qua hình thức phóng sinh của các tổ chức, cá nhân diễn ra thường xuyên, số lượng và quy mô phóng sinh lớn. Hoạt động đã góp phần vào bổ sung nguồn lợi thủy sản, khôi phục một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, khoa học…

Tuy nhiên, hoạt động này cũng diễn ra với một số đối tượng thủy sản không được chọn lọc, các giống chưa được khảo nghiệm, đặc biệt là các sinh vật ngoại lai gây hại cho các loài bản địa.

Để hoạt động phóng sinh tiếp tục có ý nghĩa và đem lại hiệu quả tái tạo nguồn lợi thủy sản và bảo vệ môi trường, ông Trần Đình Luân cho biết, Tổng cục Thủy sản và Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ đẩy mạnh truyền thông, hướng dẫn tăng ni, phật tử, người dân phóng sinh những loài thủy sản bản địa nguy cấp, quý, hiếm, hữu ích cho môi trường sinh thái. Đồng thời, ngăn chặn, giảm thiểu sự phát tán những loài thủy sản ngoại lai xâm hại, có nguy cơ xâm hại ra môi trường.

Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, việc ký kết phối hợp là hoạt động sáng tạo, vừa gìn giữ nét văn hóa truyền thống trong cộng đồng là phóng sinh, cùng với hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản, thiết thực cho cuộc sống.

Trong quá trình phối hợp, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm về chuyên môn để thúc đẩy hoạt động này trong cả nước. Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ tuyên truyền, hướng dẫn về các hoạt động phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản không chỉ trong các phật tử mà cả cộng đồng xã hội. Việc thúc đẩy sự phối hợp giữa hai bên sẽ có sự lan tỏa tốt hơn, hiệu quả hơn trong hoạt động phóng sinh và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Để tránh việc phóng sinh đưa vào môi trường thủy sản những loài không mong muốn, các loài gây tác hại cho nguồn lợi thủy sản, môi trường thì ngoài việc tuyên truyền bằng các tờ rơi thì cần ứng dụng các công nghệ trong truyền thông để hoạt động lan tỏa rộng rãi, Thượng tọa Thích Đức Thiện chỉ ra.

Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, nếu không truyền thông, quản lý tốt thì người dân không biết sẽ thả những sinh vật ngoại lai gây hại cho môi trường. Với sự tham gia của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam thì hiệu quả tuyên truyền sẽ đi vào chiều sâu.
Cùng với sự đánh giá về nguồn lợi thủy sản, ngành thủy sản cũng cần kịp thời có các định hướng trong việc thả tái tạo các loài cần bổ sung; hay việc chỉ ra các nguồn giống, cơ sở sản xuất giống đảm bảo chất lượng… giúp cho việc phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản đạt hiệu quả cao.

Trong giai đoạn 2017-2022, hai bên đã phối hợp tổ chức gần 200 buổi lễ thả giống phóng sinh, tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tổng số lượng giống thủy sản đã được thả khoảng 192 tấn và 127 triệu con giống thủy sản các loại; trong đó, có nhiều thủy sản nguy cấp, quý, hiếm như cá bỗng, lăng, chiên, hô… và nhiều loài có giá trị kinh tế cao như: trắm, chép, cua xanh, vược…/.