Trang chủ Đời sống Tâm sự Phóng sinh

Phóng sinh

108

Nhớ ngày đó tôi chừng 14-15 tuổi, trong lúc cả nhà đang ăn cơm trưa thì nghe tiếng kêu thất thanh của thằng Tý: Ba ơi ! Ba ơi !


Má tôi buông đũa ngó ra ngoài buột miệng: Cái thằng! Giờ này phải coi bẫy chim sao về ới Ba là sao nè? Đúng lúc đó thằng Tý lao vô nhà, trông mặt hớt hải như có điều gì hệ trọng lắm.


Ba tôi ngước lên hỏi: Sao? Thằng Tý xoè bàn tay, chết rồi Ba ơi, Má tôi không hiểu gì hỏi: Ai chết? Thằng Tý oà khóc: Nó chết rồi. Má tôi gặng hỏi: Gì chết? Nó liền giơ con chim trước mặt Má tôi. Nó đây nè, nó chết rồi đây nè. Ba tôi như có điều gì đó, mí mắt ông cụp xuống, trông mặt ông buồn so.


Má và tôi chưa hiểu gì, thằng Tý vừa nức nở vừa nói. Nó đây này, nó bị bẫy mấy hôm trước. Ba bảo con: Rồi nó sẽ lại được thả ra ngay thôi mà!


Nghe nói thế con đã muốn thử xem con chim vướng lưới được thả ra nó đi đâu và có khi nào nó mắc bẫy lại nữa hông? Nên con đã buộc sợi chỉ vô chưn nó; thế mà hôm nay ra đồng coi bẫy con thấy nó nằm chết còng queo ở bờ ruộng đây nè. Chắc nó chết đói, vì sờ nó không có hạt thóc nào trong diều.


Tôi lật cái chân con chim bé tí vàng như cọng tăm tre, đúng còn sợi chỉ màu nâu mà thằng Tý nói. Con chim ri, giống chim bay từng đàn về mùa lúa chín, lông nó màu nâu, nó bé chưa bằng quả cóc lép, hai chân co quắp, đầu ghẹo về một bên, nằm lọt thỏm trong tay thằng Tý.


Thấy Ba tôi lặng im, Má con tôi không dám nói gì thêm, còn thằng Tý ủ con chim trong hai lòng bàn tay tức tưởi khóc như mất đi một cái gì hệ trong lắm.


Nhà tôi có nghề bẫy chim: Chim ri, chim chích, chim cá rá, giống chim nhỏ thường bay từng đàn nhiều nhất vào mùa lúa chín. Tôi nghe Má tôi kể lại  nhà có nghề bẫy chim từ lúc Nội tôi còn trẻ. Nay Nội tôi đã mất lại tới lượt Ba tôi dạy cho thằng Tý.


Bẫy chim may rủi lắm, bởi khi trúng, có mẻ lưới được cả mấy trăm con, có ngày Ba tôi về với mấy lồng chim chật ních, nếu gặp hôm Rằm, Ba mươi hoặc Chùa có lễ thi xem như trúng mánh; cũng có hôm vác lưới, vác lồng về không.


Nhưng dù sao so với các thợ bẫy chim trong vùng, Ba tôi có tiếng là người giỏi, bởi là nghề gia truyền nên Ba tôi nhiều kinh nghiệm lắm. Nhưng không hiểu sao hôm nào bẫy được nhiều chim thì Ba tôi không vui, tối ấy Ba tôi lại thường thắp nhang mà lầm rầm gì đó rất nhỏ tôi không nghe được gì.


Sau ngày thằng Tý mang con chim chết về nhà khóc, Ba tôi đem lưới bẫy chim và lồng ra đốt hết. Sau đó Ba tôi ngày nào cũng vậy, cứ sáng dậy là đi khỏi nhà tối mới về, Má tôi là người vốn an phận và biết tính Ba tôi nên không hỏi gì.


Phải tới nửa tháng sau Ba tôi mang về nhà hai thùng gỗ trong đựng lỉnh kỉnh nào búa, kìm, cưa đục…nhiều thứ lắm tôi không biết hết nhưng thấy như đồ của thợ sửa xe, đồ thợ mộc, sau này hiểu ra đúng là đồ sửa xe và đồ thợ mộc thật.


Chẳng biết học từ đâu nhưng từ sau hổm có đồ nghề Ba tôi mang các vật đụng trong nhà ra cưa đục đóng lại trông cũng đẹp và tiện lợi lắm. Nhiều nhà lân cận có việc cũng gọi Ba tôi tới, lúc sửa cái bàn, cái ghế hỏng, lúc đóng cái chạn bát, lúc sửa cái xe…


Ba tôi là người khéo tay nên làm xong ai cũng khen. Rồi thấy ngày nào Ba tôi cũng có việc làm, đỡ phải ra đồng bẫy chim dưới trời nắng, mưa như trước.


Nhờ Ba tôi có việc làm mà chị em tôi được đến trường đi học, con trai không phải theo Ba nghề bẫy chim như trước đây, con gái không phải theo Má đi đưa chim cho người bán lẻ ở cổng Chùa. Nhà tôi dần đỡ khó khăn hơn so với nhiều nhà còn giữ nghề bẫy chim như Ba tôi ngày nào.


Khi chị em tôi đã lớn mới được Ba tôi cho hay, vì sao Ba quyết bỏ nghề bẫy chim sau cái hôm thằng Tý về nhà khóc vì con chim ri chết. Ba nói: Con chim, con cá cũng tự do như con người, nhiều người vì lòng tốt thấy con chim mắc bẫy, con cá mắc câu động lòng trắc ẩn mà gỡ ra khỏi lồng khỏi câu thả chim về với trời xanh, thả cá về với sông nước, mong tạo phước cho con vật mà tích đức cho con cháu.


Nhiều người thấy con vật bị nhốt trong lồng, con cá nằm trong lưới, xót thương mà bỏ tiền ra chuộc cũng là để làm phước, thấy có người làm phước qua việc phóng sinh, nhiều kẻ vì mưu sinh, vì cuộc sống mà đi bẫy chim, bắt cá về bán cho người làm phước để kiếm chút tiền mà sống. Kẻ bắt, người mua để thả lâu dần thành quen và bởi thế ở cổng Chùa thường có bán chim, bán cá cho người mua thả làm phước.


Thế nhưng có mấy người hay, com chim con cá vướng lưới vào lồng vào chậu trước khi được thả ra, nhiều con rụng lông gãy cánh, tróc vảy đứt vây là nhẹ, có con chết ngay khi chưa kịp gỡ ra khỏi lưới. Rồi cảnh cá chậu chim lồng chật chội, đói vì thiếu ăn, đau vì cắn xé lẫn nhau nào ai hiểu.


Tới khi được phóng sinh chim lông đã xơ xác, cá vảy đã rụng rời, thả ra đâu còn được nhanh nhẹn như trước. Khoẻ thì còn chao qua lượn lại tìm được chỗ dung thân, không may lại sa vào tay người khác, yếu thì không khéo chim chưa kịp bay tới trời cao, cá chẳng kịp bơi tới sông  dài, hồ sâu thì đã trở thành miếng mồi ngon cho kẻ săn mồi lớn hơn.


Thật là người bẫy chim, bắt cá để bán cho người phóng sinh, người bẫy đã sai và tổn phước mà người mua để phóng sinh nghĩ kỹ ra lại còn tổn phước hơn bởi có người mua mới có người bán, vì người mua mà người bán phải tìm, phải bắt cho bằng có. Nếu như vậy thì làm phước mà thật ra không phải làm phước mà là việc hối thúc người ta tới chỗ sát sinh.


Giờ thì tôi hiểu vì sao mỗi lần bẫy được nhiều chim Ba tôi thường buồn và thường thắp nhang, và vì sao khi thằng Tý khóc vì con chim chết Ba tôi quyết tâm đốt lưới, đốt lồng bẫy chim.


Việc thằng Tý khóc, khi thấy con chim Ba tôi và nó bẫy được hôm trước bị chết là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước quyết tâm của Ba tôi. Hẳn Ba tôi thấu hiểu nhân quả cuộc đời. Nếu theo mãi nghiệp bẫy chim phóng sinh chắc nhà tôi đời nào cũng vẫn thế mà thôi, nên Ba tôi đã quyết tâm dứt bỏ nghề “cha truyền”. Hẳn khi đó Ba tôi phải quyết tâm lắm mới dứt bỏ được nghề vốn nuôi sống cả nhà cho dù sống lay lắt, trong nghèo khó.


Giờ viết lại chuyện này tôi chỉ mong sao trong con người, tâm phóng sinh  không bao giờ mất đi nhưng đừng ai nghĩ tới việc đi bẫy, bắt chim, cá về trước cửa Chùa để bán cho người phóng sinh và càng đừng có ai tới cổng Chùa mua chim, cá để phóng sinh.


Bởi nếu thành tâm hãy dùng tiền đó giúp cho người nghèo có cái ăn, chỗ ở, có việc làm, chính là đã tạo phước cho đời, để có được sự bình yên cho con  người, con vật. Còn nếu cứ phải tạo phước bằng sự phóng sinh con vật không phải do ngẫu nhiên gặp chuộc lại đem thả, mà lại tới cổng Chùa mua để khuyến khích người đi bắt thì thật là tội chứ chằng phải phước đức gì!