Trang chủ Diễn đàn Nhịp cầu độc giả “Phòng chống dịch là nhiệm vụ trên hết, trước hết!”

“Phòng chống dịch là nhiệm vụ trên hết, trước hết!”

83
Ảnh: TTO

Sau khi Công an Thành phố Hồ Chí Minh thông tin đã khởi tố vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 đối với nhóm Hội Thánh Tin Lành truyền giáo Phục Hưng, bên cạnh đại đa số ý kiến đồng tình từ người dân, trên không gian mạng xuất hiện một số bài viết của số đối tượng chống đối chính trị, mượn danh “dân chủ nhân quyền”. Họ cho rằng chính quyền “vu oan cho tôn giáo để trốn tránh trách nhiệm”.

Những người này và những luận điệu này không lạ! Đối với họ, có lẽ “nhân quyền”, “tự do tôn giáo” của một bộ phận rất nhỏ tín đồ luôn cao hơn quyền được sống bình yên của đại đa số người dân. Họ không quan tâm tìm hiểu, hoặc cố tình không nhắc đến việc quyết định truy tố này là theo quy định pháp luật, trên cơ sở kết quả điều tra dịch tễ của cơ quan phòng chống dịch.

Đa số các ca nhiễm, nghi nhiễm đều có liên hệ với “hội thánh”

Chúng ta đều biết rằng hơn 1 năm nay cả nước đã đương đầu với đại dịch COVID-19, biện pháp hiệu quả nhất của chúng ta đã áp dụng và được thế giới công nhận chính là “cách ly – khoanh vùng – truy vết – điều trị”. Trong đó xác định, cách ly, truy vết hết các người tiếp xúc gần với ca nhiễm (F1) và tiếp xúc vòng thứ 2 (F2), vòng 3 (F3) là yếu tố quyết định ngăn dịch lây lan.

Kết quả điều tra dịch tễ đã xác định:

Từ ngày 27/5, 3 trường hợp bệnh nhân dương tính được phát hiện tại BV Nhân dân Gia định, thành phố đã phát hiện mối liên quan khi cả 3 là hội viên của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng có địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp. 

Từ thời điểm đó, qua quá trình điều tra, truy vết, thành phố liên tiếp phát hiện các ca bệnh liên quan đến Hội thánh này. Tính đến tối ngày 31/5/2021, đánh giá ban đầu đã có 191 trường hợp nhiễm có mối liên hệ với Hội thánh trong đó 40 người là hội viên (tổng số hội viên khai báo hiện nay là 55 người), 104 trường hợp dương tính là người tiếp xúc gần (F1) và đã có 47 trường hợp dương tính là người tiếp xúc vòng 2 (F2). 

Người đầu tiên có triệu chứng là ngày 13/5 và có khả năng là nguồn lây của nhóm tham gia Hội thánh. Người này là vợ của mục sư quản nhiệm hội thánh, đã từng đi Hà Nội và trở về TP.HCM vào ngày 29/4. 

Việc cơ quan phòng chống dịch phải điều tra và công bố như trên là để người dân biết, và để khoanh vùng, truy vết như các ổ dịch trước đây, không phải riêng trường hợp “hội thánh” này. Cũng qua điều tra dịch dễ đã xác định cụm lây nhiễm bắt nguồn từ “hội thánh” lan truyền ra.

Về hậu quả, đến nay đã có 5 bệnh viện tại TPHCM bị ảnh hưởng vì chuỗi ca bệnh của “hội thánh” (Gia định, Hoàn Mỹ, Tân Phú, Quân dân Miền Đông, Bình Thạnh); 7 tỉnh xuất hiện ca nghi nhiễm cũng từ chuỗi này (Long An, Bạc Liêu, Lâm Đồng, Tây Ninh, Hậu Giang, Bình Dương, Đăk Lăk). Hàng triệu dân Gò Vấp và Phường Thạnh Lộc Quận 12 phải cách ly xã hội; toàn thành phố giãn cách xã hội 15 ngày; 04 công ty trong KCN Tân Bình, KCN Phong Phú, KCN Vĩnh Lộc và Công viên phần mềm Quang Trung, 01 khách sạn 5 sao trung tâm Quận 1 bị ảnh hưởng.

Vi phạm quy định chống dịch

Từ ngày 07/5/2021, Bộ Nội vụ đã có chỉ đạo các tổ chức tôn giáo siết chặt các biện pháp phòng dịch, trong đó nêu rõ:

“Trong thời gian tới, một số tổ chức tôn giáo sẽ diễn ra nhiều hoạt động quan trọng như: Lễ Phật đản và An cư kiết hạ trong Phật giáo; Giáo hội Công giáo tổ chức lễ kính dâng hoa Đức Mẹ trong tháng 5; một số Hội thánh Tin lành và Hội thánh Cao Đài sẽ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ theo Hiến chương, Điều lệ; Cộng đồng Hồi giáo tổ chức lễ xả chay… Các hoạt động này thường tập trung đông chức sắc, chức việc, nhà tu hành và tín đồ tham dự, tiềm ẩn nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh ra cộng đồng.

Để công tác phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, đề nghị lãnh đạo các tổ chức tôn giáo quan tâm thực hiện: 

– Đối với các địa phương đã có các ca bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng hoặc có nguy cơ lây nhiễm cao, yêu cầu các cơ sở tôn giáo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định và hướng dẫn của chính quyền địa phương, tạm dừng mọi hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người cho đến khi chính quyền có thông báo mới.

– Đối với các địa phương chưa có ca bệnh Covid-19, các cơ sở tôn giáo không tổ chức các hoạt động, sinh hoạt tôn giáo tập trung đông người; trong trường hợp thật sự cần thiết, lễ buộc tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chức năng, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế; đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn, hạn chế tối đa số lượng người tham dự; nghiêm túc khai báo y tế online, tiêm vaccine phòng dịch.” (Nguồn https://nhandan.vn/tin-tuc-xa-hoi/de-nghi-cac-to-chuc-ton-giao-tiep-tuc-cac-bien-phap-phong-chong-dich-covid-19-645081/)

Với 40 ca dương tính/55 thành viên hội thánh ra khai báo, chúng ta có quyền đặt dấu hỏi về sự chấp hành quy định chống dịch của họ!

Không chỉ không chấp hành quy định, trong quá trình truy vết, thành viên chủ chốt và gia đình mục sư của hội thánh đã có biểu hiện không hợp tác với cơ quan phòng chống dịch, khiến HCDC phải nhờ công an can thiệp:

Ban đầu mục sư quản nhiệm hội thánh khẳng định danh sách thành viên sinh hoạt dưới 20 người. Bây giờ sau 5 ngày đã là 55 người là thành viên ra khai báo. Trong đó 40 đã dương tính. 

Báo cáo tại cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TPHCM chiều tối 28/5, lãnh đạo ngành Y tế cho biết, quá trình khai thác dịch tễ, truy vết liên quan đến ổ dịch Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng vô cùng khó khăn, gia đình mục sư Hội thánh này không hợp tác. Vợ của ông Mục sư Hội Thánh truyền giáo Phục Hưng và cũng là mục sư của hội thánh là bà Võ Xuân Loan đã từng đi Hà Nội từ ngày 23 – 29/4. Tuy nhiên, khi khai thác dịch tễ, lịch trình di chuyển và tiếp xúc, bệnh nhân này không chủ động khai báo mà còn cố tình giấu diếm. Sở Y tế đã phối hợp cùng lực lượng công an và ngành hàng không mới xác định được hành trình di chuyển của bệnh nhân này. Đến ngày 13/5, bà Loan có triệu chứng hô hấp, cũng là người đầu tiên khởi phát bệnh trong Hội thánh. (Nguồn: VOV)

Phải điều tra để xác định và xử lý hành vi vi phạm pháp luật

Theo quy định, hành vi trốn tránh cách ly, trốn tránh khai báo y tế hoặc khai báo gian dối là vi phạm pháp luật hình sự.

Thế giới đã chứng kiến những trường hợp quốc gia lâm vào thảm kịch dịch bệnh do người dân thiếu ý thức phòng dịch, mê tín dị đoan, trốn tránh khai báo y tế như “giáo phái Tân Thiên Địa” ở Hàn Quốc năm 2020 và trường hợp Ấn Độ đầu năm nay.

Tại Việt Nam, phòng chống dịch là nhiệm vụ trên hết, trước hết. Mọi người dân dù theo tôn giáo nào trước hết phải thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân. Việc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Gò Vấp ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người” theo Điều 240 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 để tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật là cần thiết để xác định đúng người đúng tội, xử lý đúng pháp luật các hành vi vi phạm, để răn đe giáo dục.

Các luận điệu xuyên tạc núp dưới danh nghĩa “bảo vệ tự do tôn giáo” chỉ càng thể hiện bản chất cơ hội, phản bội dân tộc, xâm phạm quyền được sống bình yên của người dân mà thôi.


Tháp Mười