1. Kinh nghiệm: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”
Nói một cách ngắn gọn, chùa phải thuộc sở hữu của cả làng (tập thể), do cộng đồng Phật tử xây dựng, bảo vệ và phát triển. Mọi hoạt động tu học của từng chùa phải vì lợi ích chung của cả cộng đồng, phục vụ đời sống tâm linh cho số đông.
Điều này không có gì là mới vì Đức Thế Tôn từng tuyên bố : “Như Lai ra đời vì hạnh phúc cho quần chúng, vì an lạc cho quần chúng, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc, cho chư Thiên và loài Người.”
Tại ngôi chùa mà người viết đang sinh hoạt, một xã vùng sâu của tỉnh Bình Định, mọi việc phật sự đều do số đông Phật tử đóng góp và thực hiện nên tính chất đoàn kết, gắn bó rất cao.
Chẳng hạn như Ban Hộ Tự cho phép, khuyến khích, động viên Phật tử tổ chức cúng thất, cầu siêu, cầu an, cúng thí thực cô hồn,….tại chùa. Một khi các lễ tiết được thực hiện tại chùa trước hết do tập thể cùng góp năng lượng thanh tịnh, trang nghiêm nên việc cúng kiếng, cầu nguyện hiệu quả sẽ cao hơn.
Mặc khác tại chùa với không gian rộng, đủ chỗ cho nhiều người cùng tham dự, mọi cơ sở vật chất sẵn có cho việc tổ chức tiệc chay sau lễ.
Thêm một đều lợi ích nữa khi cúng tại chùa gần như tất cả thành viên trong gia đình trai chủ, bà con quyến thuộc đều tham dự. Đây là cơ hội rất lớn cho những ai chưa bao giờ đến chùa lạy phật, chưa tiếp xúc với Phật pháp sẽ được có cơ hội được tiếp cận và tìm hiểu.
Sự đón tiếp nồng nhiệt và sự chuẩn bị chu đáo cũng để lại ấn tượng rất sâu đậm trong lòng người tham dự. Từ đó chùa chúng tôi ít nhiều vừa tạo cảm tình gần gũi, vừa thân thiết đối với hàng tại gia cư sĩ, mọi người ai ai cũng xác định phải có trách nhiệm và bổn phẩn chăm lo xây dựng, bảo vệ chùa, ngôi nhà tinh thần của bổn đạo địa phương.
Khi mọi lễ tiết cúng kiếng thực hiện tại chùa thì Ban Nghi Lễ có thể kết hợp đôi ba gia chủ để cùng thực hiện, vừa đỡ tốn thời gian, vừa tiết kiệm cho trai chủ, mà không khí ấm cúng vẫn vẹn nguyên.
Mấy năm gần đây tại quê tôi, khi gia đình nào có con thi đậu đại học hay có việc cần tạ ơn Tam Bảo,… thường đến chùa làm lễ tạ ơn, tổ chức tiệc chay mời cả bổn đạo, kể cả lễ Hằng Thuận cũng được khuyến khích ,…làm cho Phật tử đến với chùa thường xuyên hơn, gần gũi hơn.
Chúng tôi rất tự hào vì đã tạo nên nét đẹp văn hóa tâm linh này.
2. Kinh nghiệm: Xây dựng tình pháp lữ keo sơn
Khuyến khích người theo Phật đã khó, giữ họ tin sâu Tam Bảo, trung kiên với đạo càng khó bội phần. Với truyền thống “Thà chết giữ đạo” mà Phật tử quê tôi tạo dựng dưới thời ông Ngô Đình Diệm, ngày nay Ban Hộ Tự và Ban Huynh Trưởng GĐPT vạch kế hoạch xây dựng tình pháp lữ keo sơn.
Hiểu một cách nôm na rằng khi trong bổn đạo có người bệnh đau, Phật tử qua đời, Ban Hộ Tự, Ban Hộ Niệm, Ban Huynh Trưởng có trách nhiệm thăm nom, phúng điếu, hộ niệm và tổ chức tang lễ theo nghi thức Phật Giáo, xoa dịu bớt nổi khổ, niềm đau cho đồng đạo.
Vào dịp Tết Nguyên Đán, Ban Hộ Tự chia thành nhiều đoàn đi thăm từng gia đình Phật tử khắp bổn đạo. Chính việc này đã tạo nên tình huynh đệ cộng tu rất gắn bó với cộng đồng phật tử.
Phật tử thấy gia đình mình được quan tâm, động viên, khích lệ trong tu học, nên năng lui tới chùa.
Chúng tôi vui nhất là đã xây dựng thành công một chúng Phật tử ngoài địa phương nơi chưa có chùa, thâm chí chưa biết đạo là gì. Chúng tôi đã và đang tổ chức sinh hoạt theo đội, chúng.
Trong mỗi chúng các thành viên thường xuyên thăm hỏi lẫn nhau, thông báo cho nhau kế hoạch tu học của chùa.
Cho nên dù xa cách nhưng nhiều phật tử không ngại vượt hàng chục km đường đèo để về chùa sinh hoạt tu tập. Cụ thể nhiều phật tử nhà ở cách xa chùa. Mỗi khi đến mùa Phật Đản, Vu Lan, hàng chục Phật tử tập trung về chùa trước lễ hai ba ngày, trước nhất là cùng chăm lo thiết trí lễ; sau là để tham dự đại lễ.
Ban Hộ Tự rất hoan hỷ và khâm phục tấm lòng mộ đạo của họ nên xác định phải có trách nhiệm chăm lo việc ăn ở cho phật tử trong những ngày đại lễ trên.
Riêng đối với GĐPT, Ban Huynh Trưởng thường xuyên quan tâm hỏi thăm tình hình hoặc tập, công việc của đoàn sinh. Kết nối, liên lạc những đoàn sinh cũ.
Chúng tôi xác nhận bất cứ ai, dù lạ hay quen, nam hay nữa, già hay trẻ khi đặc chân đến chùa lễ Phật đều là khách quý của bổn tự, chúng tôi phải có trách nhiệm đón tiếp nồng hậu và tạo ngay sự thân thiện, ấm áp ngay từ lời bắt chuyện đầu tiên.
3. Kinh nghiệm: Phật Giáo hóa gia đình, bạn bè, hàng xóm,…
Phật Giáo hóa gia đình, bạn bè, hang xóm là kế hoạch then chốt và lâu dài của bổn tự chúng tôi. Có nhiều cách thức, biện pháp để thực hiện Phật Giáo hóa như: Kêu gọi gia đình các Phật tử thuần thành động viên vợ hoặc chồng, con cái, dâu rể, cháu chắc,…đi chùa và quy y Tam Bảo.
Tùy theo độ tuổi mà chúng tôi sắp xếp sinh hoạt trong những đoàn thể khác nhau cho phù hợp. Ví dụ các cụ cao tuổi sẽ sinh hoạt trong đạo tràng niệm Phật, Phật tử trung niên sẽ tham gia Ban Hộ Niệm, thanh thiếu đồng niên sẽ sinh hoạt trong GĐPT.
Ngoài việc thăm hỏi đã đề cập ở trên, hình thức tụng kinh, niệm Phật, an vị Phật, cầu an, cầu siêu tập thể, ….tại tư gia Phật tử vẫn được chúng tôi tích cực thực hiện. Chúng tôi không phân biệt Phật tử hay chưa, khi người dân mời Ban Nghi Lễ đến cúng tại tư gia, Phật tử chúng tôi thong báo nhau tham gia khá đông.
Từ động thái trên, những gia đình nào đã theo Phật sẽ vui hơn và càng tin sâu Tam bảo; những gia đình nào chưa có đều kiện đến với Phật pháp, chúng tôi trước khi làm lễ đều có giảng giải, khuyến khích thậm chí sau lễ có tặng pháp bảo gồm: hình tượng phật, bồ tát, kinh sách, băng đĩa,…
Một đều trong kế hoạch Phật giáo hóa chúng tôi không thể bỏ qua ấy là chúng tôi luôn quan tâm kết nạp thêm thành viên mới có thể là: bạn học cùng lớp, đồng nghiệp, bạn trai, bạn gái,…đến cùng sinh hoạt, trau đổi Phật pháp.
Kết quả năm nào chùa chúng tôi cũng tăng thêm về số lượng phật tử mới và chất lượng tu học.
4. Kinh nghiệm: Tự làm mới
Đây là tư tưởng và cũng là từ ngữ mà chúng tôi tiếp nhận, vay mượn của sư ông Nhất Hạnh. Bản thân mỗi chùa, mỗi GĐPT muốn tồn tại và phát triển cần phải biết tự làm mới mình để tránh sự tụt hậu và lạc hậu, để bắt nhịp cùng sự vận động và đi lên của xã hội.
Riêng bổn tự chúng tôi việc làm mới thể hiện ở: Nghi lễ ngắn gọn, tránh phô trương, rườm rà, lãng phí, chú trọng sự thanh tịnh, trang nghiêm và đúng chisnh pháp.
Đơn cử như đầu năm chúng tôi đều có lộc cho Phật tử khách vãng chùa xin lộc. Đó là một phong bì lì xì có chứa hình Phật, Bồ tát và một câu kinh Pháp Cú. Ban Hộ Tự trong các ngày đại lễ đều tổ chức đi viếng nghĩa trang liệt sĩ, tặng quà cho người nghèo, phát thưởng cho học sinh khá giỏi là con em trong bổn đạo.
Đặc biệt chùa còn trao học bổng cho học sinh toàn xã không phân biệt tôn giáo nếu học sinh đó đậu đại học, cao đẳng.
Về phía GĐPT chúng tôi đưa các bài thiền ca vào nghi lễ. Tổ chức nhiều hoạt động vui chơi: cắm hoa cúng Phật, nấu cơm, tổ chức trò chơi lớn lành mạnh, bổ ích thu hút rất nhiều thanh thiếu đồng niên tham gia.
Cá biệt GĐPT chúng tôi quy tụ nhiều học sinh khá giỏi, ngoan hiền nên nhiều phụ huynh tin tưởng gởi con em đến với đạo. GĐPT còn tổ chức tư vấn mùa thi, cầu nguyện mùa thi, văn nghệ, làm báo tường, thi vẽ tranh,….rất vui nhộn và hấp dẫn đến độ có một số em là con gia đình khác đạo, con các bộ địa phương, con giáo viên,…
Mùa hè chúng tôi còn linh hoạt tăng thời lượng sinh hoạt 2 ngày/tuần. Hàng đêm đều có tổ chức học giáo lý, tụng kinh, kinh hành niệm Phật, tập hát, múa,….
Chúng tôi gần như ngày nào cũng mời các thanh thiếu, đồng niên đến chùa và chùa chúng tôi trở thành địa điểm lui tớ của mọi người.
Bên cạnh đó đoàn sinh trong GĐPT đến chùa để giúp nhau học tập, ôn thi tốt nghiệp, đại học. Chùa chúng tôi bỗng dưng trở nên quen thuộc và gần gũi, gắn bó với bổn đạo địa phương tự lúc nào không biết. Từ đó khuyến khích được nhiều người đến với phật pháp, tránh trình trạng bị cải đạo một cách hiệu quả.
Tóm lại chúng tôi mạnh dạn chia sẻ dài dòng một vài kinh nghiệm nhỏ mà bổn đạo chúng tôi đã và đang thực hiện tại trú xứ của mình để mong cho nhiều và thật nhiều chùa cơ sở làm tốt hơn chúng tôi việc giữ gìn bổn đạo.
Chúng tôi thấy ít nhiều công sức chúng đầu tư cũng đã gặt hái được một số thành công nhất định. Nếu bản thân mỗi chùa, mỗi GĐPT làm tốt công tác quản lí, nâng cao sự tu học, tích cực đem đạo vào đời,….chúng tôi tin chắc chúng ta không những không bị cải đạo ngược lại chúng ta còn có thể giúp được nhiều người đến với Phật pháp.
Nguyện cầu quý thiện hữu tri thức, quý cư sĩ phật tử hãy học tập hạnh lành của ông Cấp – Cô – độc, và tín nữ Visakha nhiệt tâm, nhiệt tình truyền bá phật pháp và chung tay hộ pháp.
Nam mô Hộ Pháp Vi đà Tôn Thiên Bồ tát.