Khai trương từ những ngày 20 tháng chạp, con đường thư pháp trước cổng Nhà Văn hóa thanh niên và Cung văn hóa lao động đã thu hút sự chú ý của nhiều người dân, đặc biệt là các bạn trẻ.
Phố ông đồ tấp nập người qua lại. Ảnh: Hải Duyên. |
Khi chọn được câu đối vừa ý, người tham quan có thể "nhờ" các ông đồ viết ngay tại gian hàng để mang về nhà treo Tết hay làm quà tặng, với giá từ 10.000 đến vài trăm nghìn đồng. Vật liệu để thảo lên những nét chữ uốn lượn, "rồng bay phượng múa" cũng rất đa dạng, từ giấy, vải nền làm tranh đến đá, sứ.
Ngồi bệt xuống tại một gian hàng, Anh Thư, nữ sinh viên trường Mỹ thuật không giấu được vẻ thích thú khi cầm tấm thư pháp với dòng chữ mềm mại: "Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt mẹ nghe không".
"Đây là một trong những điều Phật dạy mà em tâm đắc nhất. Em mua tấm này về tặng mẹ trong năm mới. Mỗi lần đọc dòng chữ này em lại thương mẹ nhiều hơn", nữ sinh bày tỏ.
Còn ông đồ trẻ Darian Đăng Học, Chủ nhiệm câu lạc bộ thư pháp Nhà văn hóa thanh niên cho biết: "Năm mới, người ta thường tặng nhau những lời tốt đẹp nhất. Một câu thơ hay, một lời chúc tốt lành được viết lên bằng mực tàu với nghệ thuật thư pháp lại càng thêm đẹp và giá trị. Đối với người xưa, điều đó còn quý giá hơn cả vàng, bạc, kim cương".
Ông đồ trẻ Darian Đăng Học say sưa viết chữ bên gian hàng của mình. Ảnh: Hải Duyên. |
Chính những giá trị đó đã khởi nguồn cho ý tưởng các "ông đồ" trong Câu lạc bộ của chàng Việt kiều "xuống phố". "Đây cũng là một cách giúp các bạn sinh viên thỏa mãn được đam mê viết thư pháp và có thêm thu nhập trang trải chuyện học hành", Darian nói về các nhân viên trẻ của mình.
Riêng với "ông đồ" Diễm Phúc, sinh viên năm thứ ba ĐH Công nghiệp thì viết thư pháp lại là cách để thư giãn và làm cho tâm hồn thanh thản. "Có những câu nói khi mới đọc một lần mình không thể hiểu được. Nhưng dần dần, viết đi viết lại khiến mình suy ngẫm thêm và thấy thật ý nghĩa", Phúc nói.
Phố ông đồ sẽ được mở cho đến ngày mùng một Tết, phục vụ người dân.
Các sản phẩm trên phố ông đồ khá đa dạng. |
Bước chuẩn bị quan trọng: pha mực. |
Năm Canh Dần nên hình ảnh những chú hổ hiện hữu ở khắp nơi. |
"Bà đồ" hiếm hoi |
Những câu thơ về cha mẹ được viết nhiều trên đá, gốm để khách mua về tặng cha mẹ nhân ngày tết. |
Nhiều người xem và đợi mua chữ ông đồ |
Con phố tấp nập cho đến tận khuya |