Trang chủ Văn hóa Nghệ thuật Phim "Phật và Thánh chúng" – Trách nhiệm chung

Phim "Phật và Thánh chúng" – Trách nhiệm chung

73

Chúng ta cũng đã xem nhiều bộ phim do Trung Quốc, Đài Loan sản xuất về Phật Giáo như  “10 đệ tử lớn của Phật” bằng hoạt hoạ, phim “ Nghịch duyên”, “Tế Công”, “Tái thế lương duyên”, “Đạt ma Tổ Sư”, “Lục Tổ”, “Liễu phàm tứ Huấn” và nhiều bộ phim có liên quan Thiếu Lâm Tự,…

Việt Nam có bộ phim “Ánh Đạo Vàng” hoàn thành hơn 15 năm, dàn dựng công phu với các diễn viên chuyên nghiệp như Công Hậu, Việt Trinh đóng và phục trang, hóa cảnh giống Ấn Độ, thu hút người xem…

Các tuồng cải lương quy tụ các ngôi sao sân khấu : “Bước chân xuất thế”, “Đạo vàng muôn thuở”, “Quan Âm Thị Kính”, “Quan Âm Xây Cầu”, ‘Liên Hoa Sắc”,  “Áo Cưới Trước Cống Chùa”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Thái Tử A Xà Thế”, “Đôi mắt Thái Tử Câu Na La”, “Quan Âm Diệu Thiện”, “Chàng Ngáo đòi nợ Phật”, “Vua Trần Nhân Tông”, “Mục Liên cứu mẹ”, “Cuộc đời đức Phật”, “Thái tử xuất gia”, “Tấm cám”,… với các soạn giả Viễn Châu, Dương Kim Thành, Hồ Kiễng, Danh Phận, Đại đức Minh giới, Đại đức Nghiêm Bình,…Vậy, tại Việt Nam. Tuồng cải lương Phật Giáo có số lượng kha khá nhưng Phim Viêt Nam về Phật Giáo số lượng quá hiếm hoi.

Trong bước đầu học Phật, ai trong chúng ta không ngưỡng mộ bởi chính hình ảnh tuyệt đẹp của Đức Phật để rồi khiến chúng ta đi sâu, tìm hiểu giáo pháp, phát nguyện tu tập theo Ngài và phụng sự Phật Pháp? Vậy cho nên tạo điều kiện cho nhiều tầng lớp, đặc biệt là lứa trẻ, hiểu về cuộc đời Đức Phật và Thánh Chúng là điều cực kỳ quan trọng để đến với Phật Giáo.

Hơn nữa, qua đó chúng ta có thể trở về uống nguồn nước uyên nguyên của Phật Giáo, hiểu sâu hơn về Phật Giáo về bối cảnh, về nguyên nhân, diễn tiến và thâm ý,….

Giáo dục Phật Giáo có 3 mặt : Thân Giáo, Khẩu Giáo và Ý Giáo, phim ảnh là môi trường dễ dàng thể hiện được cả 3 mặt này.

Thời đại ngày nay là thời đại của hi-tech, laptop, Apple, Iphone, Ipad, Ipod, DVDs, Tivi, ….Chỉ có những nhà nghiên cứu thực thụ hoặc phật tử hết sức thuần thành tu học lâu năm mới chịu đọc sách, báo, webs,… mà thôi còn phần lớn chỉ còn nghe và nhìn với các mp3, radio, CDs, VCD, DVD, youtube, ipad, laptop,….

Để tạo phương tiện hoằng pháp sâu rộng trong lòng quần chúng thì chúng ta phải khai thác các kỷ thuật văn minh hiện đại đưa vào ngành truyền thông và hoằng pháp.

Một bài giảng của giảng sư dù hay đến đâu sau khoảng 50 phút thì đại chúng bắt đầu mỏi mệt và xao lãng tâm trí,…thế nhưng 1 tuồng cải lương, 1 phim ảnh hay thì có thể là món ăn ngon cho thính thị của khán thính giả và hấp dẫn lôi cuốn họ đến vài giờ. Có nhiều người đã từng thức suốt đêm “luyện chưởng”.

Biết vậy, chúng ta cần đi sâu khai thác lĩnh vực này vì lợi ích lâu dài cho số đông. Hơn nữa, với mô hình văn hóa nghệ thuật, phim và tuồng cải lương có thể hấp dẫn cả người “ngoại đạo” và “vô thần”, “vô Đạo” những người này không bao giờ chịu đến chùa. Nghệ thuật chân chính luôn luôn có chức năng giáo dục và chuyển hóa con người và xã hội theo hướng hoàn thiện hơn, chân thiện mỹ hơn.

Làm văn hóa Phật Giáo tốn nhiều công phu. Trường hợp đóng bộ phim “ Phật và Thánh Chúng”, “có thực mới vực được Đạo”, đạo diễn, diễn viên, thư ký, thủ quỹ, người quay phim, edit phim, lồng nhạc, phục trang, chọn và chở đến cảnh quay, ăn uống, nhà trọ nghỉ ngơi,…tất cả đều phải cần tài chánh. Cư sỹ thì họ còn có gia đình, bảo hiểm sức khỏe, trang điểm ăn mặc và để dành cho những lúc không đi làm được,…Có những cảnh cần có nhiều người đóng vai quần chúng, phố xá, khách qua đường, có những cảnh phải chạy đi mượn hoặc mua sắm các món để trang trí cho giống, như là triều đình, xe ngựa, dân làng, lễ hội,…Rõ ràng cần phải có tài chánh, có nhiều nhà đầu tư bảo trợ thì mới an tâm tiến hành, huy động lực lượng, tìm được các ngôi sao điện ảnh chuyên nghiệp, phối  cảnh,… Đây không phải là bộ phim đầu tư thương mãi hoặc sau này chiếu ra bán vé kiếm lời mà là bộ phim chủ yếu cúng dường cho Tam Bảo và cống hiến cho Phật Giáo.

Theo tôi nghĩ bộ phim này muốn có chất lượng cần hình thành thêm 3 Ban như sau :

–       Ban chỉ đạo thực hiện  (lúc đang quay phim): Gồm một số tu sỹ hoặc cư sỹ chuyên môn, hiểu biết sâu sắc về Phật Giáo và văn hóa Ấn Độ, cùng với Đạo diễn trực tiếp theo dõi trường quay và có ý kiến kịp thời, có thể là quang lâm có mặt tại trường quay hoặc là theo dõi qua webcam rồi đóng góp ý kiến để đạo diễn và diễn viên làm bớt sai sót, lệch lạc,…

–       Ban Giám Định nội dung (xem lại sau khi quay): những đoạn phim vừa quay được có thể cho những người có trình độ chuyên môn và Phật Pháp cao để họ xem qua trước và đóng góp ý kiến, phần nào chưa đạt thì phải quay lại trong ngày sau. Những người này phải bảo đảm uy tín và  bản quyền của bộ phim, không phổ  biến rộng các phần quay được thuộc dạng bản thảo của bộ phim. Nếu phổ biến rộng quá thì sẽ mất hay hoặc sau này khó  bán vé khi chiếu các rạp (để thu lại phần nào ngân quỹ).

–       Ban vận động bảo trợ : Ban này vận động tài chánh, bảo trợ cho phim, vận động phật tử đến làm công quả để trang trí cho các cảnh quay ( chẳng hạn mượn ngôi chùa để làm cung điện thì phải trang trí,…) và đóng các vai phụ, vai quần chúng,…
 
Nhân đây, tôi cũng hết lòng kính phục và tán thán TT. Thích Chân Tính, một vị tu sỹ mô phạm, uy nghi, đạo hạnh, khiêm tốn, biết nói vừa đủ, biết tán thán và không chê bai người khác, đề cao mình cho dù Thượng Tọa đi đầu biết bao nhiêu việc : tổ chức các khóa tu học cho mọi giới tại Chùa Hoằng Pháp, đặc biệt là cho giới trẻ, mô hình nhân rộng toàn quốc Việt Nam, Phật Pháp Nhiệm Mầu, người thật việc thật, phật tử chia sẻ về ánh sáng Phật Pháp đến với cuộc sống và chuyển hóa họ, quy tụ thành phần giảng sư và người sinh hoạt với chuyên môn cao, tổ chức các Lễ Hội Phật Đản, Hoa Đăng, Vu Lan, A Di Dà, Xuân,… đầy ý nghĩa, soạn và có những buổi trình diễn, ra DVDs nhạc  Phật Giáo có ý nghĩa, ra DVDs hành hương Ấn Độ, Trung Quốc, Nepal song ngữ Anh – Việt lợi lạc, các khóa tu và các chuyến  từ thiện xã hội với ánh sáng và tình thương Phật Pháp.

Nay Thượng Tọa lại đi đầu trong giới tu sỹ về việc quan tâm hình thành bộ phim này, với tôi, hình ảnh vị tu sỹ này thật đáng kính trọng, chiêm nghiệm và noi gương.

Xin giới thiệu đến Quý vị đoạn phỏng vấn sau đây để Quý vị chia sẻ nỗi ưu tư thao thức của Thượng Tọa và những người làm phim. “Một cây làm chẳng nên non,…” chúng ta hãy tùy theo sở trường, khả năng, hoàn cảnh của mình mà góp phần cho bộ phim “Phật và Thánh Chúng” do người Việt đóng bằng Tiếng Việt sớm được hoàn thành với chất lượng cao để cho hình ảnh cao quý của Phật, Thánh Chúng và cốt tuỷ tinh thần Phật Giáo thâm nhập vào tâm trí của triệu triệu, lớp lớp người khắp nơi, qua các thời đại. Chúng ta cũng có thể dịch phim này qua tiếng Anh và tiếng Hoa, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Nga,… để phổ biến trên thế giới. Dù sao đi nữa, chúng ta cũng đã tự hào TS. Nhất Hạnh với cuốn sách: “Đường Xưa Mây Trắng” đã bán được hơn 1 triệu bản tại bắc Mỹ và được dịch ra hơn 20 thứ tiếng; trong đó có tiếng Hindu. Chính vì thế mà nhà tỉ phú Ấn Độ Bhupendra Kuman Modi sau khi đọc Đường Xưa Mây Trắng đã nói với phóng viên tờ Hollywood Reporter:

“Tôi tìm được Đường Xưa Mây Trắng từ hai năm nay, cuốn sách đã thay đổi đời tôi và nay đến lượt tôi phải chia sẻ hạnh phúc ấy với thế giới “.

Ông đã quyết định tài trợ 120 triệu USD để các nhà làm sản xuất dựa theo Đường Xưa Mây Trắng dựng thành phim.. Chúng ta càng tự hào hơn nữa với bộ phim “Phật và Thánh Chúng” thấm nhuần văn hoá Ấn Độ, Phật Giáo và Việt Nam hình thành như ý nguyện và mang ánh sáng Phật Pháp, thông điệp Từ Bi Cứu Khổ đến khắp nơi nơi.

Chúng ta không đợi đến khi bộ phim ra đời kém chất lượng rồi than tiếc, chê trách và quy trách nhiệm cho ai. Hãy quy trách nhiệm vào thẳng chính chúng ta, hãy sẻ chia và đồng hành với các nhà sản xuất trong các chặng trình hướng đến kết quả mục tiêu chung. Làm văn hóa hay và đúng có tác dụng lớn lao đến khắp nơi nơi, biết bao nhiêu thế hệ muôn đời.

Cầu nguyện cho Tam Bảo, Long Thần Hộ Pháp, chư Thiên và các Mạnh Thường Quân gần xa gia hộ cho những người thực hiện phim này được nhiều sức khỏe, thuận duyên và bộ phim được thành tựu viên mãn.

Cali, ngày 25/20/2012