1. Khái niệm “quyền lực thứ tư”, quyền lực của các cơ quan truyền thông đối với cộng đồng xã hội, đã là điều được thường nhắc đến, và người ta xem đó là một việc hiển nhiên.
Tất nhiên, các cơ quan truyền thông đó được mệnh danh “quyền lực thứ tư” phải là những cơ quan truyền thông có nhiều công chúng (người đọc, người nghe, người xem). Điều đó tất yếu sẽ dẫn đến hệ quả tiếng nói của cơ quan truyền thông có tác động mạnh mẽ đối với cộng đồng xã hội, tạo thành một thứ quyền lực khách quan, tự sinh, nói không có cũng không được.
2. Trước đây, tôi không nghĩ Phattuvietnam.net, cho dù có một số lượng bạn đọc đông đảo trong và ngoài nước và ngày càng thu hút được bạn đọc, lại có một thứ “quyền lực thứ tư” xa xôi nào đó.
Trang tin Phattuvietnam.net không là cơ quan ngôn luận của một đơn vị nào, cũng không được mang nặng tính chất tổ chức chặt chẽ.
Chủ trương của Phattuvietnam.net cũng chỉ nhằm mục tiêu học Phật trước tiên: “Phổ cập, thảo luận Phật pháp, xem đây là diễn đàn Tăng ni Phật tử khắp nơi trên phương tiện truyền thông đại chúng”, bên cạnh những mục tiêu vô tư khác như “cung cấp, cập nhật, tổng hợp các thông tin hoạt động Phật sự trong nước và quốc tế…”
Qua các phản hồi của bạn đọc Phattuvietnam.net, mà một số không nhỏ sử dụng nick, một tập quán của truyền thông mạng, dễ có cảm tưởng hầu hết bạn đọc Phattuvietnam.net là Phật tử, rất ít độc giả là tu sĩ, lại dường như càng hiếm độc giả là tu sĩ vào hàng lãnh đạo Phật giáo.
Một số, phải nói là tỷ lệ khá cao, ý kiến phản hồi từ bạn đọc Phattuvietnam.net, cho rằng bài và ý kiến đăng trên Phattuvietnam.net chỉ là “nói với nhau”, theo kiểu truyền thông nghiệp dư, không có ảnh hưởng gì đến hàng tu sĩ, đặc biệt là quý vị tu sĩ ở cấp lãnh đạo.
Do vậy, tác động của trang tin hết sức hạn chế đối với những vấn đề lớn của Phật giáo, cho dù có đề cập đến và được một số đông bạn đọc (được cho chỉ là Phật tử) quan tâm.
Riêng tôi chưa có dịp tiếp xúc nhiều với quý thầy, Phattuvietnam.net cũng chỉ có một số nhân sự làm việc bán thời gian, không hề nghĩ đến một hình thức điều tra, nghiên cứu xã hội học công chúng định kỳ chu đáo, chính quy, nên tôi cũng nghĩ theo ý kiến của số đông bạn đọc, Phattuvietnam.net cũng chỉ là một dạng nơi mà một số Phật tử “nói với nhau” một cách nghiệp dư, bên lề sự vận động của Phật giáo Việt Nam.
Dĩ nhiên, như thế thì làm gì có chuyện “quyền lực thứ tư”!
3. Nhưng điều hết sức bất ngờ, khi chúng tôi, một cộng tác viên và đại diện Phattuvietnam.net ở phía Nam, có được hân hạnh được quý tôn đức lãnh đạo Ban Hoằng pháp Trung ương tin tưởng, có cuộc tiếp xúc để đề nghị Phattuvietnam.net phối hợp, cộng tác với Ban Hoằng pháp Trung ương trong việc truyền thông quảng bá cho Hội thảo Hoằng pháp toàn quốc 2011 được tổ chức tại Bình Dương.
Lời đề nghị tiếp xúc của chư tôn đức đã làm chúng tôi bất ngờ và nội dung buổi tiếp càng làm cho chúng tôi bất ngờ hơn nữa.
Trái ngược với sự suy diễn của một số không nhỏ bạn đọc, dẫn đến những nhận định, mà đến đến lúc tiếp xúc với một số vị tôn đức lãnh đạo giáo hội, chúng tôi mới biết mình, cũng như số bạn đọc đó, lầm to!
Quý thầy, hầu hết đều là bạn đọc của Phattuvietnam.net, đều quan tâm đến những vấn đề mà Phattuvietnam.net nêu ra. Quan tâm một cách đặc biệt, có thể nói là đến mức ưu tư ở một số khía cạnh, lĩnh vực.
Trong sự ngạc nhiên, chúng tôi nhận được từ một vị Thượng tọa phó ban Hoằng pháp Trung ương một xấp tài liệu dầy in trên giấy A4 đặc nghịt những chữ. Đó chính là một bản tập hợp những bài viết của nhiều tác giả đã đăng tải trên Phattuvietnam.net suốt một thời gian dài, có cả phản hồi của Phật tử, trong đó, thật là… buồn cười, có cả những phản hồi nói rằng quý tăng ni, chư tôn đức lãnh đạo PGVN không đọc, cũng không quan tâm đến những vấn đề đặt ra trên Phattuvietnam.net.
Chúng tôi được biết tập tài liệu nói trên được chính quý tôn đức trong hàng lãnh đạo photocopy với số lượng lớn, gửi đến quý tăng ni trong giáo hội.
Khi tôi, với cương vị từ phía Phatttuvietnam.net, ngỏ ý xin một bản tài liệu đó, quý thầy đã rất ngạc nhiên, vì đó xuất phát từ chính Phattuvietnam.net, đâu có phải là gì mới mà Phattuvietnam.net lại cần?
Thật ra, tôi xin tập tài liệu dày photo đó như xin một kỷ niệm, trong đó có kỷ niệm về một sự… “sai lầm”.
Trong quá trình thực hiện các bài phỏng vấn sau đó với một số chư vị Hòa thượng, Thượng tọa giáo phẩm GHPGVN, chúng tôi thấy sự nhất quán trong sự quan tâm của quý thầy, nhất là chư vị lãnh đạo đối với những nội dung tin, bài mà Phattuvietnam.net, không ít vị nhắc lại một cách chính xác nội dung những tin, bài quan trọng.
Việc này chứng tỏ, quý thầy là những bạn đọc, có thể nói là đặc biệt của Phattuvietnam.net.
Ảnh hưởng của Phattuvietnam.net đối với giới tu sĩ Phật giáo, nhất là chư tôn đức lãnh đạo là không hề nhỏ.
4. Chúng ta trở lại vấn đề “quyền lực thứ tư”. Với những ảnh hưởng như vậy, phải chăng, Phattuvietnam.net trong tư cách một cơ quan truyền thông Phật giáo đã có cái điều vẫn được gọi là “quyền lực” đó?
Không thể nói là không có. Và đặc biệt, với tư cách là một Diễn đàn trên internet, "quyền lực" đó có được từ lòng ưu tư với tiền đồ Đạo pháp và Dân tộc của lực lượng cộng tác viên, đặc biệt của quý độc giả là chư Tôn đức, Phật tử trong và ngoài nước.
Và do vậy, mới có bài viết này, với mục tiêu mong muốn chia sẻ điều mà vẫn được gọi là “quyền lực” đó với bạn đọc và kêu gọi một sự "nâng tầm" và “tự kiểm soát” chặt chẽ hơn đối với điều được gọi là quyền lực khách quan đó.
Nâng tầm, có nghĩa là những người đã làm nên hoạt động của trang Phattuvietnam.net, kể cả bạn đọc với các phản hồi, cùng trăn trở hơn, thao thức hơn, tâm huyết hơn để đưa ra những ý kiến, đánh giá, góp ý, tư vấn có chất lượng, có tính khả thi, hiệu quả, sáng tạo, góp phần tạo ra những ảnh hưởng tích cực mang tính đột phá đến sự phát triển của Phật giáo Việt Nam
Tự kiểm soát có nghĩa là tự ý thức đúng mức về vai trò, tác động của tiếng nói của mình, để xác định trách nhiệm lớn hơn, đúng hơn với thực tế, phù hợp với giáo lý nhà Phật.
Trong bối cảnh trang tin Phattuvietnam.net tiến đến kỷ niệm 5 năm thành lập, nói đến “quyền lực thứ tư” liên hệ đến Phattuvietnam.net trong vai trò một phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi không mong gì khác hơn là cung cấp một nét đánh giá cũng như tổng kết và xác định về thực tế quyền và nghĩa vụ của Trang tin.
Và cũng rất mong toàn thể quý Tăng ni, Phật tử Việt Nam hãy cùng nhau làm nên và chia sẻ “quyền lực” đó, tất cả vì sự phát triển của Phật giáo Việt Nam.
MT