Đại Lễ Dâng Y Kathina đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa Phật giáo Nguyên thủy, Đại Lễ là dịp để tôn vinh những giá trị truyền thống Phật giáo có từ thời Đức Phật, đồng thời cũng là dịp để hàng phật tử xuất gia và tại gia tri ân công đức Đức Bổn Sư, tạo các thiện nghiệp trở nên những thắng duyên trong Phật pháp.
Mỗi mùa an cư kiết hạ qua đi là chúng phật tử lại nhớ về Đại Lễ Dâng Y Kathina như một hạnh nguyện lớn trong đời.
Tháng 10…
Thành phố với những cơn mưa buổi chiều với không khí mát dịu làm lòng ngừơi dễ hòai niệm với những Thiện Pháp trong năm và các công việc chuẩn bị cho một trong những sự kiện quan trọng nhất trong năm, Đại Lễ Dâng Y Kathina 2014.
Với đầy đủ phước duyên, đoàn Phật tử Việt Nam với sự hướng dẫn của Sư Cô Diệu Hiếu- Supetteyya (hiện đang theo học vị Tiến sĩ Phân Khoa Vipassana – Trường Đại học Phật giáo Quốc tế Yangon, ITBMU) đến Miến Điện tham dự Đại Lễ Kathina và hành hương từ ngày 07 đến ngày 14 tháng 10 năm 2014.
Năm nay, Đòan Phật tử chúng con đủ duyên được tham dự, cúng trai tăng, dâng y Kathina thông qua các Đại Lễ tại:
– Dâng Y Kathina tại Học Viện Mahagandhayone Tamanakyo, Mobi: 70 Vị Tăng Ni.
– Dâng Y Kathina tại Trường Đại học Phật giáo quốc tế Yagon – ITBMU: 300 Chư Tăng Ni và Tu Nữ từ 22 quốc gia đang theo học.
– Dâng Y Kathina tại Trường Thiền quốc tế Pa-Auk, tỉnh Mawlamyain: 600 Chư Tăng và 400 Tu Nữ
– Đặc biệt, dâng Y Kathina tại Chùa Mingalardon, Trụ Trì Ngài Hòa Thượng Tam Tạng IX, U Gandhamalalankara: có sự hiện diện danh dự của các Ngài Đại Trưởng Lão Hòa Thượng Tối cao Giáo Hội Phật giáo Miến Điện, 5 vị Tam Tạng: 7, 8, 9, 13,14 và gần 200 Chư Tăng.
– Trai Tăng Tu Viện Nagalangu, Yangon: 1,200 Chư Tăng và Tu nữ.
– Cứu trợ 100 hộ gia đình khó khăn vùng Lawger,Mobi.
Thật hữu phước thay! Chúng con gặp được chánh pháp là ngọn đuốc soi đường về bến giác. Chư Tăng là những bậc đạo sư chỉ dạy chúng con tu tập. Bởi lẽ chúng con biết
“Đường thế mịt mù trăm năm đầy tội
Cửa thiền thanh tịnh muôn kiếp nên duyên”
Đại lễ dâng Y kathina, chúng con đã gieo tạo phước thiện thù thắng vì đã làm được “Tăng thí vô phân biệt, cúng dường đúng thời, cúng dường hợp đạo đúng pháp” theo truyền thống chư Phật ba đời chế định: cung cấp ‘tứ sự’ trợ duyên cho Chư Tăng Ni có phương tiện tu tập.
Sau khi thọ lãnh Y Kathina, Tỳ kheo được đặc ân 5 quả báu suốt 5 tháng kể từ khi mãn Hạ. Đó là:
1. Tỳ kheo đi nơi nào cũng không cần thưa báo;
2. Tỳ kheo không cần giữ đủ Tam Y khi đi xa;
3. Tỳ kheo được phép thọ thực theo nhóm và có thể yêu cầu thí chủ vật thực;
4. Tỳ kheo được phép sử dụng nhiều Y theo nhu cầu;
5. Tỳ kheo được thọ nhận Y bất cứ nơi nào có cúng dường.
Tương tự quả phước của người thí chủ dâng Y Kathina cũng có 5 quả báu:
1. Do nhờ phước cho sự thoải mái đến chư tăng trong việc đi lại, nên người dâng y được tránh khỏi mọi sự rủi ro, nguy hiểm khi đi đường.
2. Do nhờ tạo sự thoải mái cho chư Tăng khi đi xa, nên thí chủ sẽ hưởng quả phước không cần mang nhiều đồ khi đi xa mà sẽ đươc chu cấp đầy đủ chỗ ở, thức ăn, y phục.
3. Do nhờ tạo sự thoải mái cho chư tăng trong việc thọ thực, nên thí chủ được hưởng quả phước không bị trúng độc, hay trúng thực khi ăn.
4. Do tạo sự thoải mái cho chư Tăng trong việc thọ nhận y áo, thí chủ được hưởng quả phước của cải được sử dụng như ý.
5. Do tạo sự thoải mái cho chư Tăng trong việc thọ y dư, của cải không bị thất thoát do 5 nạn: như bị chính quyền tịch thâu, bị nước trôi, lửa cháy, trộm cướp hay con phá sản.
Đó là phước báu mà thí sẽ hưởng được đời này và nhiều đời sau. Nếu phát nguyện sớm thành tựu đạo quả xuất thế, thì chắc chắn thí chủ sẽ sớm đạt thành tâm nguyện giải thoát của mình.
Trong thời kỳ Đức Phật tại tiền, 1250 Vị “Thiện Lai Tỳ Kheo” trong giáo Pháp của Ngài, những vị Thánh Tăng vô lậu này là những tấm gương sáng chói trong Phật sử, và là kết tinh thiện quả của những thí chủ dâng Y Kathina trong quá khứ.
Khi xưa bà dì mẫu Kiều Đàm Di (Pajapati Gotami) đã tự tay se chỉ, dệt vải và may Y cúng dường lên Đức Phật, nhưng Ngài khuyên bà nên dâng tấm Y này đến Chư Tăng, là bà cũng dâng đến Đức Phật. Đức Phật luôn khuyến khích đệ tử cúng dường đến Tăng Đoàn thì phước báu vô lượng vô biên không thể nghĩ bàn, vì Chư Tăng là người đại diện Như lai duy trì Phật Pháp khi Thế Tôn tịch diệt- Niết bàn.
Ngày nay, tổ chức lễ dâng Y kathina này làm nổi bật ba ý nghĩa: hộ trì Tăng Chúng để giáo pháp trường tồn, người Phật tử gây tạo thiện và tìm thấy niềm vui đạo vị của một ngày Đại lễ truyền thống trong Phật Giáo. Ngày đại lễ nầy cũng nhắc nhở cả hai giới xuất gia và tại gia phải trân trọng tấm lòng của đàn tín và nổ lực tinh tấn tu hành.
Với tâm hoan hỷ cúng dường đại lễ dâng Y Kathina tại các Thiền Viện và Trường Đại Học Phật giáo quốc tế, Phật tử Việt Nam chúng con xin cùng nhau kết thành những vòng hoa tươi thắm, đồng kính cẩn dâng lên cúng dường mười phương ba ngôi Tam Bảo và hiện tiền chư Đại Đức Tăng.
Với tâm trong sạch cúng dường đại lễ dâng tứ vật dụng đến Chư Đại Đức Tăng, nguyện cho Phật Pháp được trường tồn hưng thịnh,Tăng Già ngày càng tiến hóa, Thiện Pháp mãi mãi là hạnh phúc cho Chư Thiên và nhân loại.
Do năng lực phước thiện dâng y này, nguyện cho chúng con được thoát khỏi bốn khổ cảnh, được sanh làm người, được gặp chánh pháp tinh tấn tu tập, sớm ngày giác ngộ giải thoát, hưởng được hạnh phúc tối thượng Niết bàn.