Sóc Trăng là tỉnh nghèo ven biển Miền Tây Nam Bộ, nơi có đông người Khmer sinh sống, nhiều nhất khu vực ĐBSCL với trên 364.154 người, chiếm 29,5% dân số toàn tỉnh. Đời sống của bà con người dân tộc Khmer được nâng lên thấy rõ, tỷ lệ hộ nghèo giảm dần theo từng năm trên 67% hộ Khmer được công nhận gia đình văn hoá.
Những thay đổi đó có một phần đóng góp không nhỏ của đội ngũ trí thức người dân tộc Khmer, họ đã góp nhiều công sức cho sự phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhà. Họ là những tuyên truyền viên tích cực đưa đường lối chủ trương chính sách, chuyển giao khoa học kỹ thuật đến bà con, xây dựng vững chắc khối khối đại đoàn kết dân tộc.
Tiêu biểu là thầy giáo Lâm Es một phật tử phái Nam Tông (sinh năm 1936) là người Khmer đầu tiên cả nước được Nhà nước phong tặng “Nhà giáo nhân dân”.
Ngày còn nhỏ ông sống vô cùng khổ cực, hằng ngày rong đuổi trên đồng ruộng ấp Trà Tép, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên-Sóc Trăng chăn bò mướn, bắt tép về phụ giúp mẹ.
Lúc đó, ông rất thèm khát được cắp sách đến trường, nhưng rất khó, vì cả làng người đi học đếm được trên đầu ngón tay. Hiểu được ý con, chẳng bao lâu ông được mẹ gởi lên chùa Cần Đước để đi học, ước mơ đã thành hiện thực, ăn cơm chùa, áo quần bà con phum sóc cho.
Suốt chín năm tu ở chùa để trả hiếu, cầu kinh niệm Phật, ông tự mua sách vở tiếng Việt, tiếng Pháp về tự học và tìm kiếm sách tiếng Khmer trong các chùa về tìm hiểu nghiên cứu, dạy chữ Pali cho trẻ nhỏ tại các phum sóc lân cận.
Năm 1972, lúc bấy giờ chưa có sách hướng dẫn giáo trình Khmer ngữ, theo sự hiểu biết của mình vừa dạy học vừa nghiên cứu, cùng với tính kiên nhẫn, Thầy đã soạn một giáo trình tiếng Khmer ngữ bậc tiểu học khá hoàn chỉnh, bằng phương pháp tự học, ông đã đỗ tú tài và đạt trình độ cử nhân Khmer ngữ.
Năm 1975 đất nước thống nhất, Thầy được mời về Sở giáo dục Hậu Giang cũ phụ trách chương trình Khmer ngữ. Năm 1982 Thầy tốt nghiệp đại học khoa ngữ văn trường Đại học Cần Thơ.
Năm 1992 khi tái lập tỉnh Sóc Trăng Thầy được điều động về quê hương Sóc Trăng được bổ nhiệm Phó giám đốc sở giáo dục đào tạo.
Lúc này công việc rất nhiều, nhưng Thầy sắp xếp thời gian họp lý vừa nghiên cứu tài liệu tiếng Khmer để viết giáo trình, biên soạn tài liệu, đồng thời lên lớp giảng bài cho sinh viên đang theo học các lớp Khmer ngữ và đi xuống địa phương tìm hiểu phương pháp giảng dạy Khmer ngữ ở các trường tiểu học và trung học cơ sở…
Suốt gần bốn mươi năm làm nghề giáo và công tác quản lý giáo dục, vừa nghiên cứu, giảng dạy thầy Lâm Es đã tham gia bồi dưỡng hơn 1.500 giáo viên người dân tộc Khmer trong đó có trên 700 là giáo viên dạy song ngữ hàng trăm cán bộ quản lý các cấp ở bảy tỉnh ĐBSCL.
Trong quá trình giảng dạy, thầy miệt mài ghi chép tra cứu tích luỹ kiến thức, với niềm say mê cao độ với mong muốn cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp giáo dục trong cộng đồng Khmer Nam Bộ.
Thầy Lâm Es đã biên soạn gần 50 đầu sách tiếng Khmer, trong đo có 30 bộ được công nhận: Tài liệu dành cho cán bộ giáo viên dạy lớp cán bộ cốt can làm công tác Khmer vận, sổ tay song ngữ Việt-Khmer, giáo trình tự học tiếng Khmer, tài liệu dạy tiếng Khmer cho giáo viên cấp I & II, chuyện kể Khmer, sách tham khảo…
Ngoài ra, bộ sách gồm ba quyển hơn 1.000 trang là giáo trình hướng dẫn dạy tiếng Khmer trong các trường trung học sư phạm được Bộ Giáo Dục Đào Tạo đánh giá rất cao, là một công trình nghiên cứu khoa học giáo dục công phu. Những tâm huyết của Thầy có tác dụng tích cực trong việc bảo quản gìn giữ vốn văn hoá chữ PaLy của dân tộc Khmer.
Thầy Lâm Es gần cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục đặc biệt đối với đồng bào Khmer. Từ một cậu bé đống khố, một người tu hành chân chính, không biết chữ đã trở thành một tấm gương sáng về tinh thần học tập, lao động đầy sức sáng tạo, một trí thức Khmer mẫu mực.
Dù đã nghỉ hưu nhưng Thầy vẫn quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và được bầu giữ Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Sóc Trăng từ năm 2004 đến nay.
Chỉ bốn năm qua, bằng tâm huyết của mình Thầy cùng tập thể Hội đã vận động các mạnh thường quân các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đóng góp vào Quỹ Khuyến học hơn bảy tỷ đồng, để khen thưởng “Quỹ tài năng trẻ” cho hơn 2.700 học sinh sinh viên các cấp cấp học; đặc biệt là cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học.
Dù ở cương vị nào Thầy Lâm Es cũng chỉ mong muốn được góp một phần nhỏ bé của mình trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng phum sóc làng quê đổi mới, ngày càng thêm giàu đẹp trên bước đường công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn.