Trang chủ Đời sống Phật tử hoan hỉ mừng ngày Đản sinh của đức Phật

Phật tử hoan hỉ mừng ngày Đản sinh của đức Phật

114

– Thay mặt Thành hội Phật giáo Hà Nội, xin thầy cho biết lễ Phật đản năm nay có gì khác so với những năm trước?

Đại đức Thích Minh Hiền:
Trong những năm gần đây, Thành hội Phật giáo Hà Nội tổ chức lễ Phật đản tại Cung Văn hóa hữu nghị Hà Nội, ngay gần chùa Quán Sứ. Đây là một địa điểm có đủ điều kiện để đón đông đảo các tăng ni Phật tử về Lễ vào ngày rằm tháng Tư- chính lễ của Đại lễ Phật đản.

Kế thừa thành quả đạt được của những năm trước và đáp ứng nguyện vọng của tăng ni Phật tử Thủ đô là có một Lễ đài lớn, có một nội dung mừng Phật đản hằng năm đều đặn và ổn định, Thành hội Phật giáo Hà Nội sẽ tổ chức rất chu đáo. Dần dần đưa ngày Lễ Phật đản trở thành Lễ hội truyền thống của văn hóa Việt Nam.

Mùa Phật đản năm nay, thực hiện sự chỉ đạo chung của Thành hội Phật giáo Hà Nội, chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho Đại lễ Phật đản vào ngày rằm tháng Tư, diễn ra đại  lễ Phật đản Phật lịch 2555.

-Thầy có thể cho biết chương trình cụ thể của đại lễ Phật đản năm nay?

Đại đức Thích Minh Hiền:
Theo chương trình của Thành hội Phật giáo Hà Nội, từ ngày 8 đến 15 tháng Tư âm lịch, đồng bộ tổ chức ở các quận huyện thị nội ngoại thành. Tất cả các chùa đều tổ chức thuyết pháp và giảng dạy về ý nghĩa ngày đức Phật đản sinh. Đặc biệt trong 3 ngày, cụ thể là đêm 12, đêm 14 và ngày rằm tháng Tư.

Đêm 12 tháng Tư âm lịch, để đón mừng đại lễ Phật đản sẽ có chương trình ca múa nhạc Phật giáo mang tên “Hương Sen mầu nhiệm” tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Chương trình do các phật tử ca sĩ chuyên nghiệp tổ chức thực hiện.

Cũng tại Cung Hữu nghị Hà Nội, đêm ngày 14 sẽ có hoạt động văn nghệ chào mừng của thanh thiếu niên Phật tử Thủ đô tổ chức và thực hiện do các chư tăng ni Phật tử thực hiện. Đây là chương trình ca múa nhạc đại chúng biểu diễn ngoài trời.

Rạng ngày rằm tháng Tư, sẽ có lễ diễu hành xe hoa của Phật giáo các quận huyện về lễ đài chính. Điểm tập kết hành lễ là tại sân Cung văn hóa Hữu nghị, phố Trần Hưng Đạo, Hà Nội.

-Thầy có thể nói thêm về riêng chương trình “Hương sen màu nhiệm” năm nay?

Đại đức Thích Minh Hiền: Năm 2010, đánh dấu một sự kiện hết sức trọng đại và thiêng liêng của đất nước: Thăng Long-Hà Nội 1000 năm tuổi. Chương trình Ca Múa Nhạc Phật giáo-Hương sen màu nhiệm-với những tiết mục âm nhạc đặc sắc mang đậm dấu ấn thời gian và hương vị Phật pháp đương đại – một bữa “dạ tiệc” đầy sắc màu, âm thanh và cảm xúc linh thiêng còn đọng mãi trong tâm hồn những ai có thiện duyên tham dự chương trình.

Và lần này, “Hương sen màu nhiệm”  lại một lần nữa sẽ đưa chúng ta đến với những không gian, sắc màu, hương vị huyền nhiệm, minh triết của đạo Phật, thông qua những giai điệu, những bài ca, điệu múa do các thế hệ nhạc sĩ, nghệ sĩ dệt nên bằng chính trái tim tràn đầy yêu thương và lòng thành kính, dâng lên Tam Bảo thiêng liêng trong dịp Đại Lễ Phật đản.
 
Năm nay sẽ có các ca sĩ tiêu biểu như Tân Nhàn (pháp danh là Diệu Tâm), bên cạnh đó có nhạc sĩ Anh Quân đạo diễn âm nhạc. Tổng đạo diễn chương trình là Phật tử nghệ sĩ Việt Tú. Toàn bộ các chương trình là do chư tăng ni và các anh chị em Phật tử biểu diễn.

– Tinh thần của Phật tử trước đại lễ Phật đản thế nào, thưa thầy?
Có điểm gì cần rút kinh nghiệm từ những lần trước không ạ?

Đại đức Thích Minh Hiền:
Phật tử cả nước đang hoan hỉ, hồ hởi, phấn khởi đón mừng ngày Đản sinh của đức Phật hòa cùng niềm vui của hàng tỷ người trên hành tinh mừng ngày Đản sinh của đức Phật Thích ca Mầu Ni. 

Vì đây là một lễ lớn nên chúng tôi cũng đang e ngại sẽ là giao thông dễ bị ùn tắc, do mật độ người dồn tụ vào ngày 14, 15 nhiều. Tuy là các Phật tử với tâm nguyện thành kính, an lành nên sẽ không có cảnh lộn xộn nhưng việc ùn tắc là điều khó tránh khỏi. Nguyện vọng của mọi người chủ yếu là được dự lễ tắm Phật và diễu hành xe hoa vào lúc 8 giờ sáng ngày rằm tháng Tư tại Cung văn hóa Hữu nghị.

– Thầy có thể cho biết tên các khách mời? Đại diện của các Hội Phật giáo trong và ngoài nước, Hội Phật giáo các tỉnh khác có về tham dự?

Đại đức Thích Minh Hiền:
Trung ương giáo hội Phật giáo và Thành hội Phật giáo Hà Nội cũng có mời lãnh đạo nhà nước, và các cơ quan chính quyền và một số khách mời từ các đại sứ quán  như Thái Lan, Myanmar… đến dự. Đây là ngày lễ lớn cho nên tỉnh thành nào tổ chức tại tỉnh thành đó, có thể chệch giờ nhưng chung một ngày. Vì là ngày hội chung của Phật giáo toàn cầu cho nên ai cũng lo việc làm lễ, tổ chức tại chùa, tại địa phương, tại đất nước của mình.

– Xin thầy cho biết về công tác chuẩn bị đã diễn ra thế nào? Có kêu gọi các nhà tài trợ như những đại lễ khác?

Đại đức Thích Minh Hiền: Công tác tổ chức đã được khởi động cách đây 2 tháng. Công tác triển khai cũng suốt một tháng nay. Kinh phí do các chùa công đức và Phật tử cúng dàng. Chưa cần kêu gọi vì đó là việc cần làm, như việc của chính gia đình mình. Tôi gọi là “việc của nhà,” của các Thầy, của các chùa nên cứ thế mà thực hiện.

– Về đêm ca múa nhạc thuần túy mừng Đức Phật đản sinh, thầy có thể nói về một số tiết mục trong chương trình?


Đại đức Thích Minh Hiền:
Tất cả có 12 tiết mục. Chương trình "Hương sen màu nhiệm" sẽ bắt đầu với tác phẩm “Tán-Pháp vương vô thượng tôn” do nhóm các Tăng, Ni trường Trung cấp Phật học Hà Nội biểu diễn. Dàn dựng tác phẩm là Đại đức Thích Minh Xuân và bản Hợp xướng “Thế Tôn ca” của nhạc sĩ-Phật tử Trần Mạnh Hùng với phần trình diễn của Dàn hợp xướng nam nữ.

Trong chương trình còn có phần trình diễn của hai cha con nhạc sĩ, ca sĩ- Phật tử Anh Quân (Tên pháp danh Quảng Minh) và Anna (pháp danh Diệu Hòa)- những thành viên trong một gia đình Phật tử thuần thành, đã có nhiều đóng góp cho những chương trình nghệ thuật Phật giáo nói riêng và âm nhạc đương đại Việt Nam nói chung. 

Đặc biệt có phần giao lưu với đạo diễn Việt Tú, người đã đạo diễn, thiết kế nên đêm nhạc “Hương sen màu nhiệm.” Việt Tú là một trong những nghệ sĩ đầu tiên tham gia dàn dựng cả 3 chương trình nghệ thuật Phật giáo gần đây: Đại lễ Vesak 2008, Hương sen màu nhiệm 2010 và đêm nay- Hương sen màu nhiệm 2011.

Tiếp đến là một tiết mục đặc sắc do dàn kèn của các sư cô chùa Phù Nghì-Tây Thiên trình diễn-Tác phẩm “Kim Cương Thừa Cúng Dàng.” Đó chính là một tác phẩm lễ nhạc với các nhạc khí đặc biệt, chỉ được dùng trong các nghi lễ Mật giáo thuộc dòng Mật Tạng. Trong chương trình Hương Sen màu nhiệm màu nhiệm lần này, ca sĩ Tùng Dương sẽ hát ca khúc “Ánh Đạo Vàng” của Minh Trí.

Và còn nhiều các tiết mục đặc sắc dâng lên Đức Thích Ca mầu Ni- Đức Từ phụ của các Phật tử đã ra đời cách đây hơn 25 thế kỷ. Và Ngài đã khơi mở tuệ giác, chỉ bày con đường hạnh phúc cho hết thảy chúng sinh.

 – Xin trân trọng thành kính cảm ơn thầy!