Trang chủ Tin tức Phật tử Hà Nội háo hức đón Đại lễ Phật đản Liên...

Phật tử Hà Nội háo hức đón Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008

70

Bác Lan dự định sẽ mời quý Thầy làm lễ an vị đúng vào ngày khai mạc Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008, mặc dù quý thầy rất bận trong ngày này. Khi được hỏi tại sao không làm lễ vào dịp khác, bác Lan cho biết: “Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam là một sự kiện hy hữu nên bác muốn kính mừng Đại lễ bằng cách này”.


Khi lễ an vị Phật kết thúc, cả gia đình sẽ có bữa cỗ chay do chính tay bác và cô con dâu trưởng nấu. Bác Lan muốn việc kính mừng Đại lễ Phật đản sẽ trở thành một nét văn hóa mới trong gia đình.



Bác Lan cũng rất vui khi cảm nhận không khí Phật đản đang tràn ngập phố phường Hà Nội, một không khí chưa từng xuất hiện từ trước tới nay. Trên tuyến đường cửa ngõ thủ đô như Phạm Văn Đồng, Giải Phóng hay các tuyến phố trung tâm như Nguyễn Chí Thanh, Tràng Thi, Lê Thái Tổ, Trần Hưng Đạo… quanh các công viên hay hồ lớn như công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, hồ Gươm, hồ Tây…, đâu đâu cũng xuất hiện băng rôn, pano, áp phích, cờ Phật, bóng bay lớn chào mừng Đại lễ Phật đản.


Khuôn viên Trung tâm Hội nghị quốc gia, nơi tổ chức các hoạt động của Đại lễ cũng tràn ngập sắc màu Phật đản. Các ngôi chùa trong thành phố, dù lớn hay nhỏ đã được trang hoàng trang nghiêm mà lộng lẫy, ấn tượng.


Bác Quốc, một sĩ quan quân đội nghỉ hưu đang tập thể dục buổi sáng tại Hồ Gươm nhận xét “Công tác tuyên truyền, quảng bá Đại lễ được thực hiện rất tốt. Người dân thủ đô bình thường đã bắt đầu cảm nhận được không khí Đại lễ trên đường phố, hay trên truyền hình.”


Không chỉ trang hoàng ở nơi công cộng, một số tư gia Phật tử Hà Nội cũng đã bước đầu mạnh dạn treo cờ Phật giáo. Đó cũng là một nét tích cực trong Đại lễ năm nay và hi vọng sẽ được duy trì và phát huy trong những năm tới.


Cô Hương, quê gốc ở TP. Vinh (Nghệ An) đã chọn dịp này để dẫn người thân đến chùa Quán Sứ lễ Phật trong đó có anh Nguyễn Trọng Chiến, đang là nhân viên của MB Bank, người lần đầu tiên chính thức đến với cửa chùa, đến với đạo Phật, mặc dù anh đã từng học Triết học Phật giáo tại giảng đường đại học. Anh nói: “Phật giáo đã vào Việt Nam từ rất lâu đời, ông bà tổ tiên đã theo Phật, và có thể nói Phật giáo là một tôn giáo của đất nước, của dân tộc mình.”



Bác Hương, anh Chiến (từ trái sang) trong chính điện chùa Quán Sứ


Vì vậy, anh cho rằng việc Chính phủ và Giáo hội Phật giáo tổ chức Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần này “là dịp để người dân hướng về Phật giáo nhiều hơn, hiểu rõ những giá trị cao đẹp của Phật giáo hơn, nhất là trong bối cảnh kinh tế thị trường đầy cạnh tranh và áp lực.”


Bác Lê Thị Minh Đức, trú tại phố Kim Liên giáo viên nghỉ hưu lại rất quan tâm đến những vấn đề được bàn tới trong dịp Đại lễ Phật đản. Bác mong thông qua các hoạt động của Đại lễ, đặc biệt là các buổi hội thảo, các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ban ngành, đặc biệt là ngành giáo dục và người dân sẽ nhận thức rõ hơn về vai trò của Phật giáo trong việc giữ gìn đạo đức xã hội, nề nếp cha ông.



Bác Minh Đức (trái) và bạn đạo


Từ ngày mùng một tháng tư tới nay, ngày nào bác cũng nhất tâm cầu nguyện để Đại lễ được thành tựu. Bác cũng mua cờ Phật, bóng bay để trang trí nhà cửa trong dịp Phật đản.


Mỗi người dân thủ đô, dù theo đạo Phật hay không đều có cách suy nghĩ, cảm nhận hay hành động riêng hướng về Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Việt Nam, nhưng tất cả đều mong Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần này thành tựu viên mãn và gieo duyên lành để Phật giáo thực sự trở thành nguồn mạch tâm linh của người Hà Nội nói riêng, dân tộc nói chung.