Trang chủ Tu học Pháp thoại Phật tử đi chùa thế nào cho đúng?

Phật tử đi chùa thế nào cho đúng?

150

Hiện nay có nhiều Phật tử chưa hiểu được rõ ràng về sự lễ lạy cầu nguyện, cho nên đi chùa thường khấn vái lung tung, cầu xin đủ thứ, mà không am hiểu về Phật – Pháp – Tăng (Tam bảo) thì sự khấn vái và cầu xin đó không đúng với giáo lý nhà Phật! Cần phải hiểu rằng đức Phật là một vị chân tu đắc đạo Niết Bàn. Ngài không ban phát, mà chỉ khai thị, đưa đường chỉ lối cho chúng sinh biết cách tu hành, giác ngộ Phật Pháp hướng tới Niết Bàn. Vì thế đức Thế Tôn mới nói: “Ta là Phật đã thành, chúng sinh là Phật sẽ thành!”. Vì vậy, CLB Hà Nội 14 Chữ đã tổ chức buổi pháp thoại với chủ đề “Đi chùa thế nào cho đúng?” nhằm giúp các Phật tử trẻ hiểu được tác dụng của việc bố thí, cúng dường; hiểu nguyên lý Nghiệp (báo), Duyên (khởi) và quy luật Nhân quả,…

Untitled
 Đại Đức Thích Nhật Đạo (Chùa Trúc Lâm, Đồng Nai) chia sẻ trong buổi Pháp thoại “Đi chùa thế nào cho đúng?”

Mục đích của việc đi chùa?

Trên thực tế, có nhiều người làm ăn thất bại mới nghĩ đến việc đi chùa cầu may mắn, cầu thành đạt. Cũng có những người chỉ đến chùa khi nhà có người mất. Hoặc cũng có những người chỉ đến chùa vì theo phong trào, theo bạn bè… Chúng ta đến chùa với nhiều cách khác nhau. Cách nào cũng được, tuy nhiên những người đến chùa vì những mục đích cá nhân vô hình chung khiến chúng ta đi trái lại với nền giáo lý nhà Phật. Ví dụ như đối với những người đi chùa cầu làm ăn phát đạt, nếu cầu được thì không sao, nhưng nếu họ không cầu được ắt sẽ sinh chán nản, đau khổ, thậm chí không còn tin tưởng vào đức Phật nữa. Việc phát nguyện đến chùa với lòng cầu khẩn theo như giáo lý nhà Phật là giúp chúng ta tìm được niềm an vui, hạnh phúc trong cuộc sống chứ không phải đem đến sự đau khổ. Hễ ai đến chùa vì một nhu cầu nào đó thì chưa phải là đi chùa đúng cách. Người nào đến chùa đem về niềm an vui đến với mọi người, không suy nghĩ nhiều, tâm không bất an thì đó mới là người đi chùa đúng cách. Ngôi chùa không phải là nơi đến để cầu xin điều gì đó mưu lợi cho bản thân mình mà là nơi gửi gắm nỗi buồn, nỗi đau khổ và tìm về với niềm an vui, hạnh phúc cho riêng mình.

2 (Copy)
 Toàn thể đại chúng lắng nghe trong sự tĩnh lặng và niềm vui hoan hỷ

Chúng ta sinh ra trên cõi đời này, mục đích sống của chúng ta là gì? Đó là câu hỏi không dễ dàng trả lời. Chúng ta có thể trả lời rằng chúng ta sống và làm việc để kiếm tiền, có tiền rồi thì sẽ chi tiêu. Cuộc sống cứ diễn ra như vậy cho đến khi chúng ta già, có bệnh và lo lắng tìm cách chữa trị. Người ta thường nói khi còn trẻ ta chưa có tiền nhưng lại có sức khỏe, đến khi già rồi ta dùng tiền mua sức khỏe cho chính bản thân mình. Như vậy mục đích sống của chúng ta không hề rõ ràng, có bao nhiêu thứ bủa vây xung quanh, làm cho cuộc đời chúng ta tồn tại hai từ Lợi và Danh. Hai từ đó chính là hai yếu tố hình thành nên cuộc sống. Không có chúng, cuộc sống xã hội sẽ khó có thể phát triển được. Có khi chúng ta phải phấn đấu cả đời mới đạt được hai từ lợi và danh đó, nhưng vô hình chung chúng ta đã đánh mất đi những thứ quý giá hơn chúng rất nhiều. Thứ quý giá ấy có thể là gia đình, là tình cảm, là thứ không thể dùng tiền mà mua được. Vì vậy mục đích sống hay cuộc sống hàng ngày của chúng ta chưa được phân định rõ ràng.

Đức Phật có 32 Tướng tốt và 80 vẻ đẹp. Khi ta đến các ngôi chùa, ta đều nhìn thấy một điều rằng, nét mặt trên các bức tượng Phật đều là nét cười. Phật luôn thường trực trên môi một nụ cười. Mục đích chúng ta đến chùa đảnh lễ chính là để học tập 32 Tướng tốt và 80 vẻ đẹp của Phật, từ đó chúng ta sẽ thực tập lại, tự trang nghiêm lại bản thân, bỏ đi những cái chưa đẹp đẻ có được những điều an nhiên.

3 (Copy)
Các Phật tử chăm chú lắng nghe 

Ý nghĩa của ngôi chùa?

Việc lạy Phật là tỏ lòng thành kính, tôn trọng và giảm bớt sự kiêu căng của bản thân. Chùa là nơi chứa tất cả những đau khổ của cuộc đời nhưng đồng thời cũng giải hóa hết tất cả phiền não, đau khổ ấy cho mọi người. Chùa có tác dụng trực tiếp hướng dẫn con người hướng thiện. Nền luân lý đạo đức của Phật giáo dạy người Phật tử phải ăn ở hiền lành. Năm giới cấm của người Phật tử tại gia, đó là 5 nguyên lý đạo đức căn bản mà người Phật tử phải giữ gìn cẩn thận. Ðồng thời phải ý thức và áp dụng lý nhân quả vào đời sống. Có thế thì người Phật tử mới tránh được những điều tội lỗi. Ðó là hướng tiến thăng hoa đạo đức của người Phật tử trong việc tu thân tề gia và đem lại nhiều lợi ích cho nhân quần xã hội. Thử hỏi được thế do đâu? Nếu không có ngôi chùa, thì làm sao người Phật tử có thể quy tụ công phu thực tập tu học? Do đó, chùa mang ý nghĩa nuôi dưỡng đời sống tâm linh và đóng góp xây dựng nếp sống đạo đức hiền hòa cao đẹp cho con người theo chiều hướng thánh thiện. Ðồng thời, cũng đáp ứng được những nhu cầu tín ngưỡng, thờ phụng, lễ bái, tu học, sinh hoạt xã hội của mọi tầng lớp dân chúng.

4
Phật tử Khả Anh thay mặt đại chúng tri ân công đức Đại Đức giảng sư

Cúng dường thế nào cho đúng?

Tất cả những người đem lòng cúng dường thanh tịnh, không hề có bất kỳ mục đích gì thì đó mới chính là sự công đức. Câu chuyện về bà Thanh Đề và đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ tát chính là một minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất cho việc cúng dường thế nào cho đúng. Bà Thanh Đề là mẹ của ngài Mục Kiền Liên. Bà tính tình tham lam , độc ác, không tin vào Tam Bảo, tạo ra nhiều tội lỗi nặng nề, gây ra nhiều “nhân” xấu nên khi chết chịu “quả” ác, bị đày vào ác đạo, sinh làm ngài ngạ quỷ, đói khát triền miên trong đại địa ngục. Còn ngài Mục Kiền Liên là một trong những đại đệ tử của Đức Phật, tài giỏi hàng đầu về thần thông. Trước khi trở nên ác độc, tham lam, bà Thanh Đề là một người đã tin vào Phật. Hàng ngày, dù cuộc sống nghèo khó nhưng bà vẫn chịu khó đi mót lúa, làm đầy một lon gạo và hàng ngày mang đến cúng dường đức Phật. Nhưng lòng tốt cúng dường chư Phật của bà bị 2 chú tiểu coi thường (vì cứ nghĩ 1 thí chủ nào đó sang trọng lắm khi thầy dặn hôm nay đón tiếp 1 vị thí chủ) cho nên bà Thanh Đề đã bị nỗi sân hận xâm chiếm và đổ gạo cúng dường xuống đất, lấy chân đạp lên. Bà còn thề sẽ không bao giờ tin vào Tam Bảo, tin vào đức Phật nữa. Như vậy, việc cúng dường không quan trọng giàu, nghèo, nhiều hay ít mà quan trọng là tâm phải thanh tịnh thì sẽ có được thứ mà chúng ta mong muốn.

Nhiều phật tử khi cúng dường thường mang tâm lý tham lẫn. Lấy ví dụ trường hợp đệ tử mua một cái chuông thật đắt tiền để cúng dường sư phụ, sau đó cứ mỗi lần đến chùa lại cứ nhấp nhổm nhìn xem sư phụ có dùng cái chuông của mình hay không, có thích nó hay không. Nếu sư phụ mang chuông tặng cho người khác, chắc chắn trong bụng sẽ không vui, nghĩ sao cái chuông mình tặng mà Thầy lại nỡ lòng đem cho người khác. Tất cả mọi trạng thái tâm lý này rất quen thuộc với chúng ta, mặc dù đã cúng dường nhưng vẫn tiếp tục giữ làm của mình, không xả được tâm lý tiếc lẫn. Chính tâm lý tiếc lẫn này sẽ khiến công đức bị chiết giảm trầm trọng, thậm chí không còn công đức gì lại còn tạo thêm ác nghiệp.

5 (Copy)
Cuối buổi pháp thoại là bức ảnh kỷ niệm của ĐĐ Thích Nhật Đạo cùng các Phật tử 

Sau khi dành thời gian chia sẻ với đại chúng tại buổi Pháp thoại với các chủ đề thiết thực và ý nghĩa dành cho người Phật tử khi đến chùa, Đại Đức Thích Nhật Đạo đã trả lời các câu hỏi vấn đáp của Phật tử tham dự với nhiều câu hỏi mang tính chất cơ bản nhưng thiết thực trong đời sống hiện tại và quá trình tu tập của các Phật tử tham dự. Khép lại chủ đề “Đi chùa thế nào cho đúng?” Đại Đức giảng sư cho biết “Phật giáo luôn đề cao chữ tâm, chữ thiện nên việc đi chùa lễ Phật là cốt yếu ở tâm thành và hướng thiện. Đã là Phật tử khi vào chùa lễ Phật nên hiểu qua nghi thức và giáo lý đạo Phật để hướng thiện, sống đẹp đạo tốt đời. Đây là việc nên làm của một người Phật tử chân chính”. Toàn thể đại chúng đã yên tĩnh lắng nghe trong niềm hoan hỷ tự chân tâm.

Mỹ Hạnh Thiện