Trang chủ Diễn đàn Phật tử có nên ủng hộ Truyền hình An Viên?

Phật tử có nên ủng hộ Truyền hình An Viên?

95

Chúng tôi thấy cần tiếp tục viết về đề tài này cho đến khi kênh Truyền hình Phật giáo Việt Nam thực sự hình thành, mỗi Phật tử đều thu xem hàng ngày, phát huy tác dụng hoằng pháp, hỗ trợ tu tập, trở thành một công cụ hữu hiệu để xương minh đạo Phật.

Hiện nay, kênh truyền hình An Viên trong hệ thống AVG mới chỉ là một kênh văn hóa mang ảnh hưởng Phật giáo. Tuy nhiên, dải giờ Phật giáo vào giờ vàng truyền hình (từ 19g đến 21g) đã là những cố gắng đầu tiên rất đáng khích lệ trong chặng đường xây dựng kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam. Lần đầu tiên xem được hình ảnh những ngôi chùa Việt quen thuộc, hình ảnh chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo Việt Nam, hình ảnh những dòng kinh Pháp cú dịch nghĩa lục bát… trên màn ảnh TV qua một kênh truyền hình, sáng và rõ nét với công nghệ HD tiên tiến, chúng tôi hết sức xúc động.

Cứ như thế, hàng ngày, những bản tin Phật sự, những video clip giới thiệu chùa chiến, những bộ phim tài liệu về những thánh tích Phật giáo thu hút người xem là Phật tử như tôi.

Có được một bước khởi đầu như thế thật không phải là điều dễ dàng. Tôi không nghĩ là mong mỏi của mình đã bước đầu trở thành hiện thực nhanh chóng đến thế. Trên thế giới, truyền hình Phật giáo chuyên biệt chỉ mới có ở 4 nước và lãnh thổ là Sri Lanka, Thái Lan, Hàn Quốc và Đài Loan. Còn lại, một số ít nước như Campuchia, Lào có giờ Phật giáo trên các kênh truyền hình tổng hợp. Tuy nhiên, chỉ có 2 nước Thái Lan và Đài Loan kênh truyền hình Phật giáo là kênh quảng bá, còn kênh ở Sri Lanka, Hàn Quốc thì phát giới hạn trong các hệ thống truyền hình trả tiền.

Có người còn băn khoăn vì sao An Viên lại là một kênh truyền hình trả tiền, trên một hệ thống riêng mà không phải là một kênh phát rộng rãi, hay có trên các hệ thống truyền hình cáp, để khán giả khỏi tốn kém, phiền phức lắp đặt thuê bao một hệ thống truyền hình mới. Thực ra, chúng tôi nghĩ đặt An Viên trên một hệ thống riêng rẽ, phát theo cách thức như AVG đang phát là một lựa chọn bắt buộc, không có cách nào khác, của những người ôm ấp hoài bão về một kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam.

Làm một kênh truyền hình, từ khâu sản xuất chương trình, cho đến khi đưa được hình ảnh đến được với khán giả, là việc khó khăn và tốn kém vô cùng. Ở Thái Lan, Đài Loan, các kênh truyền hình Phật giáo có thể phát quảng bá vì do chính các tổ chức hội đoàn Phật giáo thực hiện, với nguồn kinh phí do hiến cúng, tài trợ. Hoàn cảnh xây dựng kênh An Viên có khác. Nguồn thu tài chính hiến cúng như thế không thể có.

Mà chưa nói đến chi phí sản xuất chương trình, ở ta, các kênh liên kết phát trên hệ thống cáp phía nhà đài phải tốn cho đơn vị truyền dẫn phát sóng hàng vài chục tỷ đồng mỗi năm. Cứ theo những hướng khác, thì có lẽ, kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam chỉ là một mơ ước xa vời.

Nhưng điều may mắn là Phật giáo Việt Nam lại có một đại thí chủ có ý định phát triển hoạt động trên lĩnh vực truyền hình. Vì vậy, nên mới có được kênh An Viên bước đầu với dải giờ Phật giáo như hiện nay chúng ta đang được xem.

Tuy việc xây dựng kênh An Viên có nhiều thuận lợi, phát sóng bằng những công nghệ truyền hình tiên tiến nhất, nhưng cũng phải thấy hệ thống truyền hình mà kênh An Viên đặt trong đó được triển khai trong bối cảnh cạnh tranh hết sức khó khăn. Hệ thống truyền hình trả tiền đã được triển khai đều khắp ở Việt Nam với khá nhiều đơn vị cung cấp dịch vụ như VTC, K+, SCTV, VCTV,… và nhiều đơn vị liên kết với các đài truyền hình địa phương. AVG bước chân vào một thị trường cạnh tranh gay gắt, căng thẳng. Tại các thành phố lớn, khán giả hầu như đều đã sử dụng một dịch vụ truyền hình trả tiền nào đó. Triển khai sau thì đương nhiên là không thể không chật vật.

Hệ thống AVG, với khả năng kỹ thuật cụ thể, trước mắt chưa có số lượng kênh vượt trội những hệ thống truyền hình trả tiền đã có để có thể cạnh tranh thật hiệu quả. Vì vậy,  đưa được đến khán giả hình ảnh của kênh truyền hình An Viên có dải giờ Phật giáo như chúng ta đang xem là một cố gắng hết sức lớn lao của người thực hiện, phải vượt qua nhiều khó khăn và trước mặt vẫn còn nhiều khó khăn nữa chồng chất.

Mục tiêu mỗi Phật tử đều xem được kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam thực sự vẫn còn xa đối với những người mong mỏi.

Có thể dải giờ Phật giáo thời lượng các chương trình Phật giáo trênh kênh An Viên còn ít, chất Phật giáo trong nội dung chưa đậm đà sâu lắng, còn có chương trình Phật giáo chưa đáp ứng được yêu cầu của khán giả, nhưng những điều mà những người thực hiện kênh truyền hình An Viên làm được cho mục tiêu một kênh truyền hình Phật giáo Việt Nam đã là một bước khởi đầu đầy ấn tượng và đáng trân trọng.

Trên hết vì mục tiêu hoằng pháp, Phật tử chúng ta hãy ủng hộ kênh truyền hình An Viên, thu xem, đóng góp ý kiến xây dựng để kênh An Viên tiếp tục phát triển, hoàn thiện ngày càng nhiều chương trình Phật giáo có chất lượng, đáp ứng lòng kỳ vọng của Tăng Ni Phật tử về một kênh truyền hình đậm đà chất Phật giáo Việt Nam.