1. Chỉnh đốn cơ cấu bộ máy tổ chức song hành với việc chọn người “tài đức” đảm trách Phật sự Giáo hội là vấn đề cần nên làm. Hiện nay, từ Trung ương đến các tỉnh thành địa phương có quá nhiều Ban ngành nhưng thực sự với số lượng công việc thì không nhiều, xác nhập một số Ban lại với nhau nhằm đơn giản bớt bộ máy Giáo hội.
Đẩy mạnh đặc biệt vai trò trách nhiệm cho mỗi Ban là điều cần thiết. Ban Tăng sự là Ban cần phải nêu cao chức năng hoạt động, có quyền quyết đoán về việc Bổ nhiệm trụ trì, tấn phong, tổ chức giới đàn truyền, thụ giới cho tu sĩ và cư sĩ v.v…
Cũng có người lý giải làm việc Giáo hội không lương nên có nhiều Ban cũng không sao, nhưng thực chất quá nhiều Ban, không có người đảm nhiệm nên phần lớn là kiêm nhiệm hoặc có người nhưng không đam mê trách nhiệm với công việc, tham gia cho có lệ suốt nhiệm kỳ 5 năm không hoạt động.
Nếu mãi như vậy tổ chức Giáo hội sẽ mất dần uy tín. Hiện nay, dư luận xã hội cho hay, có nơi một số vị có quyền thế trong Giáo hội khi giải quyết công việc hành chánh còn thiếu khách quan, nhũng nhiễu làm mất thanh danh của Đạo Phật. Nên việc chọn người “tài đức” là cần thiết và quan trọng nhất.
2. Nên chăng, cần có quy định, độ tuổi công tác và số lượng nhiệm kỳ cho nhân sự lãnh đạo Giáo hội Trung ương cũng như tỉnh thành địa phương và các Ban ngành v.v…, không giống thế tục, nhưng ít ra cũng phải có quy chế rõ ràng.
Lâu nay không có quy định nên chúng ta thường vắt hết sức lực của những vị tôn túc, lẽ ra những vị ấy là cây cao bóng cả hàng tu sĩ trẻ cần nên bảo dưỡng để làm thạch trụ nương tựa. Tuổi đời ngoài 70 mà vẫn còn lao lực, lao tâm thì sức đâu mà sống thọ.
Có thể hơi phạm thượng, nhưng đây là góp ý nên phải nói hết lời, chư tôn túc cũng cần mạnh dạn sử dụng lớp trẻ để tu rèn kinh nghiệm, xây dựng lớp kế thừa đó cũng là nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với tương lai của Phật giáo.
3. Ngày nay, người xuất gia ngày một đông nhiều, nếu việc tổ chức tấn đàn thọ giới mà không thi cử nghiêm túc thì chất lượng hành giả xuất gia sẽ bị giảm sút, số lượng nhiều nhưng chất lượng kém thì sẽ đi lại con đường của cuối thời nhà Trần, hậu Lê v.v…
Tổ chức giới đàn nên do Trung ương quyết định đứng ra tổ chức phân vùng một năm 3 kỳ, cho 3 miền Nam –Trung – Bắc, quy định quy chế, độ tuổi và thi cử chặt chẽ, những vị lớn tuổi xuất gia nên cho làm tịnh nhơn, hạn chế việc tấn đàn, nên chăng tấn đàn Sa di Bồ tát là đủ, trừ trường hợp đặc biệt.
Đầu vô và ra của Học viện và các trường trên khắp cả nước còn lỏng lẽo, nên văn bằng tốt nghiệp Cử nhân, Cao đẳng, Trung cấp Phật học v.v… chưa có giá trị cao. Người xuất gia ngồi ghế nhà trường hơn 10 năm, nhận đủ bằng cấp, lỡ hết duyên với Tam bảo hoàn tục xem như không có gì cả.
4. Việc bổ nhiệm trụ trì cần quy định phải có ý kiến của Bổn sư, người nuôi dưỡng người đệ tử ấy, xem ý kiến vị Bổn sư là cần thiết. Vì chính người đó nuôi dạy đệ tử của mình nên rõ đương sự đó hơn ai hết. Cũng để tránh đệ tử bỏ chùa ra đi người khác nhận vào vài tháng cho đi trụ trì, đến ở không hòa hợp được tín đồ, Phật tử địa phương, ở không được về chẳng biết về đâu, thậm chí có người mang hình bóng tu sĩ mà vẫn nói nên lời thề thốt đòi tự vẫn. Chúng tôi nghĩ rằng, những người như vậy Giáo hội nên xem xét quyết định cho hoàn tục sớm.
5. Việc mở Trường Phật học, nên chăng phân vùng, vài ba tỉnh mở một trường, nếu mở Trung cấp thì không mở Cao đẳng và ngược lại. Hiện nay, chỉ có lớp Cao đẳng trực thuộc trường Trung cấp phần lớn là như vậy, nơi nào có điều kiện nên mở Phật học viện cho Tăng Ni sinh nội trú có điều kiện tu học, giảm bớt lưu trú tại các tự viện tham gia cúng đám bỏ giờ, bỏ tiết làm mất hiệu năng của ngành giáo dục.
Giáo hội nên tạo nguồn kinh phí lớn để có điều kiện thuyên chuyển những vị Tăng Ni đã học xong Đại học, tiến sĩ v.v… có tinh thần đam mê công tác giáo dục lưu trú tại trường giảng dạy và điều hành công tác giáo dục.