Trang chủ Tu học Phật tánh giữa những khủng hoảng của cuộc đời

Phật tánh giữa những khủng hoảng của cuộc đời

Phật tánh là chủ đề chính của Kinh Đại Bát Niết Bàn do ngài Đàm Vô Sấm (385 – 433) mang qua Trung Hoa và dịch. Phật tánh cũng là chủ đề chính của Phật tánh Luận của Bồ tát Di Lặc, được dịch sang tiếng Hán và tiếng Tây Tạng (đã được dịch sang tiếng Anh).

1/ Phật tánh là nền tảng chung của tất cả ba thừa

Niết bàn là một từ được dùng trong các kinh thuộc hệ Pali Nam truyền để chỉ thực tại tối hậu. Trong hệ Sanskrit Bắc truyền lại thường dùng chữ Phật tánh thay cho chữ Niết bàn. Trong bài này chúng ta chỉ nói sơ qua về vài điểm khác biệt giữa hai quan niệm về thực tại tối hậu được diễn tả ở Nam truyền là Niết bàn và ở Bắc truyền là Phật tánh.

Kinh Đại Bát Niết Bàn hệ Bắc truyền nói rằng Phật tánh chính là Niết bàn:

“Do ba quy y nên được an vui. Được an vui tức là chân giải thoát. Chân giải thoát tức là Như Lai. Như Lai tức là Niết bàn. Niết bàn tức là vô tận. Vô tận tức là Phật tánh. Phật tánh tức là quyết định. Quyết định tức là Vô thượng Chánh giác”.

(Phẩm Tứ tướng)

Phật tánh dàn trải và làm nền tảng chung cho cả ba thừa:

“Thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát cũng vậy, thảy đều đồng một Phật tánh, như sữa kia vậy. Tại sao thế? Vì đồng hết sạch phiền não.

Những người phàm phu có lòng nghi đối với Ba Thừa: tại sao không khác nhau? Các chúng sanh ấy lâu về sau mới tự hiểu rằng cả ba thừa đồng một Phật tánh, như người kia tỉnh ngộ hiểu ra rằng các tướng khác nhau của sữa (váng sữa, lạc, đề hồ…) là do nhân duyên nghiệp báo.

Thiện nam tử! Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát cũng thế, đều thành tựu một Phật tánh đồng nhất. Vì sao thế? Vì dứt trừ phiền não như khoáng vàng kia trừ bỏ những chất cặn bẩn. Vì nghĩa ấy nên tất cả chúng sanh đồng nhất Phật tánh, chẳng có chút gì sai khác”.

(Phẩm Như Lai tánh)

Phật tánh là nền tảng chung, đồng nhất cho tất cả ba thừa. Như thế tất cả các pháp môn dầu hình tướng thấy có vẻ khác biệt nhau nhưng đều phát xuất từ một nền tảng đồng nhất để đi đến một kết quả đồng nhất là Phật tánh không còn bị che mờ, Phật tánh hoàn hảo.

Nói theo Đại Ấn và Đại Toàn Thiện, Nền tảng là Phật tánh, Con đường đi trên và trong Phật tánh, Quả là Phật tánh đã khai mở hoàn toàn.

Khi thấy rằng các tướng khác nhau của sữa thật ra đều là sữa, đồng nhất là sữa, đây là bắt đầu thấy Phật tánh đồng nhất. Khi thấy rằng khoáng vàng dầu còn cặn bẩn thì vẫn chính là vàng, đây là bắt đầu thấy ra và kết nối với Phật tánh nền tảng đồng nhất cho cả ba thừa.

Vậy thì tại sao không dùng chữ Niết bàn, mà lại dùng thêm chữ Phật tánh. Ở đây chỉ nêu lên một điểm khác biệt: Phật tánh cho chúng ta cảm giác gần gũi, thân thiết hơn. Chẳng hạn, một câu được lập đi lập lại nhiều lần trong kinh, “Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh” thay cho câu chưa từng được nói, “Tất cả chúng sanh đều có Niết bàn”.

2/ Tất cả chúng sanh vốn sẳn có Phật tánh

Phẩm Như Lai tánh nói tiếp:

“Thiện nam tử! Phật tánh của chúng sanh lại cũng như vậy. Tất cả chúng sanh chẳng thể thấy được, như kho báu của mình mà người đàn bà nghèo khó kia chẳng có hay biết.

Thiện nam tử! Nay ta chỉ bày rằng tất cả chúng sanh đều vốn sẳn có Phật tánh, chỉ vì bị các phiền não che lấp, như người nghèo khó kia sẳn có kho vàng ròng nhưng không thể thấy. Ngày nay Như Lai chỉ khắp cho chúng sanh kho báu tánh giác của họ, đó là Phật tánh. Các chúng sanh thấy Phật tánh rồi, tâm sanh hoan hỷ, quy ngưỡng Như Lai. Người đàn bà nghèo khó ấy là tất cả vô lượng chúng sanh. Kho vàng ròng ấy tức là Phật tánh”.

Không những Ba Thừa có chung một Phật tánh đồng nhất mà tất cả chúng sanh đều có chung một Phật tánh đồng nhất ấy. Chính nhờ Phật tánh đồng nhất này mà chúng sanh có thể thành Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ tát và Phật.

Tin rằng mỗi người đều đang vốn sẳn có Phật tánh, và khai mở, thực hành Phật tánh ấy thì sẽ đưa đến giải thoát, giác ngộ, đây là ba quy y chân thật.

“Đức Phật bảo Bồ tát Ca Diếp: Nay ông chẳng nên như hàng Thanh Văn và hàng phàm phu phân biệt ba ngôi Tam Bảo. Nơi Đại thừa đây không có ba tướng quy y sai khác, vì trong Phật tánh vốn có Pháp và Tăng…

Bồ tát Ca Diếp bạch Phật: Thế Tôn! Nay con cũng sẽ rộng vì chúng sanh hiển dương Như Lai tạng (Phật tánh) bí mật như thế, con cũng sẽ chứng biết chỗ ba quy y chân thật.

Nếu có chúng sanh nào có thể tin kinh Đại Bát Niết Bàn như vậy, người đó ắt có thể tự nhiên thấu rõ chỗ ba quy y. Vì sao thế? Như Lai tạng bí mật vốn có Phật tánh. Có người nào tuyên nói kinh điển này đều nói trong thân có sẳn Phật tánh”.

(Phẩm Như Lai tánh)

Ba quy y chân thật là quy y Phật tánh, vì Phật tánh có đủ và có sẳn chỗ ba quy y, Phật Pháp Tăng. Đối với giáo lý Mật thừa của Ấn – Tạng, sự việc gì cũng có ba nghĩa: nghĩa bên ngoài, nghĩa bên trong và nghĩa bí mật. Ở đây “ba chỗ quy y chân thật là Phật tánh” vốn có sẳn nơi mỗi chúng sanh, đây là quy y theo nghĩa bên trong.

3/ Phật tánh chẳng hề xa lìa mỗi người

Ngài Tai Situpa Thứ 12 Tây Tạng có viết cuốn sách “Đánh thức vị Phật đang ngủ” (Awakening the Sleeping Buddha,1996), cho thấy rằng Phật tánh là vị Phật đang ngủ mà chúng ta phải đánh thức để cuộc đời chúng ta có chỗ nương tựa, có chỗ quy y và từ đó nở hoa cho mình và cho xã hội.

Đánh thức nghĩa là vị Phật, Phật tánh đang ngủ trong mỗi chúng ta. Phật tánh không ở ngoài, ở xa chúng ta.

Ngài Trần Nhân Tông nói trong Cư trần lạc đạo phú:

Vậy mới hay

Bụt ở trong nhà

Chẳng phải tìm xa

Nhân khuấy bổn (quên gốc) nên ta tìm Bụt

Đến cốc (biết) hay chỉn Bụt là ta.

(Hội thứ năm)

Vậy cho hay

Cơ quan tổ giáo

Tuy khác nhiều đàng,

Chẳng cách mấy gang.

(Hội thứ chín)

Phật tánh ấy vốn ở trong căn nhà thân thể của ta, và nó chẳng cách mấy gang tay.

Có niềm tin vào Phật tánh hay Như Lai tạng, cái thực thể bất tử luôn luôn hiện diện ở nơi ta và dùng cuộc đời mình để khai mở nó trọn vẹn, đây là tất cả con đường Phật giáo. Đây là con đường tự giác – giác tha.

4/ Phật tánh giữa những khủng hoảng của cuộc đời

Cuộc đời từng người cho đến xã hội luôn luôn gặp những khủng hoảng. Tiến bộ luôn tạo ra những khủng hoảng, khủng hoảng của cái cũ vì phải thay đổi, thậm chí phải bỏ lại một số cái không còn cần thiết.

Chỉ tính riêng từ tuổi thiếu niên đến tuổi thanh niên, người ta ai cũng gặp khủng hoảng của tuổi dậy thì, khi thân thể thay đổi và có những hiện tượng mới xuất hiện; khủng hoảng khi thấy mình thua chúng kém bạn ở một số mặt nào đó; khủng hoảng vì thi cử; khủng hoảng trong gia đình, bạn bè, tình yêu… Đó là chưa kể đến những bất hạnh mình chịu mà người khác không chịu, có thể gọi là những sự việc kém may mắn.

Những áp lực của cuộc sống đè nặng lên tâm hồn thanh niên mà không giải quyết được sẽ thành những chấn thương trong tâm hồn: stress, chán đời, sống buông thả không định hướng, mặc cảm, trầm cảm, có khi đi đến tự tử. Thế nên trong những sách ‘Học làm người’ của thời hiện tại, người ta viết nhiều về “chữa lành”, “phát triển con người”, “self-help”…

Nếu có niềm tin vào Phật tánh bất tử ở nơi mình như là nền tảng bất biến trên đó cuộc đời cá nhân được thiết lập, người ta có thể vượt qua những khó khăn, “ổ gà” dằn xóc của cuộc đời tuổi trẻ. Phật tánh như một cột trụ chống đỡ cho những biến đổi không ngờ của cuộc đời; như một kim la bàn cho con người có khi lạc hướng. Với Phật tánh, người ta có thể giải quyết những khó khăn của đời mình, nhờ gia đình, nhờ các vị thầy hướng dẫn và nhờ tập thể mình sinh hoạt. Tự giúp đỡ và nhờ người khác giúp đỡ dựa vào đâu? Dựa vào nền tảng Phật tánh từ đó phát sanh cuộc đời với những may mắn và những bất hạnh của mình. Và Phật tánh không chỉ là nền tảng, mà còn là môi trường bao quanh cuộc đời mình, như không khí bao quanh thân thể đang sống của mình.

Nhìn rộng ra đến xã hội và thế giới, cả hai thực thể này chưa có lúc nào yên: chiến tranh, thiên tai, chứng khoán lên xuống từng ngày, khí hậu nóng lên, nhiều bệnh phát sanh mà trước kia chưa từng có, tệ nạn xã hội…

Đi vào thế giới, người ta càng gặp nhiều thách thức. Có khi thách thức ấy là những cám dỗ, về danh vọng, tiền tài, quyền thế, về tình yêu bất chánh… Và những khủng hoảng căn bản, tất yếu mà đời người ai cũng phải trải qua, sanh, già, bệnh, chết.

Không có một định hướng rõ ràng, chúng ta sống để làm gì, đâu là mục đích của đời sống… người ta dễ làm lạc, và như kinh nói “ở trong tối lại sâu vào trong tối”.

Hiện nay, xã hội đã tạo ra nhiều loại bản đồ để hướng dẫn con người, như “bản đồ tư duy” (mindmap), bản đồ thành công, bản đồ trí tuệ cảm xúc, bản đồ giáo dục… Nhưng như một bản đồ cho toàn bộ cuộc đời thì vẫn còn mơ hồ, sơ lược, phân mảnh.

Thiết nghĩ, một bản đồ cho toàn bộ đời người cần phải lấy Phật tánh làm nền tảng, bởi vì Phật tánh luôn luôn hiện diện dù tiềm ẩn, trong bất cứ giai đoạn và hoàn cảnh nào của đời sống. Phật tánh cũng là mục đích và hướng đi của đời người.

Phật tánh không chỉ giúp chúng ta vượt qua những thách thức, không sa vào thất vọng và tê liệt bất động, mà còn đưa chúng ta đến sự chiến thắng vinh quang tối hậu của kiếp người.

Có sự lạc quan nào hơn khi biết mình đang giữ trong thân tâm một vị Phật, sự vinh quang tối hậu của cả ba cõi chúng sanh.

Nguyễn Thế Đăng

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Please enter your name here