Trang chủ Tu học Pháp thoại Phật ơi! ĐĐ.TS: Thích Thiện Minh

Phật ơi! ĐĐ.TS: Thích Thiện Minh

355

Thời Thuyết giảng của Đại đức Giảng sư ThíchThiện Minh tại Thiền viện Thiện Minh ,tỉnh Vĩnh Long, nhân ngày “Đại lễ Dâng y Tắm mưa Nhập hạ” tổ chức vào ngày 12 tháng 6 năm Ất Mùi (nhằm ngày 27 tháng 7 năm 2015). Bài giảng này do Tu nữ Quang Kiến ghi chép.

PHẬT ƠI!

NAM MÔ THẾ TÔN ỨNG CÚNG CHÁNH BIẾN TRI

Kính thưa quý vị Phật tử,

Hôm nay là ngày 12 tháng 6 năm Ất Mùi 2015, tại Thiền viện Thiện Minh tổ chức buổi lễ dâng y tắm mưa đến các vị an cư kiết hạ ở tại đây. Năm nay, gia đình chị Hương cùng thân mẫu cũng như các bạn đạo đến đây để tổ chức và tham dự buổi lễ dâng y tắm mưa. Khi gia đình chị Hương ngỏ lời xin làm thí chủ thì chúng tôi cảm thấy hoan hỷ tấm lòng trong sạch của các Phật tử đã hộ pháp và cúng dường tăng y đến mùa hạ năm nay. Làm phước bố thí cúng dường, thí chủ dâng tăng y là có phước báu vô lượng vô biên.

Chúng tôi xuất gia 31 năm cũng có ý định hướng dẫn gia đình chúng tôi làm lễ dâng y Kaṭhina nhưng cũng chưa có dịp. Thật ra phải có duyên lành đầy đủ, có một ý tưởng và lòng hoan hỷ thật sự thì làm phước lễ dâng y Kaṭhina mới có phước vô lượng vô biên. Với tâm thành, chúng ta phát tâm cúng dường dù ít hay nhiều đều thể hiện thiện sự với quyết tâm và đức tin nơi tam bảo. Nếu thực hiện một thiện sự có nhiều phước báu thì đó là duyên lành sẽ hỗ trợ cho chúng ta trong suốt tiến trình sanh tử luân hồi.

Gia đình chị Hương mới biết Phật giáo Nguyên Thủy trong khoảng thời gian gần đây và có duyên lành cùng chúng tôi đi Ấn Độ thăm Phật tích. Thật ra Ấn Độ cũng phải có duyên lành lớn mới đi được. Nhiều người có tiền nhưng không có tâm thì không đi được. Có người có tâm nhưng điều kiện không có thì cũng không thể đi được. Chúng tôi thấy chị mới biết đạo sau này mà có duyên lành đi được Ấn Độ lễ bái Hành hương Tứ động tâm, chuyện khó mà chị làm được, rồi phát tâm làm thí chủ lễ dâng y Kathina tại Thiền viện Thiện Minh năm nay. Cho nên, chúng tôi vô cùng cảm kích và hoan  hỷ trước đạo tâm quý báu của chị và Gia đình.

Bên Phật giáo Nguyên Thủy Nam tông thì lễ dâng y tắm mưa, một số phật tử nghe danh từ này hơi ngộ ngộ; nếu nói theo từ đúng là dâng y kiết vũ. Từ ‘kiết’ là tốt; ‘vũ’ là mưa. Dâng y vào dịp Chư tăng an cư nhập hạ mùa mưa là dâng y kiết vũ. Lễ này có từ thời đức phật còn sinh tiền do tín nữ Visakha xin đức phật cho cử hành tổ chức buổi lễ hằng năm, đã được đức Phật chuẩn y, và nghi thức ấy tồn tại, phát triển cho đến tận ngày hôm nay .

Dâng y tắm mưa là nghi thức có từ ngày xưa, mục đích ban đầu tín nữ visakha xin là dâng y tắm mưa, vì khi bà đến chùa gặp những vị sư tắm mưa không có y phục, nên bà phát tâm xin phật dâng y để chư tăng sử dụng thuận lợi trong suốt ba tháng an cư.

Bối cảnh lịch sử nó là như vậy, bản chất nó là như thế rồi thì cứ giữ nguyên danh từ Dâng y tắm mưa cho phù hợp với tâm tư nguyện vọng của tín nữ Visakha ngày xưa, chứ đừng thay đổi, vì có người gợi ý thay đổi : “Lễ dâng y Tắm mưa” thành “lễ dâng y Kiết vũ Nhập hạ”; “Lễ dâng y Tắm mưa Nhập hạ”; “Lễ dâng y An cư Kiết hạ”; “ Lễ dâng y An cư Mùa mưa”. Theo tôi, từ nào cũng được, nhưng thiết nghĩ “ Lễ dâng y Tắm mưa Nhập hạ” sẽ hay hơn, vì dung hoà giữa cũ và mới, chứ đừng sử dụng đơn thuần “ Lễ Dâng y Tắm mưa”, phải có cụm từ nhập hạ.

 Dâng y tắm mưa đã trở thành 1 nét văn hóa riêng trong Phật giáo Nguyên Thuỷ. Cái sự “tắm” có gì là sai, có gì là xấu đâu mà phải sửa nhỉ? Tắm theo nghĩa đen để làm sạch cơ thể, để gội rửa những cái dơ bẩn bám trong con người. Một cơ thể sạch thì tinh thần mới sảng khoái mà làm việc tốt. Nghĩa xa hơn, rộng hơn thì ngoài gột rửa thân ta cũng nên gột rửa tâm cho sạch sẽ, làm trôi đi những pháp bất thiện đã khởi sanh. Làm trôi đi và quên quá khứ sai lầm để làm một con người mới sạch sẽ hơn.

Cụ thể tướng cướp Vô Não Angulimala đã dùng những lời pháp của Đức Phật để gột rửa tâm mình mà thành bậc thánh nhơn A La Hán. Cái sự “tắm” ấy là một nhu cầu thiết thực không thể bỏ qua của con người. Tại sao người Phật tử không nhìn thẳng vào chữ “tắm” ấy mà khai thác trong việc tu hành, chuyển hoá của mình. Tại sao phải né tránh chữ ấy. “tắm” chẳng có gì xấu mà phải biến thành “kiết” cả. Hãy dùng từ ‘tắm’ ấy mà khai ngộ cho chúng sanh. Nó là một từ rất gần gũi và thiết thực nhất phù hợp bối cảnh lịch và nền văn hoá của Ấn Độ. Người Ấn Độ quan niệm trong đời người phải có một lần tắm nước dòng sông Hằng. Cho nên, chúng ta phải ghi nhớ trong tâm “Tắm cho thân sạch tâm sáng” là một việc làm hết sức cần thiết.

 Do đó, danh từ quen trong Phật giáo Nguyên Thuỷ gọi là dâng y tắm mưa. Buổi lễ này cũng được xem như là sự tiễn đưa chư tăng vào mùa an cư kiết hạ. Cho nên trong buổi lễ dâng y hôm nay, chúng tôi xin giảng đề tài: “Phật ơi” để đền đáp lại đức tin và lòng thành trong sạch của gia đình thí chủ, đồng thời cho quý vị học thêm tư tưởng triết học Phật giáo trong đời sống tu tập của mình.

Quý vị thấy mấy con chiên bên đạo Thiên chúa giáo có chuyện gì thì người ta hay kêu “Chúa ơi”. Có điều chúng tôi thấy văn hóa phương tây dù người theo đạo Phật thì khi đụng chuyện cũng kêu: “My god”. Tại sao? Vì văn hóa phương tây trong tất cả sách vở đều tuyên truyền từ ngữ “My god” trong nền văn học của họ. Trong tiền tệ sử dụng của Hoa Kỳ, mặt sau có ghi: “in god we trust” tức là chỉ tin vào Thượng đế, tin vào đức Chúa trời. Cho nên người Phật tử chúng ta cũng thường kêu 
“Phật ơi”. Ở một chừng mực nào đó, mỗi chuyện gì cũng đều kêu “Phật ơi”.

Trong văn học, chuyện tấm cám thì từ: ‘Bụt’ đã xuất hiện trong văn học dân gian rất sớm. Từ ‘Bụt’ được âm từ chữ ‘Buddha – Phật’. Vì thế, ta thấy rằng Phật giáo được truyền trong dân gian nước Việt từ rất lâu. Có câu tục ngữ: “Lù khù có ông Cù độ mạng”. Ý câu này nói là người hiền có ông Cù hộ cho mình. Sau này theo trung tâm hán nôm giải thích chữ ‘Cù’ chính là ‘Cồ Đàm’, là họ Phật Thích Ca. Đức Phật có họ là Gotama, dòng dõi là Thích Ca – Sakya. Gotama tàu âm là Cồ Đàm.

Sau này, bên Trung Quốc lấy họ ‘Thích’ làm họ cho người xuất gia. Chỉ duy nhất người Trung Quốc và Việt Nam sử dụng họ ‘Thích’ chứ các nước khác không sử dụng họ thích này. Ở Việt Nam chỉ khoảng từ năm 1963 tới giờ, trong văn bản hành chánh thì tu sĩ dùng họ ‘Thích’, Phật giáo Nam Tông kinh, Nam Tông Khrme thì không dùng vì họ cho là Đức Phật có họ là Cồ Đàm. Nếu lấy theo họ Phật thì phải gọi là Cồ Đàm, ví dụ Cồ Đàm Thiện Minh chứ không phải là Thích Thiện Minh. Giống dân tộc Việt Nam có họ là Hồng Bàng. Trọng họ Hồng Bàng có họ Trần, Nguyễn, Lê, v.v….

Dòng Thích Ca cũng vậy. Trong dòng Thích Ca có rất nhiều họ. Phật của chúng ta có họ Gotama. Sau này thì chúng ta ảnh hưởng Trung Quốc và từ ‘Bụt’ sẽ mất hẳn trong tinh thần dân tộc và chuyển qua chữ ‘Phật’. Chữ “Phật” có bộ ‘nhân’. Từ ‘Phật’ âm ra của từ chữ ‘Buddha’ là người tỉnh thức. Cho nên bây giờ, khi quý vị giận ai thì làm ơn kêu “Phật ơi” chứ đừng kêu “trời ơi” nữa. Người Việt Nam mình cũng hay kêu“trời ơi”. Bây giờ, mình là Phật tử thì đừng kêu “Trời ơi”. Mình kêu “Trời ơi” là mình giống bên Thiên chúa rồi.

Có một số vùng miền ở Việt Nam, họ hay kêu “Phật trời” ơi! Tôi nghĩ danh từ này cũng hay hơn là kêu trời ơi! Tốt nhất có chuyện gì thì kêu “Phật ơi”. Khi mình kêu Phật ơi có nghĩa là mình nhắc sự tỉnh thức vì chữ ‘Phật’ là tỉnh thức. Người niệm Phật là người tỉnh thức, là người sáng suốt, không có nhiều chuyện, người niệm Phật thì bớt đi sự ganh tỵ, bỏn xẻn của mình. Con người chúng ta, qúy vị biết là:

“Chuyện mình dấu ngược dấu xui”

Chuyện người vạch lá tìm sâu ích gì

Sửa mình tánh vụng nên chi

Dở thành ra tốt quản chi miệng đời”

Tức là lỗi mình thì tìm cách dấu ngược dấu xui. Nhưng tối ngày mình đi tìm lỗi người khác không à. Cho nên niệm Phật để bớt đi tánh xấu của mình. Niệm Phật để cho mình tỉnh thức.

“Phật ơi! Xin dạy cho con biết sống thương yêu”. Mình kêu Phật là để trở về lòng từ bi hỷ xả của mình. Mình thờ Phật để trở về cuộc sống bình thường là phải có tâm từ bi hỷ xả, bác ái, bao dung và tha thứ. Khi nào mất đi tâm từ bi hỷ xả, bao dung và tha thứ thì khi đó mình không có Phật trong tâm. Tình cờ, chúng tôi có xem câu chuyện: có bà này chuyên cho vay nặng lãi. Bữa đó bà đến nhà đòi tiền của mấy người nợ. Cái cô nợ tiền đã chết, chỉ còn hai đứa con phải thay mẹ trả nợ. Hai đứa nhỏ có cái nghề đi bán vé số mà mỗi ngày phải góp 1 triệu đồng để trả.

Hôm đó không bán được nên mới khóc mà năn nỉ bà chủ nợ cho hẹn. Bà chủ mới nói nếu tụi bây không trả tiền thì tao lột da tụi bây. Hai đứa nhỏ mới quỳ xuống năn nỉ: bà ơi, thấy bà đi chùa nhiều, làm phước nhiều, thôi thì bà từ bi cho con đi, hôm nay cho con thiếu đi. Bà đó mới nói: tao không có từ bi đâu, tụi bây đừng đặt cái chữ từ bi vô đây nó không có hợp.

Theo bà, định nghĩa từ là từ thiện, bi là vô mặt mầy đó nhe. Tức là bà định nghĩa như vậy là không tha, không thông cảm cho hai đứa bất hạnh kia. Kể cho quý vị nghe câu chuyện này để quý vị thấy đâu phải ai đi chùa nhiều cũng có lòng nhân hậu. Cho nên tâm mình lúc nào nghĩ tốt, làm tốt, sống tốt thì đó là tâm Phật; lúc nào tâm xấu, hành động xấu, ý nghĩ xấu thì không phải là tâm Phật. Cho nên kêu Phật ơi là vậy đó.

Kêu “Phật ơi” là để biết chia sẽ và cho đi tất cả. Tại vì khi mình kêu “Phật ơi” thì lúc đó tâm mình là tâm rộng mở. Khi mà tâm mình rộng mở thì khi đó mình mới có khả năng chia sẽ. Sống trong cuộc sống phải có sự chia sẽ giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em, giữa người bạn của mình, giữa chồng với vợ, hay giữa những người xung quanh. Nếu mình không có sự chia sẽ, cho đi thì cuộc sống chúng ta sẽ buồn chán, sống trong phập phòng lo âu và sợ hãi.

Nếu mình sống giữa những người có sự thông cảm cao, có tâm chia sẽ lớn và bao dung thì đó là phước cho chúng ta. Muốn có phước thì trước tiên mình phải làm phước. Khi có phước rồi thì mọi việc xung quanh chúng ta sẽ vận hành theo ý muốn, theo cái suy nghĩ của chúng ta. Người có phước thì mọi việc sẽ hanh thông.

Kêu Phật ơi là giúp chúng ta có nghị lực để đối diện với nhọc nhằn đau khổ. Quý vị biết trong cuộc đời chúng ta ai cũng có nhiều nỗi khổ và niềm đau. Những nỗi khổ niềm đau mà mình không biết đối diện, không biết giải quyết thì nỗi khổ niềm đau ấy càng chồng chất. Người càng khổ nhiều, càng vất vả nhiều, càng gian truân nhiều mà vượt qua được thì có ý nghĩa, sẽ có thảnh thơi trong cuộc sống.

Có người khi lập gia đình thì gặp biết bao nhiêu nỗi đắng cay cuộc đời. Khi vượt qua được những nỗi đắng cay rồi thì họ thật sự hạnh phúc. Đời tu của mình cũng vậy. Khi tu, mình đạt tới chừng mực nào đó thì trước khi thành đạt phải gặp vô vàn khó khăn.

Nếu mà có những khó khăn mà không tháo gỡ, không vượt qua thì lúc đó không trưởng thành. Đôi khi, có những người trước khi làm lớn, ý nói có địa vị cao thì nhiều khi họ phải trãi qua nhưng cơn bịnh khủng khiếp lắm, giống như là chết đi sống lại. Khi họ chết đi sống lại thì giống như phải hòa nhập con người có đủ bản lãnh, phước báu, phước đức để đón nhận một nhiệm vụ mới.

Kêu “Phật ơi” để biết kiên tâm đón nhận mỗi ngày qua đi là sự sống của chúng ta giảm bớt. Mỗi người Phật tử chúng ta, mỗi ngày phải đều quán tưởng, làm điều lành, niệm Phật, ngồi thiền, làm tốt, sống tốt. Quán sự chết là để sống tỉnh thức, bớt tham đắm vào tài sắc lợi danh, sự cống cao ngã mạn, bớt đi sự đính mắc trong đời sống thường nhật.

 Kêu “Phật ơi” là để biết mỉm cười khi gặp đắng cay trong cuộc đời. Khi mình có nỗi khổ niềm đau thì cũng không thể cười nổi. Nếu mình có cười thì người đó phải tin nhân quả nghiệp báo thì mới có khả năng mỉm cười.

Cho nên chúng ta phải cần có đời sống tinh thần, cần chiêm nghiệm nhân quả nghiệp báo, tin có tội có phước. Thường quý vị thấy Bồ tát thì sợ nhân, chúng sinh thì sợ quả. Chúng sinh là người bình thường. Bồ tát là bậc cao hơn. Bồ tát sợ nhân có nghĩa là sợ nhân xấu vì có làm nhân xấu thì có kết quả xấu. Chúng sinh lại không sợ nhân xấu mà lại sợ quả xấu. Trên đời này quý vị thấy có người mà gặp xui thì xui liên miên, một chuỗi xuôi. Có người kể chồng có mèo, con đi chơi bời, hút chít, cho mượn tiền bị giựt, đất đai nhà cửa không bán được, tài sản bị ăn trộm vô viếng. Có người hên thì hên liên tục.

Hết cái này đạt, đến cái kia đạt, tới cái nọ đạt. Cho nên người tin nhân thì sợ nhân xấu. Người tu hiểu được nhân quả nghiệp báo, thấy đắng cay cuộc đời thì mỉm cười đưa hai tay ra đón nhận với tinh thần hoan hỷ. Mình không chấp nhận không được, họa đến thì phải chịu. Người biết đạo thì đưa hai tay ra chấp nhận xem như ác nghiệp đến. Còn nếu lúc đó mà than trời trách đất sao tui ăn hiền ở lành mà không thấy phước, chỉ gặp họa không thì chẳng có ích gì đâu.

Con người mình có quyền có chức thì nhiều khi làm càng nói bướng, ức hiếp người ta. Khi mình ức hiếp người ta, mình làm xấu làm tội thì mình không để ý, nhưng lúc họa đến thì than trời trách đất. Người Phật tử phải tự tâm niệm một điều là mình phải sợ những hành động ác, sợ việc bất thiện. Mình phải hiểu nếu mình làm, mình nói những cái bất thiện thì trước sau gì nó cũng đến với mình.

Cho nên phải thường xuyên niệm Phật. Mình niệm Phật để bớt đi tội lỗi, bớt đi những điều nói xấu. Mình không niệm thì miệng hay nói bậy vì suy nghĩ bậy thì nói bậy nhất là nếu theo hội bà tám suốt ngày xúi chuyện này, khích chuyện kia thì tâm ô nhiễm, dẫn đến hành động bậy, suy nghĩ bậy. Cho nên tu phải sợ ác nghiệp để cố gắng tu, nếu không niệm Phật thì nên im lặng. Cho nên im lặng là vàng, nói đàng hoàng là hột xoàn kim cương, còn nói cương cương thì nhiều khi có người uýnh phù mỏ. Phải không quý vị? Nói cương cương có người chịu không được là uýnh mình phù mỏ. Có lần chúng tôi đi giảng Pháp, giảng xong thì nghỉ giải lao, chúng tôi đi một vòng ra sân sau chùa thì gặp hội bà tám.

Không biết hai bà tám đó tức ai mà nói: trời ơi cái bà nội đó mà tu cái gì, bả tu cái quần què gì. Chúng tôi nghe từ đó thấy ngộ quá mà ấn tượng. Thông thường bực bội lên, nóng nảy lên thì khi đó nói đủ thứ chuyện, nói tục có, chửi thề có, cho nên người tu phải niệm Phật để bớt đi tâm tỵ hiềm ích kỷ, hung hang, độc ác.

Kêu “Phật ơi” để biết bước tới. Có những lúc bước tới mà dường như kiệt sức. Cuộc đời này phải đi tới dù cho có kiệt sức, đắng cay hay phủ phàng. Đức Phật thành Chánh đẳng chánh giác vì Ngài liên tục nổ lực không ngừng, siêng năng trong ngồi thiền, siêng năng trong thực hành pháp độ. Người Phật tử cũng vậy.

Mặc dù đường tu vô vàn khó khăn, hai bên không có hoa thơm cỏ lạ, không có chim hót suối reo. Con đường tu dường như ngoằn nghèo, khúc khỉu, quan co và hiểm trở nhưng ta cũng mạnh dạn tu, mạnh dạn thiền định. Mỗi ngày, sáng, chiều thắp hương niệm Phật cúng gia tiên. Có thời gian ngồi thiền tụng kinh thêm nữa. Làm hòai như bậy thì tâm sẽ có phép lạ, sẽ thiện hơn, sẽ tốt hơn. Trong gia đình có người mẹ, người bà, người anh hay người chị siêng năng làm việc thiện thì mình quý trọng. Hành động của họ là bài pháp vô ngôn, là món quà qúy giá.

Vì người tu phải thể hiện, chứng minh cho nhiều chứ không nên nói nhiều. Nói nhiều mà không làm nhiều thì trở nên vô nghĩa. Mình phải nói ít làm nhiều. Mình nhìn công đức người ta, nhìn phước báu của người ta. Họ tu là họ thể hiện chứng minh những thiện sự như thế mới gần với đạo. Họ làm phước, họ tu không vì danh vì lợi mà tu vì họ tin nhân qủa nghiệp báu.

Kêu “Phật ơi” là biết cười vang khi tim mình muốn khóc. Có những nỗi đau thầm kín, những nỗi buồn dường như mình muốn khóc. Con người khi buồn quá chỉ mượn nước mắt thôi chứ không mượn được gì hết. Nhiều khi mình khóc cho nhiều để quên đi nỗi buồn. Con người mà khi buồn quá, khổ quá thì một là ngồi khóc, hai là tìm một người nào đó để than thở chia sẽ cho vơi đi nỗi buồn. Nếu khi mà buồn quá, khổ quá, cực quá mà không khóc được, không tìm được người nào để than thở, chia sẽ thì nhiều khi họ phải tìm giải pháp khác.

Nên quý vị thấy có người phải uống thuốc, mượn sợi dây oan nghiệt để giải quyết cuộc đời buồn khổ của họ. Có người luôn mỉm cười nhưng nhiều khi thấy họ cười đó nhưng chưa chắc lòng họ vui. Có người tuy cười nhưng trong lòng tan nát hết, nhưng họ mượn nụ cười để giải quyết nỗi buồn, để làm quên đi vết đau ngày xưa, hay trong hiện tại.

Nụ cười đó là nói lên tâm buông xả. Con người đau quá, khổ qúa mà không biết buông xả thì sẽ bịnh, sẽ đau khổ mà chết. Cho nên cười để quên đi những cái khổ trong quá khứ, vơi đi những vết đau hiện tại. Kêu “Phật ơi” để tâm nhẹ, giống như tiếng chuông chánh niệm để trở về cuộc sống bình nhật.

Kêu “Phật ơi” để vững vàng khi phải chia ly. Trong cuộc sống này sẽ phải chia ly rất nhiều. Một quãng đời chúng ta phải chia ly bạn bè, cha mẹ, người thân. Càng chia ly như vậy thì mình càng phải có sự vững vàng, phải thường xuyên quán tưởng cuộc sống này là một chuỗi sanh tử trong một kiếp con người. Mình vững vàng để quán tưởng sự chia ly là bài học của mình.

Cho nên Phật dạy phải quán sự chết, niệm sự chết. Con người nhiều khi không dám niệm, không dám nghĩ, không dám nói sự chết mặc dù biết sẽ chết. Tại sao Phật dạy phải thường xuyên quán niệm sự chết? Vì để Phật tử bỏ đi cái tôi, bản ngã, dính mắc của mình, bớt đi sự cống cao ngã mạn. Chẳng hạn quý vị căm ghét người nào đó mà quý vị nghe người đó sắp chết rồi thì tự nhiên mình có khả năng bớt ghét người ta liền.

Hoặc mình ghét người nào mà khi mình biết trong người mình có bịnh nạn y sắp chết thì tự nhiên cũng bớt đi sự giận hờn với người đó.

Kêu “Phật ơi”  là để quên đi sự khó chịu của mình với người nào đó. Thật ra, con người không có ai thiện, ai ác mà Đức Phật dạy con người chỉ có tâm thiện, tâm bất thiện ngay trong giờ phút nào đó. Có thể hôm nay họ là người tốt nhưng ngày mai họ là người xấu.

Có thể hôm nay người đó người xấu nhưng ngày mai họ lại là người tốt. Cho nên mình cũng đừng nhìn hôm nay mà quên đi ngày mai, đừng nhìn hômqua mà quên ngày hôm nay vì bản tính con người luôn luôn thay đổi. Chúng ta phải thường tâm niệm một điều là chúng ta phải luôn luôn biết thông cảm và tha thứ cho một người có một thời lầm lỗi. Nếu tu mà không tha thứ thì tâm mình ác quá, chấp quá không có khả năng xả bỏ. Cuộc đời này mà không có khả năng buông xả thì mình sẽ đau khổ rất nhiều vì người khác. Mà mình càng đau khổ nhiều như Kvậy thì già mau, chết lẹ.

Kêu “Phật ơi” để biết thương yêu khi con chẳng còn gì. Có những người bị phá sản, bị sự cố nào đó làm tất cả tài sản không còn gì. Nhiều khi không còn tài sản nhưng còn tình thương. Có thể tài sản mất nhưng con người còn, trí tuệ còn thì có thể làm lại tất cả chứ cuộc đời này phù du lắm. Quý vị nhìn cảnh thiên tai, nhà, xe, tài sản bị cuốn trôi theo dòng nước, bay theo dòng xoáy của gió, giống như giấy bay trong gió thì mới thấy cuộc đời này phù du giả tạm. Người ta báo động 50 năm nữa thì vùng bắc Mỹ, Canada, Cali sẽ bị sóng thần, động đất 9.2 độ richte thì có khả năng một phần đất nào đó sẽ biến thành biển Thái Bình Dương.

Đó là tin mới đã nghe công bố trên internet trong thời gian qua. Nhiều khi con người của mình sẽ bị hủy hoại, đất nước mình sống có thể biến mất lúc nào. Phật dạy một quốc gia bị dịch, sóng thần, thiên tai là do đa số tâm tư con người ác quá. Con người càng ác chừng nào thì thiên tai xuất hiện nhiều chừng đó, càng ác chừng nào thì nghịch cảnh đến thình lình chừng đó. Xã hội bây giờ rất độc ác. Giống như ở Nghệ An có người giết bốn mạng người một cách rất vô duyên. Anh ta bị người khác vào vườn hái mấy trái chanh. Hai bên nói qua nói lại rồi cầm giao rựa giết người ta. Tâm tánh con người ác do hoàn cảnh xã hội, do phim ảnh, do thức ăn. Thức ăn bây giờ toàn hóa chất, ăn vô, tâm tánh thay đổi dễ khùng dễ điên.

Cho nên nói nghèo mà có tình, xấu mà có tính, còn hơn là giàu mà âm binh, đẹp mà thần kinh. Quý vị thấy người đẹp mà thần kinh thì cũng vô ích, người giàu mà âm binh thì nhìn cũng chán chẳng muốn gần gũi. Cho nên mình phải có một cái tâm tốt.

Kêu “Phật ơi” để biết tha thứ khi lòng mình còn nhiều oán ghét. Mình phải có khả năng tha thứ. Mình không có khả năng tha thứ thì sẽ bị bế tắt. Cuộc sống là chuỗi nhân duyên. Không thể nào mình nói mình ghét mèo rồi không cho mèo vào nhà.

Không cho mèo vào nhà thì chuột sẽ lộng hành. Mình không bỏ ai, không ghét ai, cũng không xua đuổi ai mà phải để tự sanh tự diệt. Mình không làm trái vòng xoay của nhân duyên, vòng xoay cuộc đời. Biết vậy để tôn trọng những gì xung quanh. Cho nên, chúng ta phải có trách nhiệm với xã hội, với gia đình, và thiên nhiên.

Thời pháp đến đây là phải lẽ, cũng đã đến giờ làm lễ dâng y, chúng tôi xin được kết thúc tại đây. Buổi giảng pháp với chủ đề: Phật Ơi! để đền đáp lại lòng tin của thân mẫu và gia đình chị Hương đã bỏ thời gian quý báu cùng các Phật tử thân quen đến làm lễ dâng y tắm mưa, nhập hạ cúng dường cho chúng tăng tại Thiền viện Thiện Minh.

Nhờ những vị này mà những buổi sinh hoạt Phật pháp tại Thiền viện Thiện Minh được tốt đẹp. Quý vị cúng dường Tăng y cho chúng tăng là cúng dường để duy trì một ngôi tam bảo trường tồn là phước vô lượng vô biên. Cầu nguyện Tam bảo, chư thiên gia hộ cho quý vị luôn được an lạc trong chánh pháp và luôn thuận duyên trong cuộc sống.

NAM MÔ PHẬT PHÁP TĂNG TAM BẢO