Không gì có thể hoàn hảo hơn trong mỗi hiện sinh như cách thế mà chúng hiện bày. Vạn pháp rất mực toàn hảo! Bạn cũng đang toàn hảo như thế, như bạn đang hiện hữu. Không có gì để phải thêm thắt vào, không có gì để phải cải thiện cả. Tuy nhiên nói ra điều này với ai đó chẳng mang đến một ý nghĩa nào.
Một học tăng hỏi: “Phật là gì?”
Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Phật là Phật”.
Chẳng khác gì một nhát búa! Ông ta đang nói rằng, “Đừng có hỏi những câu vớ vẩn vô nghĩa nữa. Ngươi chính là cái mà ngươi đang hỏi –tat-twam-asi. Ngươi là một ông Phật.” Tuy nhiên ông ta đã không nói huỵch toẹt ra như thế, bởi vì một khi bạn bảo ai đó rằng, “Ngươi chính là cái đó, tat-twam-asi,” thế là triết học đã chen chân vào. Người kia sẽ khởi sự suy nghĩ, “Thế thì ta là ai đây?” hoặc “Cái đó là cái gì vậy?” hay “Làm thế nào mà ta là cái đó được?”, những câu hỏi cứ không ngừng đặt ra … Không bao giờ chấm dứt. Ngài Triệu Châu đã làm một công việc đơn giản là chặt đứt cái tiến trình đó ngay tự khởi điểm.
Trong thế giới của Thiền người ta nói rằng một vị Thiền sư chẳng khác gì một lưỡi kiếm. Ông ta chặt. Nhát kiếm của ông ta sâu đến độ mà chỉ cần một đòn hạ thủ thôi cũng đủ cắt tung bạn thành hai mảnh.
Vị tăng hỏi: “Thế nào là Đạo?”
Triệu Châu: “Đạo là Đạo.”
Vị tăng: “Thế còn Thiền?”
Triệu Châu: “Thiền là Thiền.”
Vị học tăng kia có thể nhờ câu trả lời của Triệu Châu mà tỏ ngộ hoặc là ông ta sẽ nổi sùng lên cho rằng, “Ông thầy này điên!” Ngài Triệu Châu đang làm gì vậy? Ông ta chỉ đơn giản lập lại! Đâu có thể làm điều gì khác hơn nữa? Bạn đi lên một sơn động và cất lên tiếng hát, cả sơn động đều vang lên những vọng âm.
Tại Matheran có một nơi gọi là Vọng Âm Đài. Tôi có lần đến đó chơi cùng với một vài người bạn. Khi bạn hú lên một tiếng, cả vùng núi non này hú lên một tiếng vọng đáp lại. Có ai đó giả bộ làm tiếng chó sủa. Khắp nơi cũng vọng lại những tiếng sủa. Tôi bảo người bạn, “Nếu bạn muốn thử làm một cái gì đó, tại sao không hát lên một khúc ca, lại đi làm tiếng chó sủa cho phiền muộn chốn núi non này?” Nghe lời tôi y cất lên một khúc hát, và cả núi rừng đều vọng lại những lời ca.
Đời sống cũng là một vọng âm đài. Vị Đạo sư là tiếng vọng lập lại của chính bạn, như tấm gương soi. Vị Đạo sư chỉ làm một công việc đơn giản là chỉ cho bạn thấy rằng mình là ai, thế thôi. Ông ta làm cho bạn thấy rõ khuôn mặt của chính mình, bản lai diện mục. Ông ta chỉ phản chiếu, là tiếng vọng âm.
Bạn đi lên một sơn động nào đó và cất cao lời hỏi, “Phật là gì?” và rồi bạn sẽ nghe những vọng âm. “Phật…Phật…là…” Bạn sẽ không nghe thấy toàn bộ câu hỏi được lập lại. Lý do tại sao? Hai tiếng đầu tiên sẽ trùng lặp, tan loãng. Khi bạn cất lên “Phật là gì?” Cả sơn động sẽ vọng lại toàn bộ câu “Phật là gì?” Rồi thì sẽ có một khoảng trống –đó là khoảng trống thời gian, rất nhỏ. Do bởi cái khoảng trống thời gian này, khi bạn có thể bắt đầu nghe được tiếng vọng âm -tức là khi bạn nói xong câu nói để có thể nghe được tiếng dội lại- bạn sẽ không còn nghe được câu “Phật là gì” lập lại toàn bộ. Bạn chỉ nghe thấy, “Phật … Phật… là… là…”
Đây là điều rất mực ý nghĩa. Vị Đạo sư chỉ phản chiếu, như chiếc gương soi. Vị Đạo sư chỉ lần hồi trao trả lại cho bạn những gì của chính bạn. Ông ta không làm công việc cải thiện bạn. Ông ta không hề bảo bạn phải nên thế này nên thế nọ. Cái “phải nên” này tạo ra mặc cảm tội lỗi. Vị Đạo sư không hề vạch ra một lý tưởng để bạn theo đuổi. Bởi vì tất cả mọi lý tưởng đểu tạo ra sự căng thẳng, lòng tham cầu. Một vị Đạo sư không hề bảo bạn rằng, “Cái này thiện, cái kia ác.” Ông ta không bao giờ đưa ra một bảng giá trị nào, bởi vì tất cả mọi giá trị đều tạo ra sự phân cách. Vị Đạo sư không hề dạy bạn sự phán xét, ông ta dạy cho bạn cách sống không phán xét, không lên án, không nói đến chuyện thiện ác. Ông ta để cho đời sống tuôn chảy tự nhiên.
Hãy nghe giai thoại Thiền sau đây để hiểu rõ thêm về phẩm chất như chiếc gương soi của một vị Thầy. Đây là một trong những câu chuyện Thiền nổi tiêng về Đại Thiền sư Bạch Ân lúc ngài còn trụ trì tại chùa Shoinji .
Một cô gái ở đạo tràng này bị chữa hoang. Người cha nghiêm khắc đã không ngừng tra vấn cô con gái để tìm cho ra tác giả của chiếc bào thai, và cuối cùng, muốn khỏi bị trừng phạt, cô gái đã nói với cha mình rằng: “Đó chính là Thiền sư Bạch Ân.”
Người cha im lặng không nói một lời, đợi cho đến lúc cô gái sinh nở xong, ông ta lập tức mang đứa bé đến quẳng vào mặt Thiền sư Bạch Ân, “Hình như đây là giọt máu của ông đó,” kèm theo những lời mắng nhiếc nặng nề.
Thiền sư Bạch Ân chỉ đáp lại, “Ồ, vậy hả?” và ẳm đứa bé lên tay. Từ đó về sau, cho dù ngày mưa hay đêm bảo, ông ta đã bồng đứa bé đi gỏ cửa từng nhà trong vùng để xin sữa nuôi dưỡng nó. Bất cứ đi đâu ông ta cũng mang theo đứa bé, quấn nó vào trong chiếc tăng bào rách rưới của mình.
Bây giờ thì ông ta, một người đã từng được tôn kính như một vị Phật sống, được mọi người quỳ lạy đảnh lễ không khác gì Đức Phật Thích Ca, đã rơi xuống đến tận cùng của sự khinh rẽ. Không biết bao nhiêu đồ chúng đã quay mặt, chống lại ông và bỏ đi. Thiền sư Bạch Ân vẫn im lặng không nói một lời nào.
Cho đến một ngày, người mẹ cảm thấy không còn chịu đựng nỗi đau vì phải phân lìa đứa con ruột thịt của mình cũng như sợ hãi về quả báo của kiếp sau do tội ác của mình gây ra, đã phải thú thật tên tuổi người cha thật của đứa bé. Người cha của cô gái, một người rất mực nguyên tắc về quan niệm đạo đức, đã thực sự kinh hoàng trước chuyện này. Ông ta hối hả chạy đi tìm Thiền sư Bạch Ân dập đầu sám hối, không ngừng van lạy xin ngài tha lỗi.
Thiền sư Bạch Ân lần này cũng chỉ đáp lại võn vẹn, “Ồ, vậy hả?” và trao trả đứa bé lại cho ông ta.
Cả hai lần ngài chỉ nói một lời giống nhau: “Ồ, vậy hả?” Lần đầu tiên khi người cha quăng đứa bé vào mặt ông và mắng, “Đây là giọt máu của ông.” Thiền sư Bạch Ân không hề trả lời rằng phải hay không, không mảy may phản đối. Ông ta chỉ đơn giản chấp nhận và thốt lên: “Ồ, vậy hả?” Trong một quảng thời gian dài … Và chắc bạn phải thông cảm cho hoàn cảnh khó khăn của ông ta: phải cưu mang nuôi dưỡng một trẻ sơ sinh trong khi cả thành phố đang quay lại chống ông ta. Đi khất thực cho chính mình đã khó khăn rồi, đi xin sữa cho đứa bé lại càng khó khăn hơn. Thế nhưng ông ta đã không hề thốt lên một lời phàn nàn trong bất cứ một khoảnh khắc nào. Hoàn toàn chấp nhận, -tathata, như thị. Muôn sự thả tùy duyên. Mọi chuyện đều ok. Tuyệt đối ok.
Và rồi khi người cha tìm đến xin lại đứa bé với lời xin lỗi và thỉnh cầu tha thứ, “Đây là một chuyện lầm lỗi. Thầy tha thứ cho con. Thầy không phải là cha của đứa bé mà là một người khác. Xin Thầy tha lỗi cho con.” Thiền sư Bạch Ân cũng chỉ trả lời một câu đơn giản “Ồ, vậy hả?” và trao lại đứa bé. Không một lời phẩm bình nào.
Đó là phẩm chất như chiếc gương soi. Không có cái này tốt cái kia xấu -tất cả đều thánh thiện như nhau. Đó cũng chính là thông điệp mà Đức Phật đã trao gởi. Phẩm chất của một vị Thầy phản chiếu qua từng hành động của mình.
Đó là lý do tại sao đôi khi bạn thấy một vị Thiền sư rất mực mâu thuẫn. Tôi cũng thế, nhiều khi bạn thấy tôi rất mực mâu thuẫn. Tôi nói điều như thế này với người này và nói một điều khác hoàn toàn ngược lại với người kia, trước cùng một vấn nạn! Trên cái vỏ bọc của ngôn ngữ, cái vấn nạn thoạt nhìn có vẻ rất giống nhau, nhưng thật ra không phải thế, bởi vì cảnh huống của mỗi người hoàn toàn khác nhau. Họ có những quá khứ khác nhau, những hướng nhìn khác nhau. Họ có những khổ đau khác nhau, những ao ước khác nhau. Họ khác cha, khác mẹ, khác hoàn cảnh xã hội, khác duyên nghiệp. Vấn đề đặt ra trên mặt nổi có vẻ giống nhau như khuôn đúc, thế nhưng lại không thể giống nhau. Không hề có chuyện hai người có thể nêu lên một câu hỏi giống nhau, thế nên cũng không hề có chuyện hai người sẽ có những câu trả lời đúng đắn giống nhau. Mọi chuyện còn tùy.
Khi bạn đứng trước một tấm gương soi, tấm gương phản chiếu khuôn mặt của bạn. Khi bạn đi chỗ khác, khuôn mặt biến mất. Có ai đó đến trước tấm gương, nó phản chiếu khuôn mặt của người đó. Họ bỏ đi, khuôn mặt kia không còn nữa, tấm gương trở lại trống không. Bạn không thể phàn nàn với tấm gương rằng, “Gương ạ, mày không kiên định, không có lập trường gì cả. Bửa nay thì mày hiện ra khuôn mặt này, mai kia thì mày hiện ra khuôn mặt khác.” Chỉ có những tấm hình thì may ra kiên định hơn! Đúng vậy. Một tấm hình thì trước sau như một, không hề thay đổi. Nhưng tấm hình chỉ là một xác chết. Khả năng cùa nó rất mực giới hạn. Một khi được chụp và phô ra là chấm dứt. Còn tấm gương là vô tận. Nó có thể được phô ra cho cả hàng triệu người và nó vẫn như vậy, một tấm gương hoàn chỉnh, không ngừng phản chiếu.
Một vị Thầy thực sự thường có vẻ như rất mâu thuẫn, chỉ có một ông thầy giáo mới rập khuôn, bất biến. Tâm của người đời cũng thường như thế. Khi tâm trở nên bao la, chan hòa trùm khắp, nó trở nên biến hoá khôn lường, cũng tràn đầy nghịch lý như Thượng Đế, Chân Như. Thế nên tôi gọi Thiền là Con Đường Nghịch Lý.
Một vị tăng hỏi Thiền sư Triệu Châu: “Phật là gì?”
– “Thì ở trong đại điện đó.”
Vị tăng bảo: “Đó chỉ là một cái tượng đất.”
– “Thì đúng như vậy.”
“Thế thì Phật là gì?” vị tăng lập lại câu hỏi.
– “Thì ở trong đại điện đó.”
Quả là chuyện nghịch thường. Ông ta đã đồng ý với vị tăng kia rằng cái ông Phật mà người ta thờ lạy ở trong đại điện chỉ là một cục bùn đất, “Đúng như vậy”. Thế nhưng khi vị tăng kia lâp lại câu hỏi “Thế thì Phật là gì?” ngài Triệu Châu lại cũng chỉ trả lời bằng câu, “Thì ở trong đại điện đó.”
Ngài Triệu Châu muốn nói lên điều gì đây? Ông ta hàm ý rằng chỉ khi nào bạn buông bỏ câu hỏi “Phật là gì?” bằng không bạn chỉ chạy đi tìm những cái tượng gỗ, tượng đất mà thôi. Bao lâu mà bạn còn nêu lên câu hỏi “Phật là gì?”, bạn đang hỏi về một khách thể, một đối tượng. Đó là lý do tại sao ngài Triệu Châu đã trả lời, “Thì ở trong đại điện đó.” Nếu bạn còn tiếp tục nêu lên câu hỏi này, có nghĩa là bạn chờ đợi câu trả lời về Phật như một đối thể khách quan -trong khi Phật là chủ thể, ngay trong chính bạn. Thế nên ông ta đã hoàn toàn đồng ý với vị tăng. “Vâng, bạn nói đúng. Những ông Phật ở trong chùa chỉ là những cái tượng đất, không phải là Phật thực sự.” Điều tự nhiên là vị tăng kia tràn trề hy vọng – “Chắc chắn ông ta sẽ ban cho mình một câu trả lời đúng đắn”. Thế nên ông ta đã lập lại câu hỏi thêm một lần nữa “Phật là gì?” và không hề chờ đợi một câu trả lời giống y như lần trước vì ngài Triệu Châu đã từng đồng ý với ông ta. Thế nhưng, câu trả lời cũng vẫn là, “Thì Phật ở trong chùa đó.” Tại sao vậy? Bởi vì nếu bạn cứ tiếp tục lằng nhằng hỏi về một đối thể, bạn đang hỏi về một cái thây ma khô chết.
Thực tại là chủ quan. Thượng Đế là chủ quan. Đó là cái cốt lõi ở trong bạn, không thể tìm kiếm được ở bên ngoài. Bạn không thể nêu lên một câu hỏi như thế. Bạn phải mở ra một cuộc hành trình hướng nội để tìm kiếm “Phật là gì?” Và khi bạn khởi sự cuộc hành trình này, bạn đang trên đường đi đến Đạo. Và đến với Đạo không thể nào không sử dụng đến Thiền –dhyana, Zen. Thiền là phương pháp để đi, Đạo là con đường dẫn bạn về bản thể uyên nguyên, cái cốt lõi ở trong bạn, cái cốt lỏi uyên nguyên này là Phật. Bạn đang là một vị Phật.
Thế nên điều cơ bản trước tiên là chấp nhận tính cách như thị của đời sống. Chấp nhận nó, mọi dục vọng tan biến. Chấp nhận nó, mọi căng thẳng, bất mãn tan biến. Một khi chấp nhận đời sống như nó hiện bày, ta sẽ bắt đầu cảm thấy tràn ngập một niềm hỉ lạc không nguyên cớ. Những niềm vui có lý do thường không tồn tại lâu dài. Chỉ có niềm vui không nguyên cớ mới vững bền mãi mãi.
Con người có thể sống trong hai cách thế khác nhau. Hoặc là hướng đến sự chiếm hữu càng nhiều càng tốt bất cứ những gì có thể có được -với cách này họ xa rời Phật, xa rời Đạo, xa rời Thiền. Một nguời chỉ biết quan tâm đến chuyện sỡ hữu thật nhiều là loại người phàm phu thế gian. Một người thoả mãn với những gì hiện có; một người thư giãn, không bận tâm mấy đến chuyện có thật nhiều tiền, nhiều quyền lực, danh vọng, được tôn kính; luôn an lạc trong cái như thị, tathata –đó là con người tín ngưỡng thực sự. Y đang bắt đầu trên con đưòng nhập vào giòng thánh.
Nếu bạn cứ quan tâm, tưởng nghĩ đến chuyện thu góp cho thật nhiều, bạn sẽ ngày càng rời xa; khi bạn không còn quan tâm đến chuyện sở hữu nữa, bạn đang bước vào hiện thể của chính mình. Cái hiện thể đó chính là Phật.
Có một câu chuyện về Rengetsu, một bậc Thiền gia nữ lưu nổi tiếng … Rất hiếm phụ nữ chứng ngộ rốt ráo về Thiền. Bà Rengetsu là một trong những bậc nữ lưu hiếm có này.
Chuyện kể rằng bà Rengetsu đang trên đường hành hương, đi ngang qua một ngôi làng kia vào lúc trời vừa sụp tối. Bà ghé lại đây để xin ngủ trọ qua đêm, thế nhưng cư dân địa phương đều đóng sầm cửa lại không ai đón tiếp. Ở đây người ta rất ghét phái Thiền. Tính chất cách mạng của Thiền, dưới mắt nhìn của họ, chẳng khác gì những kẻ rối đạo, những tên nổi loạn, khó mà chấp nhận được. Bởi vì chấp nhận Thiền có nghĩa là bạn hoàn toàn được chuyển hoá, bạn đi ngang qua một ngọn lửa thiêng và sẽ không bao giờ còn là con người cũ nữa.
Thế nên những người bảo thủ, truyèn thống luôn luôn chống lại tất cả những gì là sự thật trong tôn giáo. Họ ưa chuộng những điều không thật. Những dân làng này chắc hẵn là những người Phật tử bảo thủ nên đã cấm cửa, không chấp nhận cho bà lưu trú ở trong làng. Đó là một đêm giá lạnh và vị nữ tu già nua này đã không tìm được một chỗ trú chân… Đói và lạnh. Bà đành phải nghỉ lại qua đêm dưới một gốc cây anh đào ở ngoài đồng trống. Trời lạnh như cắt khiến bà không tài nào nhắm mắt ngủ yên được. Lại thêm nguy hiểm nữa –thú dữ và bao nhiêu mối hiểm nguy khác đối với một người phụ nữ.
Bà tỉnh dậy vào lúc nữa đêm –vì quá lạnh- và nhìn lên bầu trời đêm xuân, những đoá hoa anh đào nở rộ như đang cười đùa dưới ánh trăng mờ ảo. Choáng ngợp trước cảnh đẹp tuyệt vời này, bà ngồi dậy đảnh lễ với vô vàn biết ơn về hướng ngôi làng …
Cảm ơn lòng tốt không cho chỗ trú chân
Ta được ngồi dưới gốc cây anh đào trổ hoa
Trong đêm trăng lung linh mờ ảo này
Đó là những gì được gọi là như thị -tathata.
Bà cảm thấy tràn ngập lòng biết ơn và không khỏi cảm ơn dân làng đã xua đuổi bà, nếu không, trong đêm nay chắc hẵn bà đã ngủ lại dưới một mái nhà bình thường nào đó, làm gì tận hưởng được cái diễm phúc này – nhìn hoa đào nở rộ dưới ánh trăng lung linh mờ ảo trong một đêm thanh vắng tịch liêu. Bà không khởi lên một mảy may oán hận, mà hoàn toàn chấp nhận. Không những chấp nhận mà còn chào đón cái cơ hội hiếm có này -với tất cả lòng thâm tạ.
Một người trở thành một vị Phật ngay cái khoảnh khắc mà y chấp nhận tất cả những gì đời sống mang lại với vô vàn biết ơn. Y đang bước đi trên Đạo lộ, sống với Đạo, trong thiền quán sâu sắc.
Kỹ năng của tâm là hướng ngoại. Đó là lý do tại sao bạn được huấn luyện tại các trường đại học, cao đẳng và bao nhiêu những trường học khác cho cái tâm này. Hướng ngoại có nghĩa là thu góp càng nhiều càng tốt -sở hữu những ngôi nhà lớn hơn, có nhiều tài sản hơn, nhiều quyền lực hơn, nhiều tiền bạc hơn. Cái Tâm này chỉ biết một chuyện là hướng ngoại, chinh phục thế gian.
Thiền là một tiến trình ngược lại. Không có gì cả ngoài chuyện đạt đến tình trạng vô-tâm. Đó chính là Thiền. Bạn hướng nội, chấm dứt cái tâm thế gian lăng xăng suy tưởng. Tại sao đây là điểm cốt yếu? Bởi vì ta không còn cần đến suy tưởng nữa. Chinh phục nội tâm không cần đến loại suy ttưởng này. Nó chỉ cần thiết cho việc chinh phục thế giới ngoại tại. Suy tưởng là khí cụ cho cái thế giới này.
Thế nên Zen, dhyana, hay thiền định chẳng là gì khác hơn ngoài cái tâm vô niệm. Không còn nhu cầu nữa! Một khi không còn tham cầu, đâu còn ai bận tâm đến suy tưởng làm gì? Mà suy tưởng cái gì đây? Chỉ nhìn ngắm thôi. Khi con người bạn tham đắm quá nhiều, bạn không ngừng suy tưởng. Khi lòng tham đã diệt, suy tưởng tự nó cũng tan biến theo. Nhiều người hỏi tôi làm sao để không còn suy tưởng? Đó không phải là trọng điểm. Vấn đề cốt yếu là làm sao để không còn tham cầu nữa.
Lòng tham cầu tạo ra những niệm niệm không dứt, mang lại những ý tưởng, giấc mơ. Thế rồi bạn sẽ phải thực hiện nó, bạn sẽ phải hoạch định, tìm hướng giải quyết trong một cách thế có phhương pháp –và rồi suy tưởng phát sinh.
Bây giờ hãy thử tạo ra một sự tham cầu. Một chiếc xe chẳng hạn. Thấy một chiếc xe đang chạy ngang qua và hảy để cho lòng tham cầu nổi lên ở trong bạn, “Tôi mong muốn có được chiếc xe này.” Và rồi bạn sẽ thấy không biết bao nhiêu niệm nổi lên ở trong bạn: “Làm thế nao để sở hữu nó đây? Làm thế nào để chạy ra tiền? Phải làm gì đây? -Kiếm công việc làm hay đi ăn trộm? Hay là bắt chước theo kiểu Mỹ: Mua trả góp?” Bạn thấy không, người ta sẽ không ngừng suy tưởng, bởi vì không suy tưởng bạn sẽ không bao giờ có được chiếc xe.
Hãy nhìn kỹ chuyện đó, bất cứ lúc nào lòng tham cầu nổi dậy, nó sẽ đánh thức dậy ở trong bạn không biết bao nhiêu là ý niệm. Khi lòng tham cầu đã tuyệt, đột nhiên sự suy tưởng biến mất. Không còn nhu cầu nữa. Khi ngọn sóng giao động tan biến, cái tâm lăng xăng náo động sẽ không còn lăng xăng nữa.
Lúc đó, tâm sẽ có một chức năng khác, chức năng tiếp thụ. Tiếng chim hót ở ngoài kia -bạn nghe, nhưng không còn cả thốt lên, tiếng hót tuyệt vời làm sao. Không có nhu cầu để phải thốt lên như vậy. Tự nó đã là một tuyệt vời! Có gì để phải nói ra? Một chiếc phi cơ bay ngang qua bầu trời cùng với tiếng ồn, bạn biết, bạn nghe thấy –nghe còn rõ ràng hơn bất cứ ai khác nữa, bởi vì những người khác còn đang đắm chìm trong suy tưởng nên đâu còn nghe được gì. Tai của họ, tâm của họ đã bị bịt kín lại bởi những ý tưởng. Cái tấm nỉ dày của suy tưởng đã làm cho họ không còn khả năng tiếp thụ.
Thế nhưng khi một người không còn một niệm dấy lên, y sẽ rất mực nhạy cảm. Y thấy được những nét tuyệt vời. Y nhìn ra chung quanh, nghe một cách sâu sắc, ngửi một cách sâu sắc, cảm thụ một cách sâu sắc, yêu thương một cách sâu sắc. Bất cứ cái gì cũng có chiều sâu hơn! Hãy nhìn vào điều nghịch lý này: Khi bạn càng tham muốn nhiều, mọi thứ có vẻ như luôn luôn khan hiếm, ít ỏi hơn là điều bạn mong cầu. Khi bạn không còn lòng tham muốn nữa, mọi thứ đều trở nến phong phú! Phong phú đến mức bạn không còn chuyên chở nổi! Cái nhỏ bé biến thành vĩ đại và thế rồi bạn tận hưởng tất cả niềm vui với những chuyện tầm thường nhất của đời sống hàng ngày: chẻ củi, gánh nước, nắm tay một người bạn thâm giao hay nhìn hoa đào nở rộ dưới ánh trăng lung linh mờ ảo.
Đời sống rất mực phong phú, trong từng khoảnh khắc nó không ngừng mang đến cho bạn cả một ngàn lẻ một thứ quà tặng. Thế nhưng bạn cứ mãi miệt mài chìm đắm với cái tâm mong muốn, tham cầu. Cái đầu của bạn tràn ngập bởi vô vàn ý niệm nên đã khước từ tất cả những tặng phẩm này. Ngay cả Thượng Đế có đến vớí bạn, bạn cũng khước từ luôn.
Hành trình hướng nội có nghĩa là hiểu thấu đáo những cách thế của lòng tham cầu. Một khi đã hiểu được rằng lòng tham cầu tạo ra những xáo trộn không ngừng, bạn ngưng lại. Khi tham muốn không còn là suy tưởng chấm dứt, là vô niệm. Đó chính là Thiền.
Khi bạn đến với Thiền, bạn đã khởi sự bước đi trên đạo lộ -ở trong Pháp, trong Đạo. Và một khi đã dấn bước vào đạo lộ rồi thì Phật quả sẽ không xa. Nó có thể xảy đến bất cứ lúc nào, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn, tất cả tùy thuộc vào mức hạ thủ công phu của bạn. Không hề có chuyện cái đạo lộ này dài mười dặm, hai mươi dặm hay một ngàn dặm. Vấn đề chỉ là công phu của bạn mãnh liệt như thế nào.
Những người với sự hiểu biết sâu sắc mãnh liệt có thể đạt thành Phật quả chỉ trong một bước nhỏ. Trong một chớp mắt. Tất cả đều tùy thuộc vào sự tập trung toàn bộ nỗ lực của bạn như thế nào, nỗi khát khao của bạn như thế nào, bạn đã sẵn sàng để đầu tư tất cả vốn liếng đời mình vào đó chưa. Nếu bạn đánh cuộc với cả sinh mạng mình, thì chỉ trong một khoảnh khắc nhỏ … toàn bộ cơ cấu thay đổi. Bạn không còn là một người phàm, bạn là một vị Phật.
Tuy nhiên nếu mức hạ thủ công phu không toàn bộ hết mức mà chỉ nửa vời, bạn có thể sẽ phải trải qua nhiều đời nhiều kiếp. Bạn có tiếp tục cả một ngàn kiếp đi nữa cũng sẽ chẳng đi đến đâu, Phật quả vẫn xa vời. Thế nên một điều cần nhớ kỹ: đạo quả viên thành lâu hay mau, tất cả đều tùy thuộc vào sự chuyên tâm mãnh liệt của bạn.
Zen là thiền định, Đạo là Con Đường và Phật quả là chơn tâm, là bản tánh uyên nguyên rốt ráo của bạn. Nếu bạn bước vào Thiền một cách trọn vẹn, toàn bộ, thì ngay chính trong khoảnh khắc đó -sự chuyển hoá toàn diện.
Lắng nghe lại cuộc trao đổi ngắn gọn giữa Thiền sư Triẹu Châu và vị học tăng một lần nữa. Bây giờ thì bạn đã có thể lãnh hội nó một cách sâu sắc hơn.
Một học tăng hỏi: “Phật là gì?”
Thiền sư Triệu Châu trả lời: “Phật là Phật”.
Vị tăng: “Thế nào là Đạo?”
Triệu Châu: “Đạo là Đạo.”
Vị tăng: “Thế còn Thiền?”
Triệu Châu: “Thiền là Thiền.”
Vị Đạo sư chỉ đơn giản làm công việc phản chiếu, như tấm gương soi, quăng trả người học tăng trở lại với chính mình, một lần, hai lần hoặc nhiều lần. Nếu y thật sự là người xả thân cầu đạo, không phải là kẻ tò mò, chắc chắn y sẽ đạt đến giác ngộ.
Chỉ cần nhìn vào ánh mắt, chỉ cần lắng nghe tiếng dội vọng lại từ trái tim của một vị Thầy thôi cũng đủ. Chỉ cần tiếp xúc với ngọn lửa thiêng của Phật quả đó, chỉ cần tiếp cận với một bậc giác ngộ là đủ. Ông ta chẳng khác gì một ngọn lửa, một cái tim đèn cháy sáng, mà khi bạn đến gần, sẽ có một khoảnh khắc tiếp cận … ngọn lửa đó sẽ lan đến bạn, bùng cháy lên thành ngọn lửa của chính bạn. Bạn được truyền đăng. Vị Thầy chẳng hề mất đi một chút gì mà bạn được tất cả. Chẳng khác gì bạn đang cầm một ngọn nến, một ngọn nến đang thắp sáng, châm lửa vào một ngọn nến khác. Hãy nhìn kỹ xem điều gì đã xảy ra. Cũng giống y như vậy khi một môn đệ tiếp cận với vị Đạo sư của mình. Gần gũi, thân cận tạo nên sự kích lửa. Toàn bộ nghệ thuật của mối liên hệ thầy trò chính là sự thân cận. Đến gần hơn, buông bỏ chiếc áo giáp phòng thủ, ý chí, bản ngã của mình, tiến đến gần, gần hơn nữa. Và rồi bỗng nhiên … trong khoảnh khắc này bạn đang tắt ngấm, khoảnh khắc kia ngọn lửa đã bùng lên. Một sự cháy bùng đột ngột chứ không phải là một tiến trình tiệm tiến. Không phải là chuyện hôm nay bạn được thắp sáng lên một tí, rồi ngày mai thêm một tí nữa. Không, nó bùng lên đột nhiên, như một bước nhảy lượng tử, bạn không còn là con người cũ nữa … Mới mẻ tinh khôi, hoàn toàn không còn liên hệ gì với con người cũ. Và thế là đủ, không còn cần gì thêm khác nữa.
Nếu bạn có thể gặp được một vị Đạo sư mà bạn yêu thương, cảm thấy thân cận, không cần phải e dè phòng thủ, có thể trải lòng mình ra, không có bí mật gì cần phải che dấu, người mà bạn sẵn sàng sống chết, sẵn sàng đi với ông ta đến bất cứ nơi đâu –không cần phải biết, vì con đường đó cũng là mục tiêu của bạn- nếu có được sự tin cậy đó, thế là đủ… Mọi chuyện tự nó sẽ xảy ra, bởi vì các bạn đã là những vị Phật, chỉ cần sự thực chứng mà thôi. Nếu bạn gần gũi với một vị Đạo sư mà tâm của ông ta phản chiếu bóng dáng bạn, trong tấm gương soi kia bạn sẽ thấy được rằng khuôn mặt mình chính là khuôn mặt Phật, rằng cái trạng thái vô-tâm của bạn chính là Thiền và khi bạn đang trên hành trình hướng nội, bạn đang ở trong Đạo.
Và như thế, không còn một cách nào khác để giải thích thế nào là Phật, thế nào là Đạo, thế nào là Thiền.
Vâng, Chân lý không thể được nói ra bằng lời -vì lời nói tự nó không đầy đủ. Nó cũng không thể được nói ra bằng im lặng -vì im lặng rất mực tiêu cực. Thiền chọn con đường trung đạo. Nó dùng lời trong cái cách thế tạo ra im lặng. Đây là một đại phương tiện. Phải cần đến một phương tiện thiện xảo mới có thể sử dụng lời để tạo ra im lặng, một tác động tối hậu dể mang đến yên lặng chứ không tạo thêm lời.
Đó là tất cả những gì mà tôi đang làm trong từng buổi sáng đối với bạn. Tôi quẳng vào bạn cả hàng ngàn lẻ một mớ ngôn từ chữ nghĩa. Thế nhưng nỗ lực của tôi không phải là đem cho bạn cái mớ chữ nghĩa đó, mà ngược lại. Nỗ lực của tôi là đập vỡ tung cái mớ ngôn từ chữ nghĩa đang tích tụ ở trong đầu bạn. Tôi quẳng cái mớ ngôn từ chữ nghĩa này để đập vỡ cái mớ ngôn từ chữ nghĩa kia. Bao giờ mà chúng phủ định lẫn nhau, bấy giờ cả hai đều mất dấu –lúc đó sẽ còn lại một sự im lặng, một sự im lặng hoàn toàn mới mẻ mà bạn chưa từng biết đến bao giờ. Nó không phải là khoảng trống giữa hai lời. Không phải vậy. Đó là sự hiện hữu của Thượng Đế, là Phật quả.
Hết – xem phần một
Tâm Hà Lê Công Đa (dịch)