Có gì vui. Ở nơi con người ấy, chí xuất trần cao gấp vạn bội và con đường hướng thượng vẫn là quay gót trở về với chính mình.
Vì thế, Trần triều nước Việt, dân tộc nước Việt có lưu luyến bao nhiêu vẫn không giữ được bước chân của ngài, một Thiền sư Việt Nam chỉ muốn làm Tăng nhàn đầu núi hơn là làm vua. Cho nên Phật giáo Việt Nam, Thiền tông Việt Nam mới có được Sơ tổ Trúc Lâm, một vì sao Bắc Đẩu điểm trên bầu trời không, tỏa sáng lung linh và soi đường cho Thiền tăng, Phật tử Việt Nam biết đâu là chốn trở về.
Có thể nói ở nơi Ngài, đọng lại ba con người sáng chói, làm ngọn hải đăng chỉ lối cho hành giả tu thiền Việt Nam. Đó là con người hiện thực, con người hướng thượng và con người nhập thế.
1. Con người hiện thực
Như chúng ta đã biết, vua Trần Nhân Tông là một nhân vật lịch sử của nước Việt. Ngài sinh vào năm 1258, lên ngôi năm 1279, xuất gia năm 1298 và mất vào năm 1308. Dù xuất thân trong bậc đế vương, nhưng cốt cách của Ngài là bậc xuất thế. Từ nhỏ miệng không thích thịt cá, thân không thích lụa là gấm vóc, tâm không đắm luyến thú vui thế gian, lớn lên xem cung vàng điện ngọc như đôi dép rách, cho nên Ngài đã trốn lên Yên Tử nhưng không thành, đành phải miễn cưỡng lên ngôi vua. Tại vị 13 năm, 6 năm ở ngôi Thái Thượng hoàng, sau đó mới thực hiện được hoài bão xuất trần, làm sơn tăng đầu núi và trở thành Đệ nhất Sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử, khai sáng ra dòng thiền nước Việt.
Người đời vì ngai vàng mà đổi không biết bao nhiêu xương máu, tạo không biết bao nhiêu oan khiên nghiệp chướng. Thế nhưng vua Trần đã nhẹ nhàng thoát ra khỏi chốn ấy như cởi chiếc áo hạ. Ngài lên ngôi vì lòng hiếu thuận đối với cha già, vì trọng trách với Tổ quốc. Gác bỏ niềm riêng, đặt ý muốn của thiên hạ lên trên ý muốn của mình, vua Trần Nhân Tông đã xuất sắc lập nên những chiến công oanh liệt để bảo vệ non sông, qua hai cuộc chiến chống quân Nguyên Mông lịch sử. Có phải khí thiêng sông núi đã nhào nặn nên một Trần Nhân Tông mang dòng máu Rồng Tiên, bất khuất quật cường trước mọi thế lực ngoại bang, nhưng lại nhân từ độ lượng khoan dung trong việc trị nước an dân? Trần Nhân Tông quả là vì sao rực sáng trong bầu trời nghìn năm văn hiến của nước ta. Lịch sử dù có sang trang nhưng vị trí và công đức của Ngài vẫn không hề đổi ngôi trong lòng dân đất Việt. Hậu thế trăm năm sau, nghìn năm sau dù có nhớ đến Ngài hay không nhớ đến Ngài thì ánh sáng ấy vẫn rờ rỡ riêng chiếu một cõi.
Và còn một dòng máu nữa, dòng máu Thích tử Như Lai đã âm thầm luân lưu trong trái tim của Nhân Tông, nuôi dưỡng một tình thương và ánh sáng tuệ giác vô biên. Dòng máu ấy đã vực nhà vua dậy từ chốn tột đỉnh của quyền lực, danh vọng, sự nghiệp đế vương… nhưng cũng lắm nỗi thăng trầm của cuộc vô thường bể hóa cồn dâu. Chính dòng máu này đã chuyển hóa nhà vua từ một con người bằng xương bằng thịt vượt lên những ham muốn thường tình, trở thành Thiền tăng sống đời thanh đạm, ý chí cao nhàn.
Thuở bé chưa từng rõ sắc không,
Xuân về hoa nở rộn trong lòng,
Chúa Xuân nay bị ta khám phá,
Chiếu trải giường thiền ngắm cánh hồng.
Cho nên ở nơi vua Trần còn có thêm một con người nữa – Con người hướng thượng.
2. Con người hướng thượng
Từ lúc còn là thái tử, Nhân Tông đã được vua cha cho thọ giáo tham học thiền với Thượng Sĩ Tuệ Trung. Thượng sĩ vốn khí lượng thâm trầm, phong thần nhàn nhã. Lúc còn để chỏm, Ngài đã chuộng cửa Không. Lớn lên ở chỗ Thiền sư Tiêu Dao lãnh hội được yếu chỉ, thâm nhập chỗ thiền tủy, lấy thiền duyệt làm thú vui thường nhật, không ưa công danh sự nghiệp ở đời. Được thân cận một bậc đại thiện tri thức như vậy, lại thêm chủng Phật sâu dày nên Trần Nhân Tông sớm nhận ra con đường Phật đạo mới đích thực là con đường của mình. Vì vậy không dừng lại ở phước báu của một bậc đế vương, vua Trần Nhân Tông đã hướng đến chân trời cao rộng, thệ nguyện phát túc siêu phương, vượt khỏi ba cõi. Lấy vô trụ xứ làm quốc độ, lấy tâm bất sanh bất diệt làm chỗ thú hướng sau cùng.
Một hôm Nhân Tông hỏi Thượng sĩ về việc bổn phận tông chỉ, Thượng sĩ đáp: “Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được”. Nghe xong, thái tử thông suốt đường vào, bèn vén áo thờ Thượng sĩ làm thầy. Từ đó, kim ngôn này đã trở thành phương châm tu hành, thành lẽ sống hướng thượng của Trần Nhân Tông trên những chặng đường tu đạo và hành đạo của Ngài.
Phản quan tự kỷ của Thiền phái Trúc Lâm và xoay lại tìm tâm của Nhị tổ Huệ Khả có gì khác nhau? Đến chỗ ấy rồi mới hay tâm vốn không thể tìm, bởi nó có mất bao giờ. Được thế thì an tâm. Cái đáng trách của hành nhân là mình lại đi tìm chính mình. Ngày xưa Nhị tổ Huệ Khả xoay lại tìm tâm, không thấy mối mang ở đâu, liền được Tổ Bồ Đề Đạt Ma bảo “Ta đã an tâm cho ngươi rồi”. Rõ ràng như thế. Một khi phản quan thì dứt bặt vọng tưởng. Mối mang sanh tử không còn chỗ tựa nương, mặt trời trí tuệ tự chiếu soi. Đây chính là chìa khóa mở cánh cửa tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Đức Phật đã chỉ ra điều này từ những hai nghìn năm trăm năm trước rồi. Chư Tổ cũng không khác đường.
“Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, nghĩa là xoay lại chính mình là việc bổn phận gốc của người tu, không từ ngoài mà được. Đây không những là cương lĩnh tu hành của Thiền tông đời Trần mà cho tới bây giờ vẫn là kim chỉ nam duy nhất cho hành giả tu thiền Việt Nam. Chúng ta tu hành để làm gì? Để giác ngộ giải thoát. Giác ngộ tính Phật sẵn có nơi mình, giải thoát khỏi mọi khổ đau triền phược do vô minh vọng động huyễn sinh. Cho nên đây là một pháp tu rất thiết thực, rất gần gũi với chúng ta. Ngày nào chưa phản quan, ngày ấy chúng ta chưa nhận ra được bản tâm chân thật. Ngày nào chưa nhận ra được bản tâm chân thật, ngày ấy chúng ta chưa thể sống an vui tự tại, vĩnh viễn thoát ly sanh tử.
Nhận sâu được yếu lý này nên vua Trần Nhân Tông giao hết vương quyền cho con, quyết chí vào núi tu hành. Năm năm chuyên tâm nhất ý thiền định trên đỉnh Vân Yên, Ngài đã hoàn thành đại sự, làm chủ được mình, tùy thuận độ chúng sinh mà vẫn ung dung tự tại, sống đời thảnh thơi. Trong bài Đắc thú lâm tuyền thành đạo ca, ngài đã nói rất rõ:
Cảnh tịch an cư tự tại tâm,
Lương phong xuy đệ nhập tùng âm,
Thiền sàng thụ hạ nhất kinh quyển,
Lưỡng tự thanh nhàn thắng vạn câm.
Dịch:
Thân gởi cảnh yên lòng vẫn yên
Rặng tùng gió mát thoáng quanh miền,
Giường thiền một cội, kinh tại án,
Hai chữ thanh nhàn thắng vạn tiền.
Thiền tông đời Trần là dòng thiền có nhiều bậc thiền sư thực tu thực chứng, nên toát ra một sức sống rất mạnh mẽ linh hoạt, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tâm linh của dân tộc ta vào thời bấy giờ. Do nhận ra được tâm chân thật ngay nơi thân sanh diệt này mà các ngài sống tùy duyên nhưng vẫn luôn an lạc, không bị mất mình. Có thể nói nét đặc sắc của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chính là tính vừa xuất thế lại vừa nhập thế của các thiền sư. Khi hạ thủ công phu thì xuất thế chuyên tu. Khi sáng đạo thì nhập thế rộng độ chúng sanh, không riêng hưởng tịnh lạc cho mình. Tâm hạnh tự lợi, lợi tha là con đường chung của những người con Phật, xưa cũng như nay.
Cho nên ở nhà vua còn có một thiền sư, một con người giác ngộ, thương tưởng chúng sanh bình đẳng không sai biệt. Ngài dấn thân đi vào đời, vừa gần gũi nhân sinh vừa cao thâm thoát tục, để lại cho Phật giáo Việt Nam một dòng thiền Việt Nam rực rỡ ánh hào quang của đạo giác ngộ giải thoát, chuyển hóa một cõi nhân gian.
3. Con người nhập thế
Sơ tổ Trúc Lâm sau khi ngộ đạo đã dành hết cuộc đời còn lại của mình đi khắp nhân gian giảng dạy Thập thiện, khuyến tấn dân chúng bỏ ác làm lành, trừ các dâm từ. Tùy duyên giáo hóa, tùy cơ tiếp dẫn, cả một đời không biết mệt mỏi vì lợi lạc quần sinh. Đặc biệt, Thiền tông đời Trần mang đậm nét bản sắc dân tộc, không ngoại lai với Thiền tông các nước khác. Nhờ thế người dân Việt dễ nhận ra yếu chỉ của chư Tổ Việt Nam, dễ tu theo đường lối truyền dạy của các ngài. Văn hóa của Phật giáo hòa quyện cùng văn hóa dân tộc, đưa đời sống văn hóa và đời sống tâm linh người dân Việt ngày một thăng hoa.
Như trên đã nói, tinh thần tu tập đời Trần là tinh thần tu tập Phật đạo, vừa ly thế vừa nhập thế. Cho nên Sơ tổ Trúc Lâm có 5 năm tu khổ hạnh trên núi. Xuất gia rồi, Ngài dứt khoát chuyên tu, không hề xuống núi. Sau khi ngộ đạo Ngài mới hòa lẫn vào đời, cứu giúp chúng sanh thoát khỏi mê lầm khổ đau. Khi đất nước lâm nguy, từ vua quan sĩ thứ đến toàn dân không trốn tránh trách nhiệm đối với vận nước. Đó là nhờ sự lãnh đạo và giáo dục của các vua Trần, các thiền sư đương thời vậy.
Như Hòa thượng Thích Thanh Từ, Viện trưởng các Thiền viện thuộc hệ phái Trúc Lâm thế kỷ XXI đã kính cẩn tán dương “Con người của Sơ tổ Trúc Lâm làm việc gì phải đến nơi đến chốn, đạt kết quả viên mãn mới thôi. Đánh giặc khi nào quân xâm lăng ra khỏi nước mới dừng. Nghiên cứu Phật pháp đến chỗ uyên thâm nhất mới thỏa mãn. Tu hành đến ngộ đạo mới đi hoằng hóa. Thật là một tấm gương sáng ngời để cho kẻ đời, người đạo học hỏi theo”.
Đó chính là tính cách của Trần Nhân Tông Sơ tổ Trúc Lâm, một con người hiện thực mà siêu thực, hướng thượng mà chẳng bỏ hàng hạ căn thiểu trí, nhập thế mà chẳng nhiễm trần thế. Cho nên Ngài chính là linh hồn của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, vĩnh viễn bất sanh bất diệt trong lòng hậu thế, không tính kể phương sở thời gian.