Trang chủ Thời đại Xã hội Phật giáo với con người trong xã hội

Phật giáo với con người trong xã hội

52

Tôn giáo này có thể thực hành ngay trong xã hội hay nơi ẩn dật.

Có một số người tin Phật Giáo là một hệ thống quá cao thượng và siêu việt nên một người nam hay một người nữ bình thuờng không thể thực hành được trong thế giới hàng ngày. Họ nghĩ rằng phải vào tu tập trong một tu viện hay một nơi yên tĩnh nếu muốn trở thành một Phật Tử đúng nghĩa.

Trên đây là một quan niệm đáng buồn do sự thiếu hiểu biết Phật Giáo. Người ta đi đến kết luận vội vàng này sau khi tình cờ đọc hay nghe thấy một điều gì đó về Phật Giáo. Một số người lập luận về Phật Giáo sau khi đọc m?t số bài hay sách chỉ nói lên một khía cạnh hay quan niệm một chiều về Phật Giáo. Tác giả của các bài và sách đó chỉ hiểu biết giới hạn về Giáo Lý của Đức Phật. Giáo Lý của Ngài không phải chỉ dành riêng cho các nhà sư trong tu viện. Giáo Lý của Ngài áp dụng cho mọi người, nam và nữ bình thường sống với gia đình. Bát Chánh Đạo là cách sống theo đạo Phật ứng dụng cho tất cả mọi người. Lối sống này được cống hiến cho tất cả nhân loại không có một sự phân biệt nào.

Đại đa số trên thế giới không thể trở thành nhà sư hay sống ẩn dật trong hang động hay rừng rú. Dù Phật Giáo có cao quý và thanh tịnh cũng sẽ vô dụng cho quần chúng nếu họ không áp dụng được đạo vào cuộc sống hàng ngày trên thế giới hiện đại này. Nhưng nếu bạn hiểu được tinh thần Phật Giáo một cách đứng đắn, chắc chắn bạn, một người sống đời bình thường trên cõi đời này, có thể noi theo và tu tập được.

Có một số người cảm thấy dễ dàng và thuận lợi hơn cho việc hành đạo bằng cách sống ẩn dật ở một nơi hẻo lánh, nói một cách khác bằng cách tự tách mình ra khỏi xã hội. Tuy vậy một số người khác cho rằng sống rút lui như thế buồn nản và suy nhược cả vật chất lẫn tinh thần không dẫn đến sự phát triển đời sống tâm linh và trí thức. Sự từ bỏ thế tục thực sự không có nghĩa là đào thoát cõi đời này về mặt vật chất. Ngài Xá Lợi Phất, đệ tử lớn nhất của Đức Phật, nói rằng một người có thể sống trong rừng tu hành khổ hạnh nhưng tâm ý đầy tư tưởng bất tịnh và "ô trược". Còn người khác có thể sống trong làng xóm hay phố thị, không tu khổ hạnh, nhưng tâm ý vẫn trong sạch không "ô nhiễm". Với hai người đó, Ngài Xá Lợi Phất nói, kẻ sống cuộc sống thanh tịnh dù ở làng mạc hay thành thị vẫn cao cả hơn kẻ sống trong rừng núi. (Majjhima Nikaya – Trung Bộ Kinh).

Niềm tin chung chung cho rằng muốn tu tập giáo lý của Đức Phật phải từ bỏ cuộc sống gia đình là một quan niệm sai lầm. Quả là một cách bào chữa vô ý thức chống lại việc tu tập. Có không biết bao nhiêu lời Phật dạy cho các nam nữ Phật Tử bình thường sống có gia đình đã thành công trong việc hành theo lời Ngài dạy và chứng ngộ Niết Bàn. Vị du tăng Vacchagotta có lần hỏi thẳng Đức Phật phải chăng có những nam nữ cư sĩ có gia đình tu tập giáo lý của Ngài đã thành công và đạt mức độ tinh thần cao. Đức Phật khẳng định có rất nhiều nam và nữ cư sĩ có gia đình, tu tập giáo lý của Ngài, đã thành công và đạt những mức độ tinh thần cao.

Có một số người cảm thấy thích thú được sống ở một nơi yên tĩnh không bị quấy rầy bởi huyến náo và xáo trộn. Nhưng thật đáng ca ngợi những người can đảm tu tập Phật Pháp ngay giữa đám đông người, giúp đỡ đồng bào và phục vụ đồng bào. Một vài truờng hợp cũng rất hữu ích cho hành giả sống ẩn dật một thời gian để tăng tiến tâm ý và tính nết, giới hạnh, rèn luyện tinh thần và tri thức, để sau này có đủ sức mạnh bước ra ngoài đời giúp đỡ người khác. Nhưng nếu một người sống lẻ loi, chỉ nghĩ đến hạnh phúc và giải thoát riêng tư cho mình, bất kể đến người đồng chủng của mình, chắc chắn là họ không đi đúng với giáo lý của Đức Phật căn cứ vào hạnh từ bi và phục vụ chúng sinh.

Bây giờ ta có thể hỏi: "Nếu một người tu tập Phật Pháp vẫn có thể sống một cuộc đời bình thuờng, tại sao Đức Phật lại thành lập đoàn thể Tăng Già, đoàn thể các thầy tu?" Đoàn thể Tăng Già giúp cơ hội cho những ai muốn hiến dâng đời mình không những chỉ để phát triển tinh thần và tri thức của mình, mà còn để phục vụ người khác. Một cư sĩ bình thường có gia đình không thể hiến trọn đời mình phục vụ cho người khác, trong khi một nhà Sư, không bị trách nhiệm gia đình và các trói buộc thế tục, có hoàn cảnh thuận lợi hơn để hiến dâng đời mình "vì lợi ích cho nhiều người" (Tiến Sĩ Walpola Rahula).

Và cái gì là "lợi ích" mà nhiều người được hưởng? Chư Tăng không thể cho người cư sĩ vật chất tiện nghi, nhưng có thể hướng dẫn tinh thần cho những ai bị khó khăn, dao động về thế gian gia đình vân vân…. Người tu đặt trọn đời mình trong sự nghiệp mở mang kiến thức về Giáo Pháp do Đức Phật giảng dạy. Chư Tăng giảng giáo lý dưới hình thức đơn giản cho những người cư sĩ không có bổn sư. Nếu người cư sĩ có văn hóa cao có thể thảo luận những khía cạnh sâu xa hơn về giáo lý và cả hai cư sĩ và tăng sĩ đều thâu thập được lợi ích tinh thần từ những vấn đề trao đổi.

Trong những xứ Phật Giáo, các nhà sư chịu trách nhiệm nhiều về giáo dục giới trẻ. Kết quả của sự đóng góp này là tại những xứ ấy dân chúng biết chữ và rất giỏi về những giá trị tinh thần. Chư tăng cũng an ủi kẻ khốn cùng và người quẫn trí bằng cách giảng dạy cho họ hiểu là tất cả nhân loại đều phải chịu đựng những xáo trộn tương tự như vậy.

Ngược lại, người cư sĩ cũng sẵn sàng cúng dường cho chư tăng các vật dụng, thực phẩm, chỗ tạm trú, thuốc men và quần áo vì chư tăng không có điều kiện để mua sắm tứ vật dụng này. Trong việc tu tập Phật Pháp, sự cúng dường coi như góp phần công đức của người cư sĩ để gìn giữ sức khỏe cho chư tăng để hỗ trợ chư tăng tiếp tục chăm lo nhu cầu tinh thần cần thiết cho người dân và cho chính sự thanh tịnh của tăng đoàn.