Bắt đầu từ 13/5 và kéo dài đến 17/5, đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 sẽ có nhiều hoạt động diễn ra như hội thảo chuyên đề, khóa lễ tụng kinh và cầu nguyện, trình diễn văn hóa tín ngưỡng. Dự kiến có khoảng hơn 600 đoàn đại biểu từ trên 90 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự sự kiện này.
Nhìn nhận chính xác vai trò Phật giáo VN
– Thưa Hòa thượng, đại lễ Phật đản Liên hợp quốc đã được tổ chức thành công ở nhiều nước, đặc biệt là Thái Lan. Đăng cai sự kiện này năm nay, Việt Nam sẽ thể hiện những nội dung, giá trị đặc sắc, riêng biệt nào?
– Khi tham dự đại lễ Phật đản Liên hợp quốc năm 2006 và 2007, đoàn đại biểu Phật giáo Việt Nam đã gây ấn tượng là đoàn đại biểu đông nhất, có nhiều bài tham luận nhất cùng tổ chức tốt các cuộc triển lãm về truyền thống Phật giáo hàng nghìn năm của mình.
Nhờ ấn tượng tốt đẹp này, Uỷ ban Tổ chức quốc tế (IOC) đã gợi ý Việt Nam đăng cai tổ chức đại lễ năm 2008. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nhậm chức lúc đó đã bày tỏ sự ủng hộ rất lớn đối với gợi ý này của IOC và Chính phủ đã đứng ra đăng cai, hỗ trợ tổ chức đại lễ Phật đản Liên hợp quốc lần đầu tiên diễn ra tại Việt Nam.
Phật giáo Việt Nam có truyền thống lâu đời, gắn liền với sự phát triển của dân tộc Việt Nam, từng có thời kỳ được coi là quốc giáo. Có nhiều triều đại đã nương theo lời dạy của Phật xây dựng xã hội phát triển tốt đẹp, đặc biệt thời Lý – Trần.
Trong giai đoạn lịch sử hiện đại, Phật giáo Việt Nam thống nhất trong cùng một khối, cùng chung một ngôi nhà là Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Trong nước có hơn 4 vạn tăng ni nhưng tất cả cùng thống nhất trong Giáo hội. Đó là điều các nước khác khó có điều kiện làm. Ở các nước, đạo Phật thường phân phái, ví như Nhật Bản có tới mấy trăm giáo phái khác nhau.
Điểm khác biệt ở chỗ Phật giáo Việt Nam đạt tới giá trị tinh thần cao nhất của đạo Phật là đoàn kết và hòa hợp. Đoàn kết không phải áp đặt, bắt buộc mà là tự nguyện. Bởi vậy, khi đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008, Việt Nam lấy chủ đề là: “Đoàn kết và hòa hợp”.
– Thưa Hòa thượng, có lẽ đây cũng là dịp hiếm hoi, lần đầu tiên, Việt Nam có thể giới thiệu những giá trị của Phật giáo trong việc đồng hành với dân tộc trong xây dựng, phát triển và hội nhập với bạn bè quốc tế?
– Đó là ý nghĩa đặc biệt của chúng ta khi đăng cai Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008. Phật giáo vốn có tinh thần khoan dung, dạy rằng: không nên lấy gươm giáo trả lại gươm giáo, đề cao tinh thần hỉ xả từ bi. Khi xưa, lúc quân Mãn Thanh, Nguyên Mông, rồi đến thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược, để giành độc lập, chủ quyền, Việt Nam đã có cách ứng xử theo đúng tinh thần đó của đạo Phật.
Chính tinh thần hỉ xả từ bi đã giúp cho Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm trong lịch sử và tiếp tục giữ vững tinh thần đó trong thời đại hội nhập quốc tế ngày nay. Đó là một nét đẹp mà chúng ta muốn giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Những thành tựu tốt đẹp của kinh tế, quan hệ quốc tế có ảnh hưởng lớn từ những giá trị, tinh thần như vậy của đạo Phật. Đó là điều đặc biệt của lịch sử Phật giáo Việt Nam.
– Những hội thảo chuyên đề trong khuôn khổ Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 đề cập tới 7 nội dung cụ thể khá nóng bỏng của thời cuộc như xung đột và ngăn ngừa chiến tranh, công bằng xã hội, sự thay đổi khí hậu, kỹ thuật số, vấn nạn gia đình….Thưa Hòa thượng, đây là các chủ đề do Việt Nam đề xuất?
– Chuẩn bị cho đại lễ 2008 ở Việt Nam, Uỷ ban Tổ chức quốc tế (IOC) gồm 60 thành viên, trong đó 20 thành viên là của nước chủ nhà. Với tư cách nước đăng cai sự kiện, Việt Nam đề xuất các nội dung và được IOC thông qua cuối cùng như những nội dung chính thức của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008.
Chúng ta quan tâm liệu Phật giáo có thể đóng góp như thế nào trong việc giải quyết, hóa giải các vấn đề nóng bóng của thời cuộc nhắc trên.
Đảng, Nhà nước VN coi trọng tôn giáo dân tộc
– Một điều đặc biệt của Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc 2008 nữa đó là đích thân Chủ tịch nước sẽ tham dự và phát biểu tại lễ khai mạc và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ tham dự và phát biểu tại phiên bế mạc. Hòa thượng có nhận định gì về sự đặc biệt này?
– Điều này thể hiện sự coi trọng truyền thống văn hóa, tôn giáo dân tộc của Đảng và Nhà nước VN. Sự quan tâm thể hiện cái nhìn chính xác về vai trò của Phật giáo trong giai đoạn hiện tại. Đó là điều đáng mừng cho đất nước, dân tộc ta.
– Trong chương trình đại lễ, Ban tổ chức thu xếp cho các đại biểu nước ngoài tham quan Trúc Lâm Yên Tử, di sản văn hóa thế giới Vịnh Hạ Long, thăm công viên văn hóa Phật giáo Bái Đính, cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Thưa Hòa thượng, tại sao lại là những địa danh này?
– Các địa danh này đã gắn liền với sự phát triển của Phật giáo trong những giai đoạn rực rỡ. Thời kỳ kinh đô ở Hoa Lư, Phật giáo đã có nhiều đóng góp đặc biệt. Chúng ta muốn giới thiệu những giá trị mà Phật giáo đã đóng góp cho đất nước trong những giai đoạn đặc biệt đó.
Sau khi đánh thắng giặc ngoại xâm, vua Trần Nhân Tông đã theo đuổi con đường tu đạo và sáng lập ra Trúc Lâm Yên Tử, một dòng thiền đặc biệt của Việt Nam. Dòng thiền này khác biệt với tất cả các dòng thiền vốn du nhập vào Việt Nam từ Trung Hoa. Đó là một giá trị đặc sắc của Phật giáo Việt Nam mà chúng ta muốn giới thiệu với bạn bè quốc tế.
Vịnh Hạ Long được biết đến là một di sản thế giới, có phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp.
Trong ý nghĩa muốn giới thiệu những gì đặc sắc của Việt Nam, tôi cho là những địa danh này đều rất thuyết phục.
– Xin trân trọng cảm ơn Hòa thượng.