Mùa lễ hội khởi sắc
Những người con Phật trên thế giới vô cùng hân hoan khi mùa Phật đản PL.2550 (2006) được Liên Hiệp Quốc công nhận là Lễ hội tôn giáo của thế giới. Kể từ đây, sự tôn vinh cùng niềm vui mừng ngày Phật đản sanh không chỉ dành riêng cho Phật giáo đồ mà toàn thể nhân loại.
Hòa chung niềm vui đó, những người con Phật Việt
Nhìn ra thế giới
Hướng về Phật đản, Lễ hội tôn giáo của thế giới, hàng loạt các sự kiện quan trọng của Phật giáo thế giới đã diễn ra trong thời gian gần đây và đều có phái đoàn Phật giáo Việt Nam (PGVN) tham dự.
Trước hết là Hội nghị trù bị hoạch định chi tiết kế hoạch tổ chức Đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc vào ngày 28-2-2006 tại Bangkok, Thái Lan gồm khoảng 80 thành viên đại diện cho 14 quốc gia tham dự. Sau hai ngày làm việc, Hội nghị đã thống nhất tổ chức Đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc từ ngày 7-5 đến ngày 10-5-2006 tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc, Bangkok và Trung tâm Buddhamonthon. Trong Hội nghị này, ba thành viên đoàn PGVN được mời làm thành viên thường trực Ban Tổ chức.
Tiếp đến, Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất đã diễn ra vào ngày 13-4-2006 tại Hàng Châu và Châu Sơn, Triết Giang, Trung Quốc. Diễn đàn đã thu hút hơn 1.000 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo, các nhà nghiên cứu Phật học, tôn giáo, văn hóa và các nhà ngoại giao của 41 quốc gia tham dự. Tại Diễn đàn, HT.Thích Trí Quảng, đại diện phái đoàn PGVN đã đọc tham luận, góp phần soi sáng vấn đề “Thế giới hòa hợp bắt đầu từ tâm”, chủ đề chính của Diễn đàn.
Gần đây nhất, Đại hội Hội Liên hữu Phật giáo Thế giới lần thứ 23, Hội Liên hữu Thanh niên Phật giáo Thế giới lần thứ 14 và Hội đồng Đại học Phật giáo Thế giới lần thứ 6 đồng khai mạc vào ngày 20-4-2006 tại Phật Quang Sơn, Cao Hùng, lãnh thổ Đài Loan, quy tụ hơn 700 đại biểu từ 20 quốc gia tham dự. Đại hội tập trung thảo luận về chủ đề “Phật giáo, sự khoan dung và hòa bình thế giới”, các vấn đề về thanh niên Phật giáo và thành lập Đại học Phật giáo Thế giới tại Trung tâm Buddhamonthon, Bangkok, Thái Lan. Đặc biệt, Hội Liên hiệp Phật giáo Nhật Bản đã nhận được quyền đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 24 tại Nhật vào năm 2008.
Đặc biệt nhất, Đại lễ Phật đản của Liên Hiệp Quốc khai mạc ngày 7-5-2006 tại Buddhamonthon, Bangkok dự kiến khoảng 30.000 Tăng Ni, Phật tử cùng các nhà lãnh đạo Phật giáo khắp nơi trên thế giới tham dự. Đồng thời, hội đàm Phật giáo quốc tế sẽ diễn ra vào ngày 8 và 9-5-2006 tại Văn phòng Liên Hiệp Quốc (
Nhìn lại chính mình
Trước những thành công rực rỡ của các sự kiện Phật giáo quốc tế tại các nước bạn trong khu vực, người Phật tử Việt Nam có tự hào nghĩ rằng vận hội phát triển PGVN sẽ tương xứng với tầm quốc tế (đơn cử như đăng cai tổ chức các hội nghị Phật giáo quốc tế) trong một tương lai rất gần, sao lại không? Việt Nam đã được đánh giá là “rồng non” về phương diện phát triển kinh tế, ổn định chính trị thì các phương diện khác như văn hóa, tôn giáo (nhất là Phật giáo) v.v… sẽ phát triển song hành là tất yếu.
Vấn đề là PGVN sẽ vận động như thế nào, kiện toàn ra sao để sẵn sàng hội nhập, thăng hoa nhằm đáp ứng nhu cầu thời đại về các phương diện tâm linh, phát triển văn hóa, ổn định xã hội cho đất nước và góp phần tìm giải pháp hòa bình cho thế giới? Chúng ta tự hào PGVN đã có những thành tựu, phát triển đáng kể trong thời gian qua nhưng bình tâm mà xét, so với Phật giáo các nước trong khu vực (trong xu thế toàn cầu hóa) thì sự phát triển ấy còn rất khiêm tốn. Sự nhận diện trung thực về chính mình của PGVN trong hiện tại để kiện toàn là tối cần.
Một trong những yếu tố quan trọng biểu trưng cho sự phát triển và hội nhập là thông tin. Hiện nay, PGVN chưa thành lập được website để tự giới thiệu về mình ra trường quốc tế. Sự “mù tịt” thông tin trung thực và chính xác về PGVN trên thế giới là một sự thiệt thòi rất lớn không đáng có cho PGVN. Do vậy, trước thềm hội nhập, kiện toàn về thông tin, giới thiệu PGVN ra thế giới là nhu cầu bức thiết, khả thi nhất.
Mặt khác, về cơ sở vật chất, tuy chùa viện được làm mới, trùng tu rất nhiều song manh mún và riêng lẻ, PGVN chưa có một cơ sở nào đủ tầm cho các hoạt động quốc tế, trong tương lai khi Học viện PGVN tại Sóc Sơn, Hà Nội xây dựng hoàn chỉnh có thể sẽ đáp ứng được nhu cầu này.
PGVN hiện đã đào tạo được đội ngũ Tăng Ni trẻ có tri thức cao, khá đa dạng về chuyên môn, nhất là các Tăng Ni có học vị thạc sĩ, tiến sĩ đã tốt nghiệp ở nước ngoài sẽ là nguồn nhân sự đắc lực, hữu hiệu cho công cuộc hội nhập. Tuy nhiên, nhân sự có kinh nghiệm tổ chức tầm quốc tế vẫn còn hiếm hoi. Ngoài ra, kinh phí cho các sự kiện Phật giáo quốc tế là điều đáng quan tâm nhưng chưa phải vấn đề lớn trong bối cảnh PGVN hiện nay.
Điều quan trọng nhất cần phải đặt ra cho PGVN để hướng tới hội nhập và phát triển phải chăng là cơ chế? Xây dựng một cơ chế khoáng đạt, năng động, thực tiễn và hiệu quả cho PGVN phải là ưu tư hàng đầu. Diễn đàn Hội thảo góp ý tu chỉnh Hiến chương vừa qua (20-4-2006 tại Văn phòng II T.Ư GHPGVN) là một biểu hiện cụ thể, đóng vai trò quan trọng cho tương lai phát triển và hội nhập của PGVN.
Khởi động từ Mùa lễ hội khởi sắc cùng với việc Nhìn ra thế giới và Nhìn lại chính mình, hy vọng PGVN sẽ hội nhập và phát triển như mong ước của những người con Phật trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay.