Trang chủ Nghiên cứu Phật giáo Việt Nam thiểu số hóa từ một thống kê mới

Phật giáo Việt Nam thiểu số hóa từ một thống kê mới

116

Mới đây lại xuất hiện một số liệu thống kê mới, đăng trên wikipedia tiếng Anh, do Trung tâm Nghiên cứu Pew thực hiện.

1)    Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center) là một thinktank Hoa Kỳ, đặt trụ sở ở Washington DC, cung cấp thông tin về các vấn đề xã hội, dư luận, nhân khẩu học tại Hoa Kỳ và trên thế giới.

Trang web của Trung tâm Nghiên cứu Pew là PewResearch.org.

2)    Thống kê mới và hàng đầu trên Wikipedia tiếng Anh

Thật tình, danh xưng Trung tâm Nghiên cứu Pew còn xa lạ với tôi. Vì vậy, tôi hơi bất ngờ khi thấy kết quả thống kê tôn giáo ở Việt Nam của Trung tâm Nghiên cứu Pew được trích dẫn trên Wikipedia tiếng Anh, mục từ “Religion in Vietnam”. Bản cập nhật của mục từ này được viết dưới quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Và ngoài số liệu thống kê của Pew, mục từ nói trên chỉ dẫn lại thêm một thống kê nữa, mà gọi là của Chính phủ Việt Nam (xin xem 2 đồ biểu trên mục từ nói trên ở Wikipedia tiếng Anh). Ngoài tiếng Việt, tiếng Anh, mục từ tương ứng nói trên chỉ có tiếng Nga, thì bản tiếng Nga cũng viết cùng nội dung trên, cũng chỉ 2 nguồn thống kê. Trong đó, thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew được đưa lên hàng đầu và chi phối nội dung mục từ.

Khi tìm thông tin về tôn giáo ở Việt Nam, thì các công cụ hỗ trợ luôn đưa thông tin từ Wikipedia tiếng Anh lên ở vị trí trước tiên. Vì vậy, tất nhiên, chúng ta phải quan tâm đến nội dung mục từ tương ứng về tôn giáo trên Wikipedia tiếng Anh, dù rằng có thể chưa nhất trí với nội dung ở đó.

3)    Phật giáo Việt Nam thiểu số hóa theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew

Nội dung theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu Pew được đưa lên ngay ở ngữ đoạn đầu tiên trong nội dung mục từ  “Religion in Vietnam”. Biểu đồ theo Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng là biểu đồ đầu tiên.

Nội dung mục từ có thể tạm dịch như sau: Theo số liệu của Pew Forum, hầu hết người Việt thực hành tôn giáo bản địa, thờ cúng thần linh địa phương, các vị thần và mẫu thần (45,3%) như các tôn giáo đã trải qua hồi phục từ những năm 1980. Phật giáo là tôn giáo lớn thứ hai với 16,4% dân số (xác định rõ bằng cụm từ “second largest religion”) khoảng 8% người Việt là Ki tô hữu (hầu hết là Ca tô), và khoảng 30% là tôn giáo không liên kết.

Tính chất “second” của Phật giáo Việt Nam được thể hiện trong cấu trúc bài viết. Trong đó, trong phần “Tôn giáo bản địa”, mục 3, chỉ kể đầu tiên và duy nhất đạo Mẫu.
Trong phần Phật giáo, loạt bài “Cảnh quan các tôn giáo toàn cầu”, mục Tôn giáo, trang Pew Research, việc xác định các quốc gia có Phật giáo là đa số được xác định rõ, tất nhiên không có Việt Nam. Tạm dịch nguyên văn đoạn xác định Phật giáo đa số như sau:

“Bảy quốc gia có đa số Phật giáo: Campuchia, Thái Lan, Miến Điện (Myanmar), Bhutan, Sri Lanka, Lào và Mông Cổ. Chẳng những, Việt Nam không có trong danh sách này mà nhiều nước và vùng lãnh thổ có Phật giáo là tôn giáo truyền thông cũng đã bị loại, nhưng Nhật Bản, Triều Tiên, Hàn Quốc, Đài Loan. Cũng trong bản thống kê trong bài viết trên, số tín đồ Phật giáo Việt Nam được xác định là 14.380.000 người, tức 16,4% dân số”.

Đáng chú ý là phần Phật giáo, mục 4, trong nội dung mục từ nói trên, Wikipedia tiếng Anh, gồm 4 tôn giáo là:

4.1 Tịnh độ Tông
4.2 Bửu Sơn Kỳ Hương
4.3 Hòa Hảo
4.4 Tứ Ân Hiếu Nghĩa

Quan điểm như thế, xem đạo Mẫu như một tôn giáo và coi là tôn giáo đa số ở Việt Nam, xếp Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương… vào Phật giáo có thể được coi là rất lạ, so với đơn vị tiến hành thống kê ở Mỹ (trong khi đó Cao Đài được xếp tách biệt, sau Chính thống giáo Ki tô và trước Đạo Dừa).

Chúng tôi dẫn lại ở đây thống kê được nêu trên mục từ “Tôn giáo ở Việt Nam” trong Wikipedia tiếng Anh với tinh thần chấn hưng Phật giáo. Chấn hưng Phật giáo thực sự đã trở thành một nhu cầu cấp thiết, khi trên Wikipedia tiếng Anh, 2 thống kê được trích dẫn thì đều đã thể hiện xu hướng thiếu số hóa. Trong đó, thống kê hàng đầu và được lấy làm căn bản của bài viết mục từ “Tôn giáo ở Việt Nam”, Wikipedia,  đã cho thấy Phật giáo là tôn giáo thiểu số, tôn giáo đứng thứ hai.

Thống kê của Ban Chỉ đạo Tổng Điều tra dân số nhà ở Trung ương thường được gọi tắt Thống kê của Chính phủ, chưa đề cập đến Đạo Mẫu, vì đạo này chưa được công nhận. Nếu cuộc thống kê dân số kế tiếp có tính cả đạo Mẫu, thì liệu con số tín đồ Phật giáo Việt Nam sẽ giảm xuống bao nhiêu?

Trong một kỳ họp Quốc hội mới đây, đã có một đại biểu đề xuất công nhận đạo Mẫu là một tôn giáo ở Việt Nam. Quan điểm này không khác với quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu Pew. Không rõ đây là việc ngẫu nhiên, hay quan điểm của Trung tâm Nghiên cứu Pew đã có ảnh hưởng rộng lớn?

Nếu so sánh 2 nguồn thống kê đăng trên Wikipedia tiếng Anh, chúng tôi coi số liệu của “Chính phủ” là đáng tin cậy hơn, vì Trung tâm Nghiên cứu Pew chắc chắn là đã không tiến hành được một cuộc tổng điều tra toàn quốc như Chính phủ Việt Nam đã làm năm 2009. Phụ lục về nguồn dữ liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew cũng đề cập nhiều đến yếu tố ước tính. Tuy nhiên, nó được Wikipedia tiếng Anh sử dụng nên cũng không thể xem thường, vì nó sẽ phục vụ cho bạn đọc mạng toàn thế giới, và là từ điển bách khoa có nhiều nhiều độc giả nhất.

Và như thế, thì đối với thế giới, mà phần lớn bạn đọc tiếp nhận thông tin qua mạng, thì ở Việt Nam, Phật giáo đã trở thành tôn giáo đứng hàng thứ hai, tôn giáo thiểu số.

Vì vậy, một lần nữa, xin lặp lại lời kêu gọi chấn hưng Phật giáo.

MT