Trang chủ Văn học Phật giáo Việt Nam qua phong dao, tục ngữ

Phật giáo Việt Nam qua phong dao, tục ngữ

1026

Có một người bạn thân vừa gửi biếu tôi bản thảo một cuốn sách mà tôi mong muốn được chóng in ra, bởi vì đó là một cuốn sách quý. Cuốn sách có nhan đề Phật giáo Việt Nam qua phong dao tục ngữ.

Đây là cuốn sách sao lục và bình chú 408 câu phong dao, tục ngữ mà tác giả nghĩ là có liên hệ đến Phật giáo. Tôi viết: “nghĩ là có liên hệ” bởi vì tất cả khó khăn là nằm ở đấy, ở công việc sau lục. Sao lục từ đâu? Sao lục trên tiêu chuẩn nào? 

Từ đâu? Cho dù sau này có nhiều người viết về phong dao tục ngữ, thượng vàng hạ cám, quyển sách của Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc vẫn là thứ thượng. Trong cái địa hạt rất dễ phịa là địa hạt này, càng thận trọng càng liêm khiết. Bởi vậy, tác giả đã căn cứ trên Ôn Như và ba xuất xứ khác, tất cả đều đứng đắn.

Sao lục trên tiêu chuẩn nào? Trên ba tiêu chuẩn: lựa câu nào có lời và ý liên quan đến Phật giáo; câu nào chỉ có lời liên hệ; câu nào chỉ có ý liên hệ. Tiêu chuẩn thứ nhất là hiển nhiên. Tiêu chuẩn thứ hai hợp lý không kém. Tiêu chuẩn thứ ba hợp lý nhưng khó phân minh, dễ tranh luận.

Một năm một tuổi như đuổi xuân đi
Cái già xồng xộc nó thì theo sau

Ấy là Phật giáo? Đúng. Ấy là nhận xét thông thường? Không sai.

Ai ơi đừng chóng chớ chầy
Có công mài sắt có ngày nên kim

Ấy là Phật giáo? Có thể lắm chứ. Ấy là luân lý phổ thông? Thì cũng được.

Hơn thế nữa:

Cũng tại hóa công khiến kẻ đông người bắc
Tuy là xa lắc còn nhắc nhau hoài
Chẳng qua mạng nọ ghét tài
Xui anh bảng lảng duyên hài mới lơi

Là Phật giáo? Là Nho? Là tài mệnh tương đố? Là “trăm năm trong cõi người ta”?

Ra khơi xem cá ông voi
Vào hang bắt muỗi xem loài tiêu minh
Cũng tâm cũng tính cũng tình
Cũng vùng vẫy đủ cũng sinh nuôi vừa
Muôn vàn trong một hóa cơ
Chớ đem nông nổi mà ngờ cao xa

Là Phật? Là Nho? Là Lão? Là ba mà một, một mà ba? Làm sao mà lựa? Lấy nhiều, biết thế nào là đủ? Lấy ít, e chẳng khỏi bất công. Tác giả quyết định: lấy ít thôi. Thế là phải.

Đúng đắn như vậy, tác giả vẫn viết trong bài tựa: “Với lại Phật tử viết về Phật giáo thì không phải vô tư. Có điều người nhà nào nói việc nhà ấy thì có cái có thể rõ hơi”. Đó là mục đích và tinh thần của phần bình chú, phần tinh hoa của cuốn sách. Đó cũng là đạo đức ngay thẳng của người viết. Bình chú về đạo Phật giản dị, rõ ràng như vậy, không ai qua mặt được tác giả.

Tác giả có nêu vấn đề thư tịch trong bài tựa để giải thích tại sao không có thư mục về Phật giáo. Tôi nghĩ giải thích làm gì cho mất công, kể chuyện Trạng Quỳnh vui hơn, mà đúng hơn. Trạng Quỳnh nói đổng với thiên hạ: khi nào trời nắng tốt ông sẽ đem sách ra phơi cho khỏi mốc.

Chúa Trịnh nghe thế, nghĩ: tay này giỏi thế kia, chắc sách phơi đầy sân. Trời nắng, chúa ngự đến nhà, xem Trạng phơi sách. Sách chẳng thấy, chỉ thấy Trạng tồng ngồng phơi nắng giữa sân. Trạng bảo: thì sách nằm cả trong bụng chứ đâu, chẳng vén bụng làm sao mà phơi! “Binh giáp tàng hung trung”, binh giáp chứa đựng trong bụng, thư mục làm gì cho phiền phức.

Vài hàng nhận xét có tính cách trường ốc như thế này là đủ. Tôi muốn đi ngay vào phần tinh hoa của cuốn sách để nói những điều tôi đã học được. Tôi đã học được vô số chuyện, chỉ lựa vài chuyện kể ra sau đây.

Tôi học được trước tiên về những vấn đề căn bản của triết lý Phật giáo, tưởng hiểu rồi mà hóa ra chưa hiểu đúng. Chẳng hạn về chữ Khổ. Tôi cứ băn khoan mãi về điều này: làm sao dạy đạo Phật cho con tôi, ở lứa tuổi mười lăm mười bảy, khi phải bắt đầu ở cái chỗ bắt đầu, nghĩa là ở chữ khổ?

Với tôi, chân lý đó hiển nhiên. Với chúng nó, sự thực đó tương đối. Tôi tò mò muốn biết ca dao nghĩ thế nào. Có giống như tôi không, nghĩa là ít nhất mỗi ngày năm lần tôi kêu khổ. “Khổ quá, vợ để cái lọ tiêu chỗ nào tìm không ra!” “Nhà mới lau xong, ai tha bùn vào thế này, khổ ơi là khổ!”

Các cụ ở lứa tuổi mẹ tôi thường buột miệng với hai chữ “cơ khổ”: “Cơ khổ, cháu nó mới về, định qua thăm bác, nhưng nắng quá!” “Cơ khổ, thầy Kim Sơn nghe con về, đội nón đến thăm con liền!”. Chẳng khổ gì cũng kêu khổ, huống hồ là khổ! Thế thì chẳng phải miệng ta niệm Phật ít nhất năm lần mỗi ngày đó sao, bởi vì niệm khổ nào có khác gì niệm Phật? Mà cả nhân loại niệm Phật đấy chứ, nào có riêng ai!

Ông văn hào số một của Pháp, Gustave Flaubert, than: “La joie m’attriste quand elle est passée” – Nỗi vui làm tôi buồn khi nó đi qua. Thế là ông niệm Phật rồi! Mà lại niệm rất hay, rất đúng!.

Cái biển khổ mà Phật giáo nói trong chân lý thứ nhất, ca dao Việt Nam phác ra một hình ảnh cực kỳ sống động, linh hoạt:

Gánh cực mà đổ lên non
Cong lưng mà chạy cực còn đuổi theo

Đó chỉ là mới một thằng cực đuổi theo. Khổ, có cả trăm thằng mà ca dao kể ra khá đủ: khổ vì thân xác, khổ vì nghèo, khổ vì đói, khổ vì vất vả, khổ vì già, khổ vì chết, khổ vì biệt ly, khổ vì lo lắng, và có hai thằng khổ này nữa mà ca dao rất sành điệu: khổ vì yêu đương, khổ vì tương tư:

Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa như ngồi đống than.

Ấy, tôi biết con tôi sắp phản đối: khổ thế là sướng đấy, cầu cho được khổ! Thì lúc tôi bằng tuổi chúng nó, tôi cũng nói thế thôi: lửa mấy anh cũng xin đứng, than mấy anh cũng xin ngồi. Nghe ông thi sĩ nào đó ca ngợi “thú đau thương”, tôi thèm quá!

Làm sao nói với tuổi thanh niên, hồn xuân phơi phới về cái chuyện tréo cẳng ngỗng rằng cuộc đời là khổ? Tác giả quyển sách dạy tôi một cái nhìn về khổ rất hùng tráng, rất thanh niên, rất hồn xuân phơi phới. Thân thể con tôi, thân thể con người là đẹp, là quý. Con mắt không quý à? Không quý làm sao thấy đạo nơi mai nở mùa xuân? Thương yêu không quý à? Không quý, làm sao biết cái nghĩa của cho, cái nghĩa của nhận?

Cái thân con người rất khó có, mà may phước lắm mới có, vì nó chứa đựng tất cả khả năng để đi lên, để hướng thượng, để toàn hảo. Nó là “cái gốc của mọi sự dơ bẩn mà cũng là cái gốc của mọi sự trong sạch”, Phật nói như vậy. Thế thì nếu con tôi thấy cuộc đời có nhiều cái mà nó cho là vui, là hạnh phúc, đừng nói nó sai. Bên trên thác loạn, cuộc đời rất đẹp.

Cho nên nếu nó đứng trong lửa mà thấy vui, ngồi trên than mà thấy khoái, tôi phải biết hoan hỷ với nó. Chỉ mong nó đừng bao giờ vui ngu; vui thì được, ngu thì không. Chỉ mong nó cố gắng hiểu cho được điều này: trong vui có khổ, trong khổ có vui, cuộc đời là như vậy. Và bởi vì trong khổ đã có mầm vui, hãy lấy khổ làm bàn đạp mà vượt lên, mà chiến thắng. Quan niệm sống đó đích thực là của Phật, quyển sách xác nhận với tôi như vậy. Vui thay, tục ngữ cũng khẳng khái một lời:

Có thân thì khổ, có khổ mới nên thân

Điều thứ hai mà tôi học được rõ hơn từ quyển sách là những đặc điểm của Phật giáo Việt Nam. Trước hết là thiền. Ai cũng biết thiền đã phát triển cực thịnh ở nước ta từ thuở Lý Trần, vậy thì tinh hoa đó có được phản ánh trong tục ngũ phong dao hay không?

Thú thực, hồi lớp ba học Quốc văn giáo khoa thư, tôi rất khổ sở với bài Đêm qua ra đứng bờ ao. Chẳng hiểu gì cả! Ai ra đứng bờ ao? Một người đàn bà? Một người đàn ông? Tâm sự gì mà bi đát vậy: “trông cá cá lặn trông sao sao mờ“?

Đêm hôm, nhìn sông nước, sao lại có con nhện giăng tơ? Chỉ đến câu cuối, tôi mới mường tượng ra được nỗi nhớ nhung của một người đối với một người và lòng dạ chung thủy giữa đây với đó:

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn
Tào khê nước chảy lòng còn trơ trơ

Nhưng “Tào khê nước chảy” thì nước ở đâu, chảy đến nơi nào? Bài thơ lại rơi vào bí hiểm. Bây giờ tôi mới biết: Tào Khê là con suối chảy qua chỗ Lục tổ Huệ Năng ở. Hóa ra con suối chảy trong ca dao là con suối Thiền!

Lại về Thiền: bây giờ tôi cũng biết thêm rằng nhiều câu trong ca dao xuất ý từ thiền hay lấy hẳn văn tự của Thiền. Chẳng hạn câu mở đầu rất chữ nghĩa sau đây của một cô gái chân chất muốn tìm bạn chân chất để kết nghĩa đá vàng:

Tửu phùng tri kỷ tam bôi thiểu
Thoại bất đầu cơ bán cú đa
Miễn cho anh nói thiệt thà
Dầu cho Hồ Việt một nhà lạ chi

Dốt chữ Han bao nhiêu cũng đoán mò được câu thứ nhất: uống rượu mà gặp tri kỷ thì ba chén còn thiếu. “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu”, một chén rượu trong thơ Đường đâu có ít gì! Nhưng ba chén rượu ở đây chỉ mới là một giọt.

Câu sau xuất thần: nói chuyện mà không trúng ý thì nửa lời cũng nhiều. Nửa lời là thấy trật đường rầy rồi. Thì lẹ lẹ anh đi đường anh, tôi đường tôi. Tưởng thế là đã quá hay, ai ngờ câu sau vốn là văn tự của thiền tông mà cô gái đã chuyển ý để nâng tính thiệt thà lên tiêu chuẩn số một trong việc lựa bạn trăm năm. Nói chuyện mà không trúng ý thì nửa lời cũng nhiều, còn nói chuyện mà trúng ý thì sao?

Thoại nhược đầu cơ bán cú đa

Nguyên văn của Thiền tông là như vậy: nói chuyện mà trúng ý thì nửa lời cũng nhiều. Thì đừng nói gì nữa hết. Thì sơn cùng thủy tận, đi đâu anh cũng có em.

Sơn cùng thủy tận … Chẳng lẽ đây cũng là văn tự Thiền tông nữa sao? Nghe thì toàn là chữ Hán. Mà Việt hóa đến độ cây lúa cây ngô cũng hiểu. Nhưng lúa ngô có biết chăng cái điều mà tôi chẳng biết, biết chăng đây là một câu tuyệt cú của thiền:

Sơn cùng thủy tận nghi vô lộ
Mịch đắc mai hoa biệt nhất thôn

Đi cho đến tận cùng non nước, đi cho đến chỗ thắc mắc không còn đường hướng nào nữa, hãy đi như thế rồi thấy… Thấy gì? Tôi rùng mình. Có lẽ mấy thế kỷ về trước, tâm hồn Việt Nam đã bắt chợt câu thơ và đã rùng mình. Hãy đi như thế, đi cho đến chỗ thắc mắc không còn đường hướng nào nữa, thì thấy được một thôn xóm hoa mai. Đừng nói thêm gì nữa, dù nửa chữ.

Vẫn Thiền. Tôi còn biết thêm, nhờ cuốn sách, rằng tôi đã hiểu sai hoặc hiểu chưa đúng hẳn vài câu mà tôi tưởng nghĩa lý đã rành rành. Hai chữ “vô tâm” chẳng hạn. Đối với đời, đối với người, tôi cố học, cố hành, cố sống “vô tâm”. Như gió thổi qua nhà trống, thong dong, không vướng mắc. Vô tâm như vậy thì chẳng cần thuyền bè cầu cống gì hết.

Tôi còn đem hai chữ vô tâm để diễn dịch những chuyện xa lắc xa lơ nghe như chẳng dính dáng gì đến Thiền. Chẳng hạn chuyện Tào Tháo. Hồi trẻ, Tào Tháo chơi với Viên Thiệu. Một đêm, hai người lẻn vào nhà một cặp vợ chồng mới cưới. Đột nhiên Tháo kêu tướng lên: “Có trộm!” Thiệu hoảng quá, chui đại vào bụi gai. Tháo xông vào nhà nắm cổ cô dâu. Đùa xong, Tháo chạy. Thiệu chui vào bụi gai thì được mà chui ra thì không được vì gai dày quá. Thấy thế, Tháo thét lên: “Kẻ trộm đây rồi!” Thiệu hoảng quá, nhảy phóc một cái thoát khỏi bụi gai.

Có thể đây chỉ là minh họa của cái lẽ cùng biến tắc thông chứ chẳng có gì khác. Nhưng tôi e rằng tác giả Tam Quốc cho anh Tào Tháo học lóm hai chữ vô tâm của thiền: đừng để tâm vào chuyện gai thì gai góc chẳng có, gai góc chẳng có thì gai đâu mà rạch da!

Dụng tâm mạc nhược vô tâm hảo

Tôi nghe hoài câu đó mà cứ tưởng vô tâm là thế, là dùng tâm thì không tốt bằng vô tâm. Hóa ra như thế này đúng hơn: trong cách sử dụng cái tâm của mình thì không có cách gì tốt bằng không cho cái tâm xoi bói những sự phải trái tốt xấu của người.

Nói về Thiền, tôi còn muốn nói dài dài … Nhưng tạm ngưng để bước qua điều thứ ba tôi học được từ quyển sách. Đạo Phật trong phong dao tục ngữ không thiên về triết lý, không đặt nặng trí tuệ. Ngay cả Thiền, số lượng sao lục cũng không nhiều, tính chất bác học còn nằm trong nguyên văn chữ Hán.

Đạo Phật của tục ngữ phong dao là đạo Phật của đạo đức, là đạo đức Phật giáo – đạo đức chứ không phải là những điều răn khô khan, cứng nhắc. Và chính bởi vì đó là đạo đức, và bởi vì Phật giáo đi quá sâu vào nếp sống dân gian, nên nó hòa lẫn vào luân lý bình dân, quyện nhau làm một, khó phân biệt đâu là luân lý đâu là Phật giáo. Chính vì vậy mà công việc sao lục quả là khó khăn, ai muốn bắt bẻ, rất dễ bới bèo ra bọ.

Đạo đức đó trước hết là hạnh từ bi, từ bi được hiểu như đạo đức, không phải như một triết lý rất cao siêu của Phật giáo. Trong đầu óc dân gian, đạo Phật đồng nghĩa với từ bi, đức hạnh số một được tôn sùng. Chu Mạnh Trinh đã chắp tay tán thán như vậy sau khi vãn cảnh chùa Hương:

Lần tràng hạt niệm nam mô Phật
Cửa từ bi công đức xiết là bao

Từ bi hiện thân nơi đứa bé nằm bỏ hoang trước sân chùa và nơi người sư nữ đã nhận đứa bé làm mẹ:

Con ai đem bỏ chùa này
Nam mô Đức Phật con thầy thầy nuôi

Từ bi nằm gọn trong chữ Bụt hiền lành, mộc mạc: “Hiền như Bụt”, “lành như Bụt”. Bụt thì chỉ biết hiền, hiền đến độ dân gian phải viện đến ông trời để ngừng phạt vì Bụt chỉ thương mà không phạt. Phạt, chỉ có ta phạt ta. Bụt chỉ khuyên bảo, vì thương mà khuyên bảo, mà lại khuyên bảo nhỏ nhẹ, thầm thì, như nói đâu từ trong đáy lòng, không phải phán quyết từ tít cao xa: “Tham thì thâm, Bụt đã bảo thầm rằng chớ có tham“. Cho nên làm điều quá quắt, thất đức, không gì hơn là “bẻ tay Bụt ngày rằm“.

Tất nhiên từ bi không phải chỉ là hiền, và hiền quá thì quá lờn; “gần chùa gọi Bụt bằng anh, thấy Bụt hiền lành cõng Bụt đi chơi“. Bụt hiền, bởi vì đạo đức của Bụt không dữ: đó là đạo đức của người, đạo đức của hành vi, đạo đức của nhân quả. Bụt không trừng phạt, nhưng nhân lành thì quả lành, nhân dữ thì quả xấu, ai cũng hiểu, ai cũng nhận.

Và bởi vì ai cũng nhận nên tác giả Bụt cũng chẳng cần phải giữ bản quyền tác giả làm chi: nói đó là đạo đức của Bụt cũng được, nói đó là luân lý phổ thông cũng ừ, miễn rằng đó là Việt Nam, đó là đạo đức của dân tộc từ thuở dân tộc là dân tộc.

Nhân quả, nghiệp, tội phước, kiếp này kiếp sau thấm vào tục ngữ phong dao như nước thấm vào ruộng lúa. Từ bi, đối với dân gian nằm ở trong đó: “thương người như thể thương thân” bởi vì “cứu nhất nhân đắc vạn phúc“. Cũng vậy, “thí một chén nước phước chất bằng non“.

Ngược lại … Ngược lại ấy à? Thì khiếp lắm, Bụt cũng chịu thua, không cứu nổi:

Quả báo ăn cháo gãy răng
Ăn cơm gãy đũa, xỉa răng gãy chày

Từ bi, nhân qua, nghiệp báo… tất cả đạo đức đó, dưới mắt dân gian, thâu tóm vào một chữ: chữ “tu”. Tu là đạo đức. Cho nên tu giả, tu lếu thì bị phong dao tục ngữ kết án nặng nề lắm.

Tu giả:

Nam mô một bồ dao găm
Một trăm dao mác, một vác dao bầu, một xâu thịt chó

Tu lếu:

Ba cô đội gạo lên chùa …

Cần gì cô bỏ bùa! Ông treo bùa sẵn nơi cổ ông, nó chờ ông đấy.

Trào phúng là chuyện của muôn đời, muôn nơi, chẳng phải là đặc sản của thời đại nào, văn hóa nào. Nhưng trào phúng hay thì có cái đạo đức của nó, trào phúng dở thì rơi vào thô bỉ. Đối với thứ tiếu lâm thô bỉ, quá đà, phong dao đã có câu trả lời sẵn:

Đất Bụt lại ném chim trời
Chim trời bay mất đất rơi xuống đầu

Đối với thứ trào phúng có đạo đức, hãy lắng tai nghe mà cám ơn. Và hãy nhận định rằng đạo Phật mà dân gian ấp ủ trong phong dao là đạo Phật của giới; tu là giới, có giới thì có sự kính trọng, không có giới thì ca dao nói thẳng: “ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối“.

Từ chữ tu được hiểu theo nghĩa đạo đức như vậy, phong dao ưa đối kháng đạo đức của tu với đạo đức của tình. Lạ thật, phong dao không châm chích nam giới đi tu mà ưa chĩa mũi dùi vào nữ giới đi tu:

Cá bống đi tu
Cá thu nó khóc
Cá lóc nó rầu
Phải chi ngoài biển có cầu
Anh ra đến đó giải sầu cho em
 

Phải chăng vì Nho giáo có cái nhìn khắt khe hơn về phụ nữ? Phải chăng dưới ảnh hưởng của Nho, phụ nữ có cái đạo đức gia đình lớn hơn? Yếu thì phải nương tựa, nghĩa là phải có đôi có lứa, lẻ loi là không hợp với sách trời?

Ngó lên trời thấy cặp cu đang đá
Ngó ra biến thấy cặp cá đang đua …

Hay là vì trọng nam khinh nữ? Nữ giới đi tu thì đáng ngờ hơn đáng tin?

Mà đáng ngờ là tại đâu? Tại lòng dạ nữ giới hay tại tính háo sắc tham lam nơi quý vị đàn ông?

Ai lên Hương Tích chùa Tiên
Gặp cô sứ bác anh khuyên đôi lời
Đem thân làm cái kiếp người
Tu sao cho trọn nước đời mà tu

Chính ở đây đạo Phật là làn gió mát cho nữ giới. Trong cái thiên lệch khắt khe của Nho, Phật giáo đã giải phóng cho phụ nữ, mang đến cho nữ giới khả năng lựa chọn giữa hai đời sống, hai đạo đức, tùy thuận nhân duyên. Mà phải nói rằng đạo đức tu hành của nữ giới rất thơm, thiên lệch đến mấy, ca dao cũng phải truy nhận:

Thiếp về lựa chuối thiếp mua
Lựa hương thiếp thắp lựa chùa thiếp tu

Nhẹ nhàng, kín đáo mà chắc nịch, không lay chuyển. Đó là đạo đức bình dị, hiền hòa của chuông của mõ, mõ thức tỉnh, chuông giải thoát, đạo đức dịu dàng của chị nhắn với em trong thanh tịnh của chiều hôm:

Mõ chiều em gióng chị nghe
Chuông chiều chị gióng có về bên em

Tu không phải là đi trốn, dù trốn kín tìm không ra. Là vượt lên. Vượt lên cái nhỏ vì thấy cái lớn. Là chiến thắng. Thắng cái thấp vì thấy cái cao. Vượt lên, chiến thắng trong từng phút từng giây. Đó là đạo đức mà dân gian đòi hỏi nơi người tu hành: đạo đức trước cám dỗ.

Nhưng chữ tu, trong dân gian, còn có ý nghĩa tín tưỡng. Chính chữ tu này đã nhập vào chữ hiếu của đạo lý cổ truyền để đưa chữ Hiếu vào chuông mõ Vu Lan, nâng cha mẹ lên hàng Phật sống:

Em tu hành anh chỉ chỗ cho em tu
Kìa hai vị Phật sanh
Cha già mẹ yếu em đành bỏ đi

Chữ Hiếu đã nâng lên đến mức ấy thì đâu là nhà, đâu là chùa? Thứ ba là tu chùa, thứ hai là tu chợ… Quyển sách khẳng định một nét độc đáo trong Phật giáo Việt Nam: phong dao tục ngữ đề cao cách tu tại gia. “Thứ nhất là tu tại gia …” và khẳng định: tu tại gia là thực hiện huấn dụ của Phật ngay trong đời sống. Vừa là đạo đức, vừa là tín ngưỡng, “tu” biến chùa thành nhà, biến nhà thành chùa, ai tu cũng được, nhất là nữ giới.

Từ chuyện nam nữ này, tôi học được điều thứ tư trong cuốn sách, điều mà ai cũng biết, nhưng được nhắc nhở thì vẫn thích như thường: đạo Phật trong phong dao rất vui, rất trẻ, bởi vì chùa là miếng đất hoa mầu của văn hóa lễ hội. Lễ hội tưng bừng trong phong dao, nổi tiếng nhất là lễ hội chùa Thầy:

Nhớ ngày mồng bảy tháng ba
Trở vào hội Láng trở ra hội Thầy

Hội lớn, hội nhỏ, chùa làm vui làng xóm, gánh vác chức năng giải trí trong một xã hội nông thôn quanh năm quần quật: “Làng ta mở hội vui mừng, chuông kêu trống đánh vang lừng đôi bên“. Chuông mõ là thoát tục, chuông trống là vui chơi, là tín ngưỡng lồng vào vui sống. Và vui chơi trong một xã hội Khổng giáo gò bó, lễ nghĩa là một nhu cầu, một đòi hỏi của hồn nhiên trước câu thúc, đè nén.

Do đó, lễ hội là những dịp vui để trai gái gặp nhau, trai tìm vợ gái tìm chồng, những chuyện rất bình thường mà cửa chùa trang nghiêm tạo cơ hội bên cạnh cửa Khổng sân Trình khắc nghiệt như cây roi:

Hội chùa Thầy có hang Cắc Cớ
Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy

Đừng nói đây là chuyện trăng gió lăng nhăng: đạo mà đi vào được cuộc sống vui như vậy thì đó mới là đạo của đời.

Đạo với đời: tôi muốn chấm dứt ở đây với hai ý nghĩ nhỏ, vặt.

Ý thứ nhất liên quan đến đẳng cấp thống trị: sức mấy mà Phật giáo đồng hóa với đẳng cấp thống trị! Quá thân mật, quá gần gũi, quá hòa đồng với dân gian, ngôn ngữ Phật giáo nằm trên đầu lưỡi của phong dao tục ngữ để nói những chuyện hàng ngày. Muốn nói của hiếm người đông? “Bụt nhiều oản ít“. Tham lam bủn xỉn? “Của người Bồ-tát của ta lạt buộc“.

Người nào loạn tâm loạn ý, lẫn việc này với việc kia, người ấy đang “kinh một đằng tìm một đằng“. Đám đông vu oan giá họa thì “chúng khẩu đồng từ ông sư cũng chết“.

Hảo tâm thì quý quá, nhưng coi chừng, “bố thí giờ Thìn ăn xin giờ Tỵ“. Thậm chí đểu giả cũng nam mô, “nam mô một bồ lấy bốn“; hấp ta hấp tấp cũng nam mô, “nam mô A Di Đà Phật, đổ mật vào nồi chưa sôi đã nếm“.

Cho đến anh nông dân, khi vui cái vui được mùa, cũng kéo ông thầy chùa cùng vui: “được mùa thầy chùa no bụng“. Thế thì “mất mùa thầy chùa đói meo!”. Anh với tôi cùng vui cùng buồn, chẳng ai thống ai chẳng ai trị ai. Anh châm chọc, tôi hoan hỷ, bụng tôi chứa cả anh vào trong đó, anh biết thế nên khi anh đùa, anh có tôi, mà khi anh khổ, anh cũng kêu tôi.

Ý thứ hai là một bâng khuâng vớ vẩn. Phong dao là những câu thơ mộc mạc, hồn nhiên. Trong đạo Phật, bản tính của con người cũng hồn nhiên, mộc mạc như thế, càng hồn nhiên càng gần với đạo. Bởi vậy đâu là đạo đâu là thơ, khi đạo đã thấm vào tâm hồn của người làm thơ lẫn người đọc thơ, nghĩa là hầu hết mọi người?

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” là thơ hay đạo? Có chữ nào là đạo đâu? Mà có chữ nào chẳng là đạo! Tôi hiểu cái khó khăn của người sao lục khi đi vào thế giới hồn nhiên của ca dao. Nếu tôi là tác giả, không chừng tôi vơ đũa cả nắm!

Và không chừng tôi sẽ đi xa hơn nữa cả trong việc bình chú, bởi vì tôi sẽ đem cả những vớ vẩn của tôi vào những vớ vẩn hồn nhiên của câu thơ. Có gì vớ vẩn hơn câu ca dao này:

Đêm nằm nghe vạc trở canh
Nghe sư gõ mõ nghe anh dỗ nàng

Đố ai nghe được cái gì khi lòng không lắng để tự nhiên mà nghe. Cùng thức giấc cả khi trời chưa sáng, bao nhiêu người có nghe thấy gì đâu ngoài những lo toan chưa giải quyết xong của ngày hôm qua, những phiền toái sắp phải đụng đầu trong ngày sắp đến, nợ nần, hò hẹn, cái hóa đơn phải khai, câu diễn văn phải đọc. Người thức giấc trong câu ca dao hẳn phải là một người đã tỉnh. Rất tỉnh. Rất lắng. Lắng như nước đã lọc. Lắng như vậy mới nghe được những chuyện bình thường đến với anh một cách hồn nhiên.

Chính tôi mới là người không bình thường, bởi vì tôi đang thử nghe cái nghe của người đó. Tôi nghe một bước chân đi qua: bước chân của thời gian, của vô thường. Tôi nghe một bước chân đi ra: bước chân của mõ. Tôi nghe một bước chân đi vào: bước chân của tình ái. Giản dị thế thôi là cuộc đời. Cuộc đời giản dị thế thôi! Dỗ nhau là tự nhiên quá, hạnh phúc tột vời. Nhưng cũng tự nhiên quá cái tiếng vạc kêu. Không chừng có cả tiếng vạc kêu trong tiếng dỗ nhau. Cho nên có bước chân đi vào. Có bước chân đi qua. Có bước chân đi ra…

Ông là Phật tử trí thức, sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam