Trang chủ Diễn đàn Chấn hưng Phật giáo Phật giáo Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Phật giáo Việt Nam: Cơ hội và thách thức

191

Ngẫm lại quá khứ



Trong lịch sử PGVN, đã xuất hiện những cao tăng thành đạo như các ngài Giác Hải, Từ Đạo Hạnh; có những vị trực tiếp đánh giặc cứu nước như sư Vạn Hạnh, Trần Nhân Tông… Đặc biệt, hình ảnh Bồ tát Thích Quảng Đức vị pháp thiêu thân đã nêu cao tấm gương hy sinh cho độc lập dân tộc.


Bên cạnh đó, không ít phật tử trí giả cũng đóng góp đắc lực cho đạo pháp như ngài Tuệ Trung Thượng sĩ, cư sĩ Lê Đình Thám… Với những cống hiến ấy, PGVN không chỉ mang lại sự ích nước lợi dân, mà còn kết tinh cho nền văn hoá tâm linh VN thăng hoa và góp phần không nhỏ cho sự tinh tấn chung của đạo Phật thế giới.


Chính vì vậy, tại Hội nghị trù bị Đại lễ Phật đản của Liên Hợp Quốc, có ba thành viên của PGVN được mời làm thường trực Ban tổ chức và 200 tăng ni, phật tử VN được mời trong số hơn 30.000 tăng ni, phật tử thế giới tham dự lễ hội tôn giáo của thế giới từ 7-10.5 tại Thái Lan.


Trước đó, tại diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ nhất – diễn ra ngày 13.4.2006 ở Trung Quốc, thu hút hơn 1.000 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo Phật giáo, các nhà nghiên cứu Phật học, tôn giáo, văn hoá và các nhà ngoại giao của 41 quốc gia, Hoà thượng Thích Trí Quảng – đại diện PGVN – đã đóng góp tham luận soi sáng vấn đề “Thế giới hoà hợp bắt đầu từ tâm” (chủ đề chính của diễn đàn).

Suy về vị lai


Những ngày này, tăng ni, phật tử trên khắp mọi miền đất nước tưng bừng tổ chức Đại lễ Phật đản với những cuộc diễu hành xe hoa, thuyền hoa, lập vườn Lâm Tỳ Ni, treo cờ Phật giáo, giăng đèn kết hoa, biểu diễn văn nghệ… Việc này không chỉ thể hiện VN ổn định về chính trị – phát triển về kinh tế, mà còn minh chứng cho tinh thần dân chủ đã thấm đẫm trong hoạt động của người dân.


Sự giao lưu giữa PGVN với PG thế giới đã xua tan những hiểu lầm, ngộ nhận, giúp cho nhân dân và Việt kiều các nước nhận rõ rằng ở VN không hề có chuyện đàn áp tôn giáo như một số tin đồn thất thiệt.


Đặc biệt, tăng ni, phật tử các nước bạn còn tận mắt chứng kiến PGVN hiện đã đào tạo được đội ngũ tăng ni trẻ có tri thức cao, đa dạng về chuyên môn, nhiều người có học vị thạc sĩ, tiến sĩ, tốt nghiệp ở nước ngoài. Về cơ sở vật chất, hầu hết các chùa – viện đều được trùng tu, xây mới; cả 3 tạng kinh, luật, luận đều phát triển. Đáng nói, tới đây khi Học viện PGVN (tại Sóc Sơn – Hà Nội) được xây dựng hoàn chỉnh, có thể sẽ đủ tầm cho các hoạt động quốc tế.


Tuy nhiên, nhìn lại các hoạt động PG thế giới mới đây như Đại hội Hội Liên hữu Phật giáo thế giới lần thứ 23, Hội Liên hữu thanh niên Phật giáo thế giới lần thứ 14 và Hội đồng Đại học Phật giáo thế giới lần thứ 6 – đồng khai mạc ngày 20.4.2006 ở Đài Loan, quy tụ hơn 700 đại biểu từ 20 quốc gia để thảo luận chủ đề “Phật giáo – sự khoan dung và hoà bình thế giới”; các vấn đề về thanh niên Phật giáo và thành lập Đại học Phật giáo thế giới tại Trung tâm Buddamonthon (Bangkok – Thái Lan); và việc Hội Liên hiệp Phật giáo Nhật Bản đăng cai tổ chức đại hội lần thứ 24 vào năm 2008… cho thấy PGVN hiện nay còn rất nhiểu việc phải làm để có thể tổ chức được những hoạt động mang tầm cỡ quốc tế. Đây chính là thách thức lớn đối với PGVN.