Trang chủ Thời đại Phật giáo và vấn đề khủng hoảng môi sinh

Phật giáo và vấn đề khủng hoảng môi sinh

105

Tôn giáo và vấn đề môi sinh  


Năm 1996, Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo Thế giới của Ðại học Harvard (Harvard University Center for the Study of World Religions) phối hợp cùng Ðại học Bucknell và Trung tâm Tôn trọng Sự sống và Môi sinh của Hội Nhân đạo Hợp chủng quốc (Center for Respect of Life and Environment of the Humans Society of the United States) tổ chức một Hội nghị về đề tài “Các tôn giáo thế giới và môi sinh”.


Sau hơn 3 năm chuẩn bị, Hội nghị quy tụ hơn 700 nhà thuyết trình và với tham dự viên gồm các học giả, các nhân vật lãnh đạo các tôn giáo lớn và các chuyên gia về môi sinh khắp thế giới. Ngoài ra Hội nghị còn được sự ủng hộ và bảo trợ của các hội đoàn đại diện các tôn giáo lớn như The Aga Khan Trust for Culture, Association of Shinto Shrines, Dharam Hinduja Indic Research Center at Columbia University, Harvard Center for Middle Eastern Studies, Harvard Divinity School Center for the Study of Values in Public of North America, Theological Education to Meet the Environment Challenge, v.v…


Hội nghị khoáng đại, sau những cuộc họp chuyên đề nêu trên, được chuẩn bị vào những ngày 17 – 20 tháng 7 năm 1998, đã hoạch định và tuyên bố một Hiến chương Toàn cầu (Earth Charter) làm tiêu chuẩn cho công cuộc vận động bảo vệ môi trường và sinh thái trên thế giới. Tiếp theo là cử đại diện đến tổ chức Liên Hiệp Quốc thuyết trình vào những ngày 20 – 21 tháng 10 năm 1998 để được toàn thể các quốc gia trên thế giới hợp thức hóa cho Hiến chương Toàn cầu này.


Khủng hoảng môi sinh trên thế giới


Các quốc gia dân tộc trên thế giới đang chuẩn bị bước vào thế kỷ 21 trong một thời kỳ nhân loại đang đi tìm những mối tương quan mới hỗ trợ cho địa cầu, giữa những cuộc khủng hoảng môi trường đe dọa chính sự hiện hữu của mọi hình thái sống trên hành tinh này.


Trong khi những nguyên nhân và cách giải quyết đặc biệt đang được các nhà khoa học, kinh tế, luật gia, chính trị gia thảo luận, thì những sự kiện về sức tàn phá rộng lớn đang báo động trong nhiều khu vực và vấn đề được đặt ra: “Con người có phải là một chủng loại có thể tồn tại trên một hành tinh bị nguy cơ hủy diệt không?”


Trong khi chúng ta thảo luận các vấn đề trực diện với chúng ta trên thế giới, thì truyền thống Phật giáo phải được xem xét lại là điều tất nhiên. Ta cần xác nhận rằng đạo Phật là một trong các tôn giáo lớn nhất theo con số tín đồ.


Địa vị của Phật giáo ớ Á châu đã ổn định. Mãi cho đến thời kỳ cận đại, đó là tôn giáo duy nhất hay truyền thống xã hội duy nhất được tìm thấy trong khắp mọi lãnh vực văn hóa Á châu.


Ảnh hưởng của đạo Phật trên tính cách lịch sử và hiện trạng phát triển văn hóa và xã hội ở Á châu, do đó, rất vĩ đại.  Hơn nữa đạo Phật đưa ra một khuôn mẫu dành cho một kỷ nguyên của các lịch sử văn hóa quốc tế. Ta có thể nói rằng đạo Phật là tôn giáo đầu tiên của thế giới, vì đó là tôn giáo đầu tiên vượt lên các biên giới ngôn ngữ, mô hình gia tộc, cơ cấu chính trị, phạm vi văn hóa.


Trong thế kỷ vừa qua, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo “di động” và nhờ năng lực của các xã hội Á châu hiện đại thúc đẩy, nó đang tìm được nhiều trú xứ mới ở những nơi thật xa cách nhau như: Brazil, Australia, Đông-Tây âu, Mỹ quốc.


Vấn đề chính trước mắt chúng ta là liệu chúng ta có tìm thấy một cách giải quyết các vấn đề sinh thái trong đạo Phật không. 


Cuộc khủng hoảng môi trường thế giới đã thúc đẩy những người đảm trách tôn giáo  và quan tâm đến xã hội đi tìm các tài nguyên trong các truyền thống của họ để giải quyết  những nguyên nhân căn bản  của cuộc khủng hoảng này, và công nhận tiềm năng dồi dào của bình diện chung giữa Phật giáo và sinh thái. Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. 


Từ “ô nhiễm” được “Nhóm Hội thẩm về Ô nhiễm môi trường  thuộc Ủy ban Cố vấn về Khoa học của Tổng thống (Ấn Độ) định nghĩa trong bảng báo cáo “Phục hồi đặc tính của môi trường” như sau:  “Ô nhiễm môi trường là sự thay đổi bất lợi của môi trường, hoàn toàn hay một phần lớn được xem như phó phẩm của các hành động do con người gây ra qua các hậu quả trực tiếp hay gián tiếp trong các khuôn mẫu năng lượng, cấp bậc phóng xạ, sự cấu tạo hóa học hay vật lý và sức tăng trưởng phong phú của các sinh vật. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp trong các khuôn mẫu năng lượng, các cấp bậc phóng xạ, sự cấu tạo hóa học hay vật lý và sức tăng trưởng phong phú của các sinh vật. Những thay đổi này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến con người, hoặc qua sự cung cấp nước và các sản phẩm nông nghiệp hay sinh học khác, hoặc các tài sản vật chất hay các cơ hội giải trí, thích thú thiên nhiên.”


Giáo lý đức Phật liên quan đến  vấn đề môi sinh


Giáo lý của đức Phật về chân lý của Duyên khởi và Ngũ uẩn có đem lại giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay không?


Lý Duyên khởi: (Paticca Samuppàda): Chân lý Duyên khởi do đức Phật Gotama chứng ngộ nói rõ: “Do duyên vô minh (Avijjà), hành (Sankhàra), sinh khởi. Do duyên hành, thức (Vijjnàna) sinh khởi; danh sắc (nàma-rupà)… ; lục nhập, xứ (chabbithàna); Xúc (phassa)…; Thọ (Vedàna)…; Aùi (Tanhà)…; Thủ (Upadàna)…; Hữu (Bhava)…; Sanh-tử (Jàti-Marana)…; Sầu (Soka) trong đó Danh Sắc không bao giờ có thể tách rời nhau và cũng không bao giờ có thể tách rời khỏi mười một yếu tố kia của lý Duyên khởi. Cũng vậy, đối với Tam giới (Tibhava).


Do vậy Sắc bao gồm thân thể con người và thế giới vật chất. Hoạt động của Sắc có nghĩa là hoạt động của tinh thần con người và ngược lại. Điều này chứng tỏ rằng đời sống con người và môi trường có quan hệ hỗ tương.


Ngũ uẩn: (Panca-Khandhas):  Cũng vậy đối với hoạt động của ngũ uẩn. Đức Phật dạy: Này chư Tỷ-kheo, ta sẽ dạy chư vị năm uẩn và năm uẩn này có liên hệ với chấp thủ. Chư vị hãy lắng nghe. Và này chư Tỷ-kheo, năm uẩn đó là gì? Mọi sắc thân, dù quá khứ, hiện tại, vị lai, nội hay ngoại, thô hay tế, cao hay thấp, xa hay gần, đều được gọi là sắc uẩn. Mọi cảm thọ, tưởng (nhận thức) mọi hành, mọi thức, dù quá khứ, tương lai, hay hiện tại, nội hay ngoại.v.v… đó được gọi là “Thức uẩn”.  


Ở đây, cái được gọi là Sắc uẩn của thân người bao gồm thân thể và thế giới vật chất bên ngoài. Nói cách khác, môi trường là một thành phần thân thiết của thân thể vật chất từng người: Nếu thiên nhiên hay môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng thì thân thể vật chất hay đời sống sẽ lập tức bị hủy diệt. 


Ta có thể nói rằng khoa sinh thái học và hiểm họa ô nhiễm môi trường đang đưa ra cho nhân loại một hình ảnh rõ ràng không có giới hạn về thể chất của con người. Cơ thể con người không chỉ giới hạn vào mức độ của thân thể cá nhân, hoặc của đất nước mình hay bất cứ lục địa nào.


Đây là ý nghĩa thực sự của tính cách vô ngã của sắc thân con người. Cũng vậy đối với các uẩn kia. Làm sao Giáo lý Duyên khởi lại không có thể trở thành giải pháp cho cuộc khủng hoảng môi trường?


Như chúng ta có thể nghĩ và thấy con người sinh ra để được hạnh phúc, chứ không phải để chịu khổ đau. Vì thế khuôn mẫu chân chính về các hành động thiện phải được đặt nền tảng trên sự an lạc về tâm sinh lý và xã hội của loài người. Người ta cần phải lựa chọn giữa hai giá trị ấy.


Để làm được điều này, họ cần phải quan tâm đến các điểm trọng yếu sau:  Hầu hết mọi giá trị của nền văn hóa nhân loại hiện hành đều được đặt trên căn bản tư duy hữu ngã (vị kỷ) hay vô minh (Avijjà), vì vậy chúng phải được soi rọi dưới ánh sáng của lý Duyên khởi (hay tư duy vô ngã: Vijjà).


Nói cách khác, giáo lý Duyên khởi cần được phổ biến cáng rộng càng tốt cho quần chúng trong thế giới giáo dục và xã hội, để cho một dòng văn hóa mới về bảo vệ môi trường có thể được thành lập.  Giáo lý Duyên khởi nói rằng “một” hiện hữu trong “tất cả” và “tất cả” hiện hữu trong “một”.


Điều này có nghĩa là sự ô nhiễm hay rối loạn nơi này chính là sự ô nhiễm hay rối loạn ở các nơi khác trên thế giới. Điều này đòi hỏi mọi cá nhân, mọi tổ chức và mọi quốc gia có bổn phận và trách nhiệm bảo vệ môi trường đồng thời với sự tồn tại của nhân loại. 


Chân lý Duyên khởi cần được thêm vào khoa Sinh thái học như một lý thuyết căn bản và phải được xem là triết lý và đạo đức Điều quan trọng nhất là giúp mọi người hiểu biết và chế ngự tham ái hay dục vọng (tanhà) là nguyên nhân chính trong mọi nguyên nhân ô nhiễm môi trường.


Điều này có nghĩa là sự giải thoát khỏi ô nhiễm trong tinh thần con người đòi hỏi giáo dục môi trường cho mọi cá nhân và bổn phận cùng trách nhiệm của mọi cá nhân.


Nếu các dục vọng về cảm quan và giới tính cứ tăng mãi như hiện nay, nghĩa là tham, sân, si tăng mãi, thì không có phương cách gì bảo vệ môi trường được như chúng ta có thể thấy rõ từ giáo lý Duyên khởi: “Chỉ còn lại một điều là: suy tàn, khổ đau và hủy diệt dành cho mọi loài hữu tình trên thế giới”.


Kể từ Tuyên ngôn Stockholm do Hội nghị LHQ về Môi trường Nhân loại thành lập năm 1972, nhiều tiến bộ quan trọng đã được thực hiện để phát triển luật Quốc tế liên hệ đến môi trường và sự phát triển lâu dài.


Nhưng điều mà đạo đức toàn cầu đòi hỏi là những tài liệu về các “luật lệ khá mềm dẻo” trong lãnh vực  luật Quốc tế, đó là những đề án không có tính cách trói buộc về pháp lý mà chỉ là những căn bản biểu lộ các nguyện vọng và dự định cua các quốc gia liên hệ.


Vấn đề được nêu ra ở đây là: những nguyên tắc nào từ quan điểm Phật giáo tạo thành cốt lõi của nền đạo đức toàn cầu đang xuất hiện? Một số nhận xét và vấn đề liên hệ đạo đức toàn cầu và Phật giáo có thể giúp vào sự thúc đẩy một vài suy tư có kết quả về các vấn đề này.


Phật giáo nói về khủng hoảng sinh thái


Trong đạo Phật, Hòa thượng Thích Minh Châu giải thích: “Hại người/ vật vô tội cũng giống như ném bụi ngược gió với kết quả là ta phải chịu hậu quả của hành động mình”.


Đức Phật khi quán sát khắp thế giới, nói rõ rằng, mọi loài hữu tình đều xem bản thân họ là vật yêu quý nhất. Vậy nếu ai yêu bản thân mình, thì không nên làm hại bản thân người/ vật khác”. 


Đức Phật Gotama dạy: “Hành động của bạn phải phù hợp với tên bạn. Bạn không được làm hại ai cả”. “Người nào không làm hại ai về thân, khẩu, ý, người nào không làm hại bất cứ sinh vật nào, người ấy quả thật là người Bất hại”. 


Đức Phật tôn trọng sự sống, bất cứ sự sống nào, ngay cả sự sống của côn trùng hay cây cỏ. Ngài khuyên ta không giết hại, vì mọi loài hữu tình đều run sợ trước dao, gậy, đối với mọi loài, sự sống đều thân thiết. Giới đều tiên mà người tại gia đảm nhận là sự tôn trọng này đối với đời sống, tránh giết các loài sinh vật.


Cũng như một vị Bà-la-môn (tu sĩ thanh tịnh) xứng đáng với tên gọi, một người hiền trí phải là người thực hành sự tôn trọng này đối với đời sống, hoàn toàn trọn vẹn”.   


 Như vậy, đối với đạo Phật, nguyên tắc giúp đỡ chứ không làm hại được phổ biến bao trùm mọi mối tương quan giữa con người với mọi loài hữu tình, chứ không chỉ loài người mà thôi. Vấn đề là liệu nguyên tắc của Luật Vàng này có được xem là lý tưởng đạo đức căn bản nhất được mọi người chấp nhận chăng.


Nó đã được nêu lên trong “Báo cáo của Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển ( “Tương lai chung của chúng ta”) trong Phần Liên hệ đến “Các Nguyên tắc về Luật mới của Quốc tế được đề nghị” để đề phòng các tác hại môi trường xuyên biên giới.


Bản báo cáo ấy khuyến dụ rằng mọi quốc gia, trong mối tương quan với các quốc gia khác, phải chấp nhận nguyên tắc: “Không được làm cho các nước khác những gì bạn không muốn làm cho dân nước mình”.   Người ta thừa nhận rằng nguyên tắc căn bản nhất về sự bảo vệ môi trường hiện nay được công nhận rộng rãi để trở thành một biến thể của đề tài Bất hại (Ahimsa)


Đóng góp của Phật giáo về  bảo vệ môi sinh


Dự thảo Công ước Quốc tế về Môi trường và Phát triển do Hiệp hội Quốc tế để Bảo vệ Thiên nhiên và Tài nguyên thiên nhiên soạn xác nhận trong Phần các Nguyên tắc căn bản: “Việc bảo vệ môi trường được thực hiện tốt nhất bằng cách đề phòng các tác hại đối với môi trường hơn là cách cố gắng sửa chữa và đền bù các tác hại ấy” .  


Nguyên tắc này được xem là đặc biệt quan trọng trong những tình huống có nguy cơ tác hại môi trường không thể sửa chữa được nữa, nếu một chủng loại nào đó bị đe dọa tiêu diệt.


Chúng ta tin rằng đạo Phật với những truyền thống đạo đức ấy đang ở trong vị trí duy nhất yêu cầu cộng đồng quốc tế phải có một dự định rõ ràng để cộng tác trong sự bảo vệ muôn loài sinh vật khỏi sự đối xử tàn ác của loài người và phải chịu những khổ đau vô ích.


Tứ Thánh Đế (Bốn Sự Thật Cao thượng) tập trung sự chú ý vào khổ đau là vấn đề căn bản mà mọi loài sinh vật đều muốn tìm cách thoát ra, và Đạo đức Phật giáo xem lòng Từ bi (thương xót) trước nỗi khổ đau của muôn loài, là đức tính tối thượng.


Đạo đức thế giới sa sút như đã được diễn tả trong Luật Quốc tế nói rõ các nguyên nhân khác nhau của nỗi khổ nhân loại (nghèo đói, bất công, ngu dốt, chiến tranh, suy thoái môi trường…), tuy thế Luật Quốc tế hiện hành không xác nhận nỗi khổ đau của các loài sinh vật khác con người là vấn đề đạo đức.


Luật ấy có quan tâm đến các chủng loại và sự bảo vệ đa dạng của sinh vật, nhưng nó lại không quan tâm đến các sinh vật riêng biệt không phải con người, ngoại trừ trường hợp chúng là đại diện của một loài có nguy cơ tuyệt chủng.


Luật Quốc tế có giúp vào việc giảm bớt nỗi khổ đau của các loài vật khác loài người bằng cách kêu gọi sự bảo vệ các hệ sinh thái, nhưng sự quan tâm ấy đi kèm với sự lành mạnh của hệ sinh thái và sự toàn vẹn của các cộng đồng sinh vật phù hợp với đạo đức về địa cầu của Aldo Leopold, chứ không phải với sự khổ đau của các loài sinh vật riêng biệt. 


Luật quốc gia trong nhiều nước cũng đã nói đến vấn đề tàn ác và lạm dụng các sinh vật. Nên chăng Luật Quốc tế liên kết mối quan tâm của các nhà môi trường về các hệ sinh thái và các chủng loại với tình thương xót (từ bi) đối với muôn loài hữu tình?


Kết luận


Theo quan điểm đạo Phật, sự khổ đau của các loài sinh vật không phải loài người do con người tạo ra phải được xác định là một vấn đề đạo đức. Một nguyên tắc như vậy đã được chấp nhận trong Hội Liên hiệp Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên và Tài nguyên Thiên nhiên (IUCN).


Tôn chỉ về việc cư xử đối với các sinh vật khác loài người được nêu ra ở mục “Quan tâm đến quả đất” (Gland Switzerland, 1991) xác nhận: “Con người phải đối xử nhẹ nhàng đối với mọi loài vật và bảo vệ chúng khỏi sự tàn ác, khổ đau có thể tránh được và giết hại không cần thiết.