Ở một mức độ nhất định tư tưởng lý luận của Phật giáo truyền thống lấy Phật làm căn bản, giáo lý Phật giáo ân cần hướng dẫn con người không ngoài mục đích là muốn con người rõ được hết thảy các pháp (trong đó bao gồm con người) thế gian cho đến xuất đều là sự thể hiện của Phật, Phật tánh, điều mà con người cần làm đó là nương theo lời Phật dạy tinh tấn tu hành tiến đến thấy rõ Phật tánh, thành Bồ-tát và làm Phật. Điểm này thể hiện rõ nhất ở Phật giáo Đại thừa.
Phật giáo Đại thừa lấy việc thành Bồ-tát làm Phật là mục đích sau cùng, nhân đó mà lý luận Phật tánh trước sau đều là nội dung cốt lõi của Phật giáo đại thừa. Lý luận Phật tánh được đề cập, nói đơn giản hơn, chính là tư tưởng, học thuyết hay lý luận có liên quan đến vấn đề Phật tánh, các đối tượng nghiên cứu như thế nào là Phật? Bản thể của Phật là gì? Chúng sanh có Phật tánh hay không? Có thể làm Phật được không? Nếu làm Phật được thì lấy gì để căn cứ? Rồi, nên tu hành làm sao mới có thể làm Phật? v.v….. Như ở trước chúng ta đã chỉ ra, do Phật giáo Đại thừa đem bản thể hóa Phật tánh xem đó là bản thể của hết thảy chúng sanh cho đến các pháp, điều đó khiến cho học thuyết Phật giáo truyền thống càng chú trọng ở bản thể trừu tượng, lấy đó làm điểm xuất phát và mục tiêu hướng về của toàn bộ Phật học, mà làm một chúng sanh hư ảo tạm thời đối với bản thể trừu tượng này thì thật quá dững dưng. Trên mảnh đất vốn xưa nay luôn xem trọng vào đời sống hiện thực của con người thì khuynh hướng tư tưởng này của truyền thống Phật giáo đại thừa mới khởi đầu đã gặp phải phiền toái, loại phiền toái này trước hết biểu hiện ở sự mâu thuẩn và xung đột giữa học thuyết Phật giáo và triết học luân lý cổ đại của Trung Quốc.
Phật giáo truyền thống xem đời người thành một giả tướng, ảo ảnh chỉ trong nháy mắt đã mất đi, thì tự nhiên không mấy xem trọng giá trị của hiện thực nhân sanh, chẳng màng đến quan hệ nhân luân hiện thực, ngược lại, học thuyết Nho gia Trung Quốc thời xưa, luôn luôn lấy con người làm điểm chú ý, lấy con người làm cốt lỏi của toàn bộ học thuyết. Sự xem trọng hiện thực nhân sanh, chú trọng sự việc của người trong đời sống hiện thực, cần mẫn không mỏi mệt đối với việc tìm tòi bản thể của con người, mối tương giao giữa người và người của Nho gia, khiến cho trên một mức độ nhất định Nho học truyền thống được xem là "nhân học", được xem như là một giá trị hiện thực chú trọng con người, triết học luân lý nghiên cứu bản thể người và mối tương quan giữa người với người. Loại triết học này ảnh hưởng rộng rãi, lớn mạnh và ăn vào góc rễ đối với một xã hội cổ đại Trung Quốc, khiến cho các hình thái ý thức trong nền lích sử Trung Quốc đều đã ý thức hay không ý thức hướng đến gần gủi con người, gần gủi hiện thực. Cho dù một hình thái ý thức nào chăng nữa nếu như có ý đồ không nhìn nhận nhân luân, xa rời hiện thực thì sự tồn tại và phát triển của nó sẽ chịu một sự ảnh hưởng nhất định. Chính vì thế mà Phật giáo trong một thời gian dài trong lịch sử truyền vào Trung Quốc, đã phải đi qua một đoạn đường hết sức gian nan.
Phật giáo trong thời kì đầu truyền vào Trung Quốc, đặc biệt là một vài tông phái Phật giáo và học thuyết trung thực với Phật giáo chính thống, tuy là nhờ vào sự hoằng dương lớn lao của các tăng nhân đến từ Ấn Độ và sự cật lực hộ trì của một số hoàng đế, quý tộc cho đến nhờ Phật giáo vốn đủ lý luận tư biện khá vững vàng đã một thời đi mưa về gió, thế nhưng, trước thời Tùy Đường Phật giáo vẫn chưa thể có được một trào lưu tư tưởng độc lập trong xã hội, sự truyền bố của Phật giáo thường chỉ xuất hiện như là phần phụ thuộc của văn hóa Trung Thổ nào đó mà thôi, cũng giống như thời Hán Ngụy chạy theo phương thuật Hoàng Lão đạo và thần tiên, thời Ngụy Tấn chạy theo Huyền học, Nam Bắc triều chạy theo "thuyết linh hồn bất diêt" v.v… Nhưng đến hai đời Tùy, Đường, Phật giáo Trung Quốc đã có sự phát triển lớn, Phật giáo lúc này không giống như Phật giáo của trước đây cần phải nhờ vào "cây gậy" của văn hóa bản địa, mà đã phát triển thành một tư trào xã hội độc lập cùng với hai tôn giáo Nho, Đạo làm thành cái kiềng ba chân. Thế nên đã xuất hiện một cục diện, không ngoài có khả năng là hai vấn đề: Thứ nhất là người Trung Quốc thích ứng với đạo Phật, thứ hai, Phật giáo thích ứng với nhân tình Trung Quốc. Từ quan điểm của lịch sử để nhìn thì điểm thứ hai càng có khả năng thích hợp với quy luật phát triển của hình thái ý thức xã hội. Tình huống thực tế vẫn như vậy, Phật giáo lúc bấy giờ, tuy bên ngoài không dựa vào bất cứ một loại hình văn hóa bản địa nào của Trung Quốc, nhưng trên thực tế tự thân Phật giáo cũng đã tự thân đang từ từ Trung Quốc hóa… Phật giáo Tùy Đường thông qua sự dung hòa, hấp thụ các tư tưởng có liên quan triết học truyền thống Trung Quốc mà đã khiến tự bản thân Phật giáo đã có nhiều đặc sắc của Trung Quốc, càng thích hợp nhân tình, nhân đó mà càng được người dân Trung Quốc thời ấy tiếp nhận.
Thế thì, Trung Quốc hóa Phật giáo thời Tùy Đường chủ yếu biểu hiện ở phương diện nào? Nếu chỉ cần một lời có thể sáng tỏ thì đó là tập trung thể hiện ở Nho học hóa Phật giáo, hay nói thêm một bước là tập trung thể hiện ở tâm tánh hóa, nhân tánh hóa của học thuyết Phật giáo. Đối với điều này, những sự thực của lịch sử Phật giáo Trung Quốc đã cho chúng ta một sự chứng minh đầy sức thuyết phục. Nếu nói bản thể mà Phật giáo ở thời kì trước Tùy Đường đã chú trọng cho đến thuật ngữ được dùng đến, mang đầy sắc thái Phật giáo, như gọi là Thực tướng, Chân như, Phật tánh, Pháp giới v.v… Vậy thì từ sau thòi Tùy Đường do chịu ảnh hưởng của triết học luân lý truyền thống Trung Quốc bản thể này đã được từ từ chuyển sang phương diện tâm tánh, nhân tánh, từng bước tâm tánh hóa, nhân tánh hóa.
Từ sau cuộc thống nhất tông phái Phật giáo lần thứ nhất vào thời Tùy Đường, không ngại bắt đầu nói từ tông phái Thiên Thai. Tuy trên bề mặt tổng thể mà nói, học thuyết của Thiên Thai tông vẫn còn mang đậm sắc thái cường điệu bản thể trừu tượng của Phật giáo truyền thống, nhưng đi sâu vào học thuyết cụ thể thì, người ta có thể thấy được rằng rất nhiều lý luận của Thiên Thai tông đã có khuynh hướng chú trọng vào "tâm tánh". Ví dụ như, trong các trước tác của người Thiên Thai tông tuy họ cũng thường dùng thực tướng trung đạo để nói Phật tánh, nhưng đã dần dần xuất hiện khuynh hướng đem thực tướng các pháp qui về nhất tâm (một tâm). Như Huệ Tư đã dùng "giác tâm" để giải thích Phật tánh cho rằng: "Phật gọi là giác, tánh gọi là tâm" ("Đại thừa chỉ quán pháp môn" quyển hai), Trí Nghĩ càng lộ liễu hơn đã đem "tâm" làm chỗ quy về của chư pháp, cho rằng: "Tâm là góc của các pháp, tâm là tổng thể vậy" ("Pháp hoa huyền nghĩa" phần thượng, quyển thứ nhất) đồng thời lấy "quán tâm nhất nguyên", "phản quán tâm tánh" làm phương pháp căn bản nhất để tu hành thành Phật; Đệ tử của Trí Nghĩ là Quán Đãnh cũng nói: "Quán tâm nhất niệm, tức là Như Lai bảo tàng của trung đạo, tri kiến của Phật thường lạc ngã tịnh" ("Quán tâm luận sớ" quyển ba). Có thể thấy, học thuyết Phật tánh của Thiên Thai tông đã xuất hiện khuynh hướng chú trọng duy tâm.
Sánh với Thiên Thai tông, lý luận Phật tánh của Hoa Nghiêm tông càng đậm sắc thái duy tâm hơn. Vốn dĩ, Hoa Nghiêm tông là lấy Kinh Hoa Nghiêm làm bổn tông. Một trong những tư tưởng cơ bản nhất của Kinh Hoa Nghiêm là trên quan điểm truyền thống "Pháp tánh vốn thanh tịnh" tiến đến nói rõ các pháp cho đến chúng sanh, chư Phật là bình đẳng tương tức, viên dung vô ngại. Thế nhưng, khi người của Hoa Nghiêm tông lấy các lý luận "Thập huyền vô ngại", "Lục tướng viên dung", "Lý sự vô ngại" để giải thích Pháp giới duyên khởi liền chú trọng ở việc đem "các duy tâm hiện cố" (các pháp do tâm biến hiện) để giải thích sự tương nhập tương tức của vạn sự vạn vật cho đến chúng sanh, chư Phật, chỉ ra"Tất cả các pháp đều do tâm hiện, tự thể không khác, nên tùy tâm hồi chuyển, liền được vô ngại" ("Hoa Nghiêm kinh chỉ quy")Họ cho rằng, hết thảy vạn pháp cho đến chư Phật "Đều ở trong tâm của chúng sanh, lìa chúng sanh không có công đức nào khác của Phật" ("Hoa Nghiêm kinh tham huyền kí"quyển một) "Tâm tâm làm Phật, chẳng một tâm nào khác Phật tâm (như trên), lìa ngoài tâm Phật không có chúng sanh,… Cho nên hết thảy chúng sanh đều ở trong Phật trí" ("Đáp thuận tông tông tâm yếu pháp môn"). Tóm lại, tâm phật và chúng sanh là bình đẳng nhất thể, tương tức dung thông. Từ tư tưởng này xuất phát, Hoa Nghiêm tông xem trọng sự việc từ sự mê ngộ của tâm để nói sự dị đồng của Phật và chúng sanh, chỉ ra rằng "Do mê ngộ không giống nhau mà có chúng sanh và Phật" ("Đại Hoa Nghiêm kinh lược sách")
Ở đây cần nêu ra một vấn đề, tức là trong kinh luận Phật giáo Ấn Độ cũng có các cách nói "Tâm Phật và chúng sanh là ba thứ không có sự sai biệt", "tam giới không có pháp sai biệt, chỉ do một cái tâm tạo nên", tại sao chúng tôi đem các khuynh hướng duy tâm của Thiên Thai tông và Hoa Nghiêm tông quy kết vào những khuynh hướng chịu sự ảnh hưởng của triết học luân lý truyền thống Trung Quốc? Mấu chốt ở đây, chính là làm sao để nhìn nhận nội hàm của chử "Tâm" mà hai bên đề xướng. Nói thẳng ra là, do Phật giáo Trung Quốc có nguồn góc từ Ấn Độ, nội dung tư tưởng cho đến ngôn ngữ được sử dụng trong các trước tác, phần lớn đều theo Phật giáo Ấn Độ. Nhưng khi đã là Phật giáo Trung Quốc nó đã được thông qua phương pháp tư duy tập quán tâm lý của tăng nhân Trung Quốc để lý giải và đón nhận nó, điều này khiến cho cùng một dụng ngữ lại thường có nội hàm ý nghĩa khác nhau. Luận lý duy tâm của hai tông phái Thiên Thai, Hoa Nghiêm cũng có những đặc điểm này. Tuy chữ "tâm" mà Hoa Nghiêm và Thiên Thai đề cập có ý tương đồng với "chân tâm", "thanh tịnh tâm", của bản thể trừu tượng trong Phật giáo truyền thống, nhưng cũng không thể phủ nhận trên một mức độ nhất định đã mang sắc thái của văn hóa truyền thống Trung Quốc, đặc biệt là đặc điểm "tâm tánh" của triết học luân lý Nho gia mang tính chủ lưu của văn hóa truyền thống Trung Quốc. Như "tự giác", "chúng sanh tâm", "nhất niệm tâm" mà Thiên Thai tông nói, tuy là bao hàm các yếu tố "thực tướng", "chân tâm" – làm bản thể của các pháp, nhưng trên mức độ nhất định thì tương đồng với "tâm tánh" của Nho gia; cho đến Hoa Nghiêm tông thường lập riêng "tâm" ngoài "sự", "bổn", "mạt", đồng thời thường dùng "các duy tâm hiện", "tùy tâm hồi chuyển" để nói sự dung thông vô ngại, tương tức tương ấn của các pháp, chữ "tâm", và "pháp tánh", "chân tâm" đều có sự sai khác. Cũng là nói chữ "tâm" mà Hoa Nghiêm nói vừa có ý chỉ "chân tâm" vừa có hàm ý "cụ thể tâm". Tuy về sau Pháp Tạng đã biết đổi " tùy tâm hồi chuyển thiện thành môn" trong "Thập huyền môn" thành "chủ bạn viên minh cụ đức môn", dụng ý ở đây có thể là để tránh sự mâu thuẩn trên mặt lý luận do khuynh hướng duy tâm tạo thành, nhưng cũng ngay đó ngược lại đã nói rõ trong tư tưởng Pháp Tạng, khuynh hướng duy tâm đã đạt đến một mức độ cao.
Khuynh hướng duy tâm theo cách của Trừng Quán lại tiến xa hơn một bước, thậm chí Pháp Tạng còn dùng "linh tri chi tâm" để giải thích "bản giác", điều này khiến cho chữ tâm càng có tính chất "tâm tánh" mà Nho gia đề xướng.
Nếu như nói hai tông phái Thiên Thai và Hoa Nghiêm cụ thể hóa "tâm" chủ yếu biểu hiện như là một khuynh hướng, thế thì đến bài kệ của Thiền tông "tức tâm tức Phật", đem hết thảy quy hết về tự tâm, tự tánh, Nho gia hóa, cụ thể hóa chữ tâm thế là đã phát triển tới một giai đoạn mới, cũng là nói hai tính chất của chữ "tâm" trong Hoa Nghiêm và Thiên Thai tông chủ yếu biểu hiện ở nội hàm cơ bản của "chân tâm", và sự hòa trộn ở khuynh hướng tánh của tâm cụ thể, mà trong học thuyết Phật tánh của Thiền tông, chữ "tâm" tuy có lúc được sử dụng như là "chân tâm" bản thể, nhưng từ nội hàm cơ bản của tâm để nói thì càng rất gần gủi với "tâm tánh" mà Nho gia đề xướng, điểm này chúng ta có thể từ một vài trước tác của Thiền tông có thể có được lời giải thích.
Ai đọc qua "Đàn kinh" cũng đều có một cảm giác,"Đàn kinh" không sâu xa khó hiểu giống như các kinh điển Phật giáo truyền thống; mà với những người nghiên cứu triết học cổ đại Trung Quốc thì càng thấy rằng rất nhiều tư tưởng và thuật ngữ trong Đàn Kinh "có vẻ như rất quen thuộc", như các cách nói trong Đàn Kinh "Bất thiện chi tâm", "hữu sai đẳng chi tâm", "đố kị tâm", "siểm khúc tâm", "cuồng vọng tâm", "mạn tha tâm", "tà kiến tâm", "cống cao tâm"… rất khó lý giải bằng thuyết "chân như" bản thể trừu tượng của Phật giáo truyền thống, mà trên mức độ nào đó đối với những hiện thực của con người có thiện có ác của triết học truyền thống Trung Quốc thì không có gì xa lạ. Đương nhiên, do vấn đề "tâm" trong Phật giáo truyền thống được nói rất nhiều mà chữ "tâm" của Phật giáo truyền thống với chữ "tâm" của triết học truyền thống Trung Quốc đề xướng không hoàn toàn khác biệt rõ ràng, chỉ cần nhìn là nhận ra ngay như vậy, do đó, không kể là trong giới Phật giáo hay trong giới học thuật đều thường thấy đem cả hai làm thành một để bàn luận, điều này tạo nên một sự khó khăn cho việc nhận thức mối tương quan, đặc biệt là vấn đề ảnh hưởng qua lại của Phật giáo và triết học truyền thống từ góc độ "tâm tánh". Nhưng trong Phật giáo đã được Trung Quốc hóa, vấn đền "tâm tánh" là một vấn đề rất quan trọng, chẳng hạn như, người ta thường nói "Lục tổ cách mạng" (Cuộc cách mạng của Lục Tổ) là cuộc cải cách mang tính căn bản của Ngài Huệ Năng đối với Phật giáo truyền thống, mang Phật giáo Ấn Độ biến thành Phật giáo Trung Quốc hóa hoàn toàn, nhưng nếu có ai hỏi thêm: Căn bản "cách mạng" nhất của "Lục tổ cách mạng" là gì? Người viết cho rằng căn bản "cách mạng" nhất của "Lục tổ cách mạng" là đem "tâm" bản thể trừu tượng của Phật giáo truyền thống biến thành "nhân tâm" càng hiện thực và cụ thể hơn, biến thành một kiểu "tâm tánh" đã được Nho gia hóa. Trên thực tế, chính sự biến đổi này đã đưa đến một loạt biến hóa trọng đại trong tư tưởng thiền tông, trong đó nỗi bật nhất là đem một tôn giáo ngoại tại biến thành một tôn giáo nội tại, đem đối tượng sùng bái là Phật trong Phật giáo truyền thống biến thành sùng bái "tâm", nói ngắn gọn hơn, là đem Phật giáo của Phật Thích Ca Mâu Ni biến thành "tôn giáo Tâm" của Huệ Năng. Ở đây người ta đã thấy được cái lớn lao và sâu sắc của sự ảnh hưởng "tâm tánh" triết học truyền thống Trung Quốc đối với tư tưởng Phật giáo.
Ngoài "tâm tánh" ra, một phương diện ảnh hưởng quan trọng khác của triết học truyền thống Trung Quốc đối với Phật giáo đó là học thuyết "nhân tánh". Do vấn đề "nhân tánh" không được đề cập nhiều trong Phật giáo truyền thống, cho nên sự ảnh hưởng ở phương diện này có thể nhìn là thấy được. Điều này cũng lấy Huệ Năng và "Đàn Kinh" làm ví dụ. "Nhân tánh" mà "Đàn Kinh" nói đến nhan nhãn đều là, "nhân tánh bản tịnh", "thế nhân tánh tự bản tịnh", "Vạn pháp tại chư nhân tánh trung" v.v…, những điều này trong kinh điển truyền thống không thấy nhiều mà trong triết học truyền thống Trung Quốc thì đều là thuật ngữ và tư tưởng, nên mới xuất hiện trong "Đàn Kinh" là bộ kinh của Thiền tông, vấn đề này với bản thân Huệ Năng cùng với không khí lịch sử văn hóa của xã hội đương thời không phải không có liên quan. Ngài Huệ Năng, chữ không biết bao nhiêu, trình độ văn hóa khá thấp, muốn ngài từ trong kinh điển Ấn Độ hấp thụ ít nhiều lý luận uyên áo đặc biệt là sâu hơn một bước là phương thức tư duy của Phật giáo truyền thống thì thật là khó, mà quê quán của ngài lại là nơi ùn ùn khí chất văn hóa truyền thống Trung Quốc lấy Nho gia làm chủ lưu, do vậy, dù là phương thức tư duy hay là thuật ngữ, Huệ Năng có đủ vẫn là truyền thống văn hóa Trung Quốc, mà không phải và cũng không thể là truyền thống Phật giáo Ấn Độ, điều này có thể là một trong những nguyên nhân quan trọng tạo thành vấn đề lớn "nhân tánh" trong "Đàn Kinh" đề cập. Từ ý nghĩa đó mà nói, thì nhân tánh hóa của thiền tông là kết quả của quá trình ảnh hưởng triết học truyền thống Trung Quốc là không còn nghi ngờ gì nữa
Trong lịch sử phát triển Phật giáo tại Trung Quốc, nhân tánh hóa tâm tánh hóa của Phật giáo cho đến sự hưng thịnh của Thiền tông đều là một hiện thực khách quan của lịch sử; một hiện thực lịch sử khách quan khác đó là sau thời Tùy Đường các tông phái khác của Phật giáo lần lượt thu nhỏ mà Thiền tông thì lại một mình nổi bật, rộng rãi đến đi trong thiên hạ, cơ hồ đã thành một đại danh từ của Phật giáo Trung Quốc. Hai hiện thực lịch sử quấn với nhau, người ta không khó để thấy rằng tâm tánh hóa, nhân tánh hóa của Phật giáo Trung Quốc đối với sự truyền bá và phát triển của Phật giáo tại Trung Quốc đã có một ý nghĩa to lớn như thế nào!
Cũng giống như sức tác dụng và phản tác dụng của vật lý học cùng hai mặt của một vấn đề, sự ảnh hưởng qua lại của Phật giáo và nền triết học truyền thống Trung Quốc xưa nay luôn quấn quýt với nhau. Nếu nói sự ảnh hưởng trên phương diện tư duy bản thể luận của Phật giáo đối với triết học truyền thống Trung Quốc có thể lấy học thuyết Phật giáo thời Đường được tâm tánh hóa làm trung gian, thì, viêc đem tam tánh hoa, nhân tánh hóa của học thuyết Phật giáo Trung Quốc làm cơ sở thiết lập choTân Nho học Tống Minh về sau của triết học truyền thống Trung Quốc. Trên mặt lịch sử Tân Nho học Tống Minh còn gọi là "Tâm tánh nghĩa lý học", chữ "tâm tánh" ở đây trên thực tế là tâm tánh hóa bản thể Phật giáo, cũng là bản thể hóa tâm tánh của triết học truyền thống Trung Quốc, là một kiểu tôn giáo, triết học luân lý hình thành từ sự dung hợp giữa lối tư duy bản thể Phật giáo và nội dung tư tưởng tâm tánh luận của triết học truyền thống Trung Quốc, từ điểm này mà nói, thì việc làm rõ sự ảnh hưởng và mối quan hệ qua lại giữa Phật giáo và triết học truyền thống Trung Quốc chính là vấn đề chính để nghiên cứu, hiểu rõ và nắm vững những sở tại quan trọng của lý học Tống Minh ./.
Thích Đồng Thọ (chuyển ngữ)
(Theo tuvienhuequang.net)